Khoa học và Chính trị với hiện tượng nóng lên toàn cầu

Gần đây tôi tham dự kỳ họp thứ 43 Hội thảo Erice về những vấn đề khẩn cấp của hành tinh[1]. Như thường lệ, các chủ đề thảo luận bao gồm năng lượng, ô nhiễm, khí hậu, thiếu nước, y tế, khủng bố, giám sát toàn cầu, các vấn đề về an toàn và môi trường khác. Năm nay, chủ đề được quan tâm nhiều nhất là làm thế nào để ngăn chặn các sao chổi và tiểu hành tinh va vào Trái đất, bảo mật không gian mạng, xu hướng mới và an toàn năng lượng hạt nhân và dĩ nhiên về vấn đề hết sức quan trọng là khí hậu. Mỗi khi bàn về khí hậu, đối thoại giữa các nhà khoa học và Chính phủ, hoặc các nhà khoa học và công chúng trở nên gay gắt và gần như không thể diễn ra bình thường. Đây là một vấn đề thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng, cần có một số lời giải thích.

Nếu bạn được yêu cầu trình bày tổng quan những kiến thức mới nhất về hiện tượng nóng lên toàn cầu trước khán giả là các nhà khoa học, bài trình bày của bạn ít nhiều sẽ như sau: “Hơn một thế kỷ qua, nhiệt độ bề mặt Trái đất đã tăng khoảng 0.7oC. Cùng với việc đó, đặc biệt trong nửa sau của thế kỷ 20, nồng độ khí CO2 trong khí quyển đã tăng lên nhanh chóng. Lượng khí CO2 này sinh ra do các hoạt động của con người như đốt nhiên liệu hóa thạch, chặt phá rừng, v.v… Điều này gợi lên cho chúng ta về mối liên hệ nhân quả giữa sự tăng nồng độ khí CO2 và hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, cho đến nay người ta vẫn chưa thể chứng minh được nhận định này một cách chắc chắn vì khoa học về khí hậu rất phức tạp và tương đối mới, đòi hỏi kiến thức của nhiều ngành khoa học khác nhau (cơ học chất lỏng, nhiệt động lực học, hải dương học, địa chất, vật lý chất rắn, vật lý thiên văn, vật lý tia vũ trụ, khoa học sự sống, hóa học, thống kê học, khí tượng, băng hà học, v.v…). Trong khi đó, chúng ta chưa có đủ hiểu biết về sự hình thành mây, về vai trò chính xác của nước đối với hàm lượng CO2, về động học của đại dương và băng ở các địa cực để có những hiểu biết chi tiết về khí hậu. Ví dụ, các mô hình khí hậu không tái mô tả lại được sự gia tăng nhiệt độ khác nhau theo kinh độ và vĩ độ. Hơn nữa, nhiều dữ liệu chúng ta sử dụng lại quá mới, đặc biệt là các dữ liệu rất có giá trị thu được từ vệ tinh. Để khẳng định điều gì đó về thay đổi khí hậu thì phải đánh giá trong khoảng thời gian nhiều thập kỷ chứ không chỉ trong một vài năm. Nói một cách chính xác hơn, sự gia tăng nhiệt độ tiệm cận bề mặt Trái đất khi tăng gấp đôi nồng độ CO2 trong khí quyển (gọi là độ nhạy) vào khoảng 1.2oC khi xem Trái đất là một vật đen bao quanh bởi khí quyển (vật đen là vật hấp thụ và phát xạ ở mọi bước sóng theo định luật Planck). Nhưng nếu chúng ta tính đến sự hiện diện của các đại dương, mây, gió, sự thoát hơi nước của thảm thực vật, v.v… ta sẽ thấy rằng sự hiệu chỉnh có khi có giá trị vượt cả giá trị độ nhạy vừa nêu: trường hợp này không thể áp dụng tính toán nhiễu loạn được. Sự bốc hơi nước thay đổi dù nhỏ hơn 5% cũng có thể đủ để vượt qua tác động của việc tăng nồng độ CO2 lên hai lần và sự tăng nhiệt độ do hiệu ứng nhà kính tự nhiên lớn hơn gần 50 lần so với độ tăng 0.7oC đo được trong thế kỷ qua. Không có gì ngạc nhiên khi những sai lệch nhỏ trong hiểu biết về vai trò của những yếu tố này tạo nên sai số lớn trong dự đoán. Hiện tượng nóng lên mà chúng ta quan sát thấy có thể hoàn toàn do tự nhiên, hoàn toàn do con người, hay, nhiều khả năng hơn là do cả hai yếu tố này tạo nên. Tuy nhiên, chúng ta không biết tỷ lệ đóng góp của chúng cụ thể là bao nhiêu. Trong quá khứ, Trái đất cũng thường gặp hiện tượng biến đổi nhiệt độ tương tự sự nóng lên mà chúng ta quan sát được hiện nay. Có rất nhiều việc chúng ta cần phải làm để nâng cao hiểu biết về khí hậu; khuyến khích các nhà chức trách, những người có quyền quyết định về tài chính, ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực này”… Tôi cho rằng với bài trình bày như vậy sẽ được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh.

