Một số vấn đề kinh tế trong đại học và khoa học

Trong bài viết này, tôi muốn phân tích một vấn đề kinh tế tài chính liên quan đến  khoa học và giáo dục đại học, từ đó rút ra một số cải cách và chính sách nên thực hiện để giúp cho nền khoa học công nghệ và hệ thống đại học Việt Nam phát triển tốt hơn.

Muốn có nền kinh tế mạnh, cần có nền khoa học công nghệ mạnh
Nền kinh tế của thế giới ngày nay phát triển theo 3 xu hướng: toàn cầu hóa, môi trường hóa (bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trở thành đề tài trọng tâm của thế kỷ 21), và hiểu biết hóa. Trong nền kinh tế này, vai trò của tri thức và khoa học công nghệ ngày càng quan trọng. Những nước có sức cạnh tranh lớn nhất cũng chính là những nước mạnh nhất về khoa học và công nghệ.
Nước Mỹ có nền khoa học mạnh nhất thế giới trong suốt thế kỷ qua, một phần lớn chính là vì họ trả lương cao và tạo điều kiện làm việc tốt để thu hút các nhà khoa học giỏi từ tất cả các nơi khác trên thế giới đến Mỹ. Tất nhiên, người Mỹ không dại gì trả lương cao cho các nhà khoa học, nếu như  điều này không làm lợi cho họ. Họ càng đầu tư nhiều cho khoa học, càng tạo điều kiện tốt cho các nhà khoa học, thì càng có lợi về kinh tế. Các nước khác, từ châu Âu, châu Á cho đến Nam Mỹ, cũng đã nhận thấy động lực này, và ngày nay đang cạnh tranh lại với Mỹ về lương và điều kiện làm việc cho khoa học để thu hút chất xám.
Để đuổi kịp thế giới, Việt Nam cũng phải tuân theo những qui luật trên. Tức là phải chú trọng phát triển khoa học công nghệ để lấy nó làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Muốn phát triển khoa học, phải đầu tư, tạo điều kiện làm việc tốt và trả lương xứng đáng cho khoa học. Muốn đạt tầm quốc tế về khoa học, thì phải đầu tư thích đáng, tạo một môi trường sống và làm việc tầm quốc tế cho khoa học.
Trong những năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã có những cố gắng nhất định trong việc phát triển khoa học. Ví dụ như chương trình “322” cấp học bổng cho sinh viên đi học ở nước ngoài, việc thành lập “Quĩ nghiên cứu khoa học cơ bản”, và quyết định của Thủ tướng về việc thành lập trường Đại học quốc tế “Hanoi University of Sience and Technology”. Tuy nhiên, việc phát triển khoa học ở Việt Nam còn gặp nhiều vướng mắc lớn. Một trong những vướng mắc đó là vấn đề lương cho khoa học.

Lương cho khoa học đang quá thấp

Hiện tại lương cho giới khoa học Việt Nam đang quá thấp. Hệ quả là khoa học kém phát triển, lãng phí tiềm năng, và các viện nghiên cứu cũng như các trường đại học rất khó khăn trong việc tuyển người có đủ trình độ vào làm việc.

