Kết thúc của sự tiến bộ?
Đã có thời năng lượng hạt nhân được coi là cái phúc của nhân loại. Nhờ năng lượng hạt nhân, dòng điện sẽ không bao giờ ngừng nghỉ và sẽ phủ lên các sa mạc một mầu xanh bạt ngàn. Nhưng sau đó là sự hoài nghi, rồi Phong trào Xanh và giờ đây là Fukushima.
Nhiều thập niên sau, không ít nhà quan sát vẫn coi sự kiện phân tách hạt nhân có kiểm soát đầu tiên này là một sự kiện lịch sử có tầm vóc như cuộc cách mạng Pháp. Tuy nhiên thời kỳ đầu công nghệ mới đó đã gây không ít hoang mang, lo sợ. Dự án Manhattan đã tạo nên bom nguyên tử. Tám năm sau khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki làm hàng trăm nghìn người Nhật Bản bị thiệt mạng, một bước ngoặt diễn ra, năng lượng hạt nhân được sử dụng trong lĩnh vực dân sự. Trong diễn văn nổi tiếng – “Atoms for Peace” đọc trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc, Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower ca ngợi sức mạnh hạt nhân là biểu thị cho sự tiến bộ và là phước lành đối với nhân loại.
Trước đó nhiều năm, Mỹ đã bí mật nghiên cứu phân tách hạt nhân tại một lò phản ứng thì nghiệm ở bang Idaho xa xôi để tạo ra điện năng. Vào dịp Giáng sinh năm 1951, lò phản ứng thí nghiệm này đã thắp sáng bốn ngọn đèn điện. Năm 1957, nước Đức xây dựng lò phản ứng thí nghiệm đầu tiên ở Garching. Năm 1961, nhà máy điện hạt nhân thương mại đầu tiên đã đưa điện vào mạng lưới; đến cuối những năm sáu mươi, nước Đức đã đưa vào vận hành thêm bảy nhà máy điện hạt nhân; và đến cuối những năm 70, nước Đức đã xây dựng tiếp 11 nhà máy điện hạt nhân mới.
Những nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được xây dựng ở Đức đúng vào thời kỳ nền kinh tế nước này đang có sự phát triển kỳ diệu và được coi như một trụ cột của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai. Năm 1959, nhà triết học Mác-xít Ernst Bloch đã từng ca ngợi điện hạt nhân trong cuốn sách của ông nhan đề “Nguyên tắc hy vọng”: “ Chỉ cần vài trăm kilo Uranium là đủ để làm cho sa mạc Sahara và sa mạc Gobi, Sibirie, Bắc Mỹ, Băng đảo và vùng Bắc cực trở thành những vùng đất xanh tươi màu mỡ.”
Phong trào Xanh
Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 lần đầu tiên thức tỉnh dư luận về sự hữu hạn của các loại năng lượng hóa thạch và dẫn đến sự nhận thức lại về giá trị, thay cho tiến bộ và tăng trưởng kinh tế vô điều kiện con người đã suy nghĩ lại về hành vi tiêu dùng của mình và đây chính là sự ra đời của quan niệm bền vững.
Thời gian này ở Đức bắt đầu xuất hiện các vụ biểu tình phản đối điện hạt nhân do lo sợ bị ảnh hưởng của các chất phóng xạ, trong những năm 50, vấn đề này còn khá xa lạ với dân chúng. Hồi đó, những người trồng nho để sản xuất rượu vang ở vùng Kaiserstuhl lo sợ khói từ các tháp làm lạnh của nhà máy điện hạt nhân Wyhl đang dự kiến được xây dựng, sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng nho của họ. Cuộc biểu tình lên đến đỉnh điểm vào tháng 2/1975, dân chúng Đức đã chứng kiến qua truyền hình hình ảnh cảnh sát Đức dùng súng phun nước để xua đuổi chị em nội trợ.
Năm 1977, ở Đức bùng lên làn sóng phản đối đưa vào vận hành hai lò phản ứng với sự tham gia của khoảng 40.000 người. Kết quả là hai lò phản ứng không được đưa vào vận hành. Ngày nay, lò phản ứng ở Kalkar trở thành công viên giải trí.
