KH PT KH&CN 2006-2010 của TQ: Xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia, lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Sau nhiều năm chuẩn bị và xây dựng với sự tham gia của hơn 2000 chuyên gia, tháng 01/2006, Trung Quốc đã hoàn tất và thông qua Kế hoạch trung hạn và dài hạn phát triển khoa học và công nghệ  cho giai đoạn 2006-2020 với mục tiêu xây dựng một hệ thống đổi mới quốc gia mang màu sắc Trung Quốc và lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Thông qua Bản kế hoạch này, Trung Quốc đã thể hiện một tầm nhìn dài hạn, tư duy toàn cầu và cách tiếp cận hệ thống đổi mới trong định hướng chiến lược phát triển KH&CN.

Bản kế hoạch đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2020 Trung Quốc phải:
Cải thiện đáng kể năng lực đổi mới về KH&CN của đất nước;
Tạo khả năng thúc đẩy hoạt động kinh tế-xã hội phát triển, giữ gìn an ninh quốc gia thông qua việc hoàn thiện năng lực đổi mới KH&CN, hướng tới xây dựng một xã hội khá giả toàn diện;
Đẩy mạnh và tăng cường năng lực nghiên cứu cơ bản và các công nghệ tiên tiến;
Đưa được ra những kết quả KH&CN ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu;
Có tên trong Nhóm các quốc gia định hướng đổi mới để trở thành cường quốc thế giới về KH&CN vào giữa thế kỷ 21.
Thông qua đây có thể thấy Trung Quốc đã khẳng định và thực hiện định hướng hoạt động KH&CN theo cách tiếp cận xây dựng năng lực đổi mới KH&CN, và lấy năng lực đổi mới KH&CN làm nòng cốt xây dựng Trung Quốc trở thành một quốc gia định hướng đổi mới (Innovation-Oriented Country) thay vì mục tiêu trở thành một quốc gia công nghiệp hóa như cách diễn đạt vào những năm 70 của thế kỷ trước. Diễn đạt này thể hiện sự bắt kịp và tương hợp của Trung Quốc với bối cảnh toàn cầu hóa của thời đại ngày nay khi mà năng lực đổi mới của quốc gia (bao gồm nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế, nhất là dịch vụ và KH&CN) chứ không phải chỉ năng lực công nghiệp hóa mới là tiền đề cho sự phát triển của đất nước.
Mục tiêu tổng quát nêu trên được cụ thể hoá thông qua 8 mục tiêu cụ thể trong công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, dược phẩm và y tế, quốc phòng, đào tạo nhân lực cho nghiên cứu phát triển và hoạt động nghiên cứu triển khai. Kế hoạch này đã đưa ra một số mục tiêu rất đáng lưu ý, thí dụ đến năm 2010, tỷ lệ chi tiêu cho R&D/GDP đạt hơn 2,0% và năm 2020 đạt 2,5%. Đóng góp của hoạt động KH&CN vào tăng trưởng kinh tế đạt 60%, mức độ phụ thuộc vào công nghệ nhập từ nước ngoài giảm xuống dưới 30% (năm 2004 chi phí nhập công nghệ của Trung Quốc chiếm tới 54% chi tiêu cho KH&CN), Trung Quốc sẽ xếp thứ 5 thế giới về số lượng bằng sáng chế được cấp và về chỉ số trích dẫn các bài báo khoa học.
Với những mục tiêu của kế hoạch, Trung Quốc thể hiện ý đồ rất rõ ràng muốn vươn lên trở thành một cường quốc về KH&CN trên thế giới cả về đầu tư và thành tựu KH&CN. Đồng thời thể hiện cách tiếp cận đưa KH&CN lan tỏa nhanh chóng vào trong các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế mà không chỉ dừng lại ở các mục tiêu thuần túy về KH&CN.
Để thực thi các định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ nêu trên, Bản kế hoạch đưa ra giải pháp cải cách hệ thống KH&CN, xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia mang màu sắc Trung Quốc liên quan đến chính sách tài khoá, chi tiêu của khu vực công, sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn, phối kết hợp giữa KH&CN quân sự và dân sự, hợp tác quốc tế và mở rộng các liên kết đổi mới trong nước, nâng cao dân trí về KH&CN. Kế hoạch cũng nhấn mạnh vai trò của đầu tư xây dựng hạ tầng KH&CN và đào tạo nhân lực cho KH&CN.

