Khi trường đại học trở thành đối thủ

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học Nga Andrei Fursenko (ảnh bên) giải thích vì sao mới đây Bộ đã đưa ra chương trình tài trợ lớn (megagrants) để tăng cường nghiên cứu khoa học tại các trường đại học.

Sự sụp đổ của liên bang Xô Viết đã dẫn tới thời kỳ khó khăn cho nghiên cứu của Nga, nhưng chính quyền của Putin và Medvedev đang nỗ lực đưa khoa học trở lại vị trí ưu tiên. Chính phủ đã đầu tư hàng tỉ USD vào công nghệ nano thông qua một tổng công ty có tên là Rusnano và phát triển một thành phố công nghệ ở vùng ngoại ô Moscow. Nhưng vẫn cần phải đấu tranh làm thay đổi “di sản” của thời kỳ trước: ngành công nghiệp chỉ quan tâm tới việc khai thác tài nguyên hơn là phát triển các sản phẩm mới, Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS) không thiết tha với những thay đổi và hệ thống các trường đại học thì chỉ mong có số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp hơn là tiến hành các nghiên cứu.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học Nga Andrei Fursenko trao đổi với phóng viên của tạp chí Science về việc làm thế nào Nga có thể tăng cường nền tảng nghiên cứu.

Ông có thể giới thiệu một chút về chương trình tài trợ mới nhằm thu hút các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới tới các trường đại học Nga?

Chúng tôi nhận được 500 hồ sơ nghiên cứu, trong đó 300 là của các nhà nghiên cứu của Nga, và 170 của nước ngoài, số còn lại là các nhà nghiên cứu có hai quốc tịch. Chúng tôi phải đưa ra một vài thoả thuận: Trước đó chúng tôi hi vọng các nhà nghiên cứu có thể dành nửa năm tại Nga, nhưng sau nhiều thảo luận với các trường đại học nước ngoài, chúng tôi rút xuống còn 4 tháng (tương ứng với 1 học kỳ).

Chúng tôi đang trong quá trình tuyển chọn và đây là lần đầu tiên chúng tôi tiến hành công việc như vậy tại Nga. Các hồ sơ nghiên cứu được 4 chuyên gia trong lĩnh vực đánh giá, 2 chuyên gia người Nga và 2 quốc tế. Nếu ý kiến của họ trái ngược nhau, chúng tôi sẽ nhờ tới 2 chuyên gia khác. Các ý kiến sẽ được chuyển cho Hội đồng quỹ gồm các nhà khoa học có uy tín của Nga, những người có thành tích tốt trong các lĩnh vực khác nhau, và có uy tín trong cộng đồng khoa học quốc tế. Các thành viên của Hội đồng do Chính phủ bổ nhiệm.

Chương trình này đặc biệt dành cho các đại học Nga. Đây có phải là chính sách hướng tới mô hình các trường đại học nghiên cứu?

Có một vài lý do đằng sau việc hướng tới các trường đại học. Trước tiên đó là nhu cầu cần phải tạo ra môi trường cạnh tranh thực sự cho khoa học Nga. RAS mạnh hơn rất nhiều các tổ chức nghiên cứu khác và không có đối thủ cạnh tranh thực sự.

Thứ hai, nếu phải xây dựng một môi trường khoa học ở nơi có nhiều người trẻ thì đó chính là các trường đại học. Có những mối quan hệ tốt đẹp giữa RAS và các trường đại học nhưng để khuyến khích sự tham gia của những người trẻ vào nghiên cứu cần phải cải thiện môi trường khoa học nơi họ đang làm việc.

Và thứ ba, nếu một giáo sư không tham gia vào sự truy vấn khoa học thì đó không phải là một giáo sư thực sự. Một trường đại học không có nghiên cứu không phải là trường đại học thực sự. Chúng tôi sẽ phải lựa chọn kĩ càng những trường đại học hàng đầu và trợ giúp cho họ.

Chúng tôi cam kết vào quá trình khôi phục nền giáo dục đại học. Chúng tôi tạo ra cuộc cạnh tranh quy mô quốc gia cho Danh hiệu trường đại học nghiên cứu và cũng có cạnh tranh cho những khoản tài trợ dành cho đổi mới các cơ sở vật chất tại các trường đại học và những dự án nghiên cứu có sự tham gia của bên công nghiệp. Đây thực sự là cách tiếp cận mới của nước Nga.

