Khi nhà khoa học hoạch định chính sách

Vấn đề tư vấn cho chính phủ trong về các chính sách và chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ở tầm quốc gia, các cơ quan tư vấn phải có một mối quan hệ như thế nào với chính quyền, "theo sau" hay "phản biện"? Và phải chăng cứ có được những bộ óc lỗi lạc là sẽ có được những đề xuất hợp lí? Có thể rút ra được nhiều bài học từ câu chuyện của nước Pháp.

“Từ những năm 1970, nước Pháp không còn có một chính sách có tầm chiến lược về nghiên cứu khoa học!”. Người ta có thể đặt cùng một lúc ở hai cơ sở nghiên cứu chỉ cách nhau chưa đầy hai chục kilomètre những cỗ máy trị giá hàng triệu euro với tính năng không khác gì nhau mà không có một chút băn khoăn nào. Nhà vật lý Serge Feneuille, Chủ tịch của Thượng Hội đồng về Khoa học và Công nghệ (HCST) của nước Pháp đã than thở như vậy. Có nhiệm vụ tư vấn cho Tổng thống nước cộng hòa về “những định hướng lớn có tầm quốc gia về chính sách (…) khoa học”, nhưng 18 tháng sau khi được thành lập, Hội đồng gồm toàn những nhà bác học xuất sắc này lại vô cùng khó khăn trong việc xác lập quyền lực của mình. Bằng chứng là trong bài diễn văn ở Orsay hôm 28/1, Tổng thống Nicolas Sarkozy vẫn cứ nhấn mạnh đến việc cần có vai trò của “một tổ chức công tập hợp ý kiến của những nhân cách khoa học lớn và có chức năng đưa ra những quyết định”.
Thời đại vàng
Công chúng cũng như giới nghiên cứu ở Pháp vẫn còn không mấy tường tận rằng nguồn gốc việc thành lập HCST chính là nỗi hoài nhớ về một thời đại vàng, thời hoàng kim của chủ thuyết De Gaulle khi mà nền khoa học xơ cứng đang thiu thiu ngủ của nước Pháp đã được đánh thức trong những năm 1960. Kỳ tích này được thực hiện bởi một cơ quan liên bộ, Tổng vụ phụ trách nghiên cứu khoa học và kỹ thuật (DGRST), được tư vấn bởi một ủy ban gồm “mười hai hiền giả”. Tất nhiên, đó là những tinh hoa của giới khoa học Pháp. Tài trợ dài hạn, hỗ trợ vật chất một cách ồ ạt cho những bộ môn mới như sinh học phân tử hay hải dương học, trao học bổng cho thanh niên, tài trợ cho các hội thảo…. mọi sử gia đều phải thừa nhận công lao to lớn của DGRST và đặc biệt của ủy ban mười hai hiền giả trong sự quật khởi của nền khoa học Pháp trong những năm 1960. Với nội các của Francois Mitterand, bắt đầu từ 1981, khoa học tiếp tục lại được coi là một lĩnh vực được ưu tiên về ngân sách sau một thời gian bị “thắt chặt” trong những năm 1970. Dẫu vậy, nhân vật chủ chốt về những chính sách khoa học trong thời kì này, Hubert Curien, Bộ trưởng Nghiên cứu và Công nghệ từ 1984 đến 1986, lại quay lưng lại với chủ thuyết vận hành xã hội tập trung kế hoạch hóa theo kiểu De Gaulle. Cũng phải nói thêm là chính ông này cũng là một thành viên của DGRST. Là người có công rất lớn trong chương trình tên lửa Arian và những chương trình không gian khác của Pháp, Hubert Curien có triết lý mà người đồng nghiệp của ông tại CNRS (Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp), Serge Feneuille, đuơng kim chủ tịch của HCST, tóm tắt là “trao lại ‘dây cương’ dẫn dắt sự nghiệp khoa học cho các nhà khoa học”.
Đầu những năm 1990, nền khoa học Pháp khởi sắc. Tuy nhiên, ngay từ năm 1994, ông Francois Fillon, khi đó đang là Bộ trưởng Giáo dục đại học và Nghiên cứu khoa học, đã nhận thấy rằng ở Pháp thiếu vắng một cái nhìn có tính chiến lược ở tầm mức quốc gia về nghiên cứu khoa học trong khi đó, số lượng những nhân tố tham gia vào sự phát triển của khoa học càng ngày càng tăng lên và sự phát triển khoa học đòi hỏi một sự hợp tác càng ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Ngày 25/9/2006, Thượng Hội đồng được đích thân Tổng thống nước cộng hòa long trọng tuyên bố thành lập. Thành phần của nó gồm các nhà nghiên cứu thuộc đủ mọi lĩnh vực : 4 nhà nghiên cứu y học, 3 nhà vật lý, 2 nhà hóa học, 2 nhà toán học, 1 nhà nghiên cứu khí hậu, 1 nhà nghiên cứu luật pháp, 1 triết gia, 1 nhà nhân học, 1 nhà xã hội học, 1 sử gia,  1 chuyên gia nghiên cứu văn chương và 1 nhà nghiên cứu sinh học…. Không một lĩnh vực nào bị bỏ sót và tất cả thành viên đều là những nhân vật danh giá (giải Nobel, giải Fields, bốn Mề đay vàng của CNRS). Dẫu vậy, thành phần này lại chưa có được một sự cân bằng hoàn hảo : 18 thành viên của nó là đại diện của giới đại học (trong đó có 7 người của Pháp quốc học viện – Collège de France) và những tổ chức công nghiên cứu khoa học trong khi đó chỉ có hai thành viên là đại diện của giới công nghiệp.
Bộ trưởng đặc trách nghiên cứu khoa học sẽ chỉ có chức năng đảm bảo những hỗ trợ về kĩ thuật cho thiết chế HCST. Tổ chức này chịu trách nhiệm trực tiếp trước Tổng thống nước cộng hòa. Đảm bảo cho cơ quan này một sự hiện diện đẹp đẽ trước công chúng, chính quyền dành cho nó một trụ sở tuyệt đẹp ở Thủ đô. Dẫu vậy, lời đề nghị bị các thành viên của HCST từ chối một cách lịch sự theo kiểu “các nhà khoa học thì có mấy khi ngồi ở bàn giấy”. Các thành viên của HCST vẫn duy trì các hoạt động nghiên cứu khoa học của mình song song với các hoạt động tại HCST. Và thế là cơ quan Thượng hội đồng “dọn nhà” sang trụ sở của Bộ Nghiên cứu khoa học. (chi tiết này đáng để những nhà khoa học và các cơ quan quản lí ở Việt Nam suy ngẫm).

