Huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động KH&CN

Sáng 21/11, tại Báo Đất Việt, Hà Nội, đã diễn ra buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Làm thế nào để huy động nguồn lực toàn xã hội cho hoạt động KH&CN”.

Tham gia giao lưu có ông Đoàn Năng, Vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ KH&CN; ông Trần Việt Hùng, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA); PGS.TS Phạm Thành Huy, Viện trưởng Viện Tiên tiến về KH&CN, Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Dưới đây là các câu hỏi cảu bạn đọc và phần trả lời của khách mời:

– Tôi là một người đang làm trong lĩnh vực KH&CN, xin hỏi đối với cơ chế tài chính đối với các dự án, Bộ KH&CN có nên khoán sản phẩm với mỗi dự án để các nhà làm khoa học không phải chạy vạy các hóa đơn chứng từ, các thủ tục rườm rà hay không? – (huangyuan, 34 tuổi, Nam , Lào Cai)

Ông Đoàn Năng: Để nâng cao chất lượng hoạt động khoa khọc công nghệ và đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư cho KH&CN rất cần phải có phương thức khoán đến sản phẩm cuối cùng. Vì như thế sẽ nâng cao được trách nhiệm của các nhà khoa học và công nghệ và cũng có điều kiện để lược bớt những thủ tục hành chính rườm rà đặc biệt là thủ tục trong lĩnh vực tài chính KH&CN. Ở đây tôi muốn nói là chúng ta cần quan tâm đến sản phẩm cuối cùng chứ không phải là quan tâm đến quá trình các nhà nhà KH&CN làm việc như thế nào. Nếu như sản phẩm cuối cùng đạt yêu cầu có giá trị thì chúng ta nghiệm thu, các nhà khoa học không phải lo các thủ tục phức tạp, rườm rà như trước đây. Cơ chế này cũng nâng cao trách nhiệm của bên khoán, tức là cơ quan tổ chức khoán thì phải bảo đảm đầy đủ mọi điều kiện cần thiết cả về kinh phí lẫn cơ sở vật chất kỹ thuật để các nhà KHCN hoạt động một cách thuận lợi đúng với cam kết.

– Được biết, Liên hiệp các Hội KH&KTViệt Nam có tham gia góp ý vào dự án Luật KH&CN sửa đổi. Vậy LHH đã có những góp ý cụ thể như thế nào. Những góp ý sửa đổi đó nhằm mục đích gì? – (Hoàng Văn Hùng, 48 tuổi, Nam , Quảng Nam, Đà Nẵng)

Ông Trần Việt Hùng: LHH Việt Nam đã tham gia đóng góp ý kiến cho dự án Luật KHCN sửa đổi ngay từ những bản dự thảo đầu tiên. Những ý kiến góp ý của các nhà KH-CN qua các cuộc hội thảo tập trung vào quan điểm xây dựng Luật KHCN, các nội dung chính của Luật KHCN. Trong đó, chú trọng đến các giải pháp tăng cuờng xã hội hoá hoạt động KHCN, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động KHCN, đặc biệt là hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ công nghệ trong doanh nghiệp, thu hút lực luợng KHCN tham gia vào các hoạt động nghiên cứu KHCN và gắn nghiên cứu với thực tế kinh doanh, sản xuất. Một vấn đề cũng được nhiều nhà khoa học quan tâm đó là đào tạo đội ngũ trí thức KHCN có chất luợng cao, đáp ứng đuợc yêu cầu CNH-HĐH của đất nuớc.

– Với tư cách đại diện cho đội ngũ các nhà khoa học của LHH Việt Nam, ông thấy những vướng mắc của Luật KH&CN hiện nay là gì, nó ảnh hưởng như thế nào đối với đội ngũ những người làm khoa học? – (Tiến Hào, 51 tuổi, Nam , Tiến Hào, TP Quy Nhơn, Bình Định)

Ông Trần Việt Hùng: Luật KHCN hiện nay đuợc ban hành từ năm 2000 với vị trí là đạo luật cơ bản về lĩnh vực KHCN trong những năm qua đã tạo nền tảng pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện mọi mặt hoạt động KHCN, bao gồm cả việc hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động KHCN. Tuy nhiên, cho đến nay, với sự đổi mới của đất nuớc thì Luật KHCN hiện nay cũng bộc lộ nhiều điểm yếu cần phải sửa đổi để KHCN đuợc tiếp tục phát triển, đóng góp tích cực cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Trong đó, một số quy định của Luật KHCN hiện nay đã không đủ khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm công nghệ. Những quy định về quản lý hoạt động KHCN, về cơ chế tài chính cho KHCN cũng chưa đủ mạnh, chưa hợp lý, vì vậy chưa khuyến khích đuợc đội ngũ trí thức KH và CN tham gia tích cực vào các hoạt động KHCN. Một số nội dung chính sách mới của Đảng và Nhà nuớc về KH và CN cũng chưa kịp thời được luật hoá. Thông tin KHCN, thống kê KHCN mặc dù đã được quy định trong Luật, nhưng chưa đủ mạnh, vì vậy hiện nay việc thống kê các hoạt động KHCN, đội ngũ KHCN cũng như những thông tin về tiến bộ KHCN trong nước và thế giới của chúng ta vẫn còn rất hạn chế, gây khó khăn cho việc xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách phát triển KHCN của nước ta.

– Thưa PSG.TS Đoàn Năng, được biết, trong Dự thảo Luật KH&CN sửa đổi có rất nhiều vấn đề đổi mới, trong đó có nội dung thực hiện nghiên cứu ứng dụng KH&CN theo đặt hàng của Chính phủ, các Bộ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và tổ chức khác. Xin ông cho biết, tại sao vấn đề này cần được đặt ra trong thực tế nghiên cứu ứng dụng hiện nay? – (Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, 37 tuổi, Nữ , Kinh Môn, Hài Dương)

Ông Đoàn Năng: Tôi cho rằng đối với khoa học công nghệ vấn đề đặt hàng hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng. Theo cơ chế này, bên đặt hàng cũng phải có trách nhiệm rất cao, phải bảo đảm mọi cam kết của mình với bên nhận đặt hàng, ví dụ như cung cấp các phương tiện, kinh phí đầy đủ kịp thời để bên nhận đặt hàng thực hiện nhiệm vụ. Còn bên nhận đặt hàng cũng có trách nhiệm rất cao đối với việc thực hiện nội dung đã cam kết. Tất nhiên, cả hai bên phải thực hiện đúng nội dung, quy định đã quy định trong hợp đồng đặt hàng. Khi hợp đồng đặt hàng đã hoàn thành và kết quả đã được đánh giá nghiệm thu thì bên đặt hàng phải có trách nhiệm nhận lại kết quả đó và tổ chức ứng dụng vào sản xuất, đời sống. Bên nhận đặt hàng phải bàn giao kết quả đúng quy định và như vậy chúng ta sẽ khắc phục được tình trạng nghiên cứu xong bỏ kết quả vào ngăn kéo như từ trước đến nay.

