Hợp tác và cạnh tranh: Hai mặt của văn hóa khoa học Hàn Quốc
Bên cạnh chiến lược phát triển KH&CN tập trung và rõ ràng, lí do quan trọng thúc đẩy KH&CN Hàn Quốc chính là áp lực cạnh tranh và tính hợp tác cao trong cộng đồng khoa học ở nước này.
Gần năm năm học tập, làm việc và nghiên cứu tại Hàn Quốc và đến nay vẫn thường xuyên trao đổi, hợp tác dự án với các trường đại học tại đây, tôi nhận thấy chiến lược phát triển KH&CN của Hàn Quốc có tính mục tiêu cao, thể hiện rất rõ qua các chương trình tài trợ nghiên cứu của họ cho từng giai đoạn.
Vào những năm 1990, Hàn Quốc thành lập quỹ KOSEF (Korea Science and Engineering Foundation) tài trợ cho nghiên cứu cơ bản với mục tiêu là phát triển mạnh các công bố của Hàn Quốc trên trường quốc tế. Mỗi dự án, đề tài được tài trợ trong vòng ba đến năm năm với mỗi năm vài trăm nghìn USD. Đây là giai đoạn bùng nổ số lượng các công bố quốc tế của Hàn Quốc trên các hệ thống quốc tế.
Đầu những năm 2000, quan điểm chiến lược phát triển của Hàn Quốc chuyển sang một giai đoạn khác, đó là tập trung tài trợ cho các chương trình nghiên cứu dài hạn thay vì các đề tài ngắn hạn. Quỹ nghiên cứu quốc gia của Hàn Quốc (NRF-National Research Foundation) và chương trình BK21 (Brain Korea 21 – tạm dịch là Bộ não Hàn Quốc thế kỉ 21) tập trung tài trợ cho chương trình của các nhóm nghiên cứu mạnh tại các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu của Hàn Quốc, mỗi dự án được thực hiện trong 10 năm với tài trợ khoảng hơn một triệu USD/năm. Nếu như mục tiêu của Quỹ KOSEF hướng đến số lượng các công bố quốc tế thì chương trình BK21 tập trung nâng cao chất lượng công bố quốc tế của Hàn Quốc. Chỉ trong vòng ba năm, từ 1998 đến 2001, số lượng công bố trên các tạp chí SCI và số bằng sáng chế của Hàn Quốc đã tăng gấp rưỡi (từ hơn 4.000 trong năm 1998 đến hơn 6.000 trong năm 2001), đồng thời họ mời rất nhiều các nhà nghiên cứu hàng đầu của thế giới đến giảng dạy và hợp tác.
Năm 2012, dựa trên thành công của chương trình BK21, Hàn Quốc tiếp tục triển khai chương trình BK21 pha 2 (gọi là BK21 plus), đồng thời xây dựng chương trình tài trợ mới là Institute of Basic Science (IBS -Viện nghiên cứu cơ bản) với số tiền tài trợ khoảng 10 triệu USD/năm cho các dự án được lựa chọn và tài trợ liên tục trong 10 năm. Mục tiêu tham vọng của Hàn Quốc ở thời điểm này là đẩy mạnh các nghiên cứu đỉnh cao, nhắm đến các tạp chí danh tiếng hàng đầu thế giới và xa hơn nữa là chạm đến giải Nobel. Các chương trình nghiên cứu của dự án này mang tính liên ngành cao và tập trung giải quyết những vấn đề hoặc công nghệ mang tính toàn cầu. Tôi từng trao đổi với một giáo sư Đại học Sungkyungkwan (Hàn Quốc), giám đốc một chương trình thuộc dự án IBS, và được biết, nhóm của ông đã chuyển hướng tập trung cho các nghiên cứu có khả năng công bố trên các tạp chí hàng đầu thế giới như Science hoặc Nature. Và đúng như vậy, trong ba năm qua, với tài trợ của chương trình IBS, nhóm họ đã thành công với các công trình đã được chấp nhận đăng trên cả Nature và Science.
Nguồn tài trợ khá phong phú và ổn định cho phép các nhóm nghiên cứu mạnh của Hàn Quốc tập hợp lực lượng nghiên cứu giỏi từ khắp nơi trên thế giới, đi hội thảo trao đổi kinh nghiệm ở nhiều nước và xây dựng các trang thiết bị nghiên cứu tiên tiến. Như nhóm nghiên cứu mà tôi từng tham gia, mỗi khi chuyển sang một đề tài khác, với hệ vật liệu khác là đã có kinh phí để mua thiết bị mới ngay. Các hệ thiết bị cũ có thể được chuyển cho các đơn vị khác sử dụng.
Tuy nhiên, quan điểm tài trợ ở Hàn Quốc rất khác so với Việt Nam – các nhóm được nhận tài trợ luôn bị đặt dưới áp lực phải tạo ra những sản phẩm khoa học ưu việt hơn các nhóm khác. Với chương trình BK21, không phải tất cả các dự án sẽ được nhận hỗ trợ đều đặn và như nhau trong 10 năm. Hai đến ba năm một lần sẽ có đợt đánh giá lại chất lượng và kết quả hoạt động nghiên cứu của nhóm, bên cạnh nhóm chính sẽ luôn có “nhóm dự phòng” nghiên cứu trong cùng lĩnh vực và nhận được kinh phí tài trợ ít hơn nhóm chính. Nếu nhóm chính hoạt động kém hiệu quả hơn nhóm dự phòng thì kinh phí của họ sẽ bị giảm đi và nhóm dự phòng sẽ được cấp kinh phí cao hơn.
