Kinh tế tri thức ở Việt Nam?

Trong một khuôn khổ hạn chế, bài viết thiên về dùng thí dụ minh họa và giản lược tối đa các lý luận về một số điều của kinh tế tri thức, cụ thể về hai câu hỏi: Kinh tế tri thức là gì? Việt Nam có cần kinh tế tri thức không và nếu có sẽ gặp những thách thức nào?  

Kinh tế tri thức là gì?

Khái niệm kinh tế tri thức manh nha xuất hiện từ đầu những năm 1960 của thế kỷ trước, tiên phong bởi Fritz Machlup và Peter Drucker. Trong hơn bốn thập kỷ qua, đã có nhiều nghiên cứu nhằm xác định và giải thích cơ chế của nền kinh tế này. Trong những năm qua kinh tế tri thức được chọn làm chiến lược phát triển của nhiều quốc gia, cả những nước phát triển và đang phát triển. Tuy nhiên, kinh tế tri thức là khái niệm không dễ hiểu vì dựa trên hai khái niệm trừu tượng là kinh tế và tri thức, và do vậy đã được hiểu nhiều ít khác nhau[2]. Bài viết này bắt đầu bằng việc trao đổi một cách hiểu người viết cho là gần với bản chất của kinh tế tri thức.

Trước hết là khái niệm kinh tế. Theo một nghĩa được thừa nhận rộng rãi, kinh tế là toàn bộ các hoạt động sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ của một cộng đồng hay một quốc gia. Các hoạt động kinh tế thường được chia ra và đánh giá theo ba ngành kinh tế cơ bản: (a) Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy hải sản; (b) Công nghiệp; và (c) Thương mại, ngân hàng, dịch vụ, du lịch… Một hệ thống kinh tế là một tập hợp các nguyên tắc, cách thức và yếu tố chi phối các hoạt động kinh tế. Các hệ thống kinh tế thường được nói đến gồm kinh tế truyền thống, kinh tế kế hoạch, kinh tế thị trường, và kinh tế hỗn hợp. Đây là các mô hình một mặt được dùng để mô tả các nền kinh tế đã và đang tồn tại, mặt khác được chọn dùng để dẫn dắt, điều hành các nền kinh tế. Ta sẽ bàn về kinh tế tri thức theo nghĩa hệ thống kinh tế, và câu hỏi sẽ là kinh tế tri thức là gì và khác với các hệ thống kinh tế khác thế nào?

Chúng ta đều biết trong kinh tế kế hoạch, các nguyên tắc, cách thức và yếu tố chi phối chủ đạo là kế hoạch, do Chính phủ chỉ đạo và quản lý những gì sẽ được sản xuất, sản xuất bao nhiêu và cho ai, với sự nhấn mạnh đến yếu tố hướng tới phúc lợi xã hội. Trong kinh tế thị trường các nguyên tắc, cách thức và yếu tố chi phối chính là thị trường, ở đó các doanh nghiệp tư nhân được khuyến khích hoạt động với mục tiêu thu lợi nhuận, các nguồn lực được phân bổ theo cơ chế giá cả định đoạt bởi cung và cầu, với vai trò hạn chế của Nhà nước. Khác với hai mô hình kinh tế kể trên, trong kinh tế tri thức các nguyên tắc, cách thức và yếu tố chủ yếu chi phối các hoạt động kinh tế là tri thức con người. Các tên gọi khác như kinh tế dựa trên tri thức (knowledge-based economy) hay kinh tế được điều hành bởi tri thức (knowledge-driven economy) cho ta một cách hiểu trực giác hơn với sự nhấn mạnh về vai trò nền tảng và ảnh hưởng của tri thức trong kinh tế.


Cách tân, đổi mới đã giúp kinh tế Nhật Bản có những bước tiến vượt bậc

Cần nói thêm rằng các nền kinh tế thường không thuần túy theo riêng một mô hình. Hầu hết nền kinh tế của các nước phát triển hiện đang theo mô hình kinh tế thị trường, nhưng đã có nhiều tính chất của kinh tế tri thức và đang hướng dần đến mô hình kinh tế này theo những cách ít nhiều khác nhau.