– Hiện Cơ chế quản lý, xác định nhiệm vụ KH&CN (sử dụng ngân sách nhà nước) xem ra còn nhiều bất cập. Vấn đề này được thể hiện cụ thể trong Luật như thế nào, thưa ông PGS.TS Đoàn Năng? – (Nguyễn Tuấn Anh, 35 tuổi, Nam , Tiền Hải, Thái Bình)

Ông Đoàn Năng: Đây là vấn đề đúng là còn nhiều bất cập từ trước đến nay. Để khắc phục những tình trạng mà người ta cho là bất cập, dự thảo Luật đã có bước đổi mới rất mạnh mẽ trong việc xây dựng quy trình, thủ tục cũng như trách nhiệm xác định các nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước.

Hiện nay, dự thảo luật phân cấp mạnh cho Bộ trưởng Bộ KH&CN quyết định các nhiệm vụ KH&CN cụ thể cấp nhà nước 5 năm và hàng năm. Trước đây, việc này phải trình Thủ tướng quyết định và mất rất nhiều thời gian mà lại không cần thiết vì trong Chiến lược phát triển KT-XH của nhà nước trong Chiến lược phát triển KH&CN quốc gia đã có các quy định về KH&CN. Vì vậy, không cần thiết phải để Thủ tướng quyết định những nhiệm vụ cụ thể.

Bước đổi mới thứ hai là các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổng hợp các đề nghị của các tổ chức, cá nhân về nhiệm vụ KHCN sau đó lập danh mục nhiệm vụ cấp nhà nước gửi Bộ KH&CN quyết định. Trong trường hợp này, các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh đóng vai trò cơ quan đề xuất đặt hàng nhiệm vụ cấp nhà nước. Bộ KH&CN thay mặt nhà nước ký hợp đồng đặt hàng với các tổ chức, cá nhân theo quy trình mà luật đã quy định. Sau khi đánh giá nghiệm thu đạt yêu cầu, bên đề xuất đặt hàng có trách nhiệm nhận lại kết quả và tổ chức đưa vào sản xuất đời sống, đánh giá hiệu quả ứng dụng và định kỳ báo cáo Bộ KH&CN. Nếu là nhiệm vụ cấp bộ, cấp tỉnh thì bộ, ngành và UBND tỉnh tự ký hợp động đặt hàng, tự tổ chức đánh giá nghiệm thu và đưa kết quả đó vào sản xuất, đời sống.

Việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học cấp nhà nước sẽ thực hiện theo quy định của luật này. Riêng nhiệm vụ KHCN của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không sử dụng ngân sách nhà nước thì họ tự xác định nhiệm vụ và tự tổ chức đánh giá nghiệm thu.

– Việc Bộ KH&CN đề xuất các doanh nghiệp trích ít nhất 10% lợi nhuận trước thuế vào việc nghiên cứu, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Ông có thể cho biết ý kiến của ông về vấn đề này? Tại sao? – (Mai Linh, 34 tuổi, Nữ , Biên Hòa, Đồng Nai)

Ông Phạm Thành Huy: Theo tôi đây là một đề xuất hết sức đúng đắn và nếu được triển khai rộng rãi, chắc chắn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ công tác nghiên cứu phát triển trong doanh nghiệp và cả các đơn vị, Viện NC và các trường ĐH trong cả nước. Trong kinh nghiệm của chúng tôi khi được làm việc với một doanh nghiệp tiên phong trong việc chủ động xây dựng CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN TIỀM LỰC KHOA HỌC – CÔNG NGHỆ; xác định Đầu tư phát triển Khoa học-Công nghệ là trọng tâm quan trọng trong  tái cấu trúc toàn diện Công ty; và đã áp dụng việc trích 10% lợi nhuận vào việc nghiên cứu, đổi mới công nghệ; đã giúp cho HĐQT và Ban TGĐ công ty hết sức chủ động trong việc huy động các nguồn lực, mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, đặc biệt các công nghệ được phát triển bằng nội lực của công ty thông qua sự phối hợp với các viện nghiên cứu, trường Đại học trong và ngoài nước, đã tạo cho Công ty có bước phát triển lớn ngay cả trong những năm khủng hoảng kinh tế 2008-2012.

– Là người gắn bó với doanh nghiệp, ông có nhìn nhận thấy những thuận lợi và khó khăn gì trong hoạt động KHCN ở doanh nghiệp hiện nay? Theo ông, vướng mắc lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải để thúc đẩy hoạt đông nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ là gì? – ([email protected], 28 tuổi, Nam)

Ông Phạm Thành Huy: Hoạt động KH&CN là một vấn đề mới đối với doanh nghiệp do đó cần được nhận thức một cách đúng đắn và yêu cầu sự thay đổi trong đội ngũ cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp từ người lãnh đạo cao nhất đến từng công nhân lao động. Nhận thức đúng vai trò của KH&CN và đặc biệt trong bối cảnh nước ta (nền KH&CN ứng dụng còn yếu) đòi hỏi sự dũng cảm và vai trò quyết định của người đứng đầu doanh nghiệp.

Khó khăn thứ hai, đó chính là vấn đề con người – đội ngũ – nhân lực cho khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp. Việc tự xây dựng được một đội ngũ  cán bộ nghiên cứu chuyên nghiệp, một phòng nghiên cứu phát triển và lớn hơn là các trung tâm R&D, Viện NC trong các doan nghiệp đòi hỏi nhiều thời gian, cũng như được đầu tư một cách bài bản, trong khi nguồn lực, nguồn đầu tư lại chưa được xác định cụ thể, rõ ràng. Do đó như tôi đã nói ở trên, việc Bộ KH&CN đề xuất các doanh nghiệp trích ít nhất 10% lợi nhuận trước thuế vào việc nghiên cứu, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp sẽ là một động lực và tạo ra quyền chủ động cho doanh nghiệp đầu tư vào công tác nghiên cứu phát triển của mình.

