Học được gì từ mô hình hợp tác xã kiểu Moshav

Bài viết này chỉ ra những điều kiện cần thiết để duy trì sự tồn tại và thành công của Moshav, một mô hình hợp tác xã trong nông nghiệp ở Israel.


Moshav là gì?

Moshav là một dạng tổ chức hợp tác xã phức tạp của Israel, bao gồm năm thành tố.

Thứ nhất, đây là một tập thể hợp tác toàn diện trên mười lăm phương diện: tín dụng và tiết kiệm, kế toán, hưu trí, bảo hiểm, cung cấp nguyên liệu đầu vào, sản xuất, tưới tiêu, tích trữ hàng, xử lý sản phẩm, tiếp thị, tiêu thụ, xây dựng, nhà ở, vận tải, và các dịch vụ kỹ thuật.
Thứ hai, mỗi Moshav gắn liền với một làng mạc nào đó và mọi dân làng đều là thành viên. Vì vậy, danh tính của Moshav cũng chính là danh tính của một làng cùng toàn thể cộng đồng cư dân.

Thứ ba, Moshav cung cấp toàn diện những dịch vụ cần thiết cho cộng đồng, gồm giáo dục, tôn giáo, văn hóa, hoạt động xã hội, phong trào thanh thiếu niên, thể thao, y tế, công viên, xử lý rác thải, ánh sáng công cộng, đường sá, và các tiện ích cho người cao tuổi. Trưởng làng là người chịu trách nhiệm trong cung cấp các dịch vụ cộng đồng này cũng đồng thời là chủ nhiệm hợp tác xã.

Thứ tư, các thành viên trong cộng đồng đều phải tự nguyện sống trong Moshav và tham gia các hoạt động của nó. Tuy nhiên, mỗi cá nhân tự lựa chọn cách thức làm việc của mình trong mọi khía cạnh công việc: làm những gì họ thấy là hợp lý và phù hợp nhất cho khả năng của mình.  

Thứ năm, các thành viên trong Moshav chia sẻ trách nhiệm và hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt là khi có khó khăn. Sự chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên cho phép vận hành một cơ chế tín dụng hợp tác, trong đó các thành viên cùng tham gia vay các khoản tín dụng và cùng chia sẻ nghĩa vụ thanh toán.

Tam giác sản xuất đóng vai trò quyết định


Tam giác sản xuất

Mọi hệ thống kinh doanh sản xuất nông nghiệp trên thế giới đều có nền tảng là một tam giác sản xuất. Người nông dân chỉ có thể sản xuất khi có các nguyên vật liệu, và muốn có chúng thì đầu tiên anh ta phải vay được một khoản tín dụng phù hợp. Sau khi sản xuất anh ta tiếp thị ra thị trường, và dùng doanh thu để thanh toán khoản vay. Như vậy, tam giác sản xuất ở đây gồm ba cạnh cơ bản, vay tín dụng, mua nguyên vật liệu, và tiếp thị sản phẩm. Công đoạn sản xuất nằm ở trung tâm của tam giác.

Thiếu đi một cạnh nào đó thì tam giác sản xuất không thể khép kín, và việc kinh doanh sản xuất sẽ không hiệu quả. Tình trạng chung của các hợp tác xã nông nghiệp trên thế giới là người nông dân hành xử riêng lẻ, và như vậy tam giác sản xuất không thể khép kín. Khi đi vay thương mại một cách riêng lẻ, người nông dân phải chịu lãi suất cao; khi mua nguyên vật liệu một cách riêng lẻ họ phải trả giá đắt; còn khi bán sản phẩm một cách riêng lẻ, họ lại bị ép giá thấp.

Ở một số quốc gia, Nhà nước đóng vai trò tổ chức quyết định trên cả ba cạnh của tam giác sản xuất. Tuy nhiên, cách tổ chức này thường rất kém hiệu quả, và người chịu thiệt thòi không ai khác lại chính là nông dân.