Trong lá thư gửi Tổng thống Medvedev, các nhà khoa học Nga đã miêu tả nghiên cứu cơ bản ở Nga là thảm họa và cảnh báo sự sụp đổ gần kề. Có thực là Nga sao nhãng nghiên cứu cơ bản?

Tôi không thể nói nghiên cứu cơ bản ở Nga là thảm họa và tôi nghĩ là một vài nhà khoa học Nga làm nghiên cứu đỉnh cao có thể đồng ý với tôi. Nhưng rõ ràng là chính quyền Xô Viết đã chi nhiều tiền hơn cho lĩnh vực này. Nguồn nhân lực lớn đã được dành cho nghiên cứu cơ bản, nhiều các nhà khoa học của thời kỳ đó hiện đang ở nhiều nơi trên thế giới. Cách tiếp cận này đã tạo ra những kết quả tốt vào thời kỳ đó nhưng nó không còn thích hợp trong hoàn cảnh hiện nay. Tôi đã nói với các đồng nghiệp tại RAS rằng, đây là khoản tiền thuế của nhân dân, chúng ta phải giải thích tại sao phải chi tiêu cho nghiên cứu và loại nghiên cứu nào thì chúng ta cần.

Phân chia tiền là vấn đề phức tạp. Chúng tôi đã đưa ra những cơ chế mới cho nghiên cứu cơ bản. Nhưng chỉ có những chương trình nhỏ của RAS ví dụ như chương trình sinh học phân tử và tế bào là mang tính chất cạnh tranh, rồi có Quỹ tài trợ cho nghiên cứu cơ bản- một cơ quan cũng rất thành công trong cấp kinh phí tài trợ. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, nguồn tài chính có hạn, và các bộ khác cũng muốn tham gia vào. Nhưng tiền chỉ được dành cho những cơ sở nghiên cứu và các nhà nghiên cứu uy tín nhất.

Sáng kiến về công nghệ nano cho thấy Chính phủ có vẻ đang cố gắng tạo ra một ngành công nghiệp mới trong vòng vài năm. Việc này tiến triển như thế nào?

Nga đã có một vài nền tảng về công nghệ nano. Khoa học vật liệu và dụng cụ đều mạnh dưới thời Liên Xô. Rusnano là một tập đoàn mới, độc lập. Đó có thể không phải là cách làm tốt nhất nhưng là một công cụ mới cho người Nga, và chúng tôi phải khôi phục lại nghiên cứu ứng dụng. Chúng tôi đang tạo ra những trung tâm mới, tạo ra động lực cho những nhà nghiên cứu và giới trẻ. Mười năm trước, sinh viên học về khoa học là những người thua cuộc. Hiện nay điều này đang dần thay đổi.

Dự án Skolkovo cũng là một nỗ lực nhằm củng cố đổi mới sáng tạo bằng cách tạo ra cầu nối giữa nghiên cứu và bên công nghiệp?

Chúng tôi cần phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Nga và hối thúc các cơ sở hiện có cải thiện chất lượng hoạt động. Chúng tôi cần một cuộc cạnh tranh thực sự. Skolkovo là một thách thức mới cho giới trẻ và những thể chế đang tồn tại. Nếu thành công, mô hình này sẽ được áp dụng ở những nơi khác.

Theo ông, khoa học Nga sẽ phát triển như thế nào trong tương lai?

Cả khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng đều cần phải đa dạng với sự cạnh tranh mạnh hơn. Trong nghiên cứu cơ bản, chúng tôi cần có sự hợp tác quốc tế. Tôi muốn nhìn thấy 2-3 trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới ở Nga. Và chúng tôi cần sự hợp nhất giữa nghiên cứu và giáo dục đại học, thông qua đó huy động được nhiều nhà nghiên cứu của RAS hơn vào việc đào tạo sinh viên ở bậc thạc sĩ cũng như tiến sĩ và sau tiến sĩ. RAS sẽ phải tham gia vào kế hoạch này.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)