Tuy nhiên, chính trong điều kiện khó khăn về nhân lực này, sẽ phát sinh nhu cầu hợp tác giữa các doanh nghiệp với các trường đại học, viện nghiên cứu nơi đang có sẵn một đội ngũ cán bộ, được đào tạo tốt, có kiến thức và thông tin cập nhật. Nếu phát huy được sự hợp tác này, chắc chắn công tác phát triển NCKH và CGCN sẽ phát triển mạnh trong doanh nghiệp trong thời gian sắp tới.

– Hiện nay, người cần bán các sản phẩm KH&CN (tức là các nhà khoa học) và người cần mua các sản phẩm từ các nhà khoa học, hay nói cách khác là cung và cầu chưa gặp nhau dẫn đến sự lãng phí “chất xám” rất lớn. Ông có suy nghĩ đến những giải pháp nào cho vấn đề này? – (Văn Quán, 28 tuổi, Nam , Hà Nội)

Ông Phạm Thành Huy: Theo tôi việc phát triển các sản phẩm KH&CN và phương thức đưa các sản phẩm này vào ứng dụng trong sản xuất không chỉ đơn thuần, thuần tuý là mua và bán, mà đòi hỏi phải phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa người mua và người bán. Những sản phẩm công nghệ, thường có những tính chất riêng, và  thường xuất phát từ nhu cầu đổi mới, phát triển của doanh nghiệp, khi áp dụng cũng đòi hỏi được thay đổi, điều chỉnh để đảm bảo sản phẩm (CN) được áp dụng tối ưu và cho hiệu quả cao nhất. Do đó việc đưa ra các chính sách giúp doanh nghiệp có thể chủ động sử dụng nguồn lực của mình cho đầu tư cho phát triển R&D, chỉ động lựa chọn công nghệ để phát triển, đầu tư, mua là hết sức cần thiết.

Sự lãng phí chất xám ở đây do đó có thể hiểu là chúng ta chưa tạo được một hợp tác hiệu quả giữa những người làm sản phẩm (nhà khoa học và đơn vị nghiên cứu trường đại học) và người mua sản phẩm. Việc phát triển KH&CN là một quá trình lâu dài, do đó các doan nghiệp cần có chiến lược phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ phù hợp trên cơ sờ các nguồn lực sẵn có của mình và khai thác sự hỗ trợ từ nhà nước, các tổ chức quốc tế và từ các doanh nghiệp bạn.

Theo tôi, nhà nước cũng cần có những chính sách cụ thể hơn tạo điều kiện cho sự kết nối giữa doanh nghiệp và các trường đại học, việc xây dựng thử nghiệm các viện nghiên cứu liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp và đánh giá các viện này sẽ là cơ sở cho chúng ta phát triển mô hình hợp tác này.

– Được biết đãi ngộ các nhà khoa học thực tài, có các công trình nghiên cứu khoa học đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước là một vấn đề được đề cập trong nhiều năm nay. Thưa ông, vấn đề này được đề cập trong nội dung Luật KH&CN sửa đổi như thế nào? – (Trịnh Việt Dũng, 42 tuổi, Nam , Mai Châu- Hòa Bình)

Ông Đoàn Năng: Đây là vấn đề lớn cần phải được giải quyết không chỉ trong luật mà còn cả trong thực thiễn. Những nhà khoa học có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển của đất nước phải được tôn vinh, phải được trọng dụng, phải được thưởng thích đáng. Đồng thời, còn phải được tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động KHCN như nhà ở, điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ để họ có thể làm việc được tốt hơn. Hiện nay, luật đã đề cập đến vấn đề này một cách khái quát. Tuy nhiên, vấn đề là phải thực hiện trên thực tế. Sau này, trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật sẽ quy định cụ thể tất cả những vấn đề nêu trên.

– Thưa PSG.TS Đoàn Năng, nhiều nhà khoa học cho rằng, chính sách mà chúng ta đang áp dụng cho những người làm công tác nghiên cứu khoa học ở đơn vị hành chính sự nghiệp chưa phù hợp với lao động sáng tạo, trong đó có chế độ tuyển dụng, chế độ lương bổng, sắp xếp và bố trí công việc. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào? – (Nông thị Thu Hà, 47 tuổi, Nữ , Định Hóa, Thái Nguyên)

Ông Đoàn Năng: Tôi thừa nhận rằng, ý kiến này là đúng. Trên thực tế chúng ta còn rất nhiều bất cập trong việc thực hiện chế độ chính sách đối với các nhà khoa học. Tôi còn muốn khẳng định thêm là các nhà khoa học công nghệ chuyên nghiệp rất thiệt thòi, lương thấp nhưng không hề có bất kỳ loại phụ cấp nào. Các chính sách khác cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện nay luật có quy định mở ra hướng giải quyết vấn đề này để bảo đảm đời sống và động viên các nhà KH&CN làm việc. Tôi cũng cho rằng, điều quan trọng nhất là tạo môi trường, điều kiện làm việc thuận lợi và phải có các cơ chế, chính sách, đặc biệt là cơ chế chính sách tài chính để các nhà KHCN tự sống bằng sản phẩm sáng tạo của mình.

– Xin hỏi ông Trần Việt Hùng, các nhà khoa học hiện nay còn khá bối rối trong khâu quyết toán tài chính, theo ông giải pháp trước mắt và lâu dài là gì? – (Lý Thị Kim, 36 tuổi, Nữ , TP Cần Thơ)

Ông Trần Việt Hùng: Đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong hoạt động KHCN đang được coi là một trong những giải pháp đột phá để phát triển KHCN, để làm cho KHCN gắn kết chặt chẽ hơn với thực tiễn phát triển KT-XH của đất nước. Vấn đề này đã được đề cập đến trong Dự thảo Luật KHCN sửa đổi trình Quốc hội lần này cũng như trong Chiến lược phát triển KHCN từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.
 
