Hợp chất hữu cơ khó phân hủy (POPs): Từ nghiên cứu đến chính sách

Phần lớn các nhà quản lý thường quan tâm đến việc đầu tư vào các công trình nghiên cứu làm ra các sản phẩm cụ thể, trong khi những công trình nghiên cứu cơ bản lại chẳng mấy được quan tâm, mặc dù không ít thông tin và kết luận thuần túy khoa học từ đó đã trở thành căn cứ quan trọng để các nhà quản lý xây dựng chính sách.

 

Việt Nam sử dụng nhiều hóa chất bảo vệ thực vật dạng POPs để diệt trừ sâu bệnh. Ảnh: Hội Nông dân Việt Nam.

Tuy vậy trong gần 20 năm qua, các nhà nghiên cứu về các hợp chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) theo Công ước Stockholm – một hiệp ước toàn cầu ra đời năm 2001 với mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người, đa dạng sinh học và môi trường trước những nguy cơ, rủi ro do các chất POPs gây ra, vẫn âm thầm theo đuổi hướng nghiên cứu này.

Từ những đề tài nghiên cứu đơn lẻ mang tính tiên phong của một vài nhóm nghiên cứu trong nước kết hợp với các đồng nghiệp quốc tế năm 1996 đến những nhiệm vụ khoa học trong hai kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm lần lượt được ban hành vào năm 2006 và 2017 1, những tiêu chuẩn, quy chuẩn, thông tư, nghị định, hướng dẫn kỹ thuật… về khí thải lò đốt chất thải rắn, khí thải công nghiệp sản xuất thép, ngưỡng phát thải Dioxin/furan, ngưỡng đối với các chất PCB trong dầu biến thế, PBDE trong sản phẩm điện tử, danh mục hóa chất hạn chế nhập khẩu… đã ra đời. TS. Nguyễn Anh Tuấn (Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường) đánh giá: “Nếu không có các nhà khoa học thì các nhà quản lý không thể nhận diện được rủi ro do hóa chất gây ra. Vì thế, các nhà quản lý rất cần các nhà khoa học, những người có kiến thức và tầm nhìn, chỉ ra những hóa chất có khả năng gây ô nhiễm, khu vực bị ô nhiễm, công nghệ xử lý ô nhiễm và cần những giải pháp gì để giảm thiểu ô nhiễm trong tương lai. Nói một cách đơn giản thì đó là chính sách”.

Nghiên cứu hỗ trợ quản lý

Con đường từ nghiên cứu đến đến chính sách được PGS. TS Dương Hồng Anh (Phòng thí nghiệm trọng điểm CN phân tích phục vụ kiểm định môi trường và an toàn thực phẩm ĐHQGHN), một nhà khoa học trẻ nhưng đã có thâm niên hơn 15 năm nghiên cứu về các chất POPs, tóm tắt, “bao giờ cũng bắt đầu bằng nghiên cứu để khẳng định chất POPs đó có ở Việt Nam hay không, mức độ thế nào để ‘báo động’ cho cơ quan quản lý tiến hành kiểm kê, đánh giá mức độ tồn tại và khả năng ảnh hưởng tới con ngươi, tới môi trường, [qua đó] ra tiêu chuẩn, quy chuẩn hướng dẫn và lên kế hoạch quản lý, xử lý”.

Mặc dù chỉ gói gọn bằng một câu như vậy nhưng trên thực tế đó là một quá trình kéo dài trong nhiều năm, trải qua nhiều khâu. Ví dụ đối với PCB trong dầu biến thế – hóa chất tiềm ẩn nhiều rủi ro với sức khỏe như nguy cơ gây ung thư, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch và nội tiết, được nhóm nghiên cứu của GS. TS Phạm Hùng Việt (Phòng thí nghiệm trọng điểm CN phân tích phục vụ kiểm định môi trường và an toàn thực phẩm ĐHQGHN) quan tâm nghiên cứu từ những năm 1996 nhưng phải đến năm 2009 mới bắt đầu có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và 2014 có hướng dẫn kỹ thuật về quản lý an toàn của Tổng cục Môi trường. Để có được những văn bản hướng dẫn này, trong vòng ba năm (từ năm 2012 đến 2014), các nhà quản lý của Tổng cục Môi trường kết hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và nhiều nhóm nghiên cứu khảo sát các điểm nóng ô nhiễm (hotspot), lấy khoảng 59.000 mẫu trong và ngoài ngành điện lực để phân tích đánh giá mức độ ô nhiễm, khả năng lan truyền, khả năng biến đổi trong môi trường và kiểm kê PCB trên toàn quốc. PGS. TS Từ Bình Minh (Khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên), cho biết: “Việc xây dựng cơ chế chính sách thường [diễn ra] rất lâu và có rất nhiều việc cần làm, trong đó có nhiều hoạt động pilot (thử nghiệm) để chứng minh [ngưỡng cho phép của chất POPs đó là hợp lý], và [trên cơ sở đó] đưa ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn”.

