Hội đồng ngành phải là các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp
Hội đồng ngành kinh tế là một trong số ít các Hội đồng ngành KHXH&NV của Quỹ Nafosted đề xuất yêu cầu các đề tài nghiên cứu phải cam kết có công bố quốc tế. Tuy nhiên, đây là điều kiện cần nhưng chưa đủ để cải thiện mạnh mẽ chất lượng và giá trị đóng góp của các đề tài. PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã có cuộc trao đổi với Tia Sáng về vấn đề này.
Đa số đều ủng hộ, coi đây là một quy định cần thiết và cần phải được áp dụng sớm, bởi các tạp chí khoa học quốc tế thường có quy trình xét duyệt, thẩm định nghiêm ngặt hơn so với các tạp chí khoa học trong nước, với năng lực thẩm định và phản biện cao hơn, giúp đánh giá chất lượng các đề tài một cách nghiêm túc, khách quan hơn. Mặc dù gần đây các tạp chí khoa học trong nước cũng đã có những tiến bộ nhất định trong công tác thẩm định và phản biện các công trình nghiên cứu, tuy nhiên mức xà mà các tạp chí này đặt ra vẫn thấp hơn so với bình diện chung của quốc tế.
Có ý kiến cho rằng xuất phát từ chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, quan điểm nghiên cứu của chúng ta có thể có những khác biệt tạo thành rào cản khi công bố ra quốc tế?
Mọi nghiên cứu đều phải xuất phát từ nền tảng khoa học. Chỉ khi nào chúng ta làm rõ nền tảng khoa học của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, chúng ta mới biết sự khác biệt ở đây là gì, và liệu có rào cản nào ngăn cách về quan điểm khiến chúng ta không thể công bố quốc tế hay không. Cá nhân tôi cho rằng mọi nghiên cứu đóng góp tri thức mới có giá trị, dựa trên nền tảng khoa học vững chắc, sử dụng phương pháp khoa học đáng tin cậy, thì dù ở đâu cũng được giới khoa học thừa nhận như nhau.
Yêu cầu các đề tài phải đáp ứng tiêu chí về số lượng công bố quốc tế nhìn chung đã giúp tăng chất lượng nghiên cứu, nhưng nhiều chuyên gia cũng lên tiếng chỉ ra một thực tế là yêu cầu này có thể khiến các nhà khoa học chỉ tập trung tiến hành những đề tài quy mô nhỏ có tính an toàn cao, không dám theo đuổi các nghiên cứu dài hơi, có chất lượng cao hơn?
Việc đặt ra yêu cầu về tiêu chí có công bố quốc tế về cơ bản vẫn là điều cần thiết nhằm nâng cao chất lượng của các đề tài nghiên cứu trong nước. Tuy nhiên, ở Hội đồng ngành kinh tế, chúng tôi hiểu rằng mọi nghiên cứu đều có tính rủi ro, không phải nghiên cứu nào cũng thành công. Vì vậy, để giảm áp lực cho nhà nghiên cứu, Hội đồng vẫn có thể xem xét chấp nhận nghiệm thu các đề tài không đạt chỉ tiêu số lượng công bố quốc tế do những nguyên nhân mang tính khách quan.
Mọi nghiên cứu đều phải xuất phát từ nền tảng khoa học. Chỉ khi nào chúng ta làm rõ nền tảng khoa học của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, chúng ta mới biết sự khác biệt ở đây là gì, và liệu có rào cản nào ngăn cách về quan điểm khiến chúng ta không thể công bố quốc tế hay không. |
Cũng nên tin vào bản lĩnh của các nhà khoa học đích thực. Chỉ những ai thiếu năng lực mà làm khoa học thì mới “khôn lỏi”, lo tránh rủi ro bằng cách chăm chăm chọn những đề tài không đòi hỏi cao về năng lực sáng tạo nhưng “chắc ăn” về tài chính.
Một số chuyên gia từ các hội đồng ngành của Nafosted thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên cho rằng để khuyến khích các đề tài có chất lượng cao, chúng ta không thể thỏa mãn với việc các đề tài có công bố quốc tế, mà cần có sự sàng lọc kỹ hơn bằng cách phân loại các tạp chí quốc tế và có chính sách phù hợp để thưởng cho những đề tài có công trình công bố trên tạp chí có thứ hạng cao.