Tuy nhiên, để giải quyết được vấn đề này một cách triệt để, cũng như bảo đảm cho các nhà KH yên tâm nghiên cứu, không còn phải lo, “bối rối trong khâu quyết toán tài chính” thì cần phải có nhiều giải pháp cụ thể. Theo tôi, trước hết về nhận thức, phải coi đầu tư cho KHCN là đầu tư rủi ro, khác với những loại đầu tư thông thường đã được quy định trong Luật đầu tư. Kinh phí đầu tư, thời gian đầu tư cho việc giải quyết một nhiệm vụ KHCN phụ thuộc vào đối tượng nghiên cứu và khối lượng công việc cần nghiên cứu giải quyết. Không ai có thể dự toán một cách chính xác là cần bao nhiêu tiền, bao nhiêu thời gian để giải quyết được một nhiệm vụ KHCN cụ thể, đặc biệt là những vấn đề mới, có tính KHCN cao.

Vì vậy, dự toán kinh phí ban đầu hoàn toàn có thể bị thay đổi trong quá trình nghiên cứu. Nhưng với cách quản lý hiện nay thì việc được chấp thuận những thay đổi về kinh phí nghiên cứu hầu như rất khó khăn, thậm chí có thể không thay đổi được nếu kinh phí nghiên cứu vượt dự toán ban đầu. Việc bắt buộc phải đấu thầu theo quy định của Luật đấu thầu cũng gây khó khăn trong quá trình nghiên cứu vì trong quá trình nghiên cứu có thể phải thử nghiệm nhiều loại vật liệu khác nhau, nhưng mỗi lần thay đổi vật liệu lại phải tiến hành đấu thầu thì sẽ mất nhiều thời gian hoặc nếu không thì làm giảm hiệu quả của quá trình nghiên cứu. Việc quy định cứng nhắc kinh phí để thực hiện các chuyên đề trong nghiên cứu KHKT cũng như nghiên cứu KHXH làm cho các nhà nghiên cứu buộc phải nói dối để có thể có đủ kinh phí nghiên cứu. Mặt khác, quy định này cũng tạo ra kẽ hở để những “chuyên gia” xây dựng các đề tài, dự án lợi dụng để lấy tiền của Nhà nước thông qua việc tạo ra các chuyên đề không thực sự cần thiết cho nghiên cứu.

Đây là trao đổi mang tính cá nhân. Bạn và những người quan tâm đến vấn đề này đều có thể tham gia đề xuất những giải phải cụ thể, hiệu quả để giúp cho cơ chế quản lý trong hoạt động KHCN trở nên đơn giản nhưng hoàn thiện, chặt chẽ, giúp cho hoạt động KHCN hiệu quả hơn.

– Thưa PSG.TS Đoàn Năng, thị trường KH&CN có một ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp KH&CN, các đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm… Thưa ông, khi Luật KH&CN sửa đổi được Quốc hội thông qua nó sẽ có ý nghĩa như thế nào trong việc phát triển thị trường KH&CN? – (Nguyễn thị Kim Sen, 44 tuổi, Nữ , Vũ Thu, Thái Bình)

Ông Đoàn Năng: Luật đã dành một mục tương đối lớn để quy định về phát triển thị trường KH&CN. Vì hiện nay chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nên chúng ta phải phát triển mạnh thị trường KHCN. Chính thị trường KHCN sẽ giúp các tổ chức KHCN thương mại hóa các sản phẩm của mình, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm các công nghệ mình cần thiết. Thị trường là động lực thúc đẩy cả cung và cầu công nghệ, gắn tổ chức KHCN với hoạt động sản xuất kinh doanh.

– Nhiều nhà khoa học phàn nàn vấn đề tài chính cho các đề tài, dự án còn nhiều bất cập, nhất là vấn đề giao kinh phí và phải thanh quyết toán khi chưa kết thúc nhiệm vụ. Vậy theo ông cần có giải pháp gì để các nhà khoa học được thuận lợi hơn về vấn đề tài chính cho đề tài của mình? – (Nguyễn thị Thanh Hiền, 44 tuổi, Nữ , Đông Hà, Quảng Trị)

Ông Đoàn Năng: Sự phàn nàn của các nhà khoa học hoàn toàn có cơ sở. Hiện nay vấn đề cơ chế tài chính KHCN là vấn đề tắc nghẽn lớn nhất đối với hoạt động KHCN. Để khắc phục tình trạng này cần phải đổi mới cơ bản cơ chế tài chính cho hoạt động KHCN. Cụ thể là bãi bỏ cơ chế dự toán và thanh quyết toán nhiệm vụ KHCN theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính, cụ thể là dự toán và thanh quyết toán rất phức tạp về thủ tục và nội dung và theo năm tài chính hành chính. Dự thảo luật quy định áp dụng cơ chế tài chính của Quỹ phát triển KHCN của nhà nước để giải quyết vấn đề cấp phát kinh phí và quyết toán kinh phí cho các nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước. Tức là mọi việc sẽ theo hợp đồng KHCN, quyết toán khi kết thúc hợp đồng, lấy kinh phí khi có nhu cầu không cần phải chờ đợi như trước đây. Nếu làm được theo cơ chế này thì sẽ hoàn toàn phù hợp với đặc thù hoạt động KHCN.

Là người nhiều năm tâm huyết với ngành khoa học, ông có điều gì muốn chia sẻ với những người theo đuổi con đường khoa học, đặc biệt là đối với các bạn sinh viên trẻ? – (Nguyễn Chí Thăng, 55 tuổi, Nam , Bến Tre)

Ông Đoàn Năng: Tôi cho rằng con đường khoa học là con đường đầy khó khăn và gian khổ. Vì vậy, muốn thành công thì chỉ có cách là phải có ý chí, có tâm huyết và biết cách khắc phục mọi khó khăn trên con đường đi của mình. Mọi khó khăn vướng mắc đều có thể được khắc phục nếu biết tận dụng mọi cơ hội, mọi điều kiện mà pháp luật cho phép. Từng nhà khoa học cũng cần phải kiến nghị kịp thời với các cơ quan có thẩm quyền để có các cơ chế chính sách phù hợp nhằm đẩy mạnh hoạt động KHCN.

Nếu luật này được thông qua, tôi tin rằng môi trường, điều kiện để hoạt động KHCN sẽ tốt hơn. Chúng ta nên cùng nhau chung sức xây dựng các cơ chế chính sách, chủ động trong mọi việc để nâng cao hiệu quả hoạt động của mình.

