Hợp tác KH&CN Việt Nam – Hoa Kỳ: Một số vấn đề chính

Tháng 9 vừa qua tại Wasington DC đã diễn ra Khóa họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác KH&CN Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 8 (JCM 8) với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý về khoa học, giáo dục, các trường đại học, tổ chức nghiên cứu của hai nước. Nhân sự kiện này, hãy điểm qua một số lĩnh vực KH&CN giàu triển vọng mà Việt Nam cần tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phía bạn.

Hợp tác về KH&CN giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã bắt đầu từ năm 2000 với việc hai nước ký Hiệp định hợp tác về KH&CN, là một trong những văn bản sớm nhất thiết lập sự hợp tác nói chung giữa hai quốc gia. Cho đến nay, hợp tác KH&CN giữa hai nước đã được phát triển trong hầu hết mọi lĩnh vực, liên quan đến rất nhiều đầu mối của các Bộ, ngành, các tổ chức KH&CN của hai nước.

Về phía Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ là đầu mối chính triển khai Hiệp định, với sự tham gia của đông đảo các cơ quan, tổ chức như Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), Bộ Thông tin và Truyền thông, các Đại học Quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các Viện nghiên cứu, doanh nghiệp, v.v.

Bộ Ngoại giao (Văn phòng hợp tác khoa học và công nghệ) là đầu mối phía Hoa Kỳ thúc đẩy hợp tác, với sự tham gia của Bộ Năng lượng, Quĩ Khoa học Quốc gia, Quĩ Giáo dục Việt Nam, Cơ quan Khảo sát Địa lý Hoa Kỳ, Cơ quan Sáng chế và Nhãn mác Hoa Kỳ, Viện hàn lâm khoa học quốc gia, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Cơ quan Giám sát Không gian của Hoa Kỳ, Cơ quan thời tiết và đại dương (NOAA), Văn phòng nghiên cứu Hải quân Mỹ (ONR), Viện nghiên cứu sức khỏe quốc gia (NIH), Viện Công nghệ và tiêu chuẩn quốc gia (NIST), Viện Công nghệ Bách khoa Rensselaer (RPI), Phòng thí nghiệm quốc gia Brookhaven, các trường đại học, v.v.

Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, không thể kể hết những hoạt động hợp tác của tất cả những cơ quan, tổ chức này nhưng chúng ta có thể điểm qua một số hoạt động chính gần đây như sau.

Hợp tác KH&CN về y tế và sức khoẻ

Một số lĩnh vực chính trong nhóm này là hợp tác nghiên cứu và đào tạo về vấn đề điều trị ung thư, kỹ thuật phân tích và chuẩn đoán, các vấn đề xã hội trong y tế như yếu tố giới, v.v. Một ví dụ là bệnh viện K Hà Nội hợp tác với Trung tâm Ung thư Feist – Weiller, thuộc Trung tâm Khoa học Sức khỏe, Trường đại học bang Louisiana. Một ví dụ về kết quả cụ thể là hai bên thống nhất những nội dung hợp tác như sau:

+ Hướng dẫn cho các bác sỹ tại Bệnh viện K phẫu thuật ung thư vú và phẫu thuật ung thư vòm họng

+ Cung cấp một số thiết bị điều trị ung thư

Việc hợp tác này đang được mở rộng ra các đối tác khác như Trung tâm nghiên cứu ung thư Anderson của Đại học Houston, Texas và Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, một số bệnh viện với dự kiến thiết lập một trung tâm liên kết về vấn đề này ở Việt Nam.

Hợp tác KH&CN sinh học và nông nghiệp

Một số chủ đề chính là hợp tác về nghiên cứu công nghệ sinh học, bảo tồn giống cây, con và vi sinh, các vấn đề về biến đổi khí hậu và nông nghiệp, phát triển nông lâm nghiệp với sự tham gia của Bộ Nông nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ, các trường đại học như Đại học Missouri, và VAST. Một ví dụ cụ thể trong lĩnh vực nông nghiệp là dự án hợp tác nghiên cứu công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam và Trường đại học Missouri. Viện Di truyền nông nghiệp đã cử cán bộ nghiên cứu sang Đại học Missouri và Đại học Missouri cũng đã cử nhiều cán bộ nghiên cứu sang làm việc tại Viện Di truyền nông nghiệp. Hai bên đã thành lập phòng thí nghiệm nghiên cứu chung giữa hai bên và trước mắt tập trung vào nghiên cứu cây đậu tương chịu hạn và sâu bệnh. Trường đại học Missouri cũng đã chuyển những thiết kế gien cho Viện Di truyền nông nghiệp. Hiện nay, hai bên đang xây dựng đề án thành lập tổ chức nghiên cứu chung trong lĩnh vực công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Viện Di truyền nông nghiệp cũng tổ chức hợp tác trong lĩnh vực giống cây trồng với Đại học California Riverside (UC Riverside) và Đại học Florida.