Cho đến đây ta vẫn nói về tri thức nhưng chưa đưa ra một định nghĩa nào về khái niệm trừu tượng này, vốn vẫn được bàn cãi xưa nay. Tuy nhiên, trong một chừng mực chấp nhận được, ta thừa nhận cách hiểu theo nghĩa cơ bản nhất của tri thức, tức những hiểu biết con người có được qua nhận thức, học tập, và quan sát. Trong bài này ta sẽ nói một cách đơn giản tri thức là hiểu biết, và dùng thay đổi hai từ này. Với đa số người Việt, “hiểu biết” dường như gợi hơn, thấm hơn từ Hán-Việt “tri thức”.

Sẽ có một câu hỏi tự nhiên rằng sự khác nhau ở đâu khi mọi hoạt động trong các hệ thống kinh tế đương nhiên đều dựa trên hiểu biết. Nói khác đi, việc nhấn mạnh lên vai trò của hiểu biết sẽ tạo ra sự khác biệt và đặc điểm gì trong hệ thống kinh tế mới này ở tất cả các ngành kinh tế, chẳng hạn so với các hệ kinh tế kế hoạch hay kinh tế thị trường? Câu trả lời chính là ở mức độ khác nhau của sự sáng tạo và sử dụng tri thức. Kinh tế tri thức có nhiều đặc điểm trong đó hai đặc điểm sau là tiêu biểu hơn cả: 

Có một tỷ lệ cao các hoạt động kinh tế dựa trên hiểu biết và thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại, như khoa học về sự sống, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ nano, …

Mọi hoạt động trong các ngành kinh tế đều dựa nhiều hơn và hiệu quả hơn vào việc dùng tri thức trong một môi trường toàn cầu hóa, và kinh tế được phát triển hài hòa với sự phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.


Quản trị trí thức là quá trình sáng tạo, thu nạp và sử dụng tri thức để nâng cao hiệu quả của các tổ chức. Trong ảnh là bìa một cuốn sách về quản trị trí thức.

Có thể xem (a) là đặc điểm công nghệ và (b) là đặc điểm xã hội của kinh tế tri thức. Chúng tương hỗ bổ sung cho nhau để đặc trưng kinh tế tri thức, thậm chí (b) có vai trò bản chất hơn, chỉ ra nền kinh tế tri thức không đồng nhất với nền kinh tế của các công nghệ cao. Hai đặc điểm này có thể nhiều ít khác nhau trong các nền kinh tế tri thức của các quốc gia.

Theo nghĩa này, sản xuất nông nghiệp có thể có mặt trong kinh tế tri thức nếu người nông dân không chỉ dựa vào kinh nghiệm cha truyền con nối mà còn biết tìm và dùng được các hiểu biết của người khác, hoặc tìm ra cách mới sao cho việc trồng lúa nuôi lợn của mình tốt hơn, hoặc biết được nhu cầu xã hội, giao dịch và bán sản phẩm của mình qua Internet để có lợi hơn. Ngành du lịch có thể có mặt trong nền kinh tế tri thức nếu biết được tâm lý và nhu cầu của những nhóm du khách khác nhau, biết cung cấp các dịch vụ hấp dẫn, biết thu lãi trước mắt vừa đủ để giữ và thu hút khách lâu dài. Một quốc gia chỉ làm nông nghiệp và du lịch vẫn có thể xây dựng được nền kinh tế tri thức. Và thật ra cách hiểu này với sự nhấn mạnh yếu tố (b) mới mở đường để nhiều nước đang phát triển có thể định ra và hướng đến một nền kinh tế tri thức của riêng mình, khi hiện tại chưa có những ưu thế cạnh tranh về công nghệ cao.