Hiện tại lương cho giới khoa học Việt Nam đang quá thấp. Hệ quả là khoa học kém phát triển, lãng phí tiềm năng, và các viện nghiên cứu cũng như các trường đại học rất khó khăn trong việc tuyển người có đủ trình độ vào làm việc.
Lương của các giáo sư hàng đầu có trình độ quốc tế ở Việt Nam, kể cả phụ cấp, hiện tại chỉ được khoảng 500-700 USD một tháng, không bằng học phí hằng tháng của một đứa trẻ học trường quốc tế ở Việt Nam. Với trình độ tương đương, ở phần lớn các nước khác (kể cả các nước còn nghèo như Brazil, Malaysia, Pakistan, v.v.) sẽ được 5-10 nghìn USD một tháng hoặc cao hơn, gấp hơn 10 lần so với ở Việt Nam. Ở Senegal, một nước ở châu Phi còn kém Việt Nam về nhiều mặt kể cả kinh tế lẫn khoa học, các giáo sư (chưa đạt trình độ quốc tế) cũng được hơn 2000 USD một tháng, gấp 4-5 lần ở Việt Nam. Những sinh viên giỏi của Việt Nam có thể được nhận làm nghiên cứu sinh ở phương Tây, với mức học bổng gần 2000 USD một tháng, gấp 3 lần lương của giáo sư hàng đầu Việt Nam, là một hiện thực tuy nghe rất vô lý.
Để thấy rõ chúng ta đang bị tụt hậu ra sao, có thể so sánh với Trung Quốc. Việt Nam và Trung Quốc rất gần nhau, kể cả về địa lý, văn hóa, và tổ chức xã hội. Nhưng trong những thập kỷ qua, họ luôn luôn phát triển nhanh hơn Việt Nam. Các trường đại học lớn ở Trung Quốc hiện tại có thể trả 10-20 nghìn USD một tháng cho một số nhà khoa học lớn của họ, gấp mấy chục lần Việt Nam. Ngày nay, phần lớn các nhà khoa học Trung Quốc có một cuộc sống vật chất đàng hoàng, không phải lo nghĩ về kinh tế, có thể tập trung sức lực cho khoa học.
Nếu so sánh với các ngành khác ở Việt Nam, lương của giới khoa học cũng rất thấp. Hiện tại, những người có trình độ cao ở Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau có thể đạt thu nhập vài nghìn USD một tháng không quá khó khăn (một điều đáng mừng), trong khi các giáo sư đầu ngành, là những người được coi là có trình độ cao vào loại bậc nhất đất nước, lại có thu nhập dưới 1 nghìn USD (một điều đáng buồn). Lương của giảng viên đại học trẻ mới ra trường, kể cả phụ cấp, chỉ khoảng 2 triệu VND một tháng, trong khi nếu đi làm bên ngoài có thể được lương khởi điểm gấp 2-3 lần như vậy.
Vì sao như vậy? Một lý do mấu chốt có lẽ là, tuy nền kinh tế Việt Nam đã chuyển hướng sang cơ chế thị trường từ nhiều năm nay, lương của hệ thống khoa học vẫn đang chịu “sự kìm kẹp” của chế độ quan liêu bao cấp lạc hậu còn tồn đọng lại từ trước. Một số nước Đông Âu cũ, trong những năm cuối thế kỷ trước, khi mới chuyển sang kinh tế thị trường, có mức lương trả cho khoa học khá thấp (tương tự Việt Nam hiện tại), và  đó cũng chính là giai đoạn mà rất nhiều các nhà khoa học Đông Âu bỏ đi nước ngoài làm việc, nhưng trong thập kỷ vừa qua họ đã tiến bộ rất nhiều. Việt Nam cũng cần thay đổi như họ trong việc đối xử với khoa học.

Cần thực sự coi trọng khoa học
Cách đây không lâu, để phản đối kiến nghị tăng lương cho giáo sư ở Việt Nam, một quan chức Chính phủ có nói “lương của các lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam chỉ quãng hơn 10 triệu VND một tháng, sao các giáo sư lại đòi cao hơn?” Nói như vậy là chưa thực sự coi trọng khoa học. Các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam được hưởng những quyền lợi đặc biệt tính ra giá trị kinh tế gấp nhiều lần tiền lương chính thức, nên thu nhập thực của họ rất cao. Hơn nữa, một điều đã được khẳng định trên thế giới là, giá trị và ảnh hưởng lâu dài của các nhà khoa học lớn không thua kém gì các nhà chính trị lớn, hay các “đại gia” trong bất cứ một lĩnh vực nào khác. Người được hậu thế bầu là “con người vĩ đại nhất của thế kỷ 20” chính là nhà vật lý Einstein, đứng trên Ghandi và Roosevelt.

Nếu chúng ta muốn có một nhà khoa học tầm cỡ giải thưởng Nobel trong tương lai, tức là muốn người đó phải có các công trình khoa học có ảnh hưởng rất lớn đối với thế giới (có thể đến hàng tỷ con người), nhưng đồng thời lại chỉ muốn “đãi ngộ” người đó theo kiểu hiện tại, không chấp nhận rằng người đó có thể có giá trị cao hơn một quan chức cao cấp Chính phủ, thì là một chuyện không tưởng.

Bởi vậy, việc qui định chặn trên mức lương của các nhà khoa học phải thấp hơn các nhà chính trị là bất hợp lý. Trên thực tế, ở nhiều nước lớn trên thế giới như Anh, Mỹ, không có chặn trên về mức lương cho giáo sư, và các giáo sư lớn nhất có thể có lương cao hơn Thủ tướng hay Tổng thống. Nước Hàn Quốc, vào thời điểm 1950 chỉ ngang bằng với Việt Nam thời đó về kinh tế và khoa học, nhưng ngày nay đã đứng vào hàng các nước phát triển, bỏ xa Việt Nam. Một trong những yếu tố giúp họ phát triển nhanh là đầu tư thích đáng cho khoa học công nghệ, trả lương cho một số giáo sư cao hơn lương Tổng thống từ cách đây hàng chục năm, và chính Tổng thống Hàn Quốc thời đó là một trong những người ủng hộ nhiệt tình nhất chuyện này. Việt Nam, nếu muốn phát triển khoa học, thì cần học tập Hàn Quốc.

