KH&CN Việt Nam: Trước hết cần một hệ thống pháp luật đồng bộ

Kết thúc năm 2012 với những sự kiện đáng nhớ trong lĩnh vực quản lý KH&CN mà điển hình là việc Nghị quyết TW6 khóa XI được ban hành - và trước ngưỡng cửa năm 2013, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân có cuộc trao đổi với Tia Sáng, qua đó chia sẻ tới bạn đọc những nhiệm vụ quan trọng phục vụ sự nghiệp phát triển, đổi mới đất nước đang chờ đợi những người làm công tác quản lý khoa học.

Nhìn lại một năm 2012 sắp qua, theo Bộ trưởng đâu là những sự kiện nổi bật nhất trong quản lý khoa học và công nghệ ở Việt Nam mà ảnh hưởng sẽ tiếp tục nối dài trong giai đoạn tới?

Theo tôi, năm 2012 này có 3 sự kiện quan trọng có thể sẽ ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài cho nền khoa học và công nghệ của Việt Nam. Thứ nhất là việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ cho giai đoạn từ nay đến năm 2020. Hai là việc ban hành Nghị quyết TW6 khóa XI về “Phát triển Khoa học và Công nghệ phục vụ CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”, và ảnh hưởng của sự kiện này chắc sẽ còn kéo dài tới sau năm 2020. Và cuối cùng là việc trình Dự thảo Luật KH&CN sửa đổi tại Quốc hội để kỳ họp sau thông qua.

Hai trong ba sự kiện này có liên quan tới việc xây dựng những quy phạm mới trong quản lý khoa học và công nghệ. Vì sao việc xây dựng hệ thống pháp luật cho khoa học và công nghệ lại được coi trọng như vậy trong giai đoạn hiện nay?

Từ trước đến nay chúng ta đã nói rất nhiều rằng khoa học và công nghệ là then chốt, nền tảng, động lực và quốc sách, nhưng thực sự khoa học và công nghệ vẫn chưa đạt được những thành quả phát triển như mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống luật pháp về khoa học và công nghệ không đồng bộ với hệ thống pháp luật chung của Nhà nước. Bởi vậy, Bộ KH&CN nhận thấy muốn hoạt động quản lý khoa học và công nghệ bài bản và hiệu quả hơn, thì trước khi nghĩ đến các việc cụ thể cần phải hoàn thiện toàn bộ hệ thống văn bản pháp lý cho hoạt động khoa học và công nghệ, từ văn bản có vai trò quan trọng nhất trong hệ thống chính trị là Nghị quyết TW Đảng đến các văn bản cấp cơ sở.

Chúng tôi đặt mục tiêu trong giai đoạn 2011-2015 việc xây dựng hệ thống văn bản pháp quy là công việc trọng tâm và sẽ tập trung trí tuệ, nguồn lực cho mục tiêu này. Đồng thời bên cạnh đó chuẩn bị nguồn lực và tài chính học tập kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng các mô hình và cơ chế quản lý tiên tiến, đặc biệt là đổi mới cơ chế tài chính.

Như Bộ trưởng đã biết, Nghị quyết TW 2 khóa VIII [1996] đã có những chủ trương chuyển các tổ chức KH&CN sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập, nhưng vì sao cho đến nay chủ trương này vẫn chưa thành hiện thực?