Hợp tác trong trao đổi chuyên gia, đào tạo về công nghệ, khoa học cơ bản, toán, v.v.
Các chủ đề chính trong nhóm này gồm tính toán hiệu năng cao; hỗ trợ nghiên cứu cơ bản, các nghiên cứu chung về công nghệ, đồng tổ chức các hội nghị hội thảo, lớp đào tạo. Ngoài các lĩnh vực trong công nghệ thông tin đã có từ trước, một số vấn đề mới đã xuất hiện như công nghệ 4G, nghiên cứu về Dữ liệu lớn (Big Data), v.v. Hợp tác với Quỹ Khoa học quốc gia (NSF) trong lĩnh vực này có thể được thực hiện thông qua một số chương trình như Viện khoa học đa ngành (Science Across Virtual Institutes, SAVI), Chương trình toàn cầu các cơ hội nghiên cứu sau đại học (Graduate Research Opportunities Worldwide, GROW), v.v. phối hợp với Quỹ Giáo dục Việt Nam VEF. Một trong những hoạt động là tiến tới thiết lập một số trung tâm nghiên cứu tiên tiến (còn gọi là Trung tâm xuất sắc) và một trong những bước đi này là Trung tâm về vật liệu cấu trúc phân tử MANAR hợp tác giữa Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và UCLA. Có thể kể ra nhiều hoạt động khác như USTPO đã có quan hệ truyền thống với Cục Sở hữu Trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ, hàng năm vẫn mời các cán bộ của Cục SHTT sang tham dự các khoa đào tạo và đồng thời cử các cán bộ của USTPO sang Việt Nam đào tạo; hoặc sự hợp tác giữa Viện nghiên cứu Công nghệ bách khoa Rensealer (Rensealer Politechnique Institute – RPI), Phòng thí nghiệm quốc gia Brookhaven (Brook Haven National Laboratory – BNL) và Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST).Một điểm nổi lên trong lĩnh vực này là sự hợp tác với các doanh nghiệp như công ty Intel trong khuôn khổ đối tác công tư (Private Public Partnership-PPP) như chương trình Chương trình Liên minh Đào tạo Công nghệ Cao – Higher Engineering Education Alliance Program (HEEAP) của trường đại học Arizona hợp tác với Intel đào tạo kỹ sư công nghệ máy tính cho Việt Nam. Tháng 9 năm 2012, Công ty Intel đã ký kết MOU với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh về đào tạo chương trình cao học về máy tính hiệu năng cao (High Performance Computer-HPC). Trong chương trình này Intel đã cung cấp một siêu máy tính cỡ nhỏ cho chương trình này và máy tính này được dùng để đào tạo các sinh viên cao học trong lĩnh vực tính toán hiệu năng cao. Công ty Intel cũng đang thảo luận xây dựng một dự án lớn khác cho Việt Nam đó là dự án Dữ liệu lớn (Big data). Trên cơ sở này, hiện nay Đại học Arizona đang chủ trì cùng với Ngân hàng Thế giới và một nhóm các đối tác khác phát triển một mạng lưới các giải pháp khoa học và công nghệ phục vụ phát triển (Solutions Network).

