Khai mở từ những cuộc giao lưu bình dị
Việc khánh thành Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành (Trung tâm) ở Quy Nhơn nên được coi là một nguyên do để chúng ta đề nghị tổ chức ở Việt Nam một chuỗi chu kỳ những những khóa học mùa Hè (hoặc mùa Đông!) phỏng theo một số mô hình đã từng khá thành công tại những nơi như Trieste ở Bắc Italy, Erice ở Sicily, hoặc Les Houches ở vùng núi Alps trên đất Pháp.
Một nền giáo dục cởi mở và vị khoa học
Gần đây, làn sóng sinh viên từ khắp nơi trên thế giới – đặc biệt là từ châu Á – ồ ạt đổ về các trường đại học ở phương Tây, đã khơi gợi sự quan tâm nghiên cứu về ảnh hưởng của văn hóa đối với giáo dục. Các nhà xã hội học đã nghiên cứu khá nhiều về vấn đề này. Họ so sánh1 cách “giáo dục lấy giáo viên làm trung tâm” với phương thức “giáo dục lấy học trò làm trung tâm”. Trong phương thức đầu tiên, “học trò phụ thuộc vào thầy, một mực tôn kính thầy, coi thầy như vị sư phụ, người truyền thụ trí tuệ thông thái của riêng mình cho trò, đồng thời là người khởi xướng mọi trao đổi thông tin trong lớp”. Còn với phương thức sau, “trò và thầy bình đẳng, thầy được coi như một chuyên gia, là người truyền đạt cho trò những tri thức khách quan không hề mang tính bí truyền, và học trò được chủ động khởi xướng một số hoạt động trao đổi thông tin trong lớp”. Trong phương thức đầu, “trò mong tìm ra những đáp án đúng cho mọi vấn đề và thầy là người cung cấp những đáp án này”, còn ở phương thức sau, “trò mong muốn được thảo luận các vấn đề một cách thấu đáo, và rất có thể thầy sẽ nói tôi cũng không biết”. “Đám học trò thường buộc phải thích nghi với lề lối” trong phương thức đầu, trong khi phương thức sau “chấp nhận sự khác biệt của mỗi cá nhân trong lớp”.
Khoa học chẳng hề có đặc thù riêng của phương Đông hay phương Tây, nhân loại chỉ có duy nhất một thứ khoa học phổ quát chung. |
Theo quan niệm của tôi, nếu chỉ nhìn vào các ngành khoa học tự nhiên và toán học (khoan bàn tới các ngành nhân văn và khoa học xã hội), tôi có thể thấy khá rõ trong việc giảng dạy khoa học đâu là cách giáo dục mình sẽ lựa chọn, và điều ấy hoàn toàn chẳng liên quan mảy may tới yếu tố văn hóa – yếu tố mà tôi luôn dành sự tôn trọng cao nhất.
Chúng ta cần nhận thức lĩnh vực khoa học được bàn đến ở đây là thứ khoa học thuần túy được thúc đẩy từ mong muốn lý giải thế giới xung quanh chúng ta một cách minh giản nhất có thể, là thứ khoa học loại trừ mọi luận điểm mang tính áp đặt của bề trên, thứ khoa học không hề có những tham vọng mang tính siêu hình và luôn sẵn lòng từ bỏ những chân lý của ngày hôm qua nếu như chân lý ngày hôm nay giúp lý giải các đối tượng nghiên cứu một cách thuyết phục và minh giản hơn. Đó là thứ khoa học loại trừ mọi luận điểm phi lý và chỉ dựa trên ngôn ngữ của logic và toán học. Việc một nền khoa học như vậy cho đến nay được đóng góp nhiều từ phương Tây hơn là từ phương Đông chỉ đơn thuần là một vấn đề mang tính lịch sử, và chẳng hề cho thấy tồn tại cái gọi là yếu tố văn hóa trong khoa học: khoa học chẳng hề có đặc thù riêng của phương Đông hay phương Tây, nhân loại chỉ có duy nhất một thứ khoa học phổ quát chung.