Bất cập trong công tác lập kế hoạch ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ là vấn đề gây nhiều bức xúc nhất cho các nhà khoa học. Từ nhiều năm nay, Bộ KH&CN phải phê duyệt toàn bộ danh mục đề tài cấp nhà nước của năm sau trước ngày 31/7 hàng năm để Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Chính phủ và Quốc hội thông qua. Để có thể phê duyệt toàn bộ đề tài dự án đúng theo hạn này thì Bộ KH&CN phải khởi động từ cuối năm trước, thông báo với các bộ, ngành, viện, trường, tập hợp các nhu cầu nghiên cứu, thành lập các hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ. Sau khi công bố công khai danh mục nhiệm vụ nghiên cứu trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nhà khoa học mất vài tháng để xây dựng hồ sơ thuyết minh và dự toán kinh phí để tham gia tuyển chọn (mà người ta thường gọi là đấu thầu). Tiếp theo, Bộ KH&CN lại phải lập hàng trăm hội đồng tuyển chọn xét chọn, hội đồng thẩm định kinh phí rồi mới phê duyệt danh mục đề tài và tổ chức cá nhân trúng tuyển, gửi Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội phê duyệt. Thông thường đầu năm sau Bộ Tài chính mới thông báo giao kinh phí cho Bộ KH&CN. Như vậy từ khi nhà khoa học đề xuất đề tài nghiên cứu cho đến lúc nhận được kinh phí tối thiểu là khoảng một năm rưỡi, có khi tới hai năm rưỡi (như năm 2011, 2012). Đến lúc nhận được kinh phí nhiều nhà khoa học đã chán nản vì dự toán kinh phí đề tài đã chênh nhiều với thực tế, chưa kể trong hai năm ấy có khi đề tài tương tự của họ đã được bộ, ngành nào khác triển khai mất rồi.

Để các tổ chức khoa học và công nghệ thực sự tự chủ thì họ phải được giao ba quyền cơ bản là tự chủ xác định nhiệm vụ, tự chủ về tổ chức và biên chế, và tự chủ về tài chính, trong đó quyền quan trọng nhất là tự chủ về tài chính, vì nếu thiếu quyền này thì các quyền tự chủ khác chỉ là hình thức. Nhưng vướng mắc lớn nhất trong thực hiện Nghị định 115 chính là vấn đề tự chủ về tài chính, vì trong suốt nhiều năm qua, hệ thống luật pháp của chúng ta về tài chính, quyền sử dụng đất không được điểu chỉnh sửa đổi cho phù hợp, và các tổ chức KH&CN vẫn không được giao tài sản và quyền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ.

Từ khi Nghị định 115 được ban hành vào năm 2005, lẽ ra sau 4 năm các tổ chức khoa học và công nghệ công lập đã phải chuyển hết sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên, nhưng trong thực tế rất nhiều tổ chức không dám nhận “quyền tự chủ” này. Do không được thực sự tự chủ về tài chính, nên họ thấy khái niệm tự chủ thật ra vẫn mang tính hình thức, và không thể nào thực hiện được. Và vì vậy Chính phủ đã ban hành Nghị định 96/2010/NĐ-CP, cho phép kéo dài giai đoạn quá độ chuyển đổi đến hết năm 2013, và dự kiến từ năm 2014 các tổ chức khoa học và công nghệ công lập mới hoàn toàn áp dụng cơ chế tự chủ.

Sau Nghị định 115/2005/NĐ-CP, Bộ KH&CN đã tiếp tục xây dựng Nghị định 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ, nhưng bản thân Nghị định này khi triển khai cũng gặp nhiều hạn chế. Phải chăng nguyên nhân cũng vì hệ thống pháp luật và cơ chế quản lý của chúng ta chưa đồng bộ?

Đúng vậy. Có hai yếu tố cực kỳ quan trọng đối với các doanh nghiệp KH&CN là vốn và các điều kiện ưu đãi, nhưng hệ thống pháp luật của chúng ta không tạo điều kiện để họ có được những yếu tố cần thiết này. Nguồn vốn lớn nhất của các doanh nghiệp KH&CN chính là tài sản trí tuệ của các nhà khoa học, trong khi doanh nghiệp KH&CN lại thiếu vốn vật chất như đất đai, nhà xưởng, máy móc, vốn lưu động, v.v. Để có được những nguồn lực này họ cần được vay vốn, nhưng hệ thống tài chính tín dụng hiện nay không có cơ chế nào cho nhà khoa học tiếp cận vốn vay của các quỹ tín dụng, ngân hàng của Nhà nước hay ngân hàng cổ phẩn, kể cả Ngân hàng Phát triển Việt Nam vốn là Quỹ Đầu tư phát triển của Nhà nước trước đây.