Khác với các ngành khoa học tự nhiên, các ngành khoa học xã hội và nhân văn của chúng ta có vẻ như có mặt bằng trình độ tụt hậu so với thế giới ở mức độ trầm trọng hơn. Số lượng các công trình có công bố quốc tế trong ngành khoa học xã hội và nhân văn còn rất hạn chế. Vì vậy, mục tiêu ưu tiên trước mắt của chúng ta trước hết là làm sao có thêm nhiều công bố quốc tế. Tuy nhiên, về lâu dài, việc sàng lọc, phân loại các tạp chí khoa học quốc tế là cần thiết, từ đó có chính sách tưởng thưởng xứng đáng cho những công trình công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế thứ hạng cao, qua đó thúc đẩy các nhà khoa học theo đuổi những đề tài nghiên cứu có chất lượng cao nhất mà họ đủ năng lực thực hiện. Chúng ta cũng nên cân nhắc tổ chức một giải thưởng thường niên để ghi nhận, tôn vinh một số công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn được công bố trong năm trước có chất lượng khoa học tốt nhất.
Chất lượng các đề tài nghiên cứu phụ thuộc rất lớn vào năng lực thẩm định của hội đồng. Ông đánh giá ra sao về vai trò và năng lực thẩm định của Hội đồng ngành kinh tế của Nafosted hiện nay?
Năng lực thẩm định của hội đồng vẫn còn một số mặt hạn chế. Lẽ ra các thành viên hội đồng phải là các nhà khoa học “chuyên nghiệp”, có đủ điều kiện để liên tục cập nhật, theo sát tình hình phát triển của các chuyên ngành lý thuyết kinh tế. Tuy nhiên, Hội đồng ngành kinh tế chưa làm được việc này. Không phải với đề tài nào các thành viên hội đồng cũng có đủ thông tin về các chuyên ngành kinh tế liên quan để có thể đưa ra những đánh giá, phân tích lý thuyết chuyên sâu. Vì vậy, vai trò của Hội đồng cơ bản chỉ mới dừng lại ở bước đánh giá chung, từ đó khuyến khích các đề tài mà kết quả có khả năng ứng dụng vào tình hình thực tiễn của Việt Nam, và đưa ra những khuyến nghị giúp nhóm thực hiện đề tài có thể kết nối với các địa chỉ nghiên cứu cần thiết.
Điều này có nghĩa là với những nghiên cứu có tham vọng đóng góp tri thức mới vào hệ thống lý thuyết kinh tế thì năng lực thẩm định của Hội đồng là chưa đủ?
Đúng như vậy. Điều này cũng xuất phát từ bối cảnh thực tế là năng lực nghiên cứu lý thuyết của các nhà kinh tế trong nước còn hạn chế, chưa đủ để cống hiến những tri thức mới cho các ngành kinh tế lý thuyết của thế giới. Việc thay đổi thực trạng này là không dễ dàng, cần một chặng đường dài, đòi hỏi trước hết các sinh viên, nghiên cứu sinh của chúng ta được đào tạo lý thuyết một cách đầy đủ, bài bản hơn.
Trong bối cảnh chung như vậy, giá trị đóng góp của các đề tài kinh tế của Nafosted chủ yếu không phải là những đóng góp về lý thuyết kinh tế học, mà là những giá trị đóng góp vào ứng dụng trong thực tiễn?