Về vấn đề kính trọng thầy cô, tất nhiên học trò phải tôn trọng thầy cô, cũng như thầy cô phải tôn trọng học trò. Chẳng phải tất cả chúng ta (trừ phi có những lý do chính đáng khác) đều phải tôn trọng nhau sao? Nhưng tôn trọng không có nghĩa là phục tùng và vâng lời mù quáng. Đúng là người ta phải tôn trọng tín ngưỡng và ý kiến của mỗi cá nhân; nhưng trong khoa học không có cái gọi là tín ngưỡng và ý kiến. Khoa học chỉ bao gồm những điều thực chứng và những luận điểm logic. Hơn nữa, khoa học còn đòi hỏi một thứ đạo đức, một thứ phẩm cách không thể tách rời. Đó là chúng ta không được phép lừa dối trong khoa học: nếu bạn nói sai, sớm hay muộn người ta sẽ chứng minh bạn đã sai.
Nếu có thể đồng thuận với những tiên đề trên, chúng ta thấy rõ rằng những người thầy không thể được coi là vị sư phụ am hiểu lời giải đáp cho mọi câu hỏi. Không ai có thể như vậy. Học trò rất cần nhận thức sớm về điều này trong quá trình học tập, nhằm tránh những lệch lạc bắt rễ vào trí não. Họ cần sớm có niềm tin rằng trên nguyên tắc chẳng có gì ngăn cản họ vượt qua hiểu biết của thầy mình. Họ phải có niềm tin như vậy làm động lực để chăm chỉ đạt tới những hiểu biết rộng hơn, tốt hơn. Không thể có những vùng cấm kị ngăn cản họ đặt ra các câu hỏi nảy sinh trong trí não; trái lại, người thầy phải khuyến khích học trò phát biểu và không bao giờ được tỏ ra xem thường hoặc phớt lờ những câu hỏi mà học trò đưa ra.
Để có được thái độ sư phạm như vậy đòi hỏi ở người thầy một số điều. Những người thầy cần phải dành thời gian của mình tương tác với học trò; họ cần tham gia những cuộc thỉnh giảng cùng học trò, thay vì chỉ xuất hiện trong ngày đầu nhằm giới thiệu những người được mời thuyết trình, và vào ngày cuối để tặng hoa cho họ. Họ phải sẵn sàng điều chỉnh dung lượng và nội dung các bài giảng để phù hợp với nhu cầu của lớp học. Họ cần tránh yêu cầu học trò học thuộc lòng, vì đó là cách ngớ ngẩn nhất gây lãng phí thời gian của nhau. Người thầy phải cho học trò nếm hương vị của trí tò mò, thách đố tự nhiên lộ ra những bí mật của nó. Khi thầy không có câu trả lời, họ phải nói rõ mình không biết, và tận dụng cơ hội ấy để cùng học trò nghiên cứu tìm hiểu. Và sẽ thật tốt nếu chưa ai tìm ra câu trả lời, vì học trò rất cần hiểu đâu là điểm giới hạn tạm thời của khoa học trong hiện tại, và biết đâu là câu hỏi còn chưa có lời giải đáp thỏa đáng, để rồi mai đây chính họ người sẽ nghiên cứu tìm ra câu trả lời.
Les Houches – nơi nuôi dưỡng các mối quan hệ thầy trò
“Như tôi còn nhớ, khóa học [ở Les Houches] là một trải nghiệm khó tả. Chúng tôi chia sẻ tất cả thời gian với một nhóm thanh niên sôi nổi… Nhưng các bài giảng thật ra đóng vai trò ít quan trọng nhất trong khóa học. Đáng nhớ hơn nhiều là các khoảng thời gian bình dị, những bữa ăn và cuộc đi dạo, những khó khăn thường nhật mà chúng tôi cùng trải qua, lấm lem bùn đất và mưa gió… Tất cả chúng tôi sống chung trong một trại nuôi bò và thuyết trình trong một nhà kho… chung sống trong những điều kiện thô sơ như vậy quả là điều kiện tuyệt vời để kết bạn.”
