Khoa học và những bàn tay sạch

Vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua, Viện Duma Quốc gia Nga sau hai vòng bỏ phiếu đã thông qua Dự thảo luật về cải cách Viện Hàn lâm khoa học Nga Sự kiện này làm dấy lên trong giới khoa học nhiều ý kiến không đồng tình, đáng chú ý là ý kiến của nhà khoa học Andrei Vorobiov, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Nga và Viện Hàn lâm Y học Nga.

Nói vắn tắt thì “cuộc cải cách” Viện Hàn lâm mà ngài bộ trưởng giáo dục Livanov và các vị dân biểu của Viện Duma quốc gia (trừ hai phái của đảng Cộng sản Liên bang Nga và đảng “Nước Nga chính nghĩa”) đã tán thành là hợp nhất ba Viện Hàn lâm – Viện Hàn lâm “lớn” (tức Viện Hàn lâm khoa học Nga), Viện Hàn lâm y học và Viện Hàn lâm nông nghiệp, thu hồi tài sản (nhà cửa, đất đai) do các viện hàn lâm quản lý, chuyển tất cả các viện sĩ thông tấn thành các viện sĩ thực thụ, tạo những tiền đề để thu hút thanh niên tham gia vào khoa học (không nói cụ thể như thế nào) tạo điều kiện (không nói rõ những điều kiện gì) để phát triển khoa học trong các trường đại học.

Tôi muốn tin rằng cuộc cải cách đó xuất phát từ thiện chí. Nhưng lại nảy ra một câu hỏi, tại sao dự án luật vốn được Viện Duma quốc gia tán thành một cách cập rập qua hai vòng bỏ phiếu lại chỉ tập trung vào các viện hàn lâm lớn, “buông tha” những viện hàn lâm nhỏ? Phải chăng vì Viện Hàn lâm nông nghiệp ở Moskva và những vùng phụ cận có biết bao nhiêu là đất đai trị giá hàng tỷ rúp! Chỉ riêng một tòa nhà của Viện Hàn lâm y học cũng đã có giá bạc tỉ! Những năm gần đây chúng ta đã quen với việc tước đoạt quyền sở hữu đối với đất đai và nhà cửa của nhà cầm quyền thường chỉ có một ý nghĩa – toàn bộ tài sản sẽ bị khoắng sạch, còn đất đai thì được xây dựng tràn lan để đầu cơ – lâu dài cho bọn trọc phú, công sở, tiệm ăn, nhà ở sinh lợi.

Cũng nên lưu ý rằng việc chuẩn bị “cuộc giải phẫu” viện hàn lâm một cách lén lút không chỉ đối với cộng đồng các nhà khoa học mà còn đối với cả vị chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học mới được bầu là viện sĩ Vladimir Evgenievich Fortov, đã chứng tỏ điều đó. Bởi lẽ chính kỳ họp của Viện Hàn lâm là nơi mà theo truyền thống được quyết định nhiều vấn đề, kể cả việc bầu chọn bộ máy điều hành, mới diễn ra vào cuối tháng 5 năm nay. Và khi ấy, chưa một ai nghe thấy bất cứ một lời bóng gió xa xôi nào về những thay đổi đột ngột như vậy. Mặt khác trong dự thảo cải cách không hề thấy những mục tiêu cụ thể, kế hoạch thực hiện những mục tiêu đó. Mọi thứ cứ như từ trên trời rơi xuống: hãy làm cải cách đi!

Khi cả nước ăn cắp, khi những thông tin về bọn tội phạm hình sự chiếm một thời lượng lớn nhất về tin tức trên vô tuyến thì không thể hình dung được “tính chất vô trùng” của các cơ quan thuộc viện hàn lâm, bởi lẽ Viện Hàn lâm chỉ là một bộ phận của hệ thống. Do vậy việc cải cách Viện Hàn lâm là cần thiết. Nhưng việc chuẩn bị văn kiện của cuộc cải cách Viện Hàn lâm được thực hiện bởi những quan chức rất xa lạ với khoa học; về một mặt nào đó họ đã lặp lại một văn kiện trước đây từng bị bác bỏ, khiến như lời của ông Gennadi Zjuganov, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nga: ngoài việc phá hủy Viện Hàn lâm bằng cách cướp đoạt tài sản của nó một cách lộ liễu, thì cuộc cải cách sẽ chẳng mang lại điều gì tốt lành cả. Và kẻ phải chịu trách nhiệm ở đây là những người lãnh đạo đất nước chứ không phải các nhà khoa học lực bất tòng tâm.