Kém hiệu quả
Sau khi được thành lập, HCST đã nhận được “đơn đặt hàng” từ Tổng thống Jacques Chirac: nhanh chóng tư vấn cho chính phủ về các chính sách về năng lượng, những trang thiết bị đòi hỏi vốn đầu tư lớn phục vụ các họat động khoa học, đặc biệt là tính toán cũng như đối phó với tình trạng thanh niên thờ ơ với nghiên cứu khoa học.
Với nhịp độ một phiên họp hàng tháng, mỗi phiên có sự tham gia trung bình là của 15 thành viên, HCST tiến hành công việc với hai công cụ chính: những buổi thuyết trình và những tổng hợp thư mục được hỗ trợ bởi các bài tóm tắt do … các sinh viên trường Sciences-Po (Trường Khoa học Chính trị, một “trường lớn” danh giá của Pháp)! Thế nhưng trong báo cáo đệ trình lên Tổng thống Pháp Jacques Chirac tháng 4/2007, không có bất cứ một dấu vết nào của những hoạt động cũng như tài liệu này. Theo bình luận của ông chủ tịch  HCST thì “những ý kiến đó được tập hợp thành những văn bản súc tích, gay gắt, được soạn thảo để trình bày trực tiếp với Tổng thống trong vòng hai chục phút đồng hồ”. Ngắn gọn thì đương nhiên là như vậy: báo cáo dài khoảng 6,7 trang, liệt kê những khó khăn và đề ra những giải pháp. “Gay gắt”, trái lại, thì chưa hẳn. Về chính sách năng lượng, HCST đưa ra các giải pháp như là duy trì điện hạt nhân ở chất lượng cao, làm việc về tính hữu hiệu (trong sử dụng) năng lượng,…. tất cả được đưa vào trong khuôn khổ của một “chương trình lớn quy mô quốc gia về năng lượng” bao quát tất cả những nhân tố quyết định vấn đề năng lượng. Không một con số, không một dẫn chứng, không một dòng nào đề cập đến vấn đề giảm lượng khí ga gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến năm 2050 được đưa ra để chống đỡ cho những đề xuất. Nếu so sánh với báo cáo do Trung tâm phân tích chiến lược đệ trình lên Thủ tướng 5 tháng sau đó về cùng một đề tài thì rõ ràng, phần bất lợi thuộc về báo cáo của HCST.
Kiến nghị của HCST về chuyện thanh niên thờ ơ với nghiên cứu khoa học cũng rơi vào tình trạng bất lợi hơn nữa khi mà đã từng có hàng loạt báo cáo về vấn đề này do những đơn vị khác thực hiện. Vẫn chỉ là những giải pháp không có gì đặc sắc: cải thiện hình ảnh của khoa học trong xã hội, thúc đẩy đưa giáo dục phương pháp thực nghiệm vào bậc tiểu học, xem xét lại hệ thống định hướng ở bậc trung học…
Cả hai bản kiến nghị đầu tiên của HCST đều không có mốc thời gian cụ thể cho những bước của lộ trình giải quyết. Rõ ràng rằng vào thời điểm khi mà nó được đệ trình lên Tổng thống Jacques Chirac vào tháng 4/2007 (nghĩa là khi ông sắp hết nhiệm kì) chắc chắn những kiến nghị của nó không chắc gì được vận dụng!