Những ý niệm về kinh tế tri thức kể trên phù hợp với các định nghĩa được đề xuất và hiệu chỉnh dần trong những năm qua của một số tổ chức quốc tế:

“Là nền kinh tế sử dụng hiệu quả tri thức cho sự phát triển kinh tế và xã hội, bao gồm việc thu nhận và khai thác nguồn tri thức toàn cầu cũng như thích ứng và sáng tạo tri thức để dùng cho các nhu cầu riêng.” (Ngân hàng Thế giới, World Bank). [11]

“Là nền kinh tế dựa trực tiếp vào việc tạo ra, phân phối và sử dụng tri thức và thông tin.” (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, OECD). [6]

“Là nền kinh tế trong đó việc tạo ra, truyền bá và sử dụng tri thức là động lực chủ yếu của sự tăng trưởng, của quá trình tạo ra của cải và việc làm trong tất cả các ngành kinh tế.” (Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, APEC). [1]

Ta lấy một vài thí dụ để phân tích các định nghĩa này, như định nghĩa của Ngân hàng Thế giới. Chẳng hạn việc khai thác và bán một số tài nguyên thiên nhiên ở dạng thô là những hoạt động kinh tế không chứa hàm lượng tri thức cao. Một nền kinh tế tri thức sẽ hướng đến việc làm sao để biết cách chế biến các tài nguyên thô thành các sản phẩm có giá trị cao hơn trước khi bán ra, đến việc có các thông tin toàn cầu về những quốc gia nào cần bán và mua các tài nguyên này để có quyết sách hợp lý nhất. Nếu có hiểu biết và không chỉ nhằm thị trường trước mắt, rất có thể việc hoãn vài chục năm không khai thác và bán ngay một số tài nguyên sẽ có lợi hơn trong toàn cục. Đây là việc “sử dụng hiệu quả tri thức cho sự phát triển kinh tế và xã hội”. Chẳng hạn lúc này ta đang phải quyết định một chuyện rất hệ trọng về xây dựng các nhà máy điện hạt nhân[10]. Rõ ràng ta cần tìm hiểu để biết mọi nhẽ của kiến thức loài người về điện hạt nhân, việc xây dựng và vận hành chúng, những bài học thành bại của các quốc gia. Đây là việc “thu nhận và khai thác nguồn tri thức toàn cầu”. Chẳng hạn khi ta phát hiện ra và muốn khai thác mỏ than nâu dưới lòng đồng bằng sông Hồng, ta cần phải biết rất rõ về trữ lượng, biết công nghệ, biết tác động của nước ngầm đến sụt lún, biết những rủi ro có thể xảy ra. Đây là việc “thích ứng và sáng tạo tri thức để dùng cho các nhu cầu riêng”.

Ngoài hai đặc điểm tiêu biểu về bản chất của kinh tế tri thức đã nêu trên, có thể kể đến một số tính chất tạo ra sự khác biệt giữa kinh tế tri thức và các hệ kinh tế khác. Một là tính chất toàn cầu của kinh tế tri thức. Không nền kinh tế của một quốc gia nào ngày nay có thể nằm ngoài mạng lưới kinh tế toàn cầu, và đương nhiên hiểu biết về các quốc gia khác để có cách phát triển kinh tế hợp lý của mình là điều hiển nhiên rất quan trọng. Trong cái bối cảnh toàn cầu đầy cạnh tranh này, sự “khôn sống mống chết” càng rõ, mà cái sự khôn ấy bắt đầu từ việc có hiểu biết về các nước khác trước khi đưa ra được những quyết định khôn ngoan. Hai là tính chất động theo cơ hội của nền kinh tế tri thức. Ta đang phải phát triển trong một thế giới đầy biến động, nơi điều duy nhất chắc chắn là sự không chắc chắn của chính thế giới này [4]. Trong những biến động ấy, hiểu biết về các cơ hội và rủi ro để có thể đối mặt với chúng là rất cần. Môi trường càng biến động, quốc gia nào có hiểu biết để nắm được cơ hội sẽ càng phát triển được nhanh. Ba là tính chất con người có tri thức là nguồn lực chính của kinh tế tri thức. Bổ sung vào lý thuyết kinh tế tân-cổ điển xem hai nguồn lực chính của kinh tế là vốn tài chính và sức lao động, kinh tế tri thức nhấn mạnh thêm về con người có tri thức. Nguồn lực con người có tri thức cao sẽ được nói ở phần sau về giáo dục và đào tạo trong kinh tế tri thức. 