Nhà khoa học không cần Nhà nước cho không vốn vì với các doanh nghiệp KH&CN có thực lực về công nghệ, việc hoàn lại vốn vay không phải là quá khó vì họ có năng suất lao động cao và giá trị gia tăng của sản phẩm rất lớn. Tuy nhiên, hệ thống tín dụng hiện nay đòi hỏi họ phải có tài sản thế chấp mới vay được vốn, mà các doanh nghiệp KH&CN do các tổ chức KH&CN công lập thành lập ra thì không có gì để thế chấp cả, do mọi tài sản, đất đai đều là của Nhà nước, mà họ lại không được giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng để có thể thế chấp. Ngoài ra, một vướng mắc điển hình nữa là các cơ quan chức năng ở cơ sở không phải lúc nào cũng thực hiện đúng quy định của Chính phủ, ví dụ Nghị định 80 của Chính phủ cho phép doanh nghiệp KH&CN được hưởng những ưu đãi cao nhất về thuế, nhưng trên thực tế doanh nghiệp không dễ gì nhận được những ưu đãi đó vì các cục thuế địa phương thường đòi hỏi quá nhiều thủ tục, và chúng ta vẫn chưa có chế tài cụ thể để khắc phục vấn đề này. Vì thế, có những doanh nghiệp nói rằng thà đóng thuế còn hơn làm thủ tục miễn thuế.

Vậy đâu là mấu chốt quan trọng nhất để có được một hệ thống cơ chế và các văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ giúp cho hoạt động khoa học và công nghệ hoạt động hiệu quả?
Điểm mấu chốt là phải tập trung xây dựng hệ thống các văn bản pháp luật xoay quanh ba vấn đề: làm thế nào để có nhiều tiền hơn cho hoạt động KH&CN (không chỉ giới hạn ở ngân sách Nhà nước), làm thế nào để tiêu được, và tiêu có hiệu quả số tiền đó. Để giải quyết các vấn đề này, chính là cần 3 trụ cột: đổi mới phương thức đầu tư, đổi mới cơ chế tài chính, và có chính sách trọng dụng cán bộ khoa học.

Bộ trưởng có thể nói cụ thể hơn về vấn đề đổi mới phương thức đầu tư?

Việc đổi mới phương thức đầu tư sẽ được cụ thể hóa trong Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi). Đây là lần đầu tiên trong luật chúng ta khẳng định Nhà nước duy trì mức tối thiểu 2% ngân sách cho hoạt động KH&CN. Tuy nhiên, con số này quá nhỏ bé so với nhu cầu phát triển của KH&CN. Trên thế giới, ngân sách quốc gia thường chỉ đáp ứng 1/3, 1/4, thậm chí 1/10 tổng nhu cầu của hoạt động KH&CN, phần còn lại là đóng góp từ xã hội, mà chủ yếu là từ các doanh nghiệp.

Bất cập trong cấp phát kinh phí cho hoạt động khoa học và công nghệ liên quan đến định mức chi, nội dung chi, và thủ tục chi. Hệ thống định mức của chúng ta rất lạc hậu, 5-6 năm có khi mới sửa đổi một lần trong khi thực tế cuộc sống thay đổi hằng ngày và mức lương tối thiểu có thể thay đổi hằng năm, ví dụ như quy định cho khách mời dự hội thảo khoa học 70.000 đ/1 buổi, trong khi thực tế đã phải chi 200-300 nghìn đồng.

Nội dung chi cũng không đầy đủ, ví dụ như không có nội dung thuê chuyên gia, mặc dù trong nhiều trường hợp, việc cử nhiều đoàn đi nước ngoài để học về các vấn đề quản lý khoa học và công nghệ không hiệu quả bằng thuê chuyên gia, chẳng hạn như mời cựu giám đốc một khu công nghệ cao nào đó của quốc tế sang làm giám đốc một khu công nghệ cao của Việt Nam, cách làm này sẽ hiệu quả và đỡ tốn kém hơn rất nhiều so với việc cử hàng chục đoàn đi khảo sát các khu công nghệ cao của nước ngoài.