Quy trình các bước phát triển hợp tác theo mô hình Moshav

Moshav (מוֹשָׁב) một loại thị trấn hoặc khu định cư của người Do Thái, cụ thể là một loại hợp tác xã nông nghiệp, xuất hiện từ làn sóng nhập cư thứ hai ở Israel hồi đầu thế kỷ 20. 
Các moshav cũng giống kibbutz, một hình thức hợp tác xã khác ở Israel, ở khía cạnh chú trọng lao động theo hình thức cộng đồng. Nhưng khác với kibbutz, các thửa ruộng trong moshav được sở hữu riêng bởi từng cá nhân, với diện tích cố định và bằng nhau. Nông dân sản xuất lương thực và thực phẩm trên ruộng của mình theo hình thức lao động cá nhân hoặc tập thể, và dùng lợi nhuận cùng nông sản để tự cung cấp cho mình.
Các Moshav được điều hành bởi những cộng đồng được cư dân bầu lên. Các dịch vụ hỗ trợ cộng đồng dùng một nguồn thuế đặc biệt. Loại thuế này thu bình đẳng trên mỗi hộ gia đình, tạo ra một hệ thống sản xuất trong đó người nông dân giỏi sẽ được lợi hơn người kém, không như trong các kibbutz nơi (ít nhất là trên lý thuyết) mọi thành viên hưởng chất lượng đời sống như nhau. Nhiều moshav vẫn tiếp tục tồn tại tới nay.
(Wikipedia)

Trong một hệ thống phát triển kinh doanh nông nghiệp, các bước phát triển có tính kế thừa nhau. Bước sau không thể triển khai thành công nếu chưa có bước trước nó.
Bước thứ nhất luôn là xây dựng kỹ năng sản xuất đủ để đảm bảo rằng người nông dân thu sản phẩm giúp cải thiện thu nhập hiện tại. Để làm được như vậy, người nông dân cần được hỗ trợ hướng dẫn ba yếu tố:

i) Những ứng dụng từ kỹ năng quản lý nông nghiệp, và một kế hoạch canh tác phù hợp. 
ii) Những hỗ trợ đa dạng từ các chuyên gia; và
iii) Một hệ thống hướng dẫn để tổ chức được những hợp tác xã phù hợp. 

Bước thứ hai bao gồm ba yếu tố cấu thành tam giác sản xuất. Cả ba yếu tố này đều chỉ có thể triển khai trên cơ sở đã hoàn tất bước thứ nhất, đó là xây dựng kỹ năng sản xuất. Đồng thời, như đã nêu, ba yêu tố cấu thành tam giác sản xuất có sự lệ thuộc chặt chẽ lẫn nhau.

Bước thứ ba trực tiếp kế thừa từ bước thứ nhất, nhưng không thể tồn tại nếu thiếu bước thứ hai. Bước thứ ba bao gồm hợp tác phát triển hệ thống tưới tiêu, kho chứa, và chế xuất nông phẩm. Mô hình hợp tác trong tưới tiêu là hình thức hợp tác phổ biến nhất trong các cộng đồng nông nghiệp truyền thống.

Bước thứ tư là hợp tác tổ chức tích trữ và vận tải hàng, liên quan trực tiếp tới công tác tổ chức cung ứng hàng ở bước hai.

Bước thứ năm là tổ chức các dịch vụ kỹ thuật liên quan đến vận chuyển hàng hóa. Cũng trong bước thứ năm, người nông dân phải hợp tác để tính toán các hoạt động kế toán, tiết kiệm, và bảo hiểm, liên quan mật thiết tới hoạt động tín dụng trong bước thứ hai.

Bước thứ sáu là xây dựng phát triển cộng đồng dân cư.