Nhưng bài nói chuyện như vậy sẽ là vô nghĩa khi chúng ta nghĩ tới ảnh hưởng của sự gia tăng nhiệt độ khoảng 2oC hoặc lớn hơn có thể gây ra lũ lụt, thiếu nước, đói kém, di cư và tổn hại tới tầng sinh quyển. Như thường lệ, những người dân nghèo hơn sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Nếu không làm gì để ngăn chặn việc đó, đến cuối thế kỷ này nồng độ CO2 trong khí quyển sẽ tăng lên từ 2 đến 3 lần. Dự đoán gia tăng nhiệt độ không đơn thuần là một bài toán học thuật; nó đồng nghĩa với vấn đề sinh tử của rất nhiều người. Vì lý do đó Hội đồng Quốc tế về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã được thành lập năm 1988, dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc với nhiệm vụ đánh giá “thông tin khoa học, kỹ thuật và kinh tế xã hội liên quan đến những hiểu biết về nguy cơ biến đổi khí hậu do con người gây ra”. Tháng 11 năm 2007, IPCC công bố báo cáo đánh giá mới nhất AR4 (có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng). Tuyên bố chính của báo cáo là “hiện tượng nóng lên toàn cầu chỉ gây ra bởi quá trình khí hậu tự nhiên có xác suất nhỏ hơn 5%. Nhiệt độ toàn cầu có thể tăng từ 1.1oC đến 6.4oC trong thế kỷ 21; đánh giá cho thấy những đợt nóng, sóng nhiệt và mưa lớn sẽ xuất hiện thường xuyên hơn với độ chính xác lớn hơn 90% và nhiều vùng hạn hán, bão nhiệt đới và thủy triều dâng cực cao sẽ xuất hiện với độ chính xác lớn hơn 66%; sự phát thải khí CO2 trong quá khứ và tương lai sẽ tiếp tục làm cho Trái đất nóng lên và nước biển dâng cao trong hơn một thiên niên kỷ tới”.

Tuyên bố như vậy có thể là cách đơn giản nhất để truyền tải thông điệp rõ ràng đến những người có quyền quyết định, những người đứng đầu các ngành công nghiệp hoặc đứng đầu các quốc gia. Tuy nhiên, những tuyên bố này lại thiếu cơ sở khoa học đến mức đã gây ra một làn sóng phản ứng từ các nhà khoa học. Nói về xác suất, khả năng và độ chính xác về những sự kiện mà ta không hiểu nguyên nhân và không mô tả đúng thực tế là vô nghĩa về mặt khoa học. Nhiều nhà khoa học, đặc biệt những người đã thuyết trình tại Erice năm nay[2], đã thảo luận về các tình huống có thể dẫn đến độ nhạy trong phạm vi 1oC (không tính đến hiệu ứng phản hồi tổng) và thấy rằng điều đó là có thể. Sự áp đặt và những hành xử phi khoa học khác trong cách làm mà IPCC sử dụng đã bị lên án, dẫn đến cái gọi là “Climategate”[3].

Rõ ràng những lời chỉ trích này là có cơ sở và cộng đồng khoa học chỉ có thể đổ lỗi cho những hành động như loại bỏ dữ liệu không phù hợp với mô hình. Nhưng, IPCC có thể làm thế nào khác được? Những người có quyền quyết định không muốn nghe báo cáo tổng kết dạng như tôi đã trình bày ở phần đầu bài báo. Họ cần báo cáo có thể sử dụng để đưa ra quyết định và để biện minh cho những quyết định đó với những người nộp thuế. IPCC tự hào nói rằng “AR4 là một thành tựu đáng chú ý liên quan đến hơn 500 tác giả hàng đầu và hơn 2.000 chuyên gia phản biện, báo cáo được xây dựng dựa trên nghiên cứu của một cộng đồng khoa học lớn và được đại biểu từ hơn một trăm quốc gia thành viên giám sát”. Tuy nhiên, trong khoa học, chúng ta không quyết định sự thật bằng biểu quyết; chúng ta, các nhà khoa học, có thói quen luôn luôn đặt câu hỏi và nghi ngờ những gì nghe được, đó là một phần trong phương pháp làm việc của chúng ta. Chúng ta hiểu việc mượn danh một cộng đồng lớn để phát ngôn và truyền thông điệp tới các nhà quản lý có nghĩa là gì: nghĩa là từ bỏ các thông lệ khoa học.