KH&CN môi trường

Chủ đề chính trong lĩnh vực này gồm hợp tác về theo dõi và đánh giá hệ sinh thái (rừng, bờ biển, môi trường biển) thông qua các hoạt động như hội thảo, chương trình đào tạo, trao đổi thông tin. Các hướng hợp tác có thể gắn kết với những mạng lưới đa dạng sinh học quốc tế về bảo tồn động, thực vật và tế bào mầm. Việc tăng cườg hợp tác trong trao đổi thông tin về da dạng sinh học gene (cơ sở dữ liệu, tin sinh học) là một hướng được quan tâm. Các hoạt động bảo tồn và nhân giống các giống, loài quý và có nguy cơ bị tuyệt chủng (động vật có vú, các loài chim và lưỡng cư) cũng nhận được sự quan tâm cao của các nhà khoa học. Những hoạt động hợp tác có thể có các hình thức như các dự án bảo tồn, gắn với phát triển cộng đồng, hoặc trao đổi sinh viên, nghiên cứu viên, v.v. Các đối tác tham gia trong lĩnh vực này liên quan đến các tổ chức như Cơ quan địa chất Hoa Kỳ (USGS), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VAST, v.v. Ví dụ, USGS đã hợp tác với các nhà khoa học thuộc Đại học khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thiết lập 12 trạm quan trắc môi trường để theo dõi quá trình biến đối khí hậu và tác động tới khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với kế hoạch nhân rộng sang các nước khác trong khu vực. Chúng ta cũng đã phối hợp với Quĩ đất ngập nước của Hoa Kỳ (America’s Wetland Foundation) tổ chức Hội nghị châu thổ sông Mekong năm 2013 được gọi là Mekong 2013 (năm 2011 Mỹ đã tổ chức hội nghị Mississippi 2011). Đây là hội nghị quốc tế lớn về môi trường thảo luận tất cả các vấn đề liên quan đến môi trường của Vùng đồng bằng châu thổ sông Mekong. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã làm việc với Vườn thực vật Missouri thực hiện dự án bảo tồn sinh học ở Vườn quốc gia Bạch Mã và Xúc tiến hợp tác về bảo tồn sinh học với Trường đại học Missisippi. Nhiều chuyến công tác của các nhà khoa học Mỹ đến nghiên cứu và khảo sát tại vùng đồng bằng châu thổ sông Mekong đã được tổ chức.

Các vấn đề KH&CN vũ trụ, không gian

Đây là một lĩnh vực hợp tác mới với sự tham gia của VAST và Cơ quan Quản lý Không gian và Vũ trụ Quốc gia (NASA) tại Washington D.C. và Trung tâm nghiên cứu bay không gian của NASA tại Goddard, Maryland. Những bước đi đầu tiên đã được thực hiện như Viện Vật lý Địa cầu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam sang thăm và làm việc với các cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của NASA, tham gia vào Chương trình nghiên cứu bầu khí quyển của NASA cho khu vực Đông Nam Á (Chương trình 7SEAS gồm Đài Loan, Thái Lan, Singapore và Philippines). NASA và VAST đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng trong lĩnh vực hợp tác không gian như khoa học trái đất, hợp tác trong lĩnh vực trao đổi số liệu, hợp tác trong lĩnh vực dự báo thời tiết và những vấn đề có liên quan khác. Trong khuôn khổ hợp tác, Tổng giám đốc NASA, ông Charles Bolden, đã thăm Việt Nam đầu tháng 12 năm 2012.

Các hợp tác KH&CN trong thuỷ lợi, khí tượng, nghiên cứu biển:

Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài nguyên và Môi trường, một số trường đại học cùng với Cơ quan Khí quyển và Đại dương của Hoa Kỳ thực hiện những hoạt động này với các chủ đề hợp tác chính như thuỷ lợi, dự báo thời tiết, cảnh báo bão và thiên tai; Quản lý bờ biển; Nghiên cứu đại dương Biển Đông. Một ví dụ cụ thể là dự án của Trường Đại học Cần Thơ thông qua Mạng lưới Quan sát Toàn cầu và Nghiên cứu Đồng bằng châu thổ (Delta Research And Global Observation Network – DRAGON). Mạng lưới này đang nghiên cứu tác động môi trường của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong lĩnh vực nghiên cứu hải dương học, một số hoạt động nghiên cứu giữa hai bên được tổ chức thành công như chuyến thăm của tầu nghiên cứu biển của Hoa Kỳ đến cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng, đánh dấu sự khởi đầu của dự án nghiên cứu hải dương học giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Hợp tác về KH&CN trong năng lượng nguyên tử

Trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng các nhà máy điện nguyên tử, hợp tác với Hoa Kỳ về vấn đề cũng đang được đẩy mạnh với Cục An toàn bức xạ và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ là đầu mối chính.
Việc hợp tác không chỉ giới hạn trong các hoạt động nghiên cứu và đào tạo nói trên, mà còn liên quan đến việc chuyển giao những công nghệ cụ thể như các kit chuẩn đoán bệnh, công nghệ vi sinh nhằm biến rơm rạ của Việt Nam thành phân bón cho cây trồng, hoặc các giống cây trồng trong nông nghiệp, v.v.