Giai đoạn đầu, người Đức biểu tình phản đối điện hạt nhân vì lo ngại bị ảnh hưởng bởi sự thất thoát phóng xạ nguyên tử trong điều kiện nhà máy hoạt động bình thường, tuy nhiên đến cuối những năm 70, làn sóng phản đối điện nguyên tử bùng lên vì lo ngại khả năng xẩy ra tai họa ở các nhà máy điện hạt nhân. Điển hình là tai nạn nghiêm trọng ở một lò phản ứng thuộc nhà máy điện nguyên tử Three-Mile-Island của Mỹ ngày 28/3/1979. Sau đó một ngày, Nghị viện Đức lập tức lập một ủy ban xem xét tương lai của điện hạt nhân.
Tuy nhiên, bảy năm sau, khi xảy ra thảm họa hạt nhân ở Chernobyl, thì số phận của nhà máy điện hạt nhân Kalkar mới được định đoạt. Năm 1983, thông qua phong trào kiên quyết phản đối điện hạt nhân, trong Nghị viện Đức lần đầu tiên xuất hiện các nghị sỹ thuộc Đảng Xanh, những người kiên quyết chống lại điện hạt nhân.
Bên cạnh sự phản đối điện hạt nhân, người Đức ngày càng chú trọng nhiều hơn đến vấn đề xử lý chất thải từ các nhà máy điện hạt nhân. Năm 1995 xuất hiện tàu Castor vận chuyển rác thải hạt nhân tới Gorleben. Từ đó đến nay đã có tổng cộng 12 đoàn tàu container chở rác thải hạt nhân đến địa điểm tàng trữ trong số đó có chín chuyến xuất phát từ cơ sở tái chế biến La Hague của Pháp. Trong những năm tám mươi do người Đức kịch liệt phản đối nên nước Đức không thể xây dựng một nhà máy tái chế biến ở Wackersdorf.
Sang thế kỷ 21, vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng có thể thay thế điện hạt nhân – mặt khác người ta cho rằng một thảm họa tương tự như Chernobyl vẫn có thể xảy ra. Cũng cần nói rằng ngay ở các nhà máy điện của Đức cũng từng xảy ra không ít sự cố. Tuy nhiên cho đến vụ thảm họa điện hạt nhân lớn thứ ba trong lịch sử thế giới ngay tại Nhật Bản, một cường quốc công nghệ cao, làm cho hầu như đa số dân Đức nhận thức được nguy cơ của điện hạt nhân và người Đức kiên quyết phản đối điện hạt nhân.
Từ bỏ điện hạt nhân, liệu nước Đức có rơi vào tình trạng mất điện?
Nhiều chuyên gia dự đoán, nếu năm 2017, tất cả các nhà máy điện hạt nhân của Đức không còn đưa điện lên mạng thì việc cung cấp điện ở Đức cũng không bị ảnh hưởng. Xét cho cùng thì việc rời bỏ điện nguyên tử chỉ là vấn đề giá cả. Và đối với Đức, một quốc gia công nghiệp, thì đây chính lại là một cơ hội chứ không phải là một nguy cơ.
Chỉ khi nào tất cả các nhà máy điện hạt nhân, không chỉ riêng tám nhà máy lâu đời nhất, ngừng cung cấp điện tức thì, thì nước Đức sẽ bị thiếu khoảng 1 Gigawatt. Tuy nhiên đến năm 2014 hoặc chậm nhất là đến năm 2018, việc từ bỏ hoàn toàn điện hạt nhân mới diễn ra thì vấn đề thiếu điện không đáng lo ngại vì đến thời gian đó đã ra đời một loạt nhà máy điện mới.
Các tập đoàn công nghiệp chỉ trích quyết định từ bỏ điện hạt nhân của Chính phủ. Trong khi đó, sự chấm dứt điện hạt nhân đáng ra phải được coi là một cơ hội chứ không phải là một sự tổn thất, một cơ hội để ngành công nghiệp Đức bước vào kỷ nguyên điện mặt trời có ý nghĩa vô cùng to lớn về kinh tế.
Từ lâu, ngay từ trước khi xảy ra thảm họa Fukushima, đã có nhiều ý kiến chỉ trích điện hạt nhân, không phải chỉ vì nỗi lo sợ xảy ra thảm họa mà vì một số vấn đề chưa được giải quyết như việc tàng trữ vĩnh viện rác thải phóng xạ. Hơn nữa công nghệ hạt nhân dân sự có thể bất cứ lúc nào bị sử dụng vì mục đích quân sự và đây là một mối đe dọa to lớn.
Nếu được xử lý đúng đắn thì việc đoạn tuyệt với điện hạt nhân có thể giúp nước Đức trở thành quốc gia đi đầu trong quá trình chuyển đổi: vì tính hữu hạn của hành tinh chúng ta, đến một lúc nào đó tất cả các quốc gia đều phải đoạn tuyệt với ngành năng lượng sử dụng tài nguyên.