Nhà toán học, vật ký học Freeman Dyson |
Tôi còn nhớ mình đã học hỏi được rất nhiều khi đến Mỹ làm nghiên cứu sinh tiến sỹ trong ngành vật lý hạt nhân. Khi còn ở Pháp, tôi được học những nhà lý thuyết rất giỏi, nhưng hầu như chỉ trong lĩnh vực cơ học điện tử, một đề tài rất khó tiếp thu mà đa số mọi người – đương nhiên cả tôi nữa – mất hơn một năm để tiếp cận. Khi đó tôi nghĩ rằng vật lý là một lãnh địa bí truyền, có lẽ quá khó để thẩm thấu cho một người đầu óc đơn giản như tôi. Ở Mỹ, tôi tham gia vào chương trình nghiên cứu hạt nhân Berkeley 88”, được xếp vào một nhóm các nhà vật lý đầy nhiệt huyết, bao gồm cả các nhà thực nghiệm và lý thuyết. Chúng tôi cùng ăn bánh mỳ kẹp, ngay trước tòa nhà đặt máy gia tốc, trên chiếc bàn ăn ngoài trời, vây quanh là Vịnh San Francisco và cây cầu Cổng Vàng, và thảo luận về những thí nghiệm đang trong quá trình chuẩn bị. Quả là mới mẻ với tôi lúc ấy khi nói chuyện về các hạt nhân như những đối tượng thực sự tồn tại thay vì chỉ là những hàm số sóng trong không gian Hilbert, và rồi tôi bỗng thấy chúng không còn gì kỳ bí. Vào thời đó, giới khoa học đang chuộng mô hình chùm (cluster model) và một nhóm trong chúng tôi chuẩn bị đo lường tiết diện (α,2α), nghĩa là tìm hiểu điều gì xảy ra khi ta kích đẩy một chùm hạt α ra khỏi hạt nhân bằng cách dùng một hạt α khác để bắn phá. Nhóm nghiên cứu chúng tôi với những nhà thực nghiệm và nhà lý thuyết, trong đó có những người xuất sắc hàng đầu thế giới trong lĩnh vực của mình, đã vui vẻ thảo luận cùng một vấn đề vật lý bằng những ngôn từ giản dị. Những buổi ăn trưa như vậy đã giúp khai sáng cho tôi, xua tan đi sự kỳ bí của một lãnh địa tưởng chừng không thể thấu tỏ, và đem đến cho tôi niềm hứng thú với khám phá nó.
Các khóa học như vậy ở Mỹ và một số nước trên thế giới là những cơ hội lý tưởng để thiết lập quan hệ thầy và trò theo phong cách giáo dục mà tôi vừa trình bày. Chúng là những phòng thí nghiệm đầy hữu ích, nơi nuôi dưỡng các mối quan hệ thầy trò theo phong cách mới mẻ như vậy. Ví dụ như khóa học được tổ chức ở Les Houches (hay ít ra như thời sơ khai của nó) là một mô hình tốt để chúng ta có thể học hỏi. Cho phép tôi nói đôi điều về nơi này.
Les Houches là một ngôi làng nhỏ nằm trong rặng núi Alps trên đất Pháp, nằm dưới chân núi Mont-Blanc. Ngôi trường ở đây được hình thành vào năm 1951 khi một nhà vật lý trẻ có tên Cécile Morette nảy ra ý tưởng và quyết định dùng cách thức này để đóng góp cho tiến trình phục hưng hoạt động giảng dạy và nghiên cứu vật lý hiện đại ở Pháp, nơi mà nền khoa học đã bị kìm giữ sự phát triển trong suốt Thế chiến thứ II. Với nguồn tài chính tối thiểu, cô xoay xở để tạo dựng một nơi có thể thu hút các chuyên gia quốc tế hàng đầu tới giảng bài cho khoảng ba mươi học trò từ vài quốc gia khác nhau. Những khóa học đầu tiên kéo dài trong 8 tuần, qua hai tháng mùa Hè, trong đó học trò và giảng viên được thu xếp ở trong những căn nhà gỗ cũ kỹ nằm cách làng vài km. Các nhà khoa học Fermi, Pauli, Gell-Mann và Bardeen nằm trong số những giảng viên đầu tiên, nhưng đồng thời cũng có cả những nhà khoa học trẻ tài năng mà sau này trở nên nổi tiếng. Tôi nhớ mình từng được có mặt ở đó mùa Hè năm 1965 khi John Bell đến giảng về sự vi phạm CP mà ông mới phát hiện ra, Dalitz thì giảng về mô hình hạt quark cũng còn rất mới mẻ, và Gef Chew giảng về lý thuyết ma trận mà không lâu sau đã lui vào thoái trào.