Tại Erice, S. McIntyre[4] đã trình bày một bài tổng kết tuyệt vời về vụ Climategate và về các điều tra sau đó. Tôi xin trích dẫn kết luận của ông: “Bất kỳ người nào hoạt động trong lĩnh vực khoa học khí hậu hiện đại đều giật mình bởi không khí giận dữ và thù địch bao trùm. Một trong những hổ thẹn lớn nhất của CRU[5] và các phóng viên của Climategate là đã phát tán sự thù địch này. Bây giờ công chúng đã biết sự thật và không hài lòng về điều đó. Thật không may, thay vì coi vụ Climategate là một lời kêu gọi cộng đồng khoa học thay đổi cách ứng xử thì những thẩm tra sau đó lại làm cho nó trầm trọng hơn và cộng đồng lại càng tức giận và buồn hơn bao giờ hết”.

Hiện nay, sự việc này đã nằm ngoài tầm kiểm soát của cộng đồng khoa học vì nhiều lợi ích tài chính và chính trị quan trọng liên quan sẽ bị ảnh hưởng và các phương tiện truyền thông chi phối thông tin tới công chúng. Hơn bao giờ hết, chúng ta bắt buộc phải nhún nhường. Các nhà khoa học không được bóp méo sự thật, mà chỉ đơn giản là truyền đạt tới công chúng những điều họ biết và chưa biết. Hiện nay, có nguy cơ những người đã từng lên án những hành xử xấu của IPCC lại bắt đầu sử dụng luận điểm giống như những gì họ đã phát hiện và lên án. Một ví dụ về việc đó thể hiện trong bài thuyết trình của NV Erice Shaviv cho rằng tia vũ trụ là nguyên nhân chính gây ra sự nóng lên toàn cầu. Đây là một yếu tố có ảnh hưởng lớn nhưng chúng ta không đủ hiểu biết về sự hình thành mây để có thể tuyên bố như Shaviv. Shaviv đã sử dụng dữ liệu mây mà gần đây được biết là có mâu thuẫn với dữ liệu khác[6], mặc dù vậy ông không trích dẫn tới số liệu mâu thuẫn mà vẫn tiếp tục kết luận về độ nhạy do tia vũ trụ gây ra (khoảng 1oC). Sự thật đơn giản là chúng ta chưa hiểu biết đầy đủ để đánh giá ảnh hưởng của tia vũ trụ lên khí hậu và thời điểm hiện nay là quá sớm để tạo nên những mô hình về ảnh hưởng của nó đối với khí hậu.

Hình ảnh của khoa học trước công chúng đã phải chịu những điều tiếng gây ra bởi kết luận của IPCC. Là những nhà khoa học, chúng ta phải bám vào sự nghiêm túc trí tuệ mà không để cho tín ngưỡng hoặc niềm tin tác động. Trong hơn bốn mươi năm, kể từ khi Peccei và Câu lạc bộ Rome, các nhà khoa học đã tạo được sự quan tâm của công chúng và giới chức trách tới sự cân bằng mong manh của hệ sinh thái và tầm quan trọng của nó đối với sự sống còn của muôn loài. Trong nhiều năm, thông điệp của họ đã bị bỏ qua. Những hành động đi quá xa như hiện nay đã gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc và gây ra bức xúc trong công chúng, chẳng hạn như việc sử dụng kết luận của IPCC để kiếm tiền với xe điện và sơn mọi thứ bằng màu xanh lá cây, bao gồm cả pin. Trong khi đó, cẩn thận hơn trong việc đốt nhiên liệu hóa thạch dự trữ nên được xem xét sử dụng. Chúng ta nên giữ cái đầu lạnh, chống lại ý chủ quan có thể làm cho tranh luận về khí hậu thậm chí còn căng thẳng hơn so với hiện nay.
PHẠM NGỌC ĐIỆP dịch
———
[1] Kỷ yếu Hội nghị lần thứ 42 (từ ngày19 đến 24 tháng 8 năm 2009) đã được xuất bản trong bộ “Science and Culture Series” (chủ biên A. Zichichi), World Scientific, Singapore.
[2] Trong số đó: S.F. Singer, Nature – not human activity – rules the climate; R.S. Lindzen, Climate sensitivity: various approaches; N.J. Shaviv, The climatic role of the Sun; R. Arnowitt, Global climate in the industrial era; W. Kininmonth, The regulation of climate by ocean circulations; R. Wilson, Questions about climate change: can we answer some? J. Veizer, The role of water in the fate of CO2: implications for the climate system; C. Monckton of Brenchley, Global brightening and climate sensitivity. 
[3] Đặt tên theo vụ Watergate liên quan đến tổng thống Nixon (HK)
[4] S. McIntyre, Climategate and the inquiries.
[5] Climate Research Unit, Đại học Eastern Anglia, Anh Quốc, có vai trò quan trọng trong các hoạt động của IPCC.
[6] H. Svensmark and E.Friis-Christensen, J. Atmos. Sol. Terr. Phys.  59 (1997) 1225; N.D. Marsh and H. Svensmark. Phys. Lett. 85/23 (2000) 5004; P. Laut, J. Atmos. Sol. Terr. Phys.  65 (2003) 801; M. Kulmala et al., Atmos. Chem. Phys 10 (2010) 1885; B.Laken et al. And calogovic et al., Geophys. Res. Lett. 36 (2009).

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)