– Hiện nay còn nhiều nhà khoa học trẻ sau khi học ở nước ngoài không muốn về nước làm việc. Điều đó có phải do chính sách đãi ngộ còn nhiều bất cập, khiến các nhà khoa học chưa phát huy hết khả năng và sự sáng tạo của mình, thưa ông? – (Vũ Linh, 32 tuổi, Nam , Hải Dương)

Ông Phạm Thành Huy: Theo tôi nhiều nhà khoa học trẻ sau khi tốt nghiệp ở lại nước ngoài làm việc có nhiều lý do, trong đó có những nhu cầu cá nhân được tiếp tục học hỏi, trau dồi và làm việc trong môi trường phù hợp với lĩnh vực mà họ được đào tạo.

Việc thay đổi các chính sách tuyển dụng trong đó tạo điều kiện tối đa cho các nhà khoa học có trình độ cao được tiếp nhận trong thời gian nhanh nhất là hết sức cần thiết. Việc tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp có tính chuyên môn cao và phù hợp đối với những nhà khoa học này cũng là một nhân tố giúp thu hút các cán bộ trẻ có năng lực về nước làm việc.

Đối với các cán bộ khoa học việc hình thành và đưa Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) vào hoạt động năm 2009 với việc cho phép các cán bộ khoa học trẻ được đăng ký các đề tài nghiên cứu theo những lĩnh vực khoa học cụ thể đã tạo động lực thu hút các nhà khoa học trẻ trở về nước làm việc.

Đối với đơn vị nghiên cứu như chúng tôi trong 4 năm vừa qua đã có 12 cán bộ nghiên cứu trẻ, có trình độ tiến sĩ từ nước ngoài trở về làm việc và rất nhiều trong số họ nhận được kinh phí hỗ trợ từ Quỹ NAFOSTED. Chính việc được nghiên cứu ngay khi trở về nước đã giúp các cán bộ này yên tâm công tác và phát huy hết khả năng của mình cho sự phát triển của Trường ĐHBK Hà Nội.

– Ông có thể cho biết những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khoa học của Viện trong thời gian vừa qua? Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm mà Viện đã thực hiện nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học? – (Sơn Nguyễn, 27 tuổi, Nam , Vũ Thư, Thái Bình)

Ông Phạm Thành Huy: Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ, Trường ĐHBKHN là một Viện nghiên cứu và Đào tạo trình độ cao (sau đại học) thuộc trường ĐHBKHN. Là một đơn vị mới được thành lập và với đội ngũ cán bộ rất trẻ hầu hết được đào tạo ở nước ngoài trở về, Trong hơn 5 năm vừa qua, chúng tôi đã xây dựng được một mối quan hệ chặt chẽ, cơ hữu với một số doanh nghiệp trong nước trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mà điển hình là xây dựng PTN nghiên cứu và xưởng thử nghiệm chung giữ trường ĐHBKHN và Công ty CP Bóng đèn Rạng đông. Thông qua sự hợp tác với doanh nghiệp, các cán bộ của viện đã phát triển và  chuyển giao thành công một số công nghệ và quy trình công nghệ chế tạo vật liệu (theo hướng nội địa hoá), công nghệ được áp dụng rộng rãi trong sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao cho sản xuất; đồng thời tiết kiệm được nguyên vật liệu cho doanh nghiệp, giảm rác thải công nghiệp và giảm nhập khẩu NVL đầu vào trong sản xuất.

– Trình độ nghiên cứu của Việt Nam không thua kém gì các nước khác, nguyên nhân xuất phát từ đâu mà nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tiễn Việt Nam còn yếu so với thế giới cũng như các nước trong khu vực? Đa số đều phải mua công nghệ, bản quyền nước ngoài? Phải chăng là do kinh phí đầu tư cho khoa học còn nhiều hạn chế, thưa ông Huy? – (Cao Mỹ Yến, 34 tuổi, Nữ , Điện Biên)

Ông Phạm Thành Huy:  Theo tôi khó có thể nói trình độ nghiên cứu của Việt Nam không thua kém gì các nước khác và nghiên cứu khoa học và công nghệ ứng dụng còn là mới mẻ không chỉ đối với các viện nghiên cứu và trường đại học mà còn đối với cả các doanh nghiệp. Để thay đổi được điều này và đặc biệt để đưa được công nghệ do các đơn vị nghiên cứu và trường đại học phát triển vào ứng dụng chúng ta cần phải xây dựng được mối liên hệ chặt chẽ giữa các đơn vị trên với nhau. Thông qua mối liên hệ này các vấn đề, đề tài, dự án nghiên cứu sẽ được đặt ra cụ thể hơn, phù hợp với thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp, nhà sản xuất và nhằm giải quyết những vấn đề thực tế.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay mối liên hệ này chưa được chú trọng. Điều này dẫn đến tình trạng kết quả nghiên cứu ít được ứng dụng trong thực tế.

Chính sách của Nhà nước cho đến nay cũng chưa cụ thể hóa nguồn lực cho phép doanh nghiệp chủ động đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, do đó việc đi mua công nghệ dễ dàng hơn nhiều so với việc đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ. Việc lựa chọn doanh nghiệp là trung tâm trong phát triển khoa học và công nghệ cũng như đề xuất sử dụng 10% lợi nhuận trước thuế vào việc nghiên cứu, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trong Luật KHCN sửa đổi có thể sẽ làm thay đổi tiếp cận của doanh nghiệp khi quyết định tự phát triển hay mua bản quyền công nghệ từ nước ngoài.

– Tôi được biết hiện nhiều địa phương, doanh nghiệp đang loay hoay với việc sử dụng kinh phí trích từ lợi nhuận của doanh nghiệp cho Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, địa phương. Theo ông, để giải quyết vấn đề này cần có giải pháp gì? – (Trần Việt Linh, 36 tuổi, Nam , Trưng Vương, Thái Nguyên)