Việt Nam có cần kinh tế tri thức không và nếu có sẽ gặp những thách thức nào?

Để trả lời câu hỏi này hãy xem kinh tế ta đang ở đâu và cách nào để có thể tiến lên. Lấy một thí dụ để so sánh hai nền kinh tế Việt Nam và Nhật Bản, một là nền kinh tế thị trường phát triển nhưng đang hướng đến và đã mang nhiều tính chất của kinh tế tri thức, và một là nền kinh tế hỗn hợp còn mang ít tính chất của kinh tế tri thức. Sự nhiều ít này được nhìn nhận theo mức độ ảnh hưởng và chi phối của tri thức trong các hoạt động kinh tế.
 

Việt Nam (2007)

Nhật Bản (2007)

Ngành kinh tế

Đóng góp cho GDP

Ngành kinh tế

Đóng góp cho GDP

Nông, lâm nghiệp, thủy hải sản

20,34%

Nông, lâm nghiệp, thủy hải sản

0.9%

Công nghiệp                                 (chế biến, khai mỏ)

41,48%        (31,03%)

Công nghiệp                                 (chế tạo)

28,9%        (21,0%)

Thương mại, dịch vụ, du lịch, …

(tài chính, tín dụng)

38,18%

(1,80%)

Thương mại, dịch vụ, du lịch, …

(dịch vụ)

70,8%        (30,9%)

Bảng 1. So sánh đóng góp vào GDP của Việt Nam và Nhật Bản theo
các ngành kinh tế  (phần trong dấu ngoặc là nội dung và số liệu của một vài lĩnh vực).

 

Bảng 1 tóm tắt các số liệu tổng hợp về đóng góp cho tổng thu nhập quốc dân năm 2007 theo ba ngành kinh tế của Việt Nam[8] và Nhật Bản[7]. Các số liệu tổng hợp này cho thấy ngành nông lâm ngư nghiệp của Việt Nam góp một phần lớn của GDP (20,34%) trong khi ngành này của Nhật chỉ góp chưa đầy 1%. Ngành công nghiệp của Việt Nam đóng góp 41,48% của GDP, trong đó khai mỏ (dầu khí, than… chưa có phần bô-xít) và công nghiệp chế biến (may mặc quần áo, giày dép xuất khẩu…) góp đến 31,03%, tức gần một phần ba của GDP. Ngành công nghiệp của Nhật Bản chỉ góp gần một phần ba của GDP (28,9%), trong đó phần của công nghiệp chế tạo là 21%. Điều này có thể làm nhiều người ngạc nhiên khi vẫn thường nghĩ rằng GDP của Nhật phần lớn do làm ra và bán được nhiều ô tô Toyota, xe máy Honda, máy ảnh Canon, máy tính Fujitsu… Ngành thương mại, dịch vụ, du lịch… của Việt Nam đóng góp 38,18% của GDP, trong khi ngành này của Nhật Bản góp 70,8%, tức khoảng hai phần ba GDP. Đáng chú ý là ngành tài chính và tín dụng của ta chỉ khiêm tốn góp 1,8%, còn các ngành dịch vụ của Nhật góp 30,9% của GDP, tức gần một phần ba.

Từ đây có thể thấy rõ hơn là GDP của ta phần lớn thu được từ các ngành sản xuất đơn giản ít đòi hỏi hàm lượng tri thức cao, như công nghiệp chế biến hay khai thác tài nguyên thiên nhiên. Ngược lại, GDP của Nhật Bản phần lớn có được do các hoạt động kinh tế không liên quan đến việc làm ra hàng hóa, họ gọi là “công nghiệp tri thức”, hoặc các ngành chế tạo dựa trên công nghệ cao.

