“Không đợi người khác chỉ cho mình phải làm gì”

Trong thư gửi vợ năm 1935, nhà vật lý rất nổi tiếng của Nga Pyotr Kapitsa viết: “Anh cho rằng phải coi khoa học là một việc hết sức quan trọng và lớn lao, và cái inferiority complex này [tiếng Anh trong nguyên bản - mặc cảm tự ti, tự cho mình là không quan trọng] đang giết chết nền khoa học ở nước ta.”

 

Lời người dịch: Pyotr Kapitsa (1894-1984) là một nhà vật lý rất nổi tiếng của Nga. Ông làm việc dưới sự hướng dẫn của Rutherford ở Cambridge, Anh, trong nhiều năm. Năm 1933 ông trở thành giám đốc đầu tiên của phòng thí nghiệm Mond. Năm 1934 ông bị giữ lại Nga trong một chuyến đi về Nga. Nhà nước Nga Xôviết mua lại toàn bộ thiết bị của phòng thí nghiệm của ông ở Anh và xây cho ông một Viện nghiên cứu mới, Viện các vấn đề vật lý, ở đó ông là giám đốc đầu tiên. Năm 1937 ông phát hiện ra tính siêu chảy của hêli lỏng, công trình sẽ được giải thưởng Nobel năm 1978. Trong những năm 1937-1938 đen tối ông là người cứu Fok và Landau ra khỏi tù. Trong chiến tranh thế giới thứ 2 ông phát hiện ra và đưa vào sản xuất một loại máy mới để chế tạo ôxy lỏng, và được trao danh hiệu Anh hùng lao động Liên Xô năm 1945. Do mâu thuẫn với Beria ông bị mất tất cả các chức vụ năm 1946. Ông được phục hồi chức giám đốc Viện các vấn đề Vật lý năm 1955. Ông là người đầu tiên đưa ra ý tưởng về một tạp chí về khoa học cho thế hệ trẻ, sau này thành tạp chí Kvant.

Rất nhiều thư của ông đã được công bố. Nhiều bức thư liên quan đến khoa học, giáo dục rất đáng đọc và vẫn còn giữ tính thời sự. Tôi sẽ dịch một số bức thư của ông và đăng trên blog này.

13 tháng 12 năm 1935, Moskva

Hôm qua anh đánh cờ với Aleksei Nikolaevich Bakh [1]. Cụ rất dễ mến, nhưng anh không đồng ý với cụ ở một điểm… Anh nói với cụ là tình trạng khoa học ở nước ta đang rất xấu, thì cụ bảo: “Đúng thế, nhưng làm gì được, bây giờ có nhiều thứ quan trọng hơn là khoa học…” Đây là một ví dụ điển hình của một nhà khoa học tự nguyện đẩy mình xuống hạng ưu tiên thứ nhì, thậm chí thứ ba. Anh cho rằng phải coi khoa học là một việc hết sức quan trọng và lớn lao, và cái inferiority complex này [tiếng Anh trong nguyên bản – mặc cảm tự ti, tự cho mình là không quan trọng] đang giết chết nền khoa học ở nước ta. Các nhà khoa học phải cố gắng chiếm vị trí hàng đầu trong việc phát triển văn hóa nước nhà và không lẩm bẩm “ở nước ta có những thứ quan trọng hơn”. Đánh giá cái gì là quan trọng nhất, và cần phải chú ý đến khoa học kỹ thuật đến mức nào là công việc của các nhà lãnh đạo. Còn công việc của các nhà khoa học là tự tìm chỗ đứng của mình trong đất nước và trong chế độ mới, và không đợi người khác chỉ cho mình phải làm gì. Cái thái độ như vậy rất khó hiểu và xa lạ đối với anh…

Khi anh nói chuyện với nhiều nhà khoa học, anh rất ngạc nhiên khi họ tuyên bố “Cậu được nhiều như thế thì cậu làm gì chả dễ dàng…” Và cứ như thế. Họ cứ làm như là khi mới bắt đầu sự nghiệp, những cơ hội ban đầu của anh và của họ không giống nhau. Họ cứ làm như là những gì anh có là rơi từ trên trời xuống, không phải là do anh đã bỏ ra bao nhiêu công sức, bao nhiêu nơron thần kinh mới đạt được. Về khía cạnh này con người thật hèn hạ, họ cho rằng cuộc đời không công bằng, rằng xung quanh ai cũng có lỗi trừ họ. Nhưng đấu tranh làm gì, nếu không phải chính là để ta lợi dụng hoàn cảnh sẵn có quanh ta cho việc phát triển tài năng của mình và tạo điều kiện làm việc cho mình?

Nếu chấp nhận quan điểm của Bakh & Co. thì không đi xa được…

Đàm Thanh Sơn dịch

[1] A.N. Bakh (1857-1946) là một nhà hóa sinh lớn của Nga, bạn thân của Kapitsa.
(nguyên bản xem ở http://lib.rus.ec/b/214793/read#t25)

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)