Ý kiến bị lui lại
Việc Tổng thống Nicolas Sarkozy lên nắm quyền là một cơ hội tốt để HCST dành được một vị thế trong quá trình hoạch định chính sách về khoa học của chính phủ Pháp. Cuộc gặp gỡ đầu tiên của Tổng thống mới và HCST sẽ xoay quanh chủ đề cải cách hệ thống đại học Pháp, một chủ đề do chính HCST tự lựa chọn.

Tư tưởng chung của bản kiến nghị cải cách lần này là trao quyền tự chủ thực sự cho các trường đại học, bãi bỏ việc nhà nước ấn định số lượng sinh viên của đại học, thay bằng một cơ chế “đánh giá hậu nghiệm”, phát triển “những nguồn tài chính mới” mà một phần đến từ nguồn “đóng góp một cách phải chăng của sinh viên”, những người mà, đổi lại, sẽ được đánh giá các giảng viên. Rõ ràng là một đề nghị quyết liệt, chặt chẽ và mạch lạc, thu nhận ý tưởng của nhiều sáng kiến trước đó, từ việc tổ chức các hoạt động nghiên cứu của nước Pháp quanh những đại học nghiên cứu xuất sắc hoặc những ý tưởng của hiệp hội Chất lượng khoa học Pháp do Antoine Compagnon, một thành viên của HCST làm chủ tịch.
HCST dự tính chọn đúng thời điểm để đệ trình bản kiến nghị của mình về đổi mới đại học. Nó được đưa lên Tổng thống vào tháng 7/2008 khi mà dự luật Pécresse về tự trị đại học được đưa ra tranh luận trước quốc hội. Một vài đề xuất của HCST về vai trò của những hội đồng khác nhau trong việc lãnh đạo đại học xung đột với văn bản của Bộ giáo dục trao quyền lực đáng kể cho Chủ tịch hội đồng nhà trường. Trong khi đó, những luận điểm của HCST biện hộ cho việc tăng học phí lại có thể làm cho các nghiệp đoàn sinh viên nổi giận. Do cậy HCST quyết định lui thời điểm đệ trình bản kiến nghị của mình. “Vai trò của chúng tôi là giúp đỡ chính phủ, chứ không phải là làm cho mọi việc rối thêm”, ông chủ tịch của tổ chức này giải thích.
HCST không có bất cứ một “đòn bẩy” nào để đưa những đề xuất của mình vào thực tiễn. Công cụ duy nhất của tổ chức này chỉ là đệ trình trực tiếp ý kiến của mình lên Tổng thống. Thế nhưng, đáng buồn thay, được thành lập dưới thời Jacques Chirac, Hội đồng cao cấp này có vẻ như không được tín nhiệm dưới thời ông Nicolas Sarkozy. “HCST cần phải là một tấm gương cho các hoạt động của chính phủ về các chính sách khoa học”. Một thành viên của HCST tin như vậy. Thế nhưng liệu chính phủ Pháp hiện nay có còn muốn soi vào tấm gương đó?

L.X.H (Lược dịch, theo La Recherche, số 417, tháng 3.2008).