Kế hoạch cũng đã xác định 68 vấn đề ưu tiên trong 11 lĩnh vực nghiên cứu then chốt như năng lượng, tài nguyên khoáng sản và nước, môi trường, nông nghiệp công nghiệp chế tạo, vận tải, công nghệ thông tin, y tế, đô thị hóa, quốc phòng và an ninh; đề ra 16 chương trình đặc biệt về thiết bị điện tử, mạch tích hợp cỡ lớn, công nghệ truyền dẫn không dây băng thông rộng, lò phản ứng thủy lực công suất lớn, các giống sinh vật biến đổi gene, các loại dược phẩm chức năng, công nghệ chế tạo máy bay cỡ lớn, công nghệ đưa người vào không gian ; xác định 8 lĩnh vực công nghệ then chốt bao gồm công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, chế nghệ chế tạo tiên tiến, công nghệ sản xuất các dạng năng lượng mới, các công nghệ biển, công nghệ laser và công nghệ vũ trụ; 8 chủ đề nghiên cứu cơ bản được ưu tiên bao gồm: các khoa học về nhận thức, cấu trúc sâu của vật chất, một số chuyên ngành toán học then chốt, nghiên cứu về Trái đất, các nghiên cứu hóa học về quá trình tạo và biến đổi của vật chất, v.v…

Với giải pháp này, Trung Quốc đã đặt hệ thống KH&CN vào một khuôn khổ rộng lớn hơn để định hướng phát triển KH&CN trong sự gắn kết với các hệ thống tài chính, các định chế về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn và các yếu tố khác thuộc hạ tầng KH&CN. Đây là một kinh nghiệm rất gợi suy cho Việt Nam trong quá trình xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển KH&CN trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh tài chính cho hoạt động KH&CN ở Việt Nam hiện đang là một trong nút thắt cổ chai trong đổi mới cơ chế quản lý KH&CN.
Việc cải cách hệ thống KH&CN được xác định sẽ hướng vào hỗ trợ các doanh nghiệp, thay vì các tổ chức KH&CN để doanh nghiệp trở thành chủ thể chính của hoạt động đổi mới công nghệ, coi đó là tiền đề quan trọng để xây dựng năng lực đổi mới và hình thành hệ thống đổi mới quốc gia.
Bản kế hoạch xác định mục tiêu của hệ thống KH&CN Trung Quốc là biến đổi trở thành hệ thống đổi mới quốc gia, trong đó hệ thống này được xác định là hệ thống xã hội trong đó Chính phủ đóng vai trò chủ đạo, doanh nghiệp là trung tâm, thị trường đóng vai trò cơ bản, nền tảng trong huy động nguồn lực, các tác nhân, chủ thể đổi mới khác cộng tác và liên kết chặt chẽ với nhau một cách hiệu quả trong môi trường đổi mới.
Ngoài cách hiểu thông thường về hệ thống đổi mới quốc gia theo các lát cắt về hoạt động, tổ chức, chính sách; dưới giác độ ngành và vùng, Bản kế hoạch  chia hệ thống đổi mới quốc gia Trung Quốc thành 4 bộ phận cấu thành:
* hệ thống đổi mới công nghệ trong đó doanh nghiệp là chủ thể chính;
* hệ thống đổi mới tri thức trong đó các viện nghiên cứu công cộng tác với các viện nghiên cứu đại học là chủ thể chính;
* hệ thống đổi mới quốc phòng bao gồm các khu vực dân sự và quốc phòng;
* hệ thống đổi mới vùng bao gồm các vùng với các đặc thù và thế mạnh riêng.
Trong điều kiện một nước lớn như Trung Quốc, việc xác định các cấu thành của hệ thống đổi mới quốc gia là cần thiết để có các cơ chế thích hợp với các hệ thống đổi mới đặc thù. Các diễn đạt này thể hiện rất rõ cái gọi là “màu sắc Trung Quốc” trong tư duy và vận hành hệ thống đổi mới quốc gia.
Việc áp dụng tư duy về đổi mới và cách tiếp cận hệ thống đổi mới quốc gia trong xác định mục tiêu, đề ra các giải pháp chiến lược trong chuyển đổi “hệ thống KH&CN” thành “hệ thống đổi mới quốc gia mang màu sắc Trung Quốc” lấy doanh nghiệp làm trung tâm và xây dựng Trung Quốc thành một “Quốc gia định hướng đổi mới” vào năm 2020 của Trung Quốc thực sự là những kinh nghiệm rất đáng quan tâm đối với Việt Nam trong quá trình chuẩn bị xây dựng các chiến lược và kế hoạch giai đoạn 2011-2020 để phấn đấu đưa nước ta về cơ bản trở thành một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020.
———
Tài liệu tham khảo: OECD, DSIT/STP (2007) 3;  “Review of China’s Innovation System and Policy”; 26-27, March 2007; Paris.
———-
* Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)