Trong nội dung chi hiện hành cũng không có hạng mục kinh phí cho các nhà khoa học tuyên truyền kết quả nghiên cứu và đăng ký bảo hộ kết quả nghiên cứu của họ  dưới dạng công bố quốc tế hoặc sáng chế, trong khi đăng ký sáng chế ở Việt Nam hay nước ngoài đều phải có tiền, phí sáng chế rất đắt đỏ vì phải xét nghiệm để cấp bằng. Mức phí này ở những quốc gia có uy tín về quản lý công nghệ, ví dụ như Mỹ, lại càng cao.

Nội dung dự phòng trong đề tài cũng không có, trong khi lạm phát các năm trước có khi lên tới mười mấy phần trăm khiến giá cả thiết bị, nguyên vật liệu tăng vọt, làm dự toán trước đó hai năm hoàn toàn không còn phù hợp. Việc điều chỉnh dự toán lại vô cùng phức tạp, thường phải có ý kiến của Bộ Tài chính với những khoản điều chỉnh dưới 1 tỷ đồng, còn trên 1 tỷ đồng phải có ý kiến của Thủ tướng, và mất thời gian nhiều tháng.
Thủ tục chi hiện nay cũng quá phức tạp. Đề tài được chi kinh phí qua tài khoản dự toán của kho bạc, tức là phải kiểm soát chi theo dự toán tại kho bạc. Mặc dù Bộ KH&CN và Bộ Tài chính đã thống nhất ban hành thông tư 93 về phương thức khoán trong đó một số nội dung chi cho con người được khoán, nhưng nhiều nơi kho bạc vẫn kiểm soát chi một cách máy móc căn cứ theo dự toán. Chưa kể đề tài có thể làm trong 3 năm – 5 năm theo hợp đồng KH&CN nhưng cuối năm đều phải quyết toán để làm thủ tục chuyển nguồn, có khi giao kinh phí chậm chưa kịp tiêu tiền đã phải quyết toán. Mua thiết bị thì phải đấu thầu, nghiệm thu thiết bị xong mới được quyết toán, còn nếu ký hợp đồng rồi, tiền chuyển đi rồi mà thiết bị chưa về, chưa nghiệm thu là nhà khoa học sẽ bị coi là chi sai và không quyết toán được.

Xưa ta chưa làm nhưng theo luật sửa đổi sắp tới thì các doanh nghiệp Nhà nước bắt buộc phải trích một tỷ lệ tối thiểu nhất định từ lợi nhuận trước thuế do Chính phủ quy định (tùy theo quy mô, loại hình doanh nghiệp) để lập quỹ KH&CN của mình. Các đối tượng doanh nghiệp khác thì không bắt buộc nhưng được khuyến khích, và nếu số lượng kinh phí này nhỏ quá hoặc doanh nghiệp chưa có nhu cầu sử dụng ngay thì có thể đóng góp vào quỹ phát triển KH&CN của nhà nước ở địa phương để được hưởng các chính sách hỗ trợ sau này. Trước đây, khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp được sửa đổi vào năm 2008, Bộ KH&CN đã đề xuất mức lợi nhuận trước thuế tối thiểu phải trích lập quỹ KH&CN là 10%, nhưng rất tiếc khi Luật này được Quốc hội ban hành thì lại quy định “các doanh nghiệp được trích tối đa 10%”, nên bốn năm qua hầu như không doanh nghiệp nào trích lập quỹ, vì “được” nghĩa là không bắt buộc, và mức trần 10% nghĩa là mức sàn có thể 0%. Ngoài ra, luật KH&CN sửa đổi lần này có điểm rất mới mà chúng tôi đã phải kiên trì thuyết phục, đó là việc Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho phát triển khoa học và công nghệ.

Vì sao Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ ngoài Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho phát triển khoa học và công nghệ?

Lâu nay vẫn tồn tại quan điểm cũ cho rằng tiền ngân sách chỉ tài trợ cho tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước, nhưng chúng tôi cho rằng ngân sách Nhà nước là thuế, mà thuế là do toàn dân, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp của mọi thành phần kinh tế đóng góp, vì vậy không thể chỉ giới hạn chi hỗ trợ cho cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, mà nên chi theo quan điểm đầu tư vào địa chỉ nào mà tiền ngân sách có hiệu quả nhất và đem lại lợi ích cao nhất cho xã hội, không phân biệt tư nhân, nhà nước.