Một số điểm cần lưu ý

Một điểm nổi bật là phía Hoa Kỳ, không như nhiều nước G7 khác, không có một cơ chế tài trợ tập trung dưới dạng một chương trình Nhà nước chuyên để hợp tác với Việt Nam như Thuỵ điển, Phần Lan, Đức, Pháp, v.v. Mọi hợp tác khoa học và công nghệ đều là sáng kiến cá nhân hoặc tổ chức tự đàm phán với Việt Nam và sau đó xin kinh phí thông qua các quỹ như Quỹ Khoa học quốc gia (NSF). Do vậy việc thực hiện các dự án hợp tác kiểu như Nghị định thư giữa Việt Nam với nhiều nước khác sẽ gặp khó khăn hơn. Trong nhiều trường hợp, nguyên tắc vốn đối ứng khi phát triển các dự án hợp tác với Hoa Kỳ là khó thực thi.

Một vấn đề khác là do không có sự thúc đẩy qua các chương trình của Nhà nước, các hoạt động chung phụ thuộc rất nhiều vào sáng kiến, năng lực và tính năng động của từng cá nhân và tổ chức, các Viện, trường. Quan hệ cá nhân trong quan hệ giữa các nhà khoa học đóng vai trò lớn trong quá trình này. Nếu chỉ thụ động trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, các cố gắng hợp tác có thể sẽ chậm hoặc trở nên không khả thi và điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực và sự kiên trì hơn so với khi hợp tác với các đối tác khác.

Do trình độ phát triển, đặc điểm kinh tế-xã hội của hai quốc gia rất khác nhau, nhu cầu và thứ tự ưu tiên trong nội dung hợp tác giữa hai nước đôi khi khá xa nhau. Đặc điểm này đòi hỏi cần nhiều cố gắng và sự tìm tòi nhiều hơn trong việc xác định các nội dung hợp tác mà cả hai bên cùng quan tâm thực hiện.

Một điểm có thể nhận thấy là vai trò của doanh nghiệp trong quá trình hợp tác còn khá hạn chế, mà sự tham gia của doanh nghiệp là một nguồn lực vô cùng quan trọng bổ sung cho nguồn hỗ trợ từ Nhà nước hoặc các quỹ do Nhà nước quản lý.

Hướng tới tương lai

Có thể nói hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được những nền tảng cơ bản đầu tiên. Để thực hiện Hiệp định hợp tác, khoảng hai năm một lần, Bộ khoa học và công nghệ Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thay phiên nhau chủ trì tổ chức các cuộc họp của Uỷ ban Liên chính phủ để kiểm điểm lại tình hình và đề ra kế hoạch cho giai đoạn tới. Những lĩnh vực đã nêu trên sẽ được thảo luận trong các nhóm công tác tại cuộc họp JCM 8 tại Washington, DC, Hoa Kỳ trong thời gian tới. Trải qua hơn mười năm thực hiện Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ, thế và lực của Việt Nam đã khác trước, trở nên một đối tác hợp tác bình đẳng hơn trước, tự tin hơn trước. Với sự thiết lập một số Văn phòng đại diện khoa học và công nghệ của Việt Nam tại một số thành phố chính của Hoa Kỳ như Washington DC, San Francisco và New York, chúng ta đã chủ động bước ra hội nhập mạnh hơn vào thế giới khoa học và công nghệ, ngay tại đất nước có nền khoa học và công nghệ mạnh nhất thế giới. Điều quan trọng hơn cả là bản thân các nhà khoa học, các tổ chức khoa học và công nghệ Việt Nam đã có đủ năng lực hợp tác một cách tự tin, bình đẳng và sáng tạo với đối tác.

Trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 7 năm 2013, một trong những nội dung của đối tác hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được đưa vào Tuyên bố chung giữa Chủ tịch nước Việt Nam và Tổng thống Hoa Kỳ, chính là hợp tác về khoa học và công nghệ. Đây chắc chắn sẽ là một động lực quan trọng giúp cho hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được đẩy lên một mức mới, đem lại lợi ích chung cho cả Hoa Kỳ và Việt Nam trong tương lai.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)