Israel có công nghệ – Việt Nam có thị trường

Ngày 26/7 vừa qua, Bộ KH&CN Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác Khoa học Công nghệ với Bộ KH&CN Israel. Tia Sáng đã có dịp trao đổi với ông Doron Lebovich, Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam về những vấn đề xung quanh MOU này.


Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam, ông Doron Lebovich.

Israel có công nghệ cho những vấn đề Việt Nam đang đối mặt

Ông có thể cho biết là MOU này có vai trò gì trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Israel?

Khoa học công nghệ là một trong những lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Israel. Là một đất nước nhỏ với 8.5 triệu dân nhưng Israel sở hữu những công nghệ tiên tiến nhất thế giới. Chúng tôi thấy Việt Nam là một thị trường rộng lớn, một thị trường đang thay đổi, một thị trường có thể tận dụng những tri thức và công nghệ của Israel. Chẳng hạn như lĩnh vực môi trường, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất về biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Israel đã có 70 năm kể từ khi lập quốc đối phó với hạn hán liên miên và 40% diện tích đất là sa mạc để tìm câu trả lời cho những câu hỏi: “Làm thế nào để nuôi trồng trong một khí hậu thay đổi?” “Làm thế nào để tăng năng suất với ít nước tưới hơn?” “Làm thế nào để đối phó với nước mặn?”. Việt Nam hiện nay đang đối mặt với rất nhiều thách thức mà Israel đã trải qua trong rất nhiều năm và chúng tôi đã có công nghệ, có giải pháp cho những vấn đề đó.
Sự hợp tác giữa Israel và Việt Nam đã diễn ra trên nhiều phương diện: phương diện chính trị bao gồm những chuyến thăm chính thức giữa hai nước, chẳng hạn như tháng 3 vừa qua, Tổng thống Israel Reuven Rivlin đã đến thăm Việt Nam; phương diện kinh doanh mà chúng ta thấy là ngày càng nhiều công ty Israel kinh doanh, đầu tư và tìm hiểu thị trường Việt Nam; cuối cùng là phương diện văn hóa tạo điều kiện cho Israel hiểu về văn hóa và con người ở đây và ngược lại. Tôi tin rằng Biên bản ghi nhớ này sẽ tạo ra một lớp mới cho quan hệ hai nước: ở phương diện chính trị sẽ có nhiều chuyến thăm của những chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực KH&CN giữa hai bên; ở phương diện kinh tế, MOU sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp KH&CN Israel tới Việt Nam. Từ đó con người hai nước có thể gặp gỡ, trao đổi, tham gia các hoạt động của nhau nhiều hơn.  

Nguyên do nào khiến Israel hợp tác với Việt Nam về khoa học công nghệ, thưa ông?

Chúng tôi tin vào một câu ngạn ngữ tiếng Hebrew nghĩa là: “Một con dao chỉ sắc hơn khi được mài với một con dao khác”, chúng tôi tin rằng hợp tác trong tư duy, chia sẻ hiểu biết chung, đặc biệt trong lĩnh vực KH&CN là cách tăng cường hợp tác nói chung giữa hai nước. Chúng tôi trân trọng nỗ lực của Việt Nam trong việc tập trung vào KH&CN như một động lực để phát triển đất nước. Khi đã nhìn thấy cơ hội hợp tác, chúng tôi không đặt ra tiêu chí tại sao lại làm việc với quốc gia này thay vì quốc gia kia.

Ông có thể nói rõ hơn là Israel nhìn thấy Việt Nam tập trung vào KH&CN như một động lực để phát triển đất nước như thế nào không?

Đây là một câu hỏi khó. Tôi nhìn thấy người dân ở đây đầu tư nhiều vào giáo dục cho con cái như thế nào, tôi nhìn thấy các trường đại học cố gắng tìm kiếm chỗ đứng của mình trên thế giới bằng cách tăng số lượng và chất lượng công bố quốc tế ra sao…Tôi còn nhìn thấy những ví dụ khác không chỉ trong khoa học công nghệ mà trong bức tranh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: startup trở thành từ khóa quan trọng mà tất cả mọi người từ chính phủ cho đến khối tư nhân đều hiểu đó là một trong những điều kiện cần để thúc đẩy kinh tế phát triển. Chính phủ Việt Nam cũng đã có một chương trình riêng để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ở đây.