Các doanh nghiệp của chúng ta đa phần là doanh nghiệp nhỏ, không đủ nguồn tài chính để hoàn thiện công nghệ và thương mại hóa công nghệ, vì vậy họ rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để phát huy được tiềm năng sáng tạo của mình. Chúng ta chắc chắn sẽ cần đến tiềm năng đổi mới sáng tạo và sự linh hoạt từ các doanh nghiệp ngoài Nhà nước để có thể thực hiện thành công chương trình sản phẩm quốc gia, nhưng họ sẽ không thể tham gia vào chương trình này nếu không được Nhà nước hỗ trợ đầu tư.

Vấn đề đổi mới cơ chế tài chính là đề tài được nhắc đến nhiều nhất hiện nay trong các cuộc thảo luận về đổi mới cơ chế, chính sách quản lý khoa học và công nghệ. Đâu là giải pháp mà Bộ Khoa học và Công nghệ coi là đột phá giúp giải quyết vấn đề này?

Những bất cập trong cơ chế tài chính hiện hành trong quản lý khoa học và công nghệ tập trung ở ba mảng lớn: Xây dựng kế hoạch Ngân sách Nhà nước hằng năm, cấp phát kinh phí, và thủ tục chi. Một giải pháp cơ bản và hữu hiệu cho cả ba mảng bất cập này mà Bộ KH&CN đề xuất trong luật cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác là áp dụng cơ chế quỹ KH&CN. Theo đó hằng năm theo đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính bố trí kinh phí cho các quỹ phát triển KH&CN các cấp để tài trợ cho những đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp tỉnh, tương tự như việc quỹ NAFOSTED lúc nào cũng có trong tài khoản hàng trăm tỷ. Các nhà khoa học có vấn đề cần nghiên cứu thì đến quỹ làm thủ tục theo quy định, hội đồng khoa học sẽ được quỹ thành lập để xem xét và phê duyệt. Như vậy thì tối đa trong vòng hai tháng là nhà khoa học có tiền để kịp thời tiến hành nghiên cứu. Các vấn đề về cấp phát kinh phí và thủ tục chi, thanh quyết toán cho hoạt động nghiên cứu từ quỹ cũng chắc chắn sẽ đơn giản hơn nhiều so với chi từ kho bạc.

Tuy nhiên, một cơ chế tài chính thông thoáng nếu không đi kèm với các hội đồng thẩm định chuyên môn nghiêm túc sẽ không giúp cải thiện hiệu quả nghiên cứu khoa học. Trong khi đó, nhiều hội đồng khoa học hiện nay bị coi là làm việc dễ dãi, và bị chi phối bởi các “cây đa, cây đề”?   

Hiện nay, phải thừa nhận một bất cập lớn là việc thành lập hội đồng khoa học thường không đảm bảo tính khách quan, minh bạch. Mặc dù quyết định thành lập hội đồng do Bộ ký nhưng thành phần hội đồng không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi quan điểm chủ quan của người được giao lập hội đồng. Thậm chí có nhà khoa học còn phàn nàn về tình trạng hội đồng có thể bị thao túng, những người cùng quan điểm thì được mời tham gia, trái ý thì lần sau không được mời nữa.

Đó là lý do tại sao Bộ KH&CN quyết định xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia, làm căn cứ để việc mời thành viên tham gia hội đồng được tiến hành một cách khách quan và minh bạch. Khi có cơ sở dữ liệu này thì việc thành lập hội đồng không phải do một người quyết định nữa. Khi cần thành lập hội đồng xét duyệt một đề tài nào đó, chỉ cần nêu yêu cầu, bộ phận quản lý cơ sở dữ liệu nhập yêu cầu và cho ra một danh sách những người đáp ứng yêu cầu về lĩnh vực, trình độ, tuổi tác. Lúc đó chỉ còn việc chọn và trình ký thành lập hội đồng, không còn tình trạng ai đó được mời tham gia hội đồng thuần túy vì quan hệ cá nhân. 

