Mô hình khu CNC của Hàn Quốc

Không còn chú trọng nhiều tới việc hỗ trợ các chaebol nữa, thay vào đó ưu tiên hàng đầu lúc này ở Hàn Quốc là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ mới. Chiến lược này được thể hiện rõ nhất qua mô hình các khu công nghệ cao (techno park).

Khác với Việt Nam, nơi các khu công nghệ cao được hình dung là sân chơi chủ yếu ưu tiên đối tượng khách hàng là các nhà đầu tư nước ngoài và mục tiêu đặt ra thường là làm sao thu hút lấp đầy khu công nghiệp và thu hồi chi phí đầu tư mà Nhà nước phải bỏ ra càng sớm càng tốt, ở Hàn Quốc, mục tiêu hàng đầu trong phát triển khu công nghệ cao là hỗ trợ cho việc hiện thực hóa các ý tưởng công nghệ của các doanh nghiệp trẻ, thậm chí cho cả những doanh nghiệp đang còn trong giai đoạn phôi thai chưa thành hình, thông qua các trung tâm đào tạo và hướng dẫn doanh nghiệp; đồng thời trở thành hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

“Điều chúng tôi quan tâm làm sao để giúp một sinh viên trong nước vừa ra trường- vừa thiếu vốn vừa thiếu kinh nghiệm tổ chức kinh doanh – hiện thực hóa được những ý tưởng tốt mà anh ta đang có trong đầu”, theo lời ông Heung-Su Kim, Giám đốc Chungnam Techno Park, một trong những khu công nghệ cao hàng đầu của Hàn Quốc.

Quá trình hình thành và phát triển các
khu công nghệ cao Hàn Quốc

Chủ trương thực hiện chiến lược về các khu công nghệ cao đã có từ năm 1995, nhưng quá trình xây dựng phát triển kéo dài tới hơn 12 năm, trải qua ba giai đoạn lớn.

Giai đoạn 1 (1997-2003): Là thời kỳ xây dựng những cơ sở hạ tầng sơ khai và những thể chế cơ bản hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ, trong đó đáng kể là sự ra đời và ban hành của luật hỗ trợ các khu công nghiệp công nghệ cao. Tính tới năm 2003, đã có 12 khu công nghệ cao ra đời: Songdo, Gyeonggi, Daegu, Gyeongbuk, Chungnam, và Gwangju (1997); Busan và Pohang (2000); Gangwon, Chungbuk, Jeonbuk và Jeonam (2003).

Giai đoạn 2 (2003-2007): Là thời kỳ tập trung nuôi dưỡng các ngành công nghiệp chiến lược. Tới năm 2007, các khu công nghệ cao đã thực sự có vai trò các trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ cho các ngành công nghiệp và địa phương. Kết thúc giai đoạn này Hàn Quốc có thêm 4 khu công nghệ cao là:

Gyeongnam và Ulsan (2004); Daejin và Seul (2005).

Giai đoạn 3 (từ 2007 tới nay): Đây là thời kỳ các khu công nghệ cao đã hoàn thiện về chức năng, trở thành các cơ sở cải tiến công nghệ của địa phương, thường xuyên hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghệ. Năm 2008, Hàn Quốc cho ra đời thêm một khu công nghệ cao là Daejeon.       

Để làm được điều này, các khu công nghệ cao có sự gắn bó mật thiết với các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, và các doanh nghiệp địa phương. Ví dụ như khu công nghệ cao Chungnam có tới 18 đại học tham gia hỗ trợ. Sự hợp tác này giúp họ tiến hành điều tra, nghiên cứu, và đề ra các kế hoạch phát triển cụ thể của địa phương, đồng thời đưa ra được những chỉ dẫn hữu ích cho các doanh nghiệp, và đặc biệt quan trọng là làm đầu mối gắn kết doanh nghiệp với nhà khoa học.

Cách thức thực hiện

Với những mục tiêu mang tính dài hạn và hướng nhiều tới lợi ích xã hội như trên, các khu công nghệ cao của Hàn Quốc được xây dựng và phát triển dựa trên nguồn vốn của Nhà nước và được Nhà nước quản lý, trên nguyên tắc 50% là vốn chính quyền Trung ương, 50% là vốn từ chính quyền địa phương.

Không chỉ cung cấp cơ sở hạ tầng và đầu tư trang thiết bị, các khu công nghệ cao còn hỗ trợ kinh phí đầu tư cho các dự án của doanh nghiệp, kể cả những dự án công nghệ có tính mạo hiểm. “Hình thức hỗ trợ ở đây là tài trợ (grant) chứ không phải cho vay, vì Nhà nước đã xác định rằng nếu các doanh nghiệp kinh doanh ăn nên làm ra, thì tiền thuế thu được đủ để bù cho những chi phí Nhà nước phải bỏ ra.”

Để đảm bảo kinh phí Nhà nước được phân bổ cho đúng người, đúng việc, mỗi khu công nghệ cao có một ủy ban điều hành, với thành phần tham gia là đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, giáo sư các trường đại học, và chuyên gia các viện nghiên cứu.

Việc xét duyệt cấp kinh phí cho một dự án căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và nhu cầu đầu tư của địa phương. Các khu công nghệ cao tham gia điều tra, nghiên cứu, và lên kế hoạch phát triển cho địa phương, qua đó xác định lĩnh vực công nghiệp nào đang cần ưu tiên, và đệ trình kế hoạch kinh phí hằng năm lên Bộ Kinh tế Tri thức (MKE) phê duyệt.

Nguồn kinh phí được MKE thông qua tới đâu là tùy theo kết quả hoạt động của từng khu công nghệ cao, nhu cầu đặc thù của từng địa phương và ngành công nghiệp nằm tại địa phương đó. Thực tế việc phân bổ kinh phí hằng năm từ Nhà nước là một cuộc cạnh tranh giữa mười bảy khu công nghệ cao nằm rải rác trên các địa phương của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, hằng năm các khu công nghệ cao của Hàn Quốc đều phải trải qua sự thẩm định đánh giá, kiểm toán, và chấm điểm của Nhà nước.

Tác giả