Không thể áp một khuôn cho tất cả các ngành

Chúng ta cần có sự đầu tư bài bản từ chương trình học, thầy hướng dẫn có kinh nghiệm quốc tế. Và quan trọng hơn hết là cần có một lộ trình chính sách để dần dần nâng tầm trình độ nghiên cứu sinh (NCS) chứ không thể ngay lập tức “đưa người lên Sao Hỏa”.

Nguồn ảnh: chronicle.com

Thông tư 18-2021 (TT2021) về đào tạo tiến sĩ chấp nhận mọi hình thức công bố trong hoặc ngoài nước với các thang điểm quy đổi khác nhau, được cho là quá dễ so với mặt bằng chung của các ngành khối khoa học tự nhiên và một số ngành bên khối xã hội (như kinh tế học). 

Thực chất TT2021 có ưu điểm là tính đến sự dị biệt khác nhau của các khối ngành. Đối với khối nghiên cứu nhân văn, hướng tới công bố quốc tế là cần thiết để thảo luận với học giới nước ngoài, nhưng ISI/ SCOPUS cũng không phải là thang đo duy nhất để đánh giá các công trình khoa học, vì nó chỉ là một tiêu chuẩn dù cao, nhưng vẫn chỉ là một phần trong các danh mục tạp chí ở các hệ thống học thuật khác nhau. Trong khi ISI/ SCOPUS là hệ tiêu chuẩn của các tập đoàn tư bản in ấn được sử dụng rộng rãi chủ yếu cho các xuất bản phẩm Anh ngữ thì cũng còn nhiều quốc gia mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính thức như Nhật, Nga, Đức, Trung Quốc, Tây Ban Nha…. Các nước này đều có chuẩn quốc gia của mình cho công bố khoa học, như CSSCI của Trung Quốc, KSSCI của Hàn Quốc, RSCI của Nga. Tại sao ta chỉ công nhận chuẩn của các tập đoàn xuất tư bản Âu Mĩ, mà bỏ qua các chuẩn quốc gia của các cường quốc khoa học khác1?

Khối ngành nhân văn nghiên cứu cả các vấn đề lịch sử, văn hóa, hệ thống chính trị-xã hội… có tính địa phương, vì vậy thảo luận trên các tạp chí trong nước cũng rất quan trọng. Thực tế là các tạp chí trong nước vẫn (đã/ đang/ sẽ) là những hệ ‘lưới lọc’ để cho ra đời các công bố khoa học, vẫn đang là không gian thảo luận của các nhà nghiên cứu nhân văn trong nước và quốc tế. Có thể, trên một phương diện nào đó sẽ không thể so bì với các tạp chí ISI/Scopus, nhưng không vì thế mà phủ định sạch trơn rằng nó là vô giá trị. Mặt khác, nếu phát hiện ra các nghiên cứu vô giá trị, hội đồng đánh giá có quyền và trách nhiệm phủ nhận trong các hội đồng chấm luận án tiến sĩ.

Mặt khác, nghiên cứu nhân văn chưa có được chính sách đầu tư hệ thống, bài bản, lâu dài để hướng tới quốc tế hóa mà hầu như chúng tôi mới chỉ nhận được yêu cầu phải công bố theo đúng chuẩn ISI/Scopus. Đây là một điều không khả thi sau nhiều năm đa phần các thế hệ thầy và trò của ngành chưa cọ xát trong môi trường học thuật quốc tế, rào cản ngôn ngữ để công bố một bài viết bằng ngoại ngữ là rất lớn với những nhà nghiên cứu hoàn toàn “made in Vietnam”. Thậm chí nhiều giáo sư Việt kiều trong ngành Việt Nam học phải đỡ đầu cho các nhà nghiên cứu trong nước, hỗ trợ dịch thuật, hiệu đính rất nhiều. ở các cơ sở giáo dục trong nước, không nhiều giáo sư nhóm ngành nhân văn có thể công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín. Thế hệ các giáo sư đầu ngành hiện nay cơ bản được đào tạo từ Xô Viết hay Trung Quốc. Chính trị và thời thế sang dòng, khiến công bố quốc tế trở thành chính sách “sửa lưng”. Thêm nữa, đòi hỏi NCS, người mới chỉ bắt đầu sự nghiệp học tập và nghiên cứu công bố ngay được là rất khó. Chúng ta cần có sự đầu tư bài bản từ chương trình học, thầy hướng dẫn có kinh nghiệm quốc tế. Và quan trọng hơn hết là cần có một lộ trình chính sách để dần dần nâng tầm trình độ NCS chứ không thể ngay lập tức “đưa người lên Sao Hỏa”.

Chính vì những lý do ở trên, việc cần có thầy hướng dẫn đủ kinh nghiệm dìu dắt NCS đi đúng hướng quốc tế hóa là cần thiết. Tuy nhiên, tiêu chuẩn TT2021 có điểm chưa hợp lý khi yêu cầu tiêu chuẩn người hướng dẫn nếu không có công bố quốc tế thì phải có đủ 4 điểm công bố trong nước trong 5 năm gần nhất. Ví dụ: 1 chuyên luận (3 điểm) + 2 bài tạp chí uy tín trong nước; hoặc nếu không có chuyên luận thì phải có 5 bài tạp chí uy tín trong nước. Nếu coi chỉ tiêu hoàn thành hằng năm (KPI) của một giảng viên hướng dẫn có ngạch tương đương với giảng viên cao cấp hoặc giảng viên, thì mỗi năm vị ấy chỉ có 1 điểm khoa học. 

Thực ra, tiêu chuẩn này quá thấp, vì đã có một số nhà nghiên cứu nhân văn có cả công bố trong nước và có công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín trong vòng 5 năm trở lại đây (ngay ở cơ quan tôi hiện nay ngạch Nghiên cứu viên chính đang được cơ quan giao KPI là 4 điểm/năm). Nếu chỉ tính công bố trong nước trong 5 năm gần nhất, như cá nhân tôi, thì tổng điểm sẽ là tối thiểu 20 điểm.

Năng lực của người thầy là yếu tố quyết định tới quá trình nghiên cứu của NSC. Trong trường hợp người thầy không có công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín, hoặc không có chuyên luận xuất bản trong 5 năm gần đây mà vẫn được hướng dẫn NCS thì sẽ rất khó hướng tới một chuẩn quốc gia và quốc tế như tất cả chúng ta mong muốn. □

Chú thích: http://tiasang.com.vn/-quan-ly-khoa-hoc/Quy-NAFOSTED-Can-mo-rong-khung-tieu-chuan-cong-bo-quoc-te-10759

Tác giả