Ông Trần Việt Hùng: Cảm ơn bạn đã đưa ra câu hỏi này.Như bạn đã biết, hiện nay sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, các sản phẩm của Việt Nam trên thị trường còn rất yếu. Nhiều mặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam bị thua ngay trên thị trường trong nước. Một số mặt hàng nông phẩm như cà phê, gạo đã đạt được mức xuất khẩu đứng đầu thế giới, nhưng hiệu quả kinh tế không cao vì phần lớn được xuất khẩu ở dạng sản phẩm thô, chất lượng không cao. Một trong những nguyên nhân làm cho sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam còn yếu là doanh nghiệp của chúng ta chưa chú ý hoặc chưa đủ sức đổi mới sản phẩm công nghệ, nâng cao trình độ công nghệ của mình. Mặt khác, theo các số liệu thống kê thì đầu tư cho KHCN chủ yếu vẫn bằng nguồn tiền từ ngân sách nhà nước. Vì vậy, quy định các doanh nghiệp phải lập quỹ phát triển KHCN để đầu tư nâng cấp, đổi mới công nghệ của mình là một quy định rất cần thiết và hợp lý.  Ở đây, không phải là “trích từ lợi nhuận của doanh nghiệp” như câu hỏi của bạn mà là trích từ lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là trong phần trích từ lợi nhuận đó đã có sự hỗ trợ khoảng 30% kinh phí của Nhà nước. Ở đây, tôi cho rằng nếu quy định doanh nghiệp xây dựng quỹ này để sử dụng cho mục đích đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm mới của doanh nghiệp thì hợp lý hơn. Không nên bắt doanh nghiệp nộp phần kinh phí từ quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp cho địa phương.

Cũng với nội dung này, có bạn lại băn khoăn là trong điều kiện kinh tế của các doanh nghiệp đang hết sức khó khăn thì việc quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải lập quỹ phát triển KHCN có hợp lý không? Tôi cho rằng doanh nghiệp càng khó khăn thì càng phải đầu tư mạnh để đổi mới sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Quỹ này được xây dựng chủ yếu dựa trên phần kinh phí trích ra từ lợi nhuận trước thuế nên không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đang gặp khó khăn thua lỗ. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình tôi cho rằng những doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong kinh doanh, thậm chí đang làm ăn thua lỗ cũng nên mạnh dạn xây dựng những dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm để thoát ra khỏi tình trạng khó khăn của mình. Nhà nước nên có những cơ chế hỗ trợ kinh phí để tạo điều kiện thuận lợi cho những dự án, đề án KHCN đổi mới công nghệ khả thi của các doanh nghiệp.

– Ông Hùng có thể cho biết, để góp phần đa dạng hóa việc huy động nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu triển khai hoạt động KH&CN, ông có nghĩ việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN thông qua hình thức quỹ KH&CN nên được khuyến khích, thưa ông? – (Thạch Văn Chung, 56 tuổi, Nam , Gia Lam, Hà Nội)

Ông Trần Việt Hùng: Tôi nhất trí với ý tưởng của anh. Nếu việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN được cấp kinh phí từ Quỹ phát triển KH&CN quốc gia thì việc tuyển chọn các nhiệm vụ KHCN sẽ được thực hiện trong cả năm chứ không mang tính “thời vụ” như hiện nay. Giải pháp này cũng sẽ tạo điều kiện gắn việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN với nhu cầu đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm công nghệ của doanh nghiệp.

Từ trước đến nay, một trong những khó khăn trong việc gắn nghiên cứu với sản xuất là việc tuyển chọn các đề tài nghiên cứu thì mang tính chất “thời vụ”, nghĩa là quy định trong một khoảng thời gian nhất định trong năm. Tuy nhiên, những dự án đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp lại phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Vì vậy có hiện tượng các nhà nghiên cứu phải “đẻ” ra đề tài, dự án để đáp ứng nhu cầu về thời gian tuyển chọn. Trong khi đó, khi các doanh nghiệp có nhu cầu, đề xuất các nhiệm vụ KHCN không đúng thời điểm tuyển chọn thì lại không được tuyển chọn nên không nhận được hỗ trợ kịp thời từ ngân sách cho những nghiên cứu đổi mới công nghệ của mình.

– Thưa PSG.TS Đoàn Năng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, ông có thể cho biết từ khi Luật KH&CN năm 2000 đến nay đã có những tác dụng như thế nào? Vì sao phải sửa đổi luật KH&CN? – (Đặng Thị Nhàn, 33 tuổi, Nữ , Khoái Châu, Hưng Yên)

Ông Đoàn Năng: Luật KH&CN năm 2000 là đạo luật đầu tiên của lĩnh vực KHCN, nó là kết quả pháp điển hóa các quy định của pháp luật về KHCN, tạo cơ sở để xây dựng hệ thống pháp luật ngày càng đầy đủ, thống nhất, đồng bộ về KHCN. Chính nhờ có luật này, nhiều hoạt động đã được triển khai nhằm đổi mới về tổ chức, về quản lý, về hoạt động KHCN trên thực tế từ năm 2000 đến nay. Cũng nhờ cơ sở pháp lý này mà hoạt động KHCN đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, Luật KH&CN năm 2000 đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với điều kiện mới: nền kinh tế thị trường đã được định hình rõ nét, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, KH&CN trên thế giới phát triển mạnh mẽ và ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, chúng ta cần phải sửa đổi Luật KH&CN năm 2000 nhằm tạo cơ sở pháp lý tốt hơn cho những bước phát triển đột phá của KH&CN phục vụ yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.

– Thưa PSG.TS Đoàn Năng, dự án Luật KH&CN sửa đổi sẽ tập trung vào những vấn đề chủ yếu gì? – (Trần Quang Minh, 54 tuổi, Nam , Lâm Đồng, Đà Lạt)

Ông Đoàn Năng: Luật phải tập trung khắc phục tất cả những bất cập của Luật KH&CN năm 2000, đặc biệt tập trung giải quyết các vấn đề sau đây:

Thứ nhất, sắp xếp lại hệ thống tổ chức KHCN để bảo đảm đầu tư xây dựng các tổ chức KHCN một cách có hiệu quả.

Thứ hai, đổi mới các quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục xác định nhiệm vụ KHCN, tổ chức thực hiện và đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước.

Thứ ba, làm rõ hơn quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân hoạt động KHCN.

Thứ tư, quy định rõ những biện pháp gắn kết KHCN với sản xuất kinh doanh, với giáo dục đào tạo, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức trong việc đưa các kết quả hoạt động KHCN vào sản xuất, đời sống.

Thứ năm, đổi mới việc phân bổ ngân sách nhà nước cho KHCN, đổi mới cơ chế quản lý tài chính KHCN; tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng cơ chế khoán chi, cơ chế quỹ đối với việc cấp phát và thanh quyết toán kinh phí cho nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước.