Đánh giá công suất lao động trong khoa học
Khi lương của người làm khoa học ở Việt Nam quá thấp so với thế giới và so với các lĩnh vực kinh tế khác, thì có nghĩa là có ít nhất một trong hai điều sau xảy ra, hoặc là cả hai: công suất lao động của họ quá thấp (nếu như vậy có nghĩa là tiềm năng đang rất bị lãng phí, cần tìm các biện pháp nâng cao công suất lao động), và lương của họ quá thấp so với công suất lao động của họ (nếu như vậy cần tăng lương cho xứng đáng). Một vấn đề quan trọng là đánh giá công suất lao động của người làm khoa học ở Việt Nam, dựa vào đó đánh giá mức thu nhập hợp lý. Bởi vì, trong một xã hội công bằng, “hưởng theo lao động”, lương phải tỷ lệ thuận với công suất lao động.
Để hình dung một cách đơn giản, ta có thể dùng công thức tính xấp xỉ sau: công suất lao động thô bằng khoảng 3 lần thu nhập thực. Ví dụ, một người có công suất lao động 150 nghìn USD một năm, thì thu nhập thực khoảng 50 nghìn USD một năm là “vừa phải”. Phần còn lại là để chi cho tất cả các khoản như: quĩ lương hưu, bảo hiểm xã hội, phúc lợi công cộng, chi phí quản lý, hao mòn, lợi nhuận doanh nghiệp, v.v. Theo công thức này, công suất lao động trung bình của giới khoa học trên thế giới hiện nay vào khoảng 200-300 nghìn USD một năm. Còn những nhà khoa học hàng đầu thế giới (tầm cỡ giải thưởng Nobel) thì công suất lao động có thể tính theo đơn vị triệu USD, hoặc thậm chí đơn vị tỷ USD đối với một số người, khi mà các công trình của họ ảnh hưởng đến hàng tỷ con người.

Giá trị kinh tế của công việc đào tạo
Học phí phải tỷ lệ thuận với chênh lệch thu nhập giữa người có đi học và người không đi học, vì nếu học phí quá cao thì việc đi học không còn hấp dẫn về kinh tế, ngược lại nếu quá thấp, thì tức là thu học phí quá ít, không đúng mức so với giá trị của việc đào tạo. Trên thế giới, học phí cho giáo dục (không kể chi phí sinh hoạt) trung bình cho một sinh viên là vào khoảng 20-30 nghìn USD một năm. Ở Việt Nam, đối với những người có học đại học, ước tính trung bình có lương khoảng 5 nghìn USD một năm, bằng hơn 1/10 so với người có trình độ đại học trên thế giới. Khi đó ta có thể coi rằng, giá trị đào tạo của trường đại học ở Việt Nam, tính trên một đầu sinh viên, cũng bằng 1/10 so với ở nước ngoài, tức là bằng khoảng 2-3 nghìn USD một đầu sinh viên một năm. Lượng sinh viên ở Việt Nam, tính trên đầu mỗi giảng viên đại học, đông gấp hơn 2 lần so với ở nước ngoài.  Như vậy, công suất lao động trong đào tạo, tính trên đầu giảng viên ở Việt Nam, lớn hơn 2/10 = 1/5 so với thế giới. Nếu tính trung bình công suất lao động trong giảng dạy của một giảng viên đại học trên thế giới là 125 nghìn USD một năm, ta được con số ước lượng sau: Công suất lao động trung bình trong giảng dạy của một giảng viên ở Việt Nam là hơn 25 nghìn USD một năm.