Vấn đề đối với Đức hiện nay là phải sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và tiếp tục nâng cao hơn nữa tỷ trọng năng lượng tái sinh. Nước Đức nhất thiết phải đi theo con đường phát triển công nghệ cao hiện đại.
Trong năm 2010 sản lượng điện hạt nhân ở Đức đạt 140,6 tỷ Kilowatt giờ (kWh), chiếm tỷ trọng 22,6 %. Nếu tính theo tải cơ bản, nghĩa là cung cấp điện suốt cả ngày, thì tỷ trọng điện hạt nhân ở mức khoảng 46%.
Các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới
Nhu cầu về năng lượng điện trên thế giới không ngừng tăng: đến năm 2030 nhu cầu về điện của cả thế giới sẽ tăng gấp đôi. Với nhận thức như hiện nay thì muốn đáp ứng nhu cầu về điện thì không thể không sử dụng điện hạt nhân. Điều đó có nghĩa là điện hạt nhân sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong tương lai: gần như tất cả các nước G-8 và tất cả các nước G-5 đều phải dựa vào điện hạt nhân.
Hiện tại trên thế giới có 30 quốc gia có nhà máy điện hạt nhân (tính đến 12/2010).
Tính đến tháng 12/2010 thì tại 30 quốc gia có tới 443 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động với tổng công xuất thiết kế đạt khoảng 396 GW và tại 15 quốc gia đang xây dựng 62 nhà máy điện hạt nhân với tổng công xuất đạt 64 GW.
Trong tháng 12/2010 đã có thêm 103 nhà máy điện hạt nhân bước vào giai đoạn thiết kế cụ thể, được lập kế hoạch hoặc đã bước vào giai đoạn cấp phép.
Những con số về điện hạt nhân
Quốc gia/ vùng lãnh thổ |
Nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động |
Công suất danh nghĩa, MW, brutto |
Tỷ trọng điện hạt nhân so với tổng công suất tính theo % |
Argentina |
2 |
1.005 |
6 |
Armenia |
1 |
408 |
40 |
Bỉ |
7 |
6.205 |
52 |
Brazil |
2 |
2.007 |
3 |
Bulgaria |
2 |
2.000 |
34 |
Trung Quốc |
13 |
10.863 |
2 |
Đức |
17 |
21.517 |
23 |
Phần Lan |
4 |
2.800 |
29 |
Pháp |
58 |
65.880 |
74 |
Anh |
19 |
11.907 |
16 |
Ấn Độ |
20 |
4.780 |
3 |
Nhật Bản |
55 |
49.440 |
30 |
Canada |
18 |
13.425 |
15 |
Hàn Quốc |
21 |
19.501 |
33 |
Mexico |
2 |
1.366 |
4 |
Hà Lan |
1 |
515 |
3 |
Pakistan |
2 |
462 |
3 |
Romania |
2 |
1.412 |
20 |
Nga |
32 |
24.242 |
17 |
Thụy Điển |
10 |
9.494 |
39 |
Thụy Sỹ |
5 |
3.405 |
39 |
Slovakia |
4 |
1.890 |
52 |
Slovenia |
1 |
727 |
37 |
Tây Ban Nha |
8 |
7.728 |
20 |
Nam Phi |
2 |
1.888 |
5 |
Đài Loan |
6 |
5.144 |
20 |
Czech |
6 |
3.892 |
33 |
Ukraine |
15 |
13.818 |
49 |
Hungary |
4 |
2.000 |
42 |
USA |
104 |
106.353 |
20 |
Tổng cộng |
12/2010 | 443 | 396.074 |
Nguồn: Tạp chí chuyên đề ATW
Áo
Người Áo đã đưa vấn đề không sử dụng năng lượng hạt nhân vào hiến pháp của họ. Áo có một nhà máy điện hạt nhân duy nhất ở Zwentendorf tuy nhiên nhày máy này chưa hề vận hành sau một cuộc trưng cầu dân ý. Cùng với sự chuyển biến của người Đức đối với điện hạt nhân, người Áo càng thấy tự tin hơn và họ kêu gọi EU, thậm chí cả thế giới, hãy ngừng sử dụng năng lượng hạt nhân.