Chúng ta cần làm gì khi dự án luật đã được thông qua?

Đây chính là thời điểm để hồi tưởng lại lịch sử của Viện Hàn lâm. Sáng kiến thành lập Viện Hàn lâm là thuộc về Piotr Đệ nhất1, người mà hiện nay thường bị chửi bới như Aleksandr Nevsky2 chẳng hạn. Trên thực tế, Viện Hàn lâm trở thành một cơ quan có sức sống dưới triều đại nữ hoàng Elizaveta Petrovna, khi mà sau hai thập kỷ đình đốn, việc khôi phục mạnh mẽ quân đội và hạm đội bị tan rã và những mối liên hệ tích cực với phương Tây được bắt đầu. Khi ấy, lần đầu tiên trên thế giới, chính Elizaveta đã hủy bỏ án tử hình (ngoại trừ việc trừng phạt các tội trạng quân sự). Tên tuổi của Lomonosov, việc thành lập trường Đại học Tổng hợp Moskva, việc phát triển khoa học trong nước gắn bó mật thiết với Viện Hàn lâm. Các nhà văn nhà thơ lớn của Nga như Derzhavin, Fonvizin, Pushkin, Karamzim… đều là các viện sĩ của Viện Hàn lâm (hoặc các phân viện của Viện Hàn lâm).

Ngay từ đầu, việc quy tụ các viện sĩ vào Viện Hàn lâm là kết quả của những cuộc bầu chọn nội bộ. Stalin vốn không thích một vài phương diện tự trị của Viện Hàn lâm, nhưng ông không xâm phạm đến bản thân sự tồn tại của cơ quan này, không đề cử những người kém cỏi, thiếu uy tín vào cương vị chủ tịch Viện Hàn lâm. Ông biết rằng khi nào vấn đề “tồn tại hay không tồn tại” được đặt ra trước đất nước thì ắt phải gõ cửa Viện Hàn lâm. Những nhà lãnh đạo đất nước hiện nay cần phải suy nghĩ về điều này.

Vào thời điểm khởi đầu cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, những nghiên cứu của các nhà khoa học Xô-viết đã đảm bảo cho Liên Xô một trình độ trang bị kỹ thuật khá cao… Và với tư cách là một thầy thuốc, tôi không thể không nói tới lĩnh vực y học.

Khi chiến tranh sắp kết thúc, hàng triệu thương binh được điều trị trong các quân y viện. Nhờ trình độ phát triển cao của y học Xô-viết, nhờ việc thuyên chuyển các nhà khoa học ưu tú nhất của chúng ta sang phục vụ quân đội nên việc thương binh xuất viện trở về đội ngũ của chúng ta thuộc diện cao nhất thế giới.

Sau khi Fleming phát minh ra penicillin ở Anh và không hề biết tới những bí mật của việc sản xuất, giáo sư Zinaida Ermolieva (sau này là viện sĩ của Viện Hàn lâm y học) đã nghiên cứu thành công quy trình công nghệ riêng của mình đối với việc bào chế công nghiệp loại thuốc kháng sinh đầu tiên trên thế giới có hoạt tính mạnh hơn thứ thuốc của Fleming. Thuốc penicillin của chúng ta ngay trong năm 1943 đã được đưa vào các quân y viện và đã cứu sống hàng vạn sinh mạng.

Chiến tranh vẫn đang tiếp diễn, nhưng chính phủ đã quyết định thành lập Viện Hàn lâm y học (năm 1944) do bác sĩ phẫu thuật chính của Hồng quân là Nikolai Burdenko phụ trách.
Khi hiểm họa của cuộc tấn công nguyên từ phía Mỹ treo lơ lửng bên trên đất nước ta, các nhà lãnh đạo Liên Xô đã cầu cứu các nhà khoa học. Nhà bác học lỗi lạc, viện sĩ Abram Ioffe đã tiến cử người học trò xuất sắc của mình là Igor Kurchatov làm người tổ chức khoa học chính của dự án. Chỉ đạo công việc là Yulii Khariton, đóng vai trò hết sức quan trọng trong tập thể này là các cán bộ nghiên cứu của ban lý luận Viện Vật lý trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học (FIAN) mang tên Lebedev: nghiên cứu sinh Andrei Sakharov, viện sĩ Igor Tamm (giải thưởng Nobel tương lai) trưởng ban lý luận, viện sĩ Vitaly Ginzburg (cũng giải thưởng Nobel tương lai). Ông cùng với Andrei Sakharov là tác giả của ý tưởng về bom khinh khí.

