LB Nga: Đổi mới/Sáng tạo là trọng tâm của phát triển

Những năm gần đây, việc thúc đẩy ĐM/ST đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển của LB Nga.

Trong hai thập kỉ vừa qua, LB Nga đã hoàn tất quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, và một loạt các chỉ số kinh tế vĩ mô và xã hội hiện nay có thể so sánh được với các quốc gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OEDC). Tuy nhiên sự phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) của Nga có độ bền vững kém, năng suất thấp và sử dụng nguồn lực không hiệu quả do thiếu động lực liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và xã hội; trong một số lĩnh vực của nền kinh tế, khoảng cách công nghệ so với với các nước công nghiệp dẫn đầu ngày càng rộng; cấu trúc độc quyền của nhiều loại sản phẩm trong nước ngăn chặn sự thúc đẩy khả năng cạnh tranh, là rào cản tinh thần kinh doanh và đổi mới/sáng tạo (ĐM/ST).

Những thách thức nêu trên cho thấy nhu cầu hiển nhiên về một chính sách ĐM/ST nhằm củng cố vị thế của quốc gia trong nền kinh tế và tri thức toàn cầu.

1. Chính sách ĐM/ST của Nga

Những năm gần đây việc thúc đẩy ĐM/ST đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển của LB Nga: Ủy ban phối hợp hoạt động ĐM/STdưới sự chủ trì của Tổng thống và Thủ tướng đã được thành lập, hình thành và đưa vào hoạt động một mạng lưới các tổ chức phát triển (Quỹ Công nghệ, Công ty Đầu tư Mạo hiểm Nga, Ngân hàng Phát triển,…); Các chương trình thúc đẩy ĐM/ST các trường đại học nghiên cứu và phát triển (NC&PT); thực thi các hoạt động ĐM/ST ở các công ty nhà nước.

Tuy nhiên, những nỗ lực chính sách trên đến nay vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi. Tỷ lệ các doanh nghiệp ĐM/ST trong công nghiệp Nga không vượt quá 10-11%, thấp hơn đáng kể so với các nước phát triển ở châu Âu; hàm lượng ĐM/ST gắn tổng doanh thu là 1,9% so với 5.5% ở Thụy Điển và 4.6% ở Đức).

Nguyên nhân chủ yếu là:

Nhu cầu ĐM/ST không trở thành một ưu tiên với các công ty trong nước (do chỉ 2% doanh nghiệp sản xuất xác định mục tiêu hướng vào thị trường quốc tế). Hầu hết các công ty Nga đổi mới công nghệ thông qua việc mua lại máy móc, thiết bị; đồng thời, các tổ chức NC&PT cũng không cung cấp cho doanh nghiệp những công nghệ có tính mới, và khả năng cạnh tranh.

Mô hình tổ chức và hoạt động NC&PT vẫn giữ lại mô hình tổ chức của Xô viết với những tổ chức nghiên cứu độc lập khiến sự liên kết với các trường đại học và các doanh nghiệp. Hơn nữa, hoạt động NC&PT trong nước vẫn không được cấp đủ kinh phí (năm 2010 chỉ đạt 1,16%/GDP).

Nhân lực NC&PT của Nga đã giảm khoảng 50% kể từ khi Liên Xô sụp đổ cho đến nay. Trong năm 2007, nhân lực NC&PT chiếm 1,14% tổng số việc làm ở Nga, thấp hơn mức trung bình của 27 quốc gia EU (1,57%). Xu hướng di chuyển nội bộ từ khu vực KH&CN sang các ngành khác của nền kinh tế và di chuyển ra nước ngoài của các nhà khoa học Nga, đặc biệt là các nhà khoa học đang ở độ tuổi “sung sức nhất” trong giai đoạn chuyển đổi hậu Xô viết. Một bộ phận quan trọng của tầng lớp các nhà khoa học kỳ cựu, đầu ngành đã sắp nghỉ hưu. Đây là một thách thức quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách của Nga để đảm bảo đào tạo đầy đủ và chuẩn bị lực lượng lao động NC&PT trẻ thay thế.

Các điều kiện cho NC&PT cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghệ cao, bảo vệ quyền sở hữu và quyền sở hữu trí tuệ (IPR), thiếu sót của pháp luật (ví dụ các quy định hải quan), tham nhũng, cơ sở hạ tầng kém… như hiện nay không rõ ràng và không ổn định, thiếu điều tiết của thị trường.