Sự tham gia của các nhà nghiên cứu khiến quy trình xây dựng các văn bản chính sách về các chất POPs chặt chẽ hơn. Trước đây, việc xây dựng một số quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường ở Việt Nam thường chỉ đơn giản là dịch văn bản tương đương của nước ngoài vì theo PGS. TS Dương Hồng Anh “mình không đủ điều kiện thực nghiệm trong khi họ có đầy đủ số liệu mang tính thống kê để chứng minh ngưỡng quy định đó [về từng chất POPs] là đúng; mặt khác khi ra tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng cần tính về mặt kỹ thuật và tài chính có khả năng thực hiện hay không thì mới mang tính thực tiễn, không có lại là duy ý chí hoặc khiến những người không nghiêm túc nghĩ cách lách luật”. PGS. TS Từ Bình Minh bổ sung, “trước thì các nhà quản lý có mời một số chuyên gia phân tích tiêu chuẩn của quốc tế, xong cũng có phân tích – ở đây không phải phân tích mẫu mà phân tích dữ liệu có sẵn, sau đó gần như đưa ra tiêu chuẩn, quy chuẩn luôn mà không có hoạt động pilot để chứng minh điều đó”.

Cách làm đó chỉ thực sự thay đổi vào những năm gần đây khi Bộ Tài nguyên và Môi trường, với vai trò điều phối Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm tại Việt Nam, phối hợp với nhiều bộ ngành thực hiện các dự án tăng cường năng lực quản lý các chất POPs bằng kinh phí từ nhiều nguồn như ngân sách, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), UNDP… “Có dự án thì việc thực hiện nghiêm chỉnh hơn, các nhà nghiên cứu có thể hỗ trợ thêm một số dữ liệu chính để cùng tiến hành đo đạc, đo đạc đủ rồi sẽ ra được tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với Việt Nam vì nhiều ngưỡng không nhất thiết phải theo tiêu chuẩn quốc tế”, PGS. TS Từ Bình Minh, người có kinh nghiệm tham gia nhiều dự án như vậy, nhận xét. Anh lấy ví dụ về dự án xử lý PCB đã tập hợp được một số lượng lớn nhiều cơ quan, nhiều nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia, đồng thời thành lập một tổ liên ngành chéo để kiểm tra việc thực hiện đó. Nhờ vậy, những quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, thông tư quản lý PCB ra đời, tạo thành khung chính sách và pháp lý về PCB tại Việt Nam.

Khoảng cách giữa nghiên cứu và chính sách

Mặc dù sự liên kết giữa các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách đã được thiết lập khá chặt chẽ nhưng không phải lúc nào cũng liền mạch. Đôi khi hai bên vẫn còn chưa thật sự ăn khớp về nhận thức, như trường hợp về một số chất POPs “mãi sau này nhà quản lý mới thay đổi cái nhìn” trong khi “thế giới người ta [đã] công nhận từ lâu rồi”, PGS. TS Dương Hồng Anh kể.

Đó là trường hợp nghiên cứu về Dioxin/Furan – các chất U POPs được hình thành và phát thải không chủ định từ quá trình sản xuất công nghiệp như luyện thép, luyện kim màu, lò đốt… Tháng 8/2011 tại hội thảo quốc tế về Dioxin lần thứ 31 ở Bỉ, PGS. TS Từ Bình Minh, TS. Nguyễn Hùng Minh (Phòng thí nghiệm Dioxin, Tổng cục Môi trường)… công bố nghiên cứu về phát hiện các chất Dioxin/Furan ở một số nhà máy sản xuất thép và xi măng. Các nhà quản lý Việt Nam bất ngờ trước thông tin này vì lúc đó vẫn còn chưa phân biệt được Dioxin chất độc màu da cam tồn dư từ chiến tranh và Dioxin từ công nghiệp. PGS. TS Dương Hồng Anh chia sẻ, “mình cứ nói Dioxin là sợ. Nhưng thật ra [trong báo cáo] các nhà khoa học đã chứng minh được: Dioxin xuất phát từ công nghiệp và chiến tranh có phân bố thành phần khác nhau, nếu phân tích cặn kẽ là biết Dioxin đó là ở đâu ra”.

Nhận thức khác nhau giữa các nhà quản lý và nhà khoa học về U POPs khiến các nhà khoa học lúng túng mất một thời gian khá dài. TS. Nguyễn Hùng Minh giải thích, “do lo lắng thái quá mà nhà quản lý sợ gây ra xáo trộn trong dư luận nên chưa thật sự ủng hộ [các nhà khoa học]”.