Những nhà khoa học được nêu tên trên đây của chúng ta (và hàng nghìn người khác) đã cứu vãn Liên Xô và thế giới thoát khỏi cuộc chiến tranh hạt nhân. Chính các vị tham mưu trưởng của quân đội Mỹ đã hơn một lần đề nghị hai Tổng thống Mỹ là Eisenhower và Kennedy dùng đòn hạt nhân đánh phủ đầu Liên Xô. Chỉ duy có nỗi sợ bị trả đũa đã khiến họ dừng lại mà thôi.

Để đền ơn vì những đóng góp quan trọng vào việc quốc phòng, chính phủ Liên Xô đã xây tặng Viện Hàn lâm khoa học một tòa nhà nguy nga trên bờ sông Moskva.

Chưa bao giờ nền khoa học của chúng ta bị tụt hậu so với khoa học thế giới. Điều đó chỉ xảy ra vào hai mươi năm gần đây. Nhưng liệu có phải riêng một mình Viện Hàn lâm có lỗi trong sự lạc hậu hiện nay? Đâu phải chỉ có các cán bộ khoa học mới ồ ạt tháo chạy ra nước ngoài. Có lẽ những nhà lãnh đạo của chúng ta nên thôi tìm kiếm kẻ can tội và chỉ cần soi mình vào gương?!

Bây giờ xin nói đến luận điểm về người già và người trẻ. Từ lâu ta thấy rõ rằng vào những thập kỷ gần đây các nhà khoa học trẻ tuổi hoặc đơn lẻ hoặc ẵm cả phòng thí nghiệm chuồn ra nước ngoài. Thanh niên không thể sống bằng số tiền lương ít ỏi được lĩnh trong lĩnh vực khoa học, không thể thực hiện được những ý tưởng của mình, vì thế cho nên họ ra đi để nhiều khi phải làm việc chống lại Tổ quốc mình, và vô hình trung đã tham gia vào việc thực hiện các kế hoạch bành trướng của kẻ hiện nay định đoạt vận mệnh của thế giới.

Những luận cứ của Bộ trưởng Livanov về tỷ lệ “người già” và “người trẻ” trong khoa học chỉ đáng được xem là câu chuyện buôn dưa lê của các bà nội trợ ở trong bếp. Không thể bàn luận về “những suy nghĩ” đó, mặc dầu vấn đề về việc dân số của hành tinh đang già đi khiến cho các nhà khoa học trên toàn thế giới đâm lo ngại. Có những cách giải quyết khác nhau (nhưng không phải ở ta) về việc nên tận dụng trí tuệ và đôi tay của những người cao tuổi như thế nào để làm lợi cho họ và cho xã hội. Một phương án ngu xuẩn nhất là để cho họ “nghỉ ngơi một cách xứng đáng” bất chấp mọi hoàn cảnh bởi lẽ họ sắp “qui tiên” (!). Đây là một vấn đề phức tạp và có những nghiên cứu khoa học để giải quyết nó một cách có hiệu quả. Nhưng nhiệm vụ này không phải dành cho khoa học đang bị lép vế.

Tất nhiên, trong khoa học cần có những cải cách cũng như trong bất cứ một lĩnh vực nào khác của hoạt động con người. Song đảm đương nhiệm vụ cải cách phải là những người am hiểu công việc này. Công tác khoa học là một quá trình sáng tạo. Những mưu toan dùng mệnh lệnh đối với nó chỉ dẫn tới bi kịch mà thôi.

Nếu nhà khoa học tập sự – tức nghiên cứu sinh – lĩnh lương được nghìn rưỡi rúp nhưng lại biết rằng nhà nước chi nhiều tỷ rúp cho việc tổ chức thế vận hội Olympics mùa đông ở một nơi có khí hậu á nhiệt đới như Sochi, cho việc xây dựng một trường đại học tại một hoang đảo ở Thái Bình Dương, thì những ý tưởng nào sẽ đến với anh ta? Nhà khoa học tương lai nghèo khó bắt đầu hiểu rằng tất cả những công trình này có lẽ còn có thêm một mục đích nữa là tham nhũng, rằng anh ta, một cán bộ khoa học, chả cần thiết cho ai cả (ngoại trừ những ông thầy nghèo nàn, lực bất tòng tâm của anh ta).