Thứ sáu, quy định rõ các biện pháp xã hội hóa hoạt động KHCN, xã hội hóa đầu tư cho KHCN, khẳng định vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong việc đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Thứ bảy, hoàn thiện các cơ chế chính sách về đào tạo, thu hút, sử dụng nhân lực KHCN, đặc biệt là nhân lực KHCN trình độ cao.

Thứ tám, hoàn thiện các quy định về xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển KHCN, phát triển thị trường KHCN.

Th chín, hoàn thiện các quy định về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KH&CN.

– Có ý kiến cho rằng, rất nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư cho lĩnh vực KH&CN, tuy nhiên vấn đề ở chỗ, nguồn tài chính không cho phép, chỉ đủ chi trả lương và các chi phí tối thiểu để duy trì hoạt động cho doanh nghiệp, do vậy rất cần sự hỗ trợ của nhà nước về đầu tư cho khoa học. Xin PGS.TS Hùng có đửa nêu ra một số giải pháp nào cho vấn đề này? – (Đoàn Lê, 35 tuổi, Nữ , Hà Tây)

Ông Trần Việt Hùng: Câu hỏi của bạn chính là thực tế hiện trạng của phần lớn các doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay vì 90% doanh nghiệp của chúng ta thuộc loại vừa và nhỏ. Vì vậy, rõ ràng các doanh nghiệp này rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước đối với các dự án nâng cao trình độ, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Theo tôi, vấn đề quan trọng không phải doanh nghiệp có kinh phí nhiều hay ít mà chính là doanh nghiệp có ý tưởng, có dự án đổi mới KHCN khả thi. Nhà nước nên có cơ chế xem xét để hỗ trợ kinh phí cho những dự án khả thi hoặc cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp để thực hiện các dự án này.

– Nhiều nhà khoa học phàn nàn vấn đề tài chính cho các đề tài, dự án còn nhiều bất cập, nhất là vấn đề giao kinh phí và phải thanh quyết toán khi chưa kết thúc nhiệm vụ. Vậy theo ông cần có giải pháp gì để các nhà khoa học được thuận lợi hơn về vấn đề tài chính cho đề tài của mình? – (Trần Thu Loan, 45 tuổi, Nữ , Thái Nguyên)

Ông Phạm Thành Huy: Tôi rất thông cảm và xin chia sẻ với vấn đề mà bạn đề cập. Là một người tham gia quản lý một đơn vị khoa học và đồng thời cũng là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu hiện nay chúng tôi cũng đang phải dành rất nhiều thời gian cho việc báo cáo thanh quyết toán giữa kỳ trong khi đang thực hiện nhiệm vụ. Đây quả là một điều thiệt thòi và có thể nói là lãng phí trong khi chúng tôi có thể dành thời gian quý báu đó cho việc nghiên cứu.

Theo tôi, giải pháp cho vấn đề này chính là việc giao kinh phí theo nhiệm vụ đặt ra và chỉ đánh giá, quyết toán khi nhiệm vụ đã được hoàn thành.

– Được biết, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội là trường ĐH lớn của đất nước, ông có thể cho biết trường đã có những hoạt động gì để huy động nguồn lực đầu tư cho KH&CN? (Lan Mai, Nữ, 28 tuổi)

Ông Phạm Thành Huy: Từ năm 2009, Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu trường ĐHBKHN đã chủ động xây dựng kế hoạch phát triển hoạt động KH&CN của trường, trong đó lấy trong tâm là xây dựng các chương trình nghiên cứu của trường. Các chương trình nghiên cứu được xây dựng trên sở đặt vấn đề và giải quyết những vấn đề nghiên cứu lớn, cụ thể, có định định hướng mục tiêu cao và dựa trên những ngành, nhóm ngành nghiên cứu và công nghệ là thế mạnh của trường ĐHBKHN.

Trên cơ sở các trường trình nghiên cứu xây dựng được, BLĐ và mỗi cá nhân cán bộ nghiên cứu – giảng viên của trường có thể chủ động đề xuất, tiếp cận các nguồn kinh phí khác nhau từ các Bộ, Ngành, địa phương, từ các doanh nghiệp và cả từ các nguồn kinh phí từ các tổ chức quốc tế (thông qua hợp tác quốc tế) để triển khai thực hiện.

– Thưa ông Hùng, LHH Việt Nam đang thực hiện đóng góp cho phương án sửa đổi nội dung quy định về Văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ trong Hiến pháp 1992…Ông có thể cho biết, nội dung chính của những đóng góp mà LHH đề ra là gì không? – (Nguyễn Văn Khoa, 29 tuổi, Nam , Trường THCS Đạo Đức, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc)

Ông Trần Việt Hùng: Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam được giao một nhánh nghiên cứu trong đề tài lớn “Nghiên cứu cơ sở lý luận về việc sửa đổi các nội dung quy định trong Hiến pháp 1992 cho phù hợp với tình hình mới” do Viện Lập pháp của Quốc hội là cơ quan chủ trì. Đây là nhánh nghiên cứu sửa đổi những nội dung Văn hoá, Giáo dục, KHCN trong Hiến pháp 1992 được giao cho một nhóm nghiên cứu của Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam tiến hành. Đây là một đề tài nghiên cứu nên các kết quả, đề xuất của nhánh đề tài không nhất thiết trùng với bản Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi đang trình xin ý kiến Quốc hội. Khi nghiên cứu về vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã đề xuất sửa đổi dựa trên quan điểm sau:

    – Coi Hiến pháp là bản khế ước xã hội giữa Nhà nước và nhân dân, vì vậy trong Hiến pháp phải quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân.

    – Coi Hiến pháp là Bộ luật gốc làm cơ sở pháp lý để hình thành hệ thống pháp luật của đất nước. Vì vậy, Hiến pháp phải quy định những điều cơ bản, những vấn đề cơ bản làm cơ sở hình thành các bộ luật sau này.

    – Hiến pháp phải tạo điều kiện để luật hoá cương lĩnh, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

    – Về mặt văn phong: Cố gắng trình bày rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu theo văn phong của Hiến pháp 1946.

Trên cơ sở những quan điểm này, nhóm nghiên cứu đã đề xuất gộp lại, chỉnh sửa 19 điều liên quan đến văn hoá, giáo dục, KHCN trong Hiến pháp 1992 thành 8 điều trong Hiến pháp 1992 sửa đổi. Nhóm nghiên cứu cũng đề nghị bỏ Chương Văn hoá, Giáo dục, KHCN trong Hiến pháp 1992. 8 điều mới sẽ được đưa vào các chương quy định về Quyền công dân, về KT-XH.