Đó mới chỉ là một vài ví dụ nhưng nó cho thấy một điều quan trọng là muốn phát triển một đất nước thì thường phải thông qua con đường phát triển KH&CN nếu không muốn nói đây là con đường duy nhất. Hiện nay ở Việt Nam, tôi đã chứng kiến sự đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn như trong lĩnh vực nông nghiệp, tôi có thể thấy công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel đã làm thay đổi nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hiện đại ở Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi còn có dự án “Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao (DDEF) tại huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh để chuyển giao công nghệ nuôi bò giữa Israel và Việt Nam. Trong dự án này, mỗi con bò sẽ được gắn một chiếc thẻ từ ở tai, thông báo cho người nuôi điều kiện môi trường và tình trạng sức khỏe con bò để có chế độ cho ăn, tắm rửa, vắt sữa phù hợp. Dự án bắt đầu năm 2012 và chúng tôi có thể thấy năng suất và chất lượng của sữa bò đã tăng lên.

“Biến ngôn từ thành hành động”

Theo ông, hoạt động đầu tiên hai nước phải làm sau khi kí kết MOU này là gì?

Đầu tiên là phải thành lập một nhóm điều phối làm việc định kì với nhau, bao gồm chuyên gia giữa hai nước, chịu trách nhiệm “biến ngôn từ thành hành động”, cùng lựa chọn xem những việc nào có thể làm và làm dựa trên nguyên tắc nào: Làm thế nào để tài trợ cho các nghiên cứu hợp tác? Làm thế nào để cùng tổ chức các sự kiện? Nên tập trung ưu tiên các chủ đề nào để hợp tác? Làm thế nào để chuyển giao tri thức? Thông qua những chuyến tham quan học hỏi giữa hai nước của các chuyên gia hay thông qua các cơ sở giáo dục và nghiên cứu tự chủ động hợp tác với nhau?

Ông có thể nói rõ hơn vai trò của các trường đại học và viện nghiên cứu trong việc triển khai MOU này không?

Mặc dù các trường đại học của Israel đều là công lập nhưng chính phủ không thể yêu cầu họ làm việc với ai và làm việc như thế nào. Nhà nước không can thiệp vào danh sách những hoạt động của các trường đại học nên việc hợp tác với ai hoàn toàn là quyền chủ động của họ. Với các tổ chức công lập khác, như viện nghiên cứu thì không gặp phải khó khăn này nên phía Việt Nam có thể hợp tác dễ dàng hơn.

Gần đây, ngày càng có nhiều đại học ở Việt Nam hợp tác với đại học Israel, nhiều sinh viên Việt Nam cũng sang đây du học nhưng điều đó chưa đủ. Một trong những điều Đại sứ quán Israel đang thực hiện để thúc đẩy sự hợp tác giữa các trường đại học Israel với các trường đại học Việt Nam là quảng bá về chất lượng của các trường đại học ở Israel tới Việt Nam và tiềm năng của người Việt Nam tới Israel.

Là người theo sát từ lúc chuẩn bị cho đến lúc ký kết biên bản ghi nhớ này, ông có nhìn thấy trước những khó khăn cụ thể nào trong việc triển khai Biên bản ghi nhớ này không?

Cụ thể? Không, tôi không nhìn thấy trước được điều gì. Tôi nghĩ rằng, tất cả mọi Biên bản ghi nhớ đều có những thách thức như người ta vẫn nói. Thách thức thứ nhất là ý chí triển khai của mỗi bên. Sau đó là làm thế nào để duy trì hoạt động hợp tác này. Nhóm liên kết gồm các chuyên gia của hai nước cần trao đổi định kỳ mỗi năm một lần hoặc hai năm một lần để xác định xem họ có thể làm gì và thiết lập một phương thức hợp tác chung. Đấy là bước đầu tiên và khó nhất. Từ đó trở đi, tôi nghĩ là mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ.

Xin cảm ơn ông!

Hảo Linh thực hiện

Theo biên bản ghi nhớ này, Israel và Việt Nam sẽ hợp tác với nhau trong tám lĩnh vực: Nông nghiệp và công nghệ thực phẩm; Nuôi trồng và chế biến thủy sản; Chất lượng cuộc sống và môi trường; Công nghệ vật liệu; Công nghệ thông tin; Công nghệ sinh học; Y tế; Năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Việc hợp tác sẽ được triển khai qua bốn phương thức: hỗ trợ các dự án hợp tác giữa hai nước về nghiên cứu khoa học, nghiên cứu công nghệ và triển khai thử nghiệm; đồng tổ chức các hội thảo, hội nghị, seminar khoa học ; Chia sẻ, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức thăm quan giữa hai nước về các vấn đề hai bên cùng quan tâm; Khuyến khích hợp tác trực tiếp giữa các viện nghiên cứu và các trường đại học của hai nước.

 

Tác giả