Hội đồng cao cấp về nghiên cứu và công nghệ (CSRT).
Là một thiết chế khác có vai trò tư vấn cho Bộ trưởng Bộ đặc trách nghiên cứu khoa học về các quyết sách quốc gia về khoa học và công nghệ. Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tổ chức này có vai trò tương tự như là Hội đồng kinh tế và xã hội trực thuộc chính phủ: một thiết chế tư vấn tập hợp những sức mạnh quan trọng nhất của quốc gia. 44 thành viên của tổ chức này được chia thành hai nhóm có tỉ lệ tương đương nhau. Một bên là các nhà khoa học do chính phủ chỉ định trực tiếp hoặc do các cơ quan nghiên cứu đề xuất (CNRS, Viện hàn lâm khoa học, AERES – Cơ quan quốc gia phụ trách đánh giá giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học…) và bên kia là những nhân vật đại diện cho giới lao động, các lĩnh vực sản xuất, xã hội, văn hóa và địa phương như là những đối tác xã hội truyền thống (5 liên hiệp nghiệp đòan và 3 tổ chức của giới chủ) cũng như những cá nhân được chỉ định khác. Tổ chức này có vai trò cho ý kiến về các dự án luật do Bộ đặc trách giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học soạn thảo, về các hoạt động của Bộ này cũng như về các vấn đề ngân sách.
Cứ mỗi lần kết thúc một nhiệm kì 3 năm, chính phủ hiện hành lại ấn định ý chí của mình lên tổ chức này thông qua công cụ chỉ định nhân sự : Hội đồng hiện nay, được thành lập năm 2005, đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng thành viên xuất thân từ các doanh nghiệp trong khi đó, hội đồng được chỉ định bởi các chính phủ cánh tả thì ưu tiên cho tiếng nói của giới hàn lâm. “Mang màu sắc chính trị đậm nét, CSRT chỉ hữu dụng khi nó đồng hành với các chính sách của chính phủ. Đó chính là lí do khiến cho mọi ý kiến của tổ chức này đều bắt đầu bằng công thức “vui lòng” khi thấy dự án được đệ trình trước khi đưa ra vài gợi ý và hy vọng rằng nó sẽ được lưu tâm”, một thành viên của Hội đồng đã đùa như vậy. Valérie Pécresse, Bộ trưởng đặc trách giáo dục và nghiên cứu khoa học hiện nay dự định sẽ tăng thêm tiếng nói của các tập đoàn kinh tế lớn trong tổ chức này. Dẫu vậy, bà Bộ trưởng vẫn thấy e dè trước những dự án “nóng” của Hội đồng như chính sách liên quan đến Cơ quan quốc gia về nghiên cứu khoa học (ANR) hay việc đưa các Trường Đại học và CNRS xích lại gần nhau.

Trẻ hóa Hàn lâm viện.
Viện Hàn lâm khoa học là ngôi đền tĩnh lặng của các vinh quang quá khứ? Có lẽ đó không còn là hình ảnh ngày nay của Viện hàn lâm khoa học Pháp. Cuối năm 1990, một cuộc cải cách do nhà toán học Jacques-Louis Lions và nhà hóa  học Gui Ourisson, những người lãnh đạo Viện hàn lâm khoa học đã làm công việc “phủi bụi” thiết chế này. Được chấp thuận năm 2002, những quy chế mới của Viện hàn lâm chứa đựng những đổi mới then chốt: thúc đẩy việc làm mới hàng năm thành phần của các viện sĩ với  một nửa số người có giới hạn tuổi dưới 55; loại trừ những người có tuổi đời trên 75 khỏi con số tính toán số lượng viện sĩ và đồng thời tăng gấp đôi số viện sĩ lên 250 người. Kết quả là một sự thay đổi quan trọng và sâu sắc trong thành phần thiết chế khoa học lâu đời của nước Pháp với 80% số viện sĩ vẫn đang hoạt động nghiên cứu khoa học. “Ngày nay Viện hàn lâm khoa học có thể được coi là đại diện cho tinh hoa của giới khoa học Pháp dẫu chúng tôi vẫn biết rằng một số nhà khoa học lẽ ra phải có ghế ở đây nhưng đã phải ở ngoài chỉ vì một giới hạn quá thấp số lượng thành viên nếu so với Hàn lâm viện của Anh”, nhà sinh vật học Jules Hoffman giải thích. Dưới sự lãnh đạo của ông, Viện Hàn lâm đã trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận về các vấn đề khoa học, đặc biệt là với các phiên công khai hàng tuần. Viện hàn lâm cũng giữ vai trò trung gian trong các bất đồng giữa chính phủ và giới khoa học. Ngày nay, các Bộ cũng bắt đầu có thói quen tham khảo ý kiến của Viện hàn lâm. Dẫu vậy, những báo cáo và những ấn phẩm khoa học của Viện Hàn lâm vẫn còn chưa thực sự được phổ biến ở Pháp.

Nicolas Chevassusau Louis

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)