Họ cần sớm có niềm tin rằng trên nguyên tắc chẳng có gì ngăn cản họ vượt qua hiểu biết của thầy mình. Họ phải có niềm tin như vậy làm động lực để chăm chỉ đạt tới những hiểu biết rộng hơn, tốt hơn. |
Có thể nói rằng trong thập kỷ 1950 và 1960, ngôi trường này đã ảnh hưởng to lớn tới sự phát triển ngành vật lý Pháp ở cấp cao nhất. Ngày nay, trường chỉ còn tổ chức những khóa học mùa Hè kéo dài trong một tới hai tuần, và mở rộng ra nhiều ngành khoa học khác nhau. Nhưng bí quyết thành công của ngôi trường vẫn không thay đổi so với những ngày đầu: tổ chức cho giảng viên và học trò tới một nơi đủ tách biệt khỏi tổ chức nghiên cứu chủ quản của họ và đảm bảo rằng họ thường xuyên tương tác với nhau trong suốt khóa học.
Vì sao không tổ chức những khóa học ở Quy Nhơn?
Nhìn lại sự kiện khánh thành hoành tráng tại Trung tâm ở Quy Nhơn, chúng ta thấy rằng đa số mối quan tâm dành cho các nhà khoa học từng đoạt giải Nobel và những quan chức cao cấp của Chính phủ, đưa đến cho Quy Nhơn thứ ánh sáng hào nhoáng kéo dài trong ít ngày. Rõ ràng, điều đó không đủ để làm nên thành công cho bản thân Trung tâm. Thay vào đó, chúng ta cần những hoạt động dài hơi, xuất phát từ nhu cầu của cấp cơ sở, thay vì những sáng kiến áp xuống từ cấp cao. Thiếu những hoạt động như vậy, Trung tâm sẽ chỉ có thể trở thành một chốn nghỉ dưỡng cao cấp để tổ chức các cuộc gặp gỡ, và đây không phải là điều chúng ta mong muốn từ Trung tâm. Điều chúng ta trông đợi là Trung tâm trở nên hữu ích cho Việt Nam và nền khoa học của đất nước.
Chúng ta không nên mong chờ Bộ trưởng hay các quan chức cấp cao làm thay công việc của mình. Chính chúng ta phải tập hợp lại đưa ra đề xuất và tổ chức ở Trung tâm này những khóa học, những hội thảo có quy mô hợp lý, không quá nhỏ cũng không quá lớn. Chúng ta có thể đưa đến đây những nhóm nghiên cứu cả từ phía Bắc lẫn phía Nam, và điều quan trọng là sẽ buộc các giảng viên phải có mặt sát cánh cùng học viên của mình trong suốt thời gian khóa học. Người ta cũng có thể nói rằng các khóa học có thể được tổ chức ở những nơi khác, như Đà Lạt chẳng hạn. Đúng là như vậy, nhưng nay khi chúng ta đã có Quy Nhơn, trước mắt hãy tận dụng nó một cách hiệu quả. Tất nhiên, chi phí đi lại và sinh hoạt cần ở mức vừa phải để không trở thành gánh nặng quá mức cho những người muốn đến đây.