Các bạn hãy xem những sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Vật lý – Kỹ thuật (FIZTEKH) huyền thoại của chúng ta đang làm việc ở đâu? Ở nước ngoài. Tội lỗi của các bậc thầy đào tạo nên những chàng trai đó là ở đâu? Ở chỗ họ đào tạo nên các chuyên gia lành nghề vốn cần thiết cho ngoại bang chứ không phải cho nước nhà.

Chuyện đó cũng xảy ra với các sinh viên tốt nghiệp trường Đại học tổng hợp Moskva (MGU) cho đến tận thời gian gần đây. Một nghiên cứu sinh (nhân vật chủ yếu để trở thành cán bộ khoa học) nhận được số học bổng thấp hơn 10 lần số tiền lương của một nữ nhân viên quét dọn bệnh viên, một nghiên cứu viên chính được lĩnh số thù lao bằng lương của một nữ nhân viên quét dọn, nhưng ít hơn lương của nữ y tá.

Lương của chủ nhiệm tổ bộ môn trường Đại học tổng hợp Moskva tương đương với lương của nữ y tá trong một bệnh ở Moskva(!). Việc tổ chức công tác khoa học được đặt ra một cách tồi tệ. Giáo sư quá cố Vitaly Ginzburg đích thân cho tôi biết số tiền lương của ông ở Viện nghiên cứu khoa học là bốn ngàn rúp…

Những cán bộ khoa học ra nước ngoài làm việc cho biết: “Ở bên đó một tháng lương của chúng tôi bằng lương cả năm ở nhà. Ở Nga lĩnh được các chất phản ứng, tiếp cận được với các thiết bị là cả một vấn đề, còn ở bên đó thì dễ như chơi”.

Liệu có thể khôi phục nền khoa học của chúng ta? Tất nhiên là có thể. Những nhiệm vụ trước mắt thì ai cũng biết. Chúng ta có đủ lớp trẻ tài năng hăng hái tiếp thu kiến thức và say mê nghiên cứu. Song các ngài cầm quyền hãy tống cổ bọn trộm cắp ra khỏi lãnh vực khoa học!

Hãy trao tiền vì sự nghiệp phát triển khoa học vào tay các cán bộ khoa học. Hãy để họ kiểm soát tính hiệu quả của những khoản chi phí. Đừng nên kể những chuyện tầm phào về việc cấp phát kinh phí mang tính chất thi đua, về các khoản tiền trợ cấp. Các nhà khoa học từ lâu đã được làm quen với điều đó rồi. Không nên vội vã hủy bỏ việc tài trợ theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của nhà nước bởi lẽ những công trình nghiên cứu quan trọng nhất được thực hiện theo chế độ tài trợ như vậy. Mà ở các nước khác cũng thế. Về những chi tiết này, chúng tôi sẽ phân tích sau, khi nào các vị ngừng can thiệp vào việc điều hành các cơ quan khoa học và giáo dục… Xin hãy ngừng nhồi nhét một cách lộ liễu thông qua sách giáo khoa quy luật của Thượng đế, chẳng hạn, thay thế cho học thuyết Darwin vào các trường trung học và đại học.

Rõ ràng là khoa học Nga ở thời điểm hiện nay đang đứng giữa ngã ba lịch sử. Tôi tin chắc rằng với những cách tiếp cận được nêu lên của những người xây dựng dự thảo cải cách viện hàn lâm sẽ không đưa nó ra con đường cái quan thênh thang rộng rãi mà là dẫn vào ngõ cụt.

Lê Sơn lược thuật
Theo Literaturnaja Gazeta số 29, 7/2013)

1 Piotr Đệ nhất (1672-1725). Hoàng đế đầu tiên của nước Nga, có những cải cách quan trọng, mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ của nước Nga về mặt kinh tế, văn hóa.

2 Aleksandr Nevsky (1220-1263). Đại quận vương của nước Nga thời cổ đại. Giành chiến thắng oanh liệt đối với quân Thụy Điển (1240) và các hiệp sĩ Đức (1242) bảo vệ vững chắc biên giới phía tây của nước Nga.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)