Không nhất thiết áp dụng 100% …

Kinh nghiệm từ việc tổ chức các Moshav ở Israel có thể là những bài học hữu ích cho việc tổ chức các làng truyền thống ở những nước Thế giới thứ ba. Tuy nhiên, mỗi Moshav là một tổ chức khá phức tạp, chỉ phù hợp cho những cộng đồng cư dân đã nhất trí và sẵn sàng chung sống theo một hình thức đặc biệt, chấp nhận những nguyên tắc mà sự chung sống ấy đòi hỏi.
Vì vậy, người ta cũng có thể xây dựng các mô hình hợp tác đơn giản hơn. Ví dụ, có thể xây dựng một mô hình hợp tác xã chỉ bao gồm từ bước thứ nhất tới bước thứ tư, trong đó bước thứ hai có thể bỏ qua chức năng hợp tác trong tín dụng và thu mua nguyên vật liệu. Hoặc là tổ chức mô hình hợp tác xã chỉ bao gồm bước thứ nhất và bước thứ ba.

Những công đoạn bị bỏ qua có thể do Nhà nước đứng ra tổ chức, ví dụ như việc cung cấp tín dụng được thông qua một ngân hàng phát triển hợp tác xã, hoặc tổ chức tiếp cận và cung ứng ra thị trường qua một hệ thống phát triển nông thôn thường tồn tại ở các Bộ Nông nghiệp. Những cách thức này có thể tồn tại thành công, miễn là chúng thỏa mãn được nhu cầu của nông dân.

Tóm lại, nguyên tắc cơ bản ở đây là một hợp tác xã chỉ có thể thành công nếu các thành viên cần dịch vụ của nó. Nếu các dịch vụ này có thể được cung cấp theo cách khác, và thỏa mãn được nhu cầu của nông dân, thì mô hình hợp tác xã là không cần thiết.

… nhưng phải tôn trọng quy trình các bước

Tuy nhiên, mọi hình thức tổ chức hợp tác xã trên cơ sở điều chỉnh từ mô hình Moshav vẫn phải tôn trọng thứ tự triển khai các bước như đã nêu, và tốc độ triển khai từng bước phải thật phù hợp.

Trên thế giới, nhiều tổ chức đã thử giới thiệu phân bón cho nông dân sử dụng, nhưng không đem lại kết quả như mong muốn. Do kỹ năng sản xuất còn yếu nên nông dân không thể tăng được sản lượng và qua đó không kiếm ra tiền thanh toán chi phí mua phân bón.  

Một ví dụ khác: ở nhiều nước đang phát triển, các ngân hàng của Nhà nước cung cấp tín dụng sản xuất cho nông dân với những điều khoản ưu đãi. Sau khi tín dụng được bơm vào, sản xuất tăng lên, nhưng không ai cung cấp cho nông dân một hệ thống kết nối với thị trường một cách phù hợp. Hậu quả là họ không thể bán được sản phẩm, thua lỗ, và không thể trả được nợ.

Vào thập kỷ 1950, hàng trăm Moshav – được gọi là Moshavim cho người nhập cư – được thành lập ở Israel. Chúng trải qua nhiều thăng trầm và mất nhiều thời gian mới có thể phát triển ổn định, dù đa số cư dân thành viên của các Moshav này đều từng là nông dân từ các nước khác chuyển đến. Tới thập kỷ 1960, với sự hỗ trợ từ các dự án quốc tế, Israel lập ra các hợp tác xã phỏng theo mô hình Moshav ở nhiều nước đang phát triển trên thế giới, những nơi vốn đã có truyền thống làm nông nghiệp. Tuy nhiên, cả hai phong trào mô phỏng theo Moshav nói trên đều không hoàn toàn thành công. Nguyên nhân là tuy được áp dụng ở các cộng đồng đã có truyền thống làm nông nghiệp, nhưng quy trình các bước triển khai Moshav không được tuân thủ một cách chặt chẽ. Ở Israel, để có thể nhanh chóng định cư cho vài chục nghìn người nhập cư, người ta đã bỏ qua những cân nhắc cần thiết. Đối diện với những đòi hỏi cấp bách của thực tế, người ta đã cố tìm ra một giải pháp đáp ứng, và có thể nói là họ đã không thành công.

Lược dịch
theo www.coopgalor.com

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)