Kỷ luật cao và liên kết chặt
Cách đây 10 năm, rất ít khi thấy các công trình nghiên cứu từ Hàn Quốc công bố trên các tạp chí hàng đầu thế giới như Science hoặc Nature nhưng gần đây, số công trình này ngày càng nhiều lên. Ngoài lý do có chiến lược phát triển KH&CN rõ ràng và cụ thể từng bước, người Hàn Quốc còn có những phẩm chất cho phép họ đi đến những mục tiêu đã đặt ra một cách nhất quán.
Về máy móc thiết bị nghiên cứu, nếu như Việt Nam chủ yếu nhập nguyên chiếc thì ở Hàn Quốc, họ tự sản xuất và lắp đặt dựa trên thiết kế và ý tưởng của các nhà khoa học (các công ty của Hàn Quốc có thể tự thiết kế, sản xuất, cung cấp các thiết bị theo yêu cầu). Nhược điểm của việc nhập nguyên chiếc là các nhà nghiên cứu không thể can thiệp vào thông số và kĩ thuật của thiết bị. Chẳng hạn, ở Việt Nam, các hệ thiết bị chế tạo mẫu và đo đạc thường là hai hệ tách rời nhau. Tuy nhiên, đối với một số vật liệu yêu cầu cao về độ sạch thì môi trường sẽ ảnh hưởng đến tính chất của vật liệu, dẫn đến việc đo đạc không chính xác. Ở Hàn Quốc, họ hoàn toàn có thể yêu cầu tích hợp hệ đo trong hệ thiết bị làm mẫu, đảm bảo tạo ra các vật liệu mới có các tính chất ưu việt. Hơn nữa, hiện nay ở Việt Nam, mỗi khi các thiết bị nghiên cứu xảy ra hỏng hóc lại phải nhờ các chuyên gia nước ngoài, mất nhiều thời gian và kinh phí bảo trì. |
Môi trường nghiên cứu khoa học của Hàn Quốc rất áp lực. Các giáo sư ở Hàn Quốc thường làm việc từ 9 giờ sáng đến sau 12 giờ đêm, các phòng thí nghiệm cũng luôn mở cửa rất khuya. Bên cạnh đó, người Hàn Quốc cực kỳ coi trọng tính kỷ luật và tính chuyên nghiệp. Chẳng hạn, khi được yêu cầu triển khai một thí nghiệm nghiên cứu thử nghiệm, các sinh viên Hàn Quốc phải tuân thủ quy trình và kỷ luật rất cao, như một quy trình công nghiệp, không được phép thay đổi bất kì khâu nào, trong khi sinh viên nước ngoài có thể điều chỉnh và thay đổi quy trình đó.
Tính cộng đồng và khả năng liên kết hợp tác nghiên cứu của các nhà khoa học Hàn Quốc cũng rất cao. Những dự án như BK21, BK21Plus và gần đây là IBS có tính cạnh tranh rất lớn. Hiện nay, toàn Hàn Quốc có khoảng 50 nhóm nghiên cứu được lựa chọn và tài trợ nghiên cứu trong chương trình IBS. Khi nhận được dự án tài trợ 10 năm với nguồn kinh phí ổn định như vậy, các nhóm nghiên cứu và các nhà khoa học chỉ tập trung vào nghiên cứu đỉnh cao mà không cần phải lo kiếm kinh phí để trả lương cho các nghiên cứu sinh, postdoc và tiền mua sắm thiết bị, nguyên vật liệu thí nghiệm nữa. Chính vì vậy, để tất cả mọi người trong viện hay trong khoa toàn tâm toàn ý nghiên cứu, các giáo sư thường hợp nhau thành một nhóm lớn cùng chuẩn bị các đề xuất xin tài trợ và triển khai các nghiên cứu để nâng cao tính cạnh tranh của nhóm với các đơn vị và trường/viện khác. Các giáo sư đầu ngành cũng luôn tạo điều kiện cho những giáo sư trẻ, kể cả những người mới về nước, luôn đảm bảo ai cũng được tham gia, đóng góp vào dự án của khoa/viện.
Liên kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với khu vực công nghiệp của Hàn Quốc khá chặt chẽ. Ví dụ, Samsung đã đầu tư kinh phí xây dựng hẳn một viện R&D về công nghệ mới (như công nghệ dựa trên vật liệu graphene) đặt trong Đại học Sungkyungkwan để kết nối, đặt hàng các nhóm nghiên cứu. Vì vậy, các nhóm nghiên cứu ở trong các viện nghiên cứu và các trường đại học Hàn Quốc thường “đi bằng hai chân”, tức là chạy song song các đề tài được tài trợ kinh phí từ nhà nước thông qua các quỹ và từ các yêu cầu đặt hàng của doanh nghiệp để đa dạng hóa nguồn kinh phí hoạt động.
Hàn Quốc hiện nay đang mở rộng hợp tác quốc tế, tạo nhiều điều kiện và chế độ đãi ngộ đặc biệt nhằm thu hút các nhà khoa học nước ngoài nổi tiếng đến làm việc. Vị giáo sư ở Đại học Sungkyungkwan mà tôi nhắc đến ở trên nói với tôi rằng, tiềm lực kinh phí lớn từ dự án của chương trình IBS đã cho phép họ mời rất nhiều giáo sư nổi tiếng thế giới đến làm việc, trao đổi tại phòng thí nghiệm của mình. Đồng thời, họ cũng mời thành viên Ban biên tập của các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới đến hướng dẫn cách viết và trình bày một công bố quốc tế, do đó họ tiếp cận được các tạp chí danh tiếng rất nhanh chóng và hiệu quả.
————-
* Phòng Khoa học và Công nghệ Nano, Viện AIST, Đại học Bách Khoa Hà Nội.