Vì vậy trong Chiến lược phát triển KT-XH đến năm 2020 (Chiến lược 2020), dự định hoàn thành việc chuyển đổi sang phát triển bền vững của nền kinh tế và xã hội của Liên bang Nga, có một chương mang tựa đề “Từ kích thích ĐM/ST hướng tới tăng trưởng dựa vào ĐM/ST”. Trong đó đã nhấn mạnh các kịch bản và khuyến nghị chính sách tập trung vào các lĩnh vực chính sau:

– Thúc đẩy hàng loạt hoạt động đổi mới trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế chứ không tập trung quá mức vào công nghệ cao;

– Đảm bảo hiện đại hóa và kích hoạt ĐM/ST trong các ngành công nghiệp hiện có và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các thị trường dựa trên công nghệ mới nổi;

– Tăng tác động của chính sách ĐM/ST thông qua những nỗ lực đặc biệt để kích thích hiệu quả nguồn lực, thúc đẩy mạng lưới và các dịch vụ thuê ngoài cho các công ty sáng tạo; và phân quyền ra quyết định có lợi cho các vùng, các doanh nghiệp, và các tổ chức phát triển;

– Kết hợp kích thích cả nhu cầu của ĐM/ST với chất lượng của việc cung cấp ĐM/ST;

– Tạo điều kiện thuận lợi cho các khía cạnh xã hội của ĐM/ST (bằng cách phát triển nguồn nhân lực và khuyến khích đội ngũ sáng tạo, và nâng cao nhận thức công chúng về ĐM/ST).

2. Một số giải pháp chủ yếu

Trong các khuyến nghị của Chiến lược-2020 các cơ chế mới thúc đẩy KH&CN và các chính sách ĐM/ST được xem xét trong một khuôn khổ cải cách kinh tế rộng hơn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, chống tham nhũng và loại bỏ các rào cản hành chính, tư nhân hóa/cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, kích thích đầu tư và xuất khẩu, do đó cơ chế mới được phân biệt rõ hơn so với giai đoạn trước.

Kết hợp khoa học và giáo dục

Một mạng lưới các trường đại học nghiên cứu quốc gia được thành lập dựa vào việc tuyển chọn từ các trường đại học hàng đầu với quy chế cấp kinh phí cạnh tranh. Việc tuyển chọn được tổ chức qua hai vòng (trong năm 2009 và 2010) đã chọn ra được 27 trường đại học nghiên cứu quốc gia trên cơ sở đa tiêu chí đánh giá hoạt động, bao gồm cả chất lượng giáo dục mà họ cung cấp, mức độ nghiên cứu mà họ thực hiện, nguồn nhân lực sẵn có của họ, sự công nhận quốc tế, sự bền vững tài chính, và tính hợp lệ của các kế hoạch phát triển đã đề xuất.

Hỗ trợ cho việc hình thành các trung tâm giáo dục khoa học nhằm thúc đẩy sự liên kết NC&PT và các hoạt động giáo dục trong các trường đại học và viện nghiên cứu. Hỗ trợ sinh viên tham gia vào các hoạt động NC&PT, thúc đẩy di chuyển nhân lực trong và ngoài nước, và tạo điều kiện thuận lợi cho phát huy năng lực của các nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà khoa học cấp cao và các học giả trẻ tuổi qua việc áp dụng các khoản trợ cấp trong ba năm.

Thu hút những năng lực khoa học hàng đầu thế giới cho các trường đại học Nga (trong năm 2009-2010 cung cấp 79 khoản trợ cấp trị giá 5 triệu USD mỗi khoản để thu hút các nhà khoa học được quốc tế công nhận vào các phòng nghiên cứu thí nghiệm của các trường đại học). Các khoản tài trợ được phân bố rộng theo lĩnh vực KH&CN như thiên văn học, vật lý thiên văn, toán học, vật lý, năng lượng hạt nhân, hóa học, sinh học và công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và truyền thông, vũ trụ, hiệu quả năng lượng, y học, công nghệ nano, khoa học Trái đất, vật liệu tiên tiến, thiết bị điện tử, sinh thái, tâm lý học, khoa học nhận thức, kinh tế, xã hội học…

Khuyến khích sự liên kết giữa các trường đại học và các ngành công nghiệp

Tạo điều kiện cho việc hình thành các doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nguồn (spin-offs) của các trường đại học bằng cách thúc đẩy cơ sở hạ tầng cho đổi mới (các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, khu công nghệ, trung tâm kỹ thuật và việc sử dụng chung các thiết bị nghiên cứu và thông tin KH&CN) đã được bắt đầu trong năm 2010 thông qua một chương trình tài trợ có tính cạnh tranh. Các khoản tài trợ dùng để hỗ trợ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IPR), đào tạo nhân lực trình độ cao và tư vấn bởi các chuyên gia Nga và chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ và quản lý ĐM/ST. Qua hai cuộc thi đã cho phép lựa chọn 78 trường đại học để thực hiện các dự án kéo dài ba năm.