Chúng ta sẽ phải làm gì để xây dựng được một cơ sở dữ liệu chuyên gia khách quan và minh bạch như vậy? 

Trước tiên chúng tôi sẽ xây dựng bộ tiêu chí đánh giá các nhà khoa học, làm căn cứ để mời họ tham gia vào hệ thống dữ liệu chuyên gia, đồng thời cũng là căn cứ để đánh giá việc duy trì tư cách thành viên của họ. Hằng năm đều phải đánh giá, ví dụ nếu trong một vài năm một chuyên gia không nghiên cứu gì, không có các bài báo hay công bố quốc tế thì sẽ tự động bị loại ra khỏi hệ thống. Đồng thời phải có chế độ đãi ngộ cho chuyên gia, ngoài việc họ được quyền tham gia các hội đồng khoa học, có thể còn có phụ cấp trách nhiệm thường xuyên, được bồi dưỡng chuyên môn trong nước và nước ngoài, được tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành, được hỗ trợ kinh phí công bố kết quả nghiên cứu hoặc đăng ký sáng chế, được tôn vinh, khen thưởng…

Trong chuyến công tác vừa rồi tại Hàn Quốc, Bộ KH&CN đã được phía Hàn Quốc nhất trí hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia. Chúng tôi sẽ giao Trung tâm Tin học của Bộ chủ trì thực hiện nhiệm vụ này.

Vấn đề xây dựng một chế độ đãi ngộ xứng đáng cho các nhà khoa học mà Bộ trưởng đề cập trên đây cũng là điều mà giới khoa học mong mỏi. Tuy nhiên, vấn đề này không dễ dàng trong bối cảnh nguồn lực của quốc gia dành cho KH&CN nhìn chung còn hạn chế.
Với nguồn lực hạn hẹp hiện nay của Nhà nước, trước mắt chưa thể có những chính sách mang tính đại trà, mà trước hết sẽ nhằm vào ba đối tượng: các nhà khoa học đầu ngành, các nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ của quốc gia, và các nhà khoa học trẻ tài năng.

Ví dụ, với nhà khoa học đầu ngành, các ưu đãi sẽ là chế độ làm việc, như được ưu tiên giao đề tài nghiên cứu, giao nghiên cứu sinh để hướng dẫn, tự do trong hợp tác quốc tế, ưu tiên đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm, v.v.

Còn với các nhà khoa học làm nhiệm vụ quốc gia, họ cần được tự chủ về tài chính và nhân sự trong thời gian làm nhiệm vụ, có quyền điều động người và quyết định mức lương, thuê chuyên gia nước ngoài, chủ động hoàn toàn việc đi dự hội nghị quốc tế, được quyền sử dụng miễn phí các phòng thí nghiệm trọng điểm. Nhưng trách nhiệm của các nhà khoa học này cũng rất lớn, nhà nước đáp ứng các điều kiện làm việc nhưng bắt buộc họ phải có sản phẩm như cam kết, nếu không làm được thì “sẽ không có lần sau” cho họ tiếp tục chủ trì đề tài.

Nhưng không phải nhà khoa học nào có năng lực cũng thuộc ba đối tượng trên đây. Vậy chúng ta phải làm sao để họ vẫn có được những điều kiện thuận lợi cần thiết nhằm phát huy được chất xám của mình?

Giới làm khoa học Việt Nam đa phần không có cơ may được bù đắp xứng đáng cho chất xám họ đã bỏ ra, điển hình nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Chẳng hạn như trường hợp TS Nguyễn Thị Xuân Thu (nay là Thứ trưởng Bộ NN&PTNT), cách đây 8 năm, khi còn là giám đốc Trung tâm Thủy sản 3 ở Nha Trang đã nhân giống thành công ốc hương. Trung tâm rất muốn giữ bí quyết công nghệ để kinh doanh, nhưng quan điểm của Bộ NN&PTNT là phải phục vụ nông dân, không bán công nghệ mà phải chuyển giao công nghệ miễn phí cho nông dân. Nông dân mười mấy tỉnh ven biển được lợi, nhưng Trung tâm thì không thu được gì ngoài tiền ngân sách nhà nước cho để làm đề tài. Tương tự như vậy, các nhà khoa học ở Viện Lúa ĐBSCL từ nhiều năm nay có rất nhiều đóng góp giúp nâng cao năng suất lúa nhưng cũng không được bù đắp xứng đáng. 