Sau kỳ họp Quốc hội lần này, LHH sẽ tổ chức lấy ý kiến của đội ngũ KHCN đóng góp toàn diện cho Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi.

– Thưa PSG.TS Đoàn Năng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, hơn 10 năm ra đời Luật KH&CN, tuy nhiên sự hiểu biết của người dân thậm chí kể cả các nhà khoa học về Luật này rất ít so với một số luật khác như luật dân sự, luật hình sự, luật giao thông đường bộ. Phải chăng luật này vẫn chưa đi vào đời sống xã hội hay vì nguyên nhân nào khác? Theo ông, làm thế nào để luật KH&CN nói riêng và các luật khác về KHCN đến gần với người dân hơn? – (Nguyễn Văn Bé, 51 tuổi, Nam , Tiền Giang)

Ông Đoàn Năng: Tôi cho rằng tình trạng người dân ít hiểu biết về pháp luật KHCN là có thực. Có nhiều nguyên nhân, có lẽ chủ yếu là do công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về KHCN làm chưa tốt. Các nhà quản lý chưa quan tâm lắm đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KHCN, thậm chí còn chưa quan tâm đến hoạt động KH&CN vì chưa thấy hết được vai trò của KHCN.

Muốn cho Luật KHCN đi vào cuộc sống thì pháp luật phải được hoàn thiện, nội dung phải thiết thực với cuộc sống, đồng thời phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

– Thưa PSG.TS Đoàn Năng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, ông có thể cho biết đánh giá của ông về Luật KH&CN của Việt Nam hiện nay so với một số luật KH&CN của một số nước trên thế giới có những ưu, khuyết điểm gì? – (Tạ Hoàng Tâm, 37 tuổi, Nữ , Thị xã Ninh Mỹ, Ninh Bình)

Ông Đoàn Năng: Theo tôi, mọi sự so sánh đều có thể khập khiễng nên khi so sánh Luật KHCN của Việt Nam hiện hành với Luật KHCN của một số nước thì chỉ nên hiểu một cách tương đối. Có thể nói, Luật KH&CN năm 2000 của Việt Nam phù hợp với điều kiện của Việt Nam  trong thời kỳ chuyển đổi từ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường còn ở nhiều nước không có việc chuyển đổi này. Vì vậy, Luật KHCN của các nước không cần có những quy định như trong Luật KHCN của Việt Nam, mọi việc đã ổn định và phù hợp với cơ chế thị trường của họ. Hơn nữa, những cơ chế tổ chức quản lý xã hội của họ cũng khác ta.

Hiện nay, chúng ta sửa đổi luật cho phù hợp hơn với cơ chế thị trường ở nước ta, với điều kiện kinh tế, xã hội của chúng ta, các quy định của luật cũng phải phù hợp với trình độ, đặc điểm tổ chức, quản lý kinh tế xã hội ở Việt Nam. Vì vậy chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy, luật KH&CN của Việt Nam có những quy định mà ở luật ở nước ngoài không có.

– Thưa PSG.TS Đoàn Năng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, khó khăn nào hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt khi huy động doanh nghiệp đóng góp cho khoa học công nghệ? – (Đinh Quốc Huy, 34 tuổi, Nam , Cam Ranh, Khánh Hòa)

Ông Đoàn Năng: Khó khăn lớn nhất hiện nay là ý thức của các doanh nghiệp về đầu tư cho KH&CN chưa được tốt; phần lớn các doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực tài chính yếu kém; và cơ chế bảo đảm cho việc huy động và sử dụng kinh phí được huy động chưa được thông thoáng. Một số doanh nghiệp đã huy động một khối lượng kinh phí tương đối lớn cho hoạt động KHCN nhưng cơ chế sử dụng kinh phí này hiện nay không thông thoáng nên không thể sử dụng được.

– Một trong các hoạt động nổi bật của LHH Việt Nam là hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Dự thảo quyết định về về hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội của LHHVN trong giai đoạn mới mà LHH Việt Nam đang xây dựng sẽ thực hiện những mục tiêu gì? Ông mong đợi gì ở quyết định này sau khi ban hành? (Trần Thị Thủy, 37 tuổi, Nữ , TP Sơn La, Tỉnh Sơn La)

Ông Trần Việt Hùng: Một trong những hoạt động nổi bật của LHH là tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Hoạt động này đã bước đầu tạo ra môi trường dân chủ để tập hợp, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Tuy nhiên, trong những năm qua, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của LHH được thực hiện theo Quyết định số 22 của Chính phủ. Quyết định này quy định LHH thực hiện tư vấn, phản biện, giám định xã hội những nhiệm vụ được chính phủ và các cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan trung ương khác, và Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương… yêu cầu. Như vậy, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định của LHH trong thời gian qua mang tính bị động. Kinh phí dành cho hoạt động này mang tính chất hỗ trợ, không có tính pháp lý rõ ràng. Quyết định số 22 của Chính phủ một mặt đã tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức KHCN đóng góp ý kiến vào những vấn đề lớn của đất nước. Mặt khác, quyết định này cũng hạn chế ở mức độ là LHH chỉ tư vấn, phản biện và giám định khi được yêu cầu. Các điều kiện khác để đảm bảo cho những hoạt động này hiệu quả như cơ chế tài chính, quy chế cung cấp tài liệu…cũng không được quy định rõ.

Việc sửa đổi Quyết định 22 của Chính phủ nhằm thực hiện chỉ thị số 42- CT/TW của Bộ Chính trị khoá X tạo điều kiện để LHH chủ động trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, với cơ chế tài chính rõ ràng hơn. Trong Dự thảo quyết định mới quy định rõ những loại đề án (các dự án Luật, chính sách, chiến lược, chương trình đầu tư phát triển…) cần có ý kiến của LHH hoặc các hội thành viên trước khi trình Thủ tướng. Cũng quy định tương tự như vậy đối với cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Dự thảo cũng quy định rõ cơ chế tài chính cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định, nội dung báo cáo tư vấn, phản biện, giám định xã hội, trách nhiệm của các cơ quan đặt yêu cầu tư vấn, phản biện, giám định xã hội, cũng như trách nhiệm của LHH Việt Nam và các hội thành viên trong hoạt động này.

Tác giả