Để có thêm một định ý cho câu trả lời liệu Việt Nam có cần kinh tế tri thức không, hãy xét thêm một thí dụ về mối quan hệ giữa các nước phát triển và đang phát triển trong bối cảnh toàn cầu.  


Hình 1. Dịch chuyển cấu trúc kinh tế ở Đông Á

Hình 1 là một bức tranh về dịch chuyển cấu trúc kinh tế ở đông Á[5], trong đó trục hoành chỉ sự thay đổi theo thời gian (tương đối) và trục tung chỉ nhóm các nước ở đông Á có sự phát triển kinh tế chi phối bởi yếu tố tri thức và trình độ sản xuất ở các mức khác nhau. Nhóm các nước mới công nghiệp hóa (NIEs) gồm Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan và Singapore; nhóm Đông Nam Á 4 gồm Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Việt Nam nằm trong những nước sau cùng.

Xu thế chung của sự dịch chuyển này là mỗi khi các nước ở nhóm đi trước nâng trình độ sản xuất và dòng sản phẩm tiêu biểu lên một mức, dòng sản phẩm tiêu biểu cũ sẽ được chuyển dịch tới các nước đi ngay sau. Vì nằm ở nhóm sau cùng trong mối quan hệ này, Việt Nam hiện đang chủ yếu làm công nghiệp chế biến và gia công, với ít hàm lượng tri thức. Và nếu không có cách thay đổi cái lược đồ dịch chuyển này, ta sẽ chỉ luôn làm được việc người khác không làm nữa khi họ chuyển qua các việc có lợi nhuận kinh tế cao hơn do có nhiều hiểu biết hơn. Không vui nhưng nếu thừa nhận rằng nhận định nêu trong Hình 1 có nhiều phần đúng, có thể thấy các nước phát triển đang dần đi trước đến nền kinh tế tri thức. Sự dịch chuyển này dễ làm cho các nước đi sau trong đó có ta sẽ luôn đi sau với tiềm ẩn nguy cơ ngày càng tụt hậu. Có thể nói một cách tổng quát rằng sự khác biệt giữa các quốc gia đã và sẽ chính là sự khác biệt về hiểu biết, và thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thách thức để vượt qua sự khác biệt này.


Hình 2. Tứ trụ của nền kinh tế tri thức

Có nhiều lý do cho thấy việc có và dùng hiệu quả tri thức trong các hoạt động kinh tế và xã hội là con đường chúng ta cần đi. Vì nguồn tài nguyên thiên nhiên không thể là vô hạn để có thể khai thác và bán mãi, vì phát triển không thể bền vững nếu dựa quá nhiều vào nhập khẩu công nghệ và sản phẩm của thiên hạ, vì không thể vượt ra khỏi nhóm đi sau hay đi cuối nếu ta không tìm được cách để làm những việc khác ngoài gia công và chế biến, hay đào mỏ, chặt rừng, bắt cá.

Tất nhiên làm sao để xây dựng nền kinh tế tri thức là câu hỏi của cả đất nước. Nhưng nếu muốn làm kinh tế tri thức, cần xem đâu là những thách thức của ta, chẳng hạn những gì là nền tảng của một nền kinh tế tri thức và ta đã có bao nhiêu?           

Ngân hàng Thế giới cho rằng các nền kinh tế tri thức cần dựa trên bốn trụ cột sau[10]:

Môi trường kinh tế và thể chế xã hội thuận lợi cho sáng tạo và sử dụng tri thức: Một môi trường và thể chế theo luật, cho phép dòng chảy tự do của tri thức, hỗ trợ đầu tư cho công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT), khuyến khích việc làm chủ doanh nghiệp như trọng tâm của kinh tế tri thức.

Giáo dục và đào tạo: Có chất lượng cao để người dân được giáo dục và đào tạo năng lực sáng tạo, chia sẻ, và sử dụng tri thức.