Học trò rất cần hiểu đâu là điểm giới hạn tạm thời của khoa học trong hiện tại, và biết đâu là câu hỏi còn chưa có lời giải đáp thỏa đáng, để rồi mai đây chính họ người sẽ nghiên cứu tìm ra câu trả lời. |
Cá nhân tôi tin rằng những sáng kiến như vậy sẽ rất hữu ích cho khoa học Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội lý tưởng để pha trộn sinh viên từ nhiều đại học và tổ chức nghiên cứu khác nhau, từ miền Bắc, miền Trung, và miền Nam, đem đến cho họ cơ hội hiểu biết lẫn nhau, tạo ra những mối liên kết để trở thành những quan hệ hợp tác tiềm năng trong tương lai. Chúng ta nên ưu tiên những giảng viên thuộc thế hệ trẻ; cần có những cơ hội như vậy để họ phát triển tỏa sáng. Tất nhiên một số giảng viên nên được mời từ nước ngoài, được chọn lọc trong số những người quan tâm nhất tới sự phát triển khoa học cao cấp ở Việt Nam, trong đó có cả những nhà khoa học Việt kiều trẻ thành đạt trong lĩnh vực của họ. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu vẫn dành cho những nhà khoa học trẻ giàu năng lực ở trong nước. Những khóa học sẽ là nơi nuôi dưỡng mối liên lạc và tạo thành mạng lưới những nhà khoa học trẻ giàu năng lực trong khu vực, bao gồm các nước ASEAN và đặc biệt quan trọng là Trung Quốc, Hàn Quốc, và Nhật Bản, ba quốc gia hiện đang có những đóng góp quan trọng cho khoa học hiện đại. Trung Quốc là quốc gia mới nổi gần nhất nhưng đang mở rộng tầm ảnh hưởng trong khoa học với tốc độ nhanh nhất.
Cuộc hội thảo “Những cửa sổ Vũ trụ” tổ chức tại Quy Nhơn vừa qua nhân dịp khánh thành Trung tâm đã thể hiện khá rõ giá trị của việc tập hợp một cộng đồng khoa học trẻ tại một môi trường nơi họ có thể dễ dàng tiếp xúc và gia tăng hiểu biết lẫn nhau. Lợi ích lớn nhất của sự kiện này không nằm ở những bài diễn văn – tất nhiên là rất tuyệt vời – từ các nhà khoa học từng đoạt giải Nobel, mà ở cơ hội cho các nhà khoa học trẻ được giao lưu cùng những nhà khoa học lớn này ở những bữa ăn trưa; hay qua cuộc dã ngoại tham quan tháp Chàm, để rồi những cuộc trò chuyện cởi mở giúp xua đi vầng hào quang choáng ngợp thần bí trên đầu những tên tuổi lừng lẫy; hay những buổi tối trên bãi biển quây quần quanh chai rượu đặc sản địa phương, đàm đạo cùng các nhà khoa học Việt Nam nổi tiếng từ nước ngoài, như Nguyễn Trọng Hiền hay Đàm Thanh Sơn, những người tâm huyết muốn giúp nền khoa học Việt Nam tiến bộ và muốn được hiểu biết nhiều hơn về môi trường trong nước để có thể hỗ trợ chúng ta một cách hiệu quả hơn; và cũng rất có giá trị là những dịp ăn trưa nơi các nhà vật lý thiên văn từ Hà Nội và Sài Gòn cùng thảo luận với những đồng nghiệp trẻ từ Trung Quốc về những dự án hợp tác trong tương lai; những bài báo cáo trong các cuộc tọa đàm chuyên sâu về nội dung và kết quả nghiên cứu khoa học trong nước, giúp các đồng nghiệp quốc tế nhận thức được những nỗ lực mà chúng ta đang cống hiến cho sự phát triển khoa học cơ bản trong nước.
Điều tôi muốn bày tỏ không có gì hơn là mong mỏi sẽ có nhiều hơn những cơ hội tương tác như vậy giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước. Khi đã có trong tay một cơ sở phù hợp như Trung tâm ở Quy Nhơn, chúng ta hãy tận dụng nó một cách hữu hiệu.
Thanh Xuân dịch
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&News=6760&CategoryID=36
—
1 Những câu chữ trong ngoặc kép được dịch từ các ngôn từ mà tác giả lấy nguyên văn của Green Hofstede tại Hội thảo FUHU về Giáo dục và Đào tạo trong Lớp học Đa văn hóa (học viên có xuất xứ từ nhiều nguồn gốc văn hóa khác nhau) tại Copenhagen, 8/5/2008. Chúng phản ánh ngôn từ dùng trong các nghiên cứu lâu nay liên quan tới đề tài này.