Sự thiếu ăn khớp giữa các nhà quản lý và nhà khoa học trong lĩnh vực xử lý chất POPs không phải là chuyện riêng của Việt Nam. Từ năm 2003, trong nghiên cứu “Khoa học, chính trị và POPs: Vai trò của những đánh giá khoa học trong hợp tác quốc tế về môi trường”, Henrik Selin và Noelle Eckley cũng chỉ ra sự khác biệt về mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của cả hai phía và chỉ ra cách giải quyết: cần có những cuộc đối thoại để ‘kéo gần’ khoa học và quản lý, trong đó các nhà khoa học có thể đặt câu hỏi về chính sách, tương tự, các nhà quản lý có thể đặt câu hỏi về các giả thuyết và đánh giá khoa học. Các nhà khoa học cũng phải hiểu được những mong đợi và yêu cầu của các nhà quản lý, chẳng hạn như tính hữu ích và sự phù hợp với tình hình thực tế của từng chính sách, ngược lại, các nhà quản lý thay đổi quan điểm và quyết định dựa trên các đánh giá khoa học. Điều cốt yếu mà hai tác giả nhấn mạnh là khoa học cần “nói lên sự thật với những người giữ trọng trách” (speaking  truth to  power)2.

Để đi đến sự hợp tác lý tưởng này, cần có những nhà quản lý hiểu khoa học và những nhà khoa học có kinh nghiệm hiểu các nhà quản lý – điều bắt đầu có ở lĩnh vực quản lý POPs. TS. Nguyễn Hùng Minh, một trong những chuyên gia hàng đầu về Dioxin/Furan ở Việt Nam, rút kinh nghiệm từ trường hợp của chính mình: nhà khoa học không nên bi quan mà cần làm ra những kết quả nghiên cứu chính xác nhất và phải có bản lĩnh để bảo vệ cái mình làm là đúng, “anh cần làm việc với nhà quản lý để chia sẻ số liệu, cung cấp thông tin một cách kiên trì còn việc cái kết quả đó được lấy ra phục vụ truyền thông như thế nào là trách nhiệm của nhà quản lý”. Cũng như với nhiều trường hợp nghiên cứu “nhạy cảm” khác, anh cho rằng, “nếu nhà khoa học ngay từ đầu đã sợ nhạy cảm không làm thì không ai làm cả và nhà quản lý cũng không có thông tin để quản lý”, và hậu quả là “người dân lãnh đủ”.

Từng tham gia nghiên cứu trước khi làm quản lý và cảm thấy mình “gần như đứng giữa các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách cả trong nước và quốc tế”, TS. Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, khi nắm được các thông tin chuẩn xác thì nhà quản lý mới có thể có được những quyết định đúng đắn, kịp thời. “Khi nhận thức được vấn đề thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn, ví dụ vấn đề phát thải trong công nghiệp có Dioxin [thì] không có gì bí mật cả, chúng ta [cần] biết để kiểm soát nó”, anh nói.

Tuy nhiên ở góc độ một nhà quản lý, anh cũng chỉ ra, “từ những công bố khoa học mang tính nhận biết và cảnh báo của một nhóm các nhà khoa học đến [việc xây dựng] chính sách ở tầm quốc gia vẫn còn một khoảng trống ở giữa”.

Việt Nam là nơi sử dụng nhiều hóa chất bảo vệ thực vật dạng POPs để diệt trừ sâu bệnh trong sản xuất nông nghiệp,lưu hành nhiều thiết bị điện như máy biến áp, tụ điện, thiết bị nâng hạ… có chứa PCB – một loại phụ gia của chất cách điện, tồn dư chất độc da cam dioxin từ chiến tranh, phát thải dioxin/furan trong hoạt động công nghiệp, cũng như tiếp nhận rất nhiều rác thải điện tử của thế giới3, sản phẩm chứa các chất PBDPP, PBDE – thành phần của chất chống cháy trên vỏ điện thoại, tivi, máy vi tính…

Vì sao tồn tại khoảng trống đó? Anh lý giải, thông tin mà nhà khoa học có được thông qua nghiên cứu có thể đúng nhưng đã đủ tin cậy để nhà quản lý đề ra chính sách chưa? “Người ta mới phát hiện ở chỗ này chỗ kia có chất POPs gây ô nhiễm thôi, còn ô nhiễm như thế nào, tác động đến môi trường và sức khỏe con người ra sao? Trầm trọng đến mức độ [phải] cấm sản xuất chưa? Có cần thiết phải di dời dân chưa?… Để giải đáp những vấn đề đó, Bộ TN&MT sẽ phải trực tiếp tổ chức điều tra, đánh giá lại.” Theo anh, cái khoảng cách ở giữa chính là những số liệu, bằng chứng “có tính thống kê, có tính tin cậy vì [về] nguyên tắc ban hành chính sách thì phải nhìn được tính tích cực [trong đó] là bao nhiêu?”. Tích cực nhiều hơn thì chính sách được ban hành mới đạt được hiệu quả.