Thụy Sỹ
40% sản lượng điện của Thụy Sỹ được sản xuất từ năm nhà máy điện hạt nhân, tuy vậy về lâu dài quốc gia này dự định sẽ giã từ điện hạt nhân. Sau thời gian vận hành 50 năm, đến năm 2019, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ ngừng hoạt động; và đến năm 2034, nhà máy điện hạt nhân cuối cùng sẽ ngừng sản xuất.
Pháp
Pháp là quốc gia ở châu Âu có nhiều nhà máy điện hạt nhân nhất và kiên quyết tiếp tục sử dụng năng lượng nguyên tử. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy lập luận 58 nhà máy điện nguyên tử của Pháp an toàn hơn so với các nhà máy điện hạt nhân của các nước khác.
Italy
Từ nhiều thập niên qua, Italy không có nhà máy điện nguyên tử. Năm 1987, sau thảm họa Chernobyl, người dân nước này trong một cuộc trưng cầu ý dân đã đòi giã từ điện hạt nhân. Tuy nhiên cách đây hai năm Thủ tướng Silvio Berlusconi có ý định lại đầu tư xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, nhưng sau thảm họa Fukushima ông đã phải ngừng dự án của mình. Trong một cuộc trưng cầu ý dân gần đây, 94,5 % người dân nước này đòi không xây dựng tiếp các nhà máy điện hạt nhân.
Nga
Nga dự kiến từ nay đến năm 2030 sẽ xây dựng tổng cộng 26 lò phản ứng nguyên tử. Nga đang rao bán lò phản ứng của mình và cho rằng lò phản ứng của Nga có tiêu chuẩn an toàn cao nhất thế giới.
Ukraine
Từ nay đến 2030 số lượng lò phản ứng của Ukraine sẽ tăng gần gấp ba lần. Sau khi ngừng lò phản ứng cuối cùng ở Chernobyl vào năm 2000 thì hiện nay 15 khối còn lại sản xuất khoảng 50% sản lượng điện cả nước và Ukraine không có kế hoạch giã từ điện hạt nhân.
Belarus
Với sự trợ giúp của Nga Bạch Nga dự kiến khoảng năm 2017/18 sẽ đầu tư 6,3 tỷ Euro để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Nhà máy này đặt ở Ostrowez giáp với biên giới Ba Lan và Litva.
Czech
Czech kiên trì việc mở rộng nhà máy điện hạt nhân gây nhiều tranh cãi ở Temelin. Dư luận Czech hầu như không phản ứng gì trước kế hoạch mở rộng này.
Slovakia
Tại Slovakia hiện đang diễn ra việc xây dựng khối lò phản ứng số ba và bốn thuộc nhà máy điện hạt nhân Mochovce, theo dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2013 đồng thời kéo dài thời gian hoạt động của hai khối lò phản ứng cũ ở Bohunice đến sau năm 2015.
Tây Ban Nha
Từ nhiều năm nay chính phủ Tây Ban Nha theo đuổi chủ trương giã từ từng bước điện hạt nhân, không xây dựng các nhà máy mới và những nhà máy hiện có khi hoạt động được 40 năm sẽ ngừng vận hành.
Anh Quốc
Dư luận Anh không bàn cãi nhiều về điện hạt nhân. Sau vụ Fukushima thủ tướng David Cameron chỉ thị kiểm tra lại một lần nữa 19 nhà máy điện hạt nhân của nước này.
Bỉ
Các nhà máy điện hạt nhân cung cấp 55% nguồn điện cho cả nước. Năm 2003 đã có quyết định từ năm 2015 sẽ bắt đầu chấm dứt điện hạt nhân. Tuy nhiên kế hoạch này nay có nguy cơ bị xem xét lại vì trong chính phủ không còn có sự hiện diện của đảng Xanh. Tương lại của điện hạt nhân ở nước này hiện nay không rõ ràng vì khoảng một năm gần đây Bỉ không có chính phủ do dân bầu.
Phần Lan
Hiện Phần lan có 4 nhà máy điện hạt nhân, tới đây sẽ tăng gấp đôi. Nhà máy điện hạt nhân thứ 5 đang được xây dựng, và Helsinki vẫn kiên quyết xây dựng tiếp nhà máy thứ sáu và bẩy . Nhà máy thứ tám có nhiều khả năng bị xóa bỏ.
Thụy Điển
Thụy điển hiện không có kế hoạch xây mới cụ thể. Tuy nhiên nước này vẫn có kế hoạch, khi một trong mười lò phản ứng hiện nay ngừng hoạt động thì sẽ được xây dựng lò phản ứng mới để thay thế.