Hệ thống cách tân: Một mạng lưới các trung tâm nghiên cứu, đại học, tổ chức chuyên gia cố vấn, doanh nghiệp tư nhân, các nhóm cộng đồng là cần thiết để thu nhận được kho tri thức toàn cầu luôn không ngừng tăng, truyền bá và thích ứng chúng cho các nhu cầu của đất nước, và sáng tạo ra các tri thức mới cần thiết.

Hạ tầng cơ sở thông tin: Một hạ tầng cơ sở thông tin động, từ radio đến Internet, là cần thiết để cho phép dễ dàng liên lạc, phổ biến, và xử lý thông tin.

Mặc dù còn những tranh luận, giả sử ta thừa nhận bốn trụ cột này để xem ta sẽ gặp những thách thức nào khi phải xây dựng chúng.

Tạo ra được một môi trường kinh tế và thể chế xã hội thuận lợi cho sáng tạo và sử dụng tri thức trước hết là việc của chính quyền và bộ máy lập pháp. Một thách thức là làm sao để nâng cao được dân trí toàn xã hội. Khi dân trí được nâng cao, người dân sẽ có thêm động lực và khả năng tìm kiếm dòng chảy tri thức, hoạt động sáng tạo cũng như tăng xu hướng làm chủ doanh nghiệp. Vì những cán bộ của bộ máy chính quyền và địa phương là những công dân có ảnh hưởng nhiều hơn đến môi trường kinh tế và thể chế xã hội, việc nâng cao được quan trí, như dân gian thường nói, là một điều hệ trọng. Những yếu kém về tri thức của một số quan chức mà người dân đôi khi được biết như chuyện “ngực lép xe máy”, chuyện “100% tiến sĩ”,… cho thấy đây là một thách thức lớn khi ta muốn đến nền kinh tế tri thức.

Giáo dục và đào tạo là chuyện sống còn của đất nước. Đương nhiên nếu giáo dục không làm được sứ mạng đào tạo được những người có tinh thần và khả năng sáng tạo, sẽ không có cách nào tiến đến kinh tế tri thức. Nói riêng về đào tạo người lao động có tri thức trong công nghiệp, nhìn theo năm nhóm ngành [9], A: Hàm lượng lao động cao và làm việc giản đơn như may mặc, giày dép…; B: Hàm lượng lao động cao và sử dụng nguyên liệu nông lâm ngư nghiệp như chế biến thực phẩm; C: Hàm lượng tư bản cao và sử dụng tài nguyên khoáng sản như thép, hóa dầu…; D: Hàm lượng lao động cao và lành nghề, làm các sản phẩm như đồ điện gia dụng, xe máy, bơm nước, linh kiện điện tử…; E: Hàm lượng công nghệ cao và làm máy tính, công nghệ thông tin và truyền thông, xe hơi, đồ điện tử cao cấp… Ở Đông Á, Trung Quốc tập trung vào A và lắp ráp trong D; Thái Lan và các nước Đông Nam Á 4 có lợi thế trong B và D; Nhật Bản và các nước NIEs giữ lợi thế ở D và đang tăng phần sản xuất bên ngoài nên Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á đang dịch chuyển về D. Việt Nam đang chủ yếu làm A và B. Rõ ràng muốn chuyển dịch qua các nhóm ngành khác như C, D, và E, chúng ta phải đối mặt với bài toán đào tạo người lao động có tri thức cao hơn, làm được những việc ở các nhóm ngành này.