Cần đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu mang tính nhận diện

Quá trình tham gia thực hiện Công ước Stockholm dẫn đến việc hình thành một mạng lưới phòng thí nghiệm có khả năng phân tích một số chất POPs cổ điển ở Việt Nam, trong đó có một số nơi như Đại học Khoa học tự nhiên, Tổng cục Môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế… Trong đội ngũ những người làm việc ở đây, có rất nhiều nhà nghiên cứu trẻ năng động bắt đầu chuyển sự quan tâm đến đối tượng POPs mới – hay còn gọi là POPs sống (living POPs) có trong thành phần cấu tạo của nhiều loại sản phẩm gia dụng như vải vóc, đồ nội thất, chảo chống dính, đồ điện tử, đồ nhựa…, và có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe nếu bị phơi nhiễm lâu dài.

Hai khó khăn lớn nhất mà các nhà nghiên cứu phải đối mặt khi theo đuổi các POPs mới; thứ nhất POPs mới xuất hiện trong các mẫu ở mức phần tỷ nên việc phân tích nó đòi hỏi những kỹ thuật mới và thiết bị, chuyên biệt như máy sắc ký khối phổ phân giải cao, sắc ký lỏng ghép nối hai lần khối phổ…; thứ hai kinh phí nghiên cứu đòi hỏi là cao so với nghiên cứu về các đối tượng thông thường.

Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu, khó khăn về thiết bị vẫn có thể giải quyết được thông qua mối quan hệ hợp tác quốc tế hoặc mở rộng hợp tác với một số đơn vị trong nước có đầy đủ thiết bị nhưng về kinh phí thì nan giải. PGS. TS Dương Hồng Anh, người vừa đề xuất một đề tài với Quỹ NAFOSTED về POPs mới, nhận xét, “dường như ở Việt Nam hiện nay ưu ái hơn những nghiên cứu ứng dụng để giải quyết các nhu cầu hiện tại hoặc hậu quả của những sự đã rồi mà chưa đánh giá đúng mức việc cần thực hiện những nghiên cứu tiên phong để giúp nhà quản lý nhận diện được nguy cơ trong tương lai, ví dụ trường hợp nghiên cứu “Đánh giá mức độ phát thải và ô nhiễm môi trường của các hợp chất hữu cơ khó phân hủy mới họ brôm (PBDEs)” của PGS. TS Từ Bình Minh cho thấy sự rủi ro về sức khỏe với con người khi bị phơi nhiễm, nếu cộng với khả năng sự bùng nổ của số lượng chất thải điện tử trong vòng 5 năm tới thì rất có khả năng sẽ trở thành những DDT, PCB mới.

 

Tài liệu tham khảo:
Báo cáo tổng quan 10 năm thực hiện Công ước Stockholm về các hợp chất hữu cơ khó phân hủy tại Việt Nam 2005-2015
(http://www.vn.undp.org/content/vietnam/vi/home/library/environment_climate/report-10-years-pop.html)
————–
Chú thích:
1. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Quyet-dinh-184-2006-QD-TTg-ke-hoach-quoc-gia-thuc-hien-cong-uoc-Stockholm-cac-chat-o-nhiem-huu-co-kho-phan-huy-13629.aspx
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Quyet-dinh-1598-QD-TTg-2017-Ke-hoach-quoc-gia-thuc-hien-Cong-uoc-Stockholm-2025-2030-364542.aspx
2. “Khoa học, chính trị và POPs: Vai trò của những đánh giá khoa học trong hợp tác quốc tế về môi trường” (Science,  Politics,  and  Persistent  Organic  Pollutants:  The  Role  of  Scientific  Assessments  in  International Environmental Co-operation). Đọc thêm: http://web.mit.edu/selin/www/pubs/selin-eckleyiea.pdf
3. Theo công bố “Phân tích các cấu trúc tái chế rác thải điện tử ở Việt Nam” (Analysis of recycling structures for e-waste in Vietnam” của Chung Duc Tran và Stefan Petrus Salhofer trên tạp chí Journal of Material Cycles and Waste Management của NXB Springer vào tháng 10/2016 thì rác thải điện tử nhập khẩu xuyên biên giới vào Việt Nam từ nhiều quốc gia khác, ví dụ Campuchia, Nhật Bản, và hàng điện tử đã qua sử dụng từ Trung Quốc (chủ yếu tái xuất sang Trung Quốc). Do nguồn phức tạp và không chính thống nên chưa thể xác định được chính xác số lượng rác thải điện tử từ nhập khẩu vào Việt Nam hàng năm. Đọc thêm: https://link.springer.com/article/10.1007/s10163-016-0549-1

 

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)