Đề án đồng tài trợ cho hợp tác nghiên cứu giữa các công ty công nghiệp và các trường đại học đã bắt đầu vào năm 2010. Theo đó, các công ty được cung cấp một lượng tài chính của chính phủ nhưng không ít hơn 20% tài trợ đó phải được chi cho NC&PT, phần còn lại được đầu tư vào trang thiết bị và thực hiện đề án.

Thúc đẩy nhu cầu NC&PT của ngành công nghiệp

Việc thúc đẩy ĐM/ST trong các doanh nghiệp công nghiệp lớn được thực hiện qua các chiến lược phát triển ĐM/ST là bắt buộc đối với 46 công ty lớn của nhà nước (như Gaz prom, Rosneft, Transneft, Rosatom, Công ty Điện lực liên bang, Aeroflot, và Công ty đường sắt Nga) từ năm 2011. Những chiến lược này theo đuổi một sự gia tăng đáng kể của chi phí NC&PT, sử dụng công nghệ đáp ứng các tiêu chuẩn hiệu quả và sinh thái, tăng năng xuất lao động và hướng xuất khẩu.

Đặc biệt chú ý tăng cường hợp tác giữa các công ty với các trường đại học và viện NC&PT. Các công ty được khuyến khích để tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp khởi nguồn và hình thành các quỹ mạo hiểm với các đối tác nước ngoài. Trong năm 2010-2013, tổng chi tiêu cho NC&PT của các công ty và kinh phí của các trường đại học NC&PT dự kiến sẽ tăng 64%.

Công nghệ và thương mại hóa

Một trong các dự án nổi bật nhất là sáng kiến thành lập Trung tâm ĐM/ST  Skolkovo – một trung tâm ĐM/ST với mục tiêu tập trung nguồn lực trí tuệ và năng lực kinh doanh, và thúc đẩy hoạt động ĐM/ST của Nga ở tầm quốc tế trên các lĩnh vực công nghệ thông tin, vũ trụ, y sinh học, hiệu quả sử dụng năng lượng hạt nhân. Nó được đặt ở một vùng ngoại ô gần thủ đô Moscow và gồm một trường Đại học Công nghệ (SkolTech) đang được phát triển với sự hợp tác của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Những đơn vị trong trung tâm này được hưởng các chế độ thuế và hải quan đặc biệt, đồng thời được hưởng lợi về thông tin và hợp tác với các nhà đầu tư. Hiện đã có 19 trung tâm NC&PT liên kết được thành lập bởi Skolkovo với đối tác là các tập đoàn toàn cầu hàng đầu (như SAP, IBM, Intel, Microsoft, Siemens, Nokia…). Các hình thức khác của việc liên kết với các doanh nghiệp xuyên quốc gia và trong nước bao gồm các quỹ đầu tư mạo hiểm, cùng  hợp tác đầu tư trong các công ty khởi nghiệp (start-up), và đồng tài trợ cơ sở hạ tầng nghiên cứu và giáo dục.

 ***

Nhìn chung còn quá sớm để đánh giá các tác động lớn đến KT-XH của các chính sách trong ĐM/ST của LB Nga. Kết quả chính sách kể trên phụ thuộc rất nhiều vào các hoạt động phối hợp và có hệ thống của chính phủ theo đuổi các mục tiêu hướng tới tương lai và đáp ứng các nhu cầu và lợi ích của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự. Các quy định của pháp luật, một môi trường kinh doanh và cạnh tranh tích cực, các ưu đãi cho sự đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, sự minh bạch chính sách, và niềm tin là những yếu tố then chốt để đạt được các mục tiêu.

Phùng Anh Tiến – Nguyễn Hồng Hạnh dịch

Tài liệu tham khảo

The Russian Federation: A New Innovation Policy for Sustainable Growth, Leonid Gokhberg và Vitaly roud, The Global Innovation Index, 2012.

Eurostat. 2011. Science, Technology and Innovation in Europe. Luxembourg: Publications Office of the European Union.

Gokhberg, L., K. Fursov, and O. Karasev. 2012, ‘Nanotechnology Development and Regulatory Framework: The Case of Russia’. Technovation 32 (3-4): 161–62.

“Strategy-2020: A New Outline for Russian Innovation Policy”, Foresight-Russia.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)