Nếu Nhà nước tạo một cơ chế thiết thực hơn, ví dụ như có những quy định buộc các doanh nghiệp được hưởng lợi từ thành quả nghiên cứu phải dùng một phần lợi nhuận từ việc kinh doanh của mình đầu tư trở lại cho cơ sở nghiên cứu thì đó sẽ là nguồn lực đáng kể hỗ trợ cho các nhà khoa học. Giả sử các nhà khoa học ở Viện Lúa ĐBSCL được thu lại chỉ 1 USD cho mỗi tấn gạo xuất khẩu từ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo do họ cung cấp giống thì tổng số tiền họ thu được sẽ gấp nhiều lần kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước cấp cho họ hằng năm.

Quỹ NAFOSTED được coi là một nguồn lực mới hỗ trợ khá hữu hiệu cho các nhà khoa học tiến hành các hoạt động nghiên cứu. Tuy nhiên, vai trò của Quỹ trong việc hỗ trợ các dự án ứng dụng công nghệ còn khá khiêm tốn. Sắp tới, Bộ KH&CN có kế hoạch gì để giúp Quỹ có thể phát huy tốt hơn vai trò này?

 Chúng tôi mong muốn Quỹ NAFOSTED phát huy được cả ba chức năng hỗ trợ các dự án nghiên cứu là tài trợ, cho vay, và bảo lãnh tín dụng. Nhưng cho đến nay Quỹ chủ yếu mới thực hiện được chức năng tài trợ, mãi gần đây mới bắt đầu cho vay. Sắp tới chúng tôi sẽ xây dựng cơ chế để Quỹ gia tăng hoạt động cho vay, lấy lãi vay đó bù đắp chi phí quản lý, bảo toàn vốn và hỗ trợ việc tài trợ, đồng thời Quỹ cũng phải thực hiện được chức năng bảo lãnh để các nhà khoa học có thể vay vốn từ các ngân hàng thương mại cho hoạt động nghiên cứu. Các nhà khoa học có công nghệ tiềm năng và có khả năng thương mại hóa thực chất không cần Nhà nước cho không tiền, họ chỉ cần Nhà nước tạo điều kiện tiếp cận vốn vay.

Chương trình hợp tác giữa Bộ KH&CN và Viện KIST của Hàn Quốc nhằm xây dựng Viện V-KIST cũng được kỳ vọng là một mô hình quản lý có vai trò đột phá trong thúc đẩy phát triển ứng dụng KH&CN vào phát triển đất nước. Để mục tiêu này thành công, Bộ KH&CN sẽ có đề xuất cụ thể gì với Quốc hội và Chính phủ?

Xây dựng V-KIST tại Việt Nam là một vấn đề không đơn giản, để thành công chúng tôi cần được sự ủng hộ từ Nhà nước cũng như giới khoa học. Kinh nghiệm của Viện KIST thành công là nhờ 3 yếu tố : có luật riêng ưu đãi, có người lãnh đạo quốc gia đỡ đầu, có đội ngũ cán bộ khoa học giỏi. Theo mô hình đó, Quốc hội cần thông qua một nghị quyết riêng về V-KIST, coi đây là mô hình thí điểm, phải có luật riêng để không bị vướng mắc với các quy định hiện hành khác chưa phù hợp. Trước mắt V-KIST có thể cần được sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nhưng về lâu dài V-KIST sẽ tiến tới tự chủ và thậm chí không sử dụng ngân sách nhà nước khi nó trở thành một viện nghiên cứu theo đặt hàng của doanh nghiệp. Cá nhân tôi cũng sẽ tham gia đi vận động tài trợ cho viện.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)