Đa phần người ta vẫn ưa làm những nghiên cứu có tính chung chung, nặng chữ nghĩa, nhiều lý sự, hướng tới mục tiêu đề xuất ra các chủ trương, chính sách và giải pháp vĩ mô, đại thể thay vì sử dụng các công cụ và phương pháp hiện đại, ví dụ các mô hình kinh tế lượng, để có những kết quả khách quan có thể kiểm chứng. |
Trong thực tế, không phải kết quả nghiên cứu ứng dụng nào cũng được triển khai ứng dụng ra đời sống. Ví dụ, với những đề tài đề xuất các đường lối, chính sách của Nhà nước, chỉ một số ít là được các cơ quan quản lý tham khảo để chuyển hóa trở thành những chính sách, giải pháp triển khai trong thực tế. Còn đối với mảng nghiên cứu phục vụ cho các doanh nghiệp là mảng nghiên cứu rất hữu ích, cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin có giá trị về thị trường, chiến lược sản xuất, kinh doanh, v.v. thì đáng tiếc là số lượng chưa nhiều – đa phần người ta vẫn ưa làm những nghiên cứu có tính chung chung, nặng chữ nghĩa, nhiều lý sự, hướng tới mục tiêu đề xuất ra các chủ trương, chính sách và giải pháp vĩ mô, đại thể thay vì sử dụng các công cụ và phương pháp hiện đại, ví dụ các mô hình kinh tế lượng, để có những kết quả khách quan có thể kiểm chứng. Cách làm theo lối mới này chỉ mới xuất hiện gần đây và tăng lên khá nhanh, tập trung nhiều ở các nhà nghiên cứu kinh tế trẻ, được đào tạo ở các nước phương Tây về.
Vì sao Nafosted tài trợ cho những nghiên cứu xây dựng đường lối, chính sách Nhà nước, khi đa phần các nghiên cứu này là do các cơ quan quản lý đặt hàng các viện nghiên cứu chuyên trách trong ngành của mình?
Cải thiện chất lượng hội đồng là vấn đề cơ bản đầu tiên cần được quan tâm. |
Các viện nghiên cứu chuyên trách của các Bộ, ngành bị nhiều giới hạn về thông tin trong lĩnh vực hẹp của mình. Các nghiên cứu của họ dễ sa vào lối mòn do không kịp cập nhật sự phát triển của các thông tin, lý thuyết kinh tế đa dạng trên thế giới. Vì vậy, chúng ta cần những đề tài nghiên cứu mang tính độc lập hơn do các trường, viện, và cá nhân nhà nghiên cứu chủ động đề xuất lên. Quỹ Nafosted là nơi phù hợp để cấp kinh phí cho những nghiên cứu như vậy.
Tuy nhiên, liệu có nhất thiết phải yêu cầu có công bố quốc tế những nghiên cứu ứng dụng trực tiếp phục vụ cho các cơ quan quản lý của Nhà nước và các doanh nghiệp như vậy?
Việc yêu cầu các nghiên cứu ứng dụng như vậy phải có công bố quốc tế là điều bình thường. Ví dụ, những nghiên cứu về chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn có thể có những nội dung phù hợp để công bố trên các tạp chí kinh tế chính trị trong khu vực, chẳng hạn như Tạp chí Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương.
Để sàng lọc các đề xuất nghiên cứu và thẩm định, nghiệm thu kết quả của chúng một cách chính xác, hiệu quả, chúng ta cần cải cách hội đồng ngành kinh tế của Nafosted như thế nào?
Cải thiện chất lượng hội đồng là vấn đề cơ bản đầu tiên cần được quan tâm. Chúng ta phải nâng cao chất lượng của hội đồng bằng cách từng bước đặt ra những tiêu chí nghiêm ngặt hơn đối với các thành viên hội đồng, đòi hỏi họ phải là những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp thay vì những nhà khoa học nhưng lại phải dành phần lớn thời gian cho công tác quản lý. Trong Hội đồng, cần sự có mặt các nhà kinh tế trẻ được đào tạo một cách bài bản ở nước ngoài, có công trình công bố trên các tạp chí kinh tế quốc tế uy tín trong thời gian gần đây, bởi họ chính là những người có đủ tri thức nền tảng, đồng thời cập nhật, theo sát các xu hướng phát triển của khoa học kinh tế trên thế giới.
THANH XUÂN thực hiện
Đọc thêm:
+ VN chưa có ý thức xếp hạng các tạp chí KHXH đầu ngành (Đinh Hồng Hải)
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&CategoryID=36&News=7619
+ Tính bản địa, một rào cản cho công bố quốc tế trong ngành KHXH&NV (Trần Trọng Dương)
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&CategoryID=36&News=7610
+ Không thể “né” mãi (Trần Ngọc Vương)
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&CategoryID=36&News=7602
+ Lại bàn về công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí quốc tế: Nhiều chưa hẳn tốt (Phạm Duy Hiển)
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&CategoryID=36&News=7596