Xây dựng được một hệ thống cách tân là một thách thức rất lớn, tức hệ thống các tổ chức đóng vai trò thu nhận và sáng tạo tri thức chủ yếu trong xã hội. Việc này liên quan tới những thách thức lâu nay của ta như chất lượng giáo dục đại học và nghiên cứu. Một khía cạnh ở đây là thách thức về tính cách tân của các tổ chức trong xã hội. Quản trị tri thức (knowledge management)- lý thuyết và thực tiễn về quá trình sáng tạo, thu nạp và sử dụng tri thức để nâng cao hiệu quả của các tổ chức- là một công cụ rất đáng quan tâm cho cuộc cách tân này. Có thể lấy thí dụ về quản trị tri thức của các công ty Nhật Bản, được mô hình hóa trong cuốn sách nổi tiếng của Nonaka và Takeuchi [4]. Sự vượt lên kỳ diệu của Nhật Bản từ hoang tàn đổ nát sau Đại chiến thế giới thứ hai là điều đáng tìm hiểu và học tập. Khi này các công ty Nhật Bản phải vươn lên trong cuộc cạnh tranh quốc tế khốc liệt. Họ cần có công nghệ mới, thiết kế sản phẩm mới, quá trình sản xuất mới, cách tiếp cận thị trường mới. Các công ty Nhật đã thực hiện được hiệu quả quá trình sáng tạo những tri thức cần cho phát triển kinh tế. Mọi thành viên của các công ty được khuyến khích chia sẻ tri thức mình tích lũy được với đồng nghiệp, góp vào tài sản tri thức của công ty, cùng nhau hợp sức tạo ra tri thức công nghệ và sản phẩm mới của công ty. Cách họ làm dựa trên sự tương tác liên tục theo một dòng xoắn ốc không ngừng tăng giữa các khía cạnh của tri thức ẩn và tri thức tường minh của các cá thể, nhóm và tổ chức. Công thức của sự thành công của các công ty Nhật Bản là: Sáng tạo tri thức –> Liên tục cách tân –> Ưu thế cạnh tranh [4].

CNTT&TT là hạ tầng cơ sở để thực hiện hầu hết các hoạt động của kinh tế tri thức, là phương tiện hữu hiệu hỗ trợ cho ba trụ cột nêu ở trên về giáo dục và đào tạo, hệ thống cách tân, môi trường kinh tế và thể chế xã hội thuận lợi cho việc sáng tạo và sử dụng tri thức. Thách thức trong việc xây dựng hạ tầng cơ sở CNTT&TT là chuyện thời sự của ta hiện nay khi Nhà nước đang đặt mục tiêu tăng tốc để trở thành một nước mạnh về CNTT&TT.

Đang và sẽ sớm có nhiều bàn luận về thách thức này, nên ta không phân tích gì ở đây, chỉ nêu hai thí dụ cho thấy CNTT&TT có thể ảnh hưởng ra sao trong nền kinh tế tri thức, đồng thời cũng cho thấy những thách thức trong việc đưa CNTT&TT vào hỗ trợ những hoạt động kinh tế như vậy. Thí dụ thứ nhất lại về ngành du lịch. Không phải mọi người liên quan đến làm du lịch của ta đều biết rằng ngày nay các du khách nước ngoài sau mỗi chuyến đi thường viết những nhận xét để trên Web cho mọi người tham khảo, và mỗi người trước khi quyết định đi đâu ở đâu đều tìm xem nhận xét của người khác. Những chuyện tưởng nhỏ như cái hay điều dở tại một thắng cảnh, tại một khách sạn xa xôi ở Việt Nam đều được lên mạng. Những chuyện như đi suốt buổi không tìm ra nhà vệ sinh, như giá cao phục vụ dở, hơn 70% du khách được hỏi đã nói không muốn quay lại Việt Nam,… dễ dàng được biết qua Internet, và có thể làm một lượng lớn du khách thay vì chọn Việt Nam, sẽ chọn Thái Lan, nơi ngành du lịch thường nhận được những đánh giá tốt trên mạng. Thí dụ thứ hai là về CNTT&TT hỗ trợ con người vượt qua rào cản ngôn ngữ để tăng hiểu biết. Tri thức loài người được diễn đạt theo các ngôn ngữ khác nhau. May thay những chương trình dịch tự động tiếng nói và chữ viết, tuy chất lượng chưa thật cao nhưng đang được cải thiện rất nhanh do tiến bộ của CNTT, đã cho phép con người ở một mực độ chấp nhận được trong rất nhiều công việc, đọc được các tài liệu hay các trang Web viết trong ngôn ngữ khác, nghe hiểu được tiếng nói trong ngôn ngữ khác. Có được những hỗ trợ này để người Việt hiểu được tiếng nói và chữ viết trong nhiều ngôn ngữ khác cũng là một thách thức của CNTT&TT trong nền kinh tế tri thức.

Lời kết

Kinh tế tri thức là con đường ta cần đi và đi càng sớm càng tốt. Có những nghiên cứu chỉ ra kinh tế tri thức đã xuất hiện ở Việt Nam qua sự phát triển CNTT&TT[3]. Theo đuổi khoa học hiện đại và công nghệ cao là một cách ta cần làm trong kinh tế tri thức, nhưng không phải duy nhất. Để một đất nước còn hạn chế về khoa học và công nghệ như ta có được sản phẩm công nghệ cao cạnh tranh với thiên hạ là vô cùng gian truân. Nếu không biết và đặt mục tiêu không thích hợp, ta dễ rơi vào tình huống “người đi chân đất muốn đóng giày bán cho thiên hạ”.

Cần nghĩ về tính đa dạng của kinh tế tri thức khi ta hướng tới nền kinh tế này. Thí dụ sau đây giả định về một hoạt động trong một nền kinh tế tri thức và có thể gợi những suy nghĩ. Theo các số liệu dễ dàng tìm thấy trên mạng, vào năm 2010 ước tính nước Nhật có khoảng 5,2 triệu người ở tuổi trên 80, và năm 2020 khoảng 9,9 triệu. Giả sử 30% số người này cần được chăm sóc ở các nhà dưỡng lão, tức khoảng triệu rưỡi và ba triệu người vào các năm trên. Giả sử một người trẻ chăm sóc được mười người già, thì số người trẻ cần cho việc này là 150 nghìn và 300 nghìn. Nếu biết thêm rằng số người trẻ ở Nhật đang giảm, và hầu hết không muốn làm việc chăm sóc người già, và nếu biết có nghiên cứu đã chỉ ra những tính cách giống nhau giữa người dân hai nước, ta có thể nghĩ đến một dịch vụ kinh tế hiệu quả. Lẽ nào những hoạt động như vậy lại không đáng quan tâm trong một nền kinh tế dựa trên tri thức?
—————–
* Trường Khoa học Tri thức, Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản
Tài liệu tham khảo chính
1 Asia-Pacific Economic Cooperation (APEC), “Towards knowledge-based economies in APEC”, APEC Economic Committee Report, 11.2000.
2 Đặng Hữu, Kinh tế tri thức: Thời cơ và thách thức đối với sự phát triển của Việt Nam, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, 2005.
3 Đặng Thị Việt Đức, The emergence of knowledge economy through ICT in developing countries: The case of Vietnam, Luận án Tiến sĩ, JAIST, 11.2009.
4 Nonaka, I. and Takeuchi, H., The knowledge-creating company, Oxford University Press, 2005.
5 Ohno, K., “The East Asian growth regime and political development”, Vietnamese Students Symposium on Economy and Technology, Tokyo, October 2007.
6 Organization for Economy Cooperation and Development (OECD), “The new economy: Beyond the hype”, Final report on the OECD Growth Project, 2001.
7 Tổng cục Thống kê và Kế hoạch hóa Nhật Bản, http://www.stat.go.jp/data/nihon/03.htm 
8 Tổng cục Thống kê Việt Nam, http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=388&idmid=3&ItemID=8664
9 Trần Văn Thọ, Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa của Việt Nam, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, 2005.
10 Tuần Việt Nam, “Điện hạt nhân: Không phải việc riêng của ngành điện”, http://www.tuanvietnam.net/2009-11-12-dien-hat-nhan-khong-phai-viec-cua-rieng-nganh-dien
11 World Bank, “Knowledge for development”, World Development Report, 1999.

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)