Ở Việt Nam, các nhà khoa học bị mất quá nhiều thời gian cho giảng dạy hoặc làm những công việc kiếm sống khác (do lương chính thức quá thấp), nên thời gian dành cho nghiên cứu khoa học quá ít. Hệ quả là, số kết quả nghiên cứu “vượt được ngưỡng” để đạt tầm quốc tế tính trên đầu người còn rất ít. Theo một thống kê của GS Nguyễn Văn Tuấn, năm 2008 cả nước Việt Nam ,với khoảng 15 nghìn tiến sĩ, chỉ có 910 bài báo khoa học công bố quốc tế, tức là 16 tiến sĩ mới có được 1 bài báo công bố quốc tế trong một năm, không bằng 1/10 thế giới, chưa kể chất lượng.
Việc xác định chính xác giá trị của một công trình khoa học là việc vô cùng khó. Tuy nhiên có thể ước lượng giá trị kỳ vòng bằng một số phương pháp thống kê, nhằm đo độ ảnh hưởng của công trình đó. Ví dụ trong ngành toán, theo một cách tính ước lượng nội suy, giá trị kỳ vọng của một công trình lý thuyết tỷ lệ thuận với hệ số ảnh hưởng của nó theo hệ số 5 nghìn USD, trong đó hệ số ảnh hưởng là kỳ vọng về tổng số lần mà công trình sẽ được giới khoa học quốc tế trích dẫn. Chẳng hạn, một bài báo trong một tạp chí toán học hàng đầu thế giới “Inventiones” có hệ số ảnh hưởng trung bình khoảng 60, thì giá trị trung bình của nó khoảng 300 nghìn USD. Trong khi đó, chỉ số ảnh hưởng trung bình của một bài báo đăng trong tạp chí “Vietnam Journal of Mathematics” là dưới 1, tức là giá trị trung bình của nó dưới 5 nghìn USD.
Các công trình của Việt Nam công bố quốc tế có ảnh hưởng trung bình tương đối khiêm tốn. (Phần lớn là đăng trên các tạp chí trung bình, chứ không phải các tạp chí uy tín nhất). Tạm coi là một công trình công bố quốc tế của Việt Nam có giá trị trung bình gấp 4 lần một bài báo đăng tạp chí “Vietnam Journal of Mathematics”, ta được con số ước lượng về giá trị là 20 nghìn USD. Chia cho khoảng 16 người, ta được con số rất khiêm tốn sau: giá trị trung bình của các công trình công bố quốc tế của giới khoa học Việt Nam là trên 1 nghìn USD một năm (so với trung bình trên 100 nghìn USD một năm của thế giới). Ở đây tôi chưa tính đến các công trình có tính chất ứng dụng, theo đơn đặt hàng, không công bố quốc tế.
Nếu tính cả ứng dụng vào, thì hiệu quả lao động trong nghiên cứu của giới khoa học Việt Nam có lẽ vẫn rất thấp, chỉ khoảng vài nghìn USD một năm. Đối với những người làm việc ở các viện nghiên cứu của Việt Nam, con số này có lẽ lớn hơn, nhưng vẫn rất khiêm tốn so với thế giới.
Điều này chứng tỏ một sự lãng phí tiềm năng ghê gớm: một tiến sĩ ở nước ngoài nghiên cứu ra kết quả giá trị trên 100 nghìn USD một năm, trong khi tiến sĩ ở Việt Nam chỉ ra kết quả nghiên cứu 2-3 nghìn USD một năm?! (Trong một mục sau, tôi sẽ bàn đến một số biện pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu, để giảm sự lãng phí này).
Ngoài công việc nghiên cứu, giới khoa học còn có công việc rất quan trọng khác là đào tạo. Trên thế giới, có thể coi tỷ lệ trung bình giữa nghiên cứu và đào tạo là 50/50, bằng 1/2 năng suất lao động là từ phần đào tạo, và 1/2 từ phần nghiên cứu. Nếu tính năng suất lao động trung bình của một nhà khoa học ở nước ngoài là 250 nghìn USD một năm, thì phần nghiên cứu trung bình là 125 nghìn USD một năm. Ở Việt Nam đang rất thiếu giảng viên đại học, và các giảng viên phải dạy rất nhiều, có thể đến gấp 2-3 lần số giờ dạy học của các giảng viên ở nước ngoài.
Theo cách tính giá trị kinh tế của đào tạo (xem ở box) cho thấy công suất lao động trung bình trong đào tạo của các giảng viên đại học hiện tại vào cỡ 25 nghìn USD một năm. Nếu cộng với phần nghiên cứu, ta sẽ được ước lượng là công suất lao động trung bình của một giảng viên đại học ở Việt Nam vào cỡ  27 nghìn USD một năm. Điều đó có nghĩa là, lương trung bình cho họ phải vào khoảng 9 nghìn USD một năm, hay 750 USD một tháng, thay vì chỉ khoảng 2-300 USD như hiên nay, mới xứng đáng. Đó là mức trung bình. Các giáo sư Việt Nam có công suất lao động bằng 2-3 lần trung bình trở lên, và như vậy lương cho họ cũng phải 2 nghìn USD một tháng trở lên mới là công bằng.
Kể cả khi một giáo sư trình độ quốc tế ở Việt Nam có công suất lao động là 100 nghìn USD một năm, gấp 3 lần so với mức trung bình 30 nghìn USD ước lượng phía trên (và một giáo sư như vậy phải được trả lương 3 nghìn USD một tháng ở Việt Nam mới là công bằng), thì họ vẫn đang bị lãng phí tiềm năng rất nhiều, bởi vẫn vị giáo sư đấy, nếu làm việc ở nước ngoài, có thể đạt công suất lao động 200-300 nghìn USD một năm, cao gấp mấy lần ở Việt Nam, và được hưởng lương cao gấp hơn chục lần ở Việt Nam. Tất nhiên, giá cả sinh hoạt ở nước ngoài đắt hơn ở Việt Nam (ứng với chất lượng hàng hóa và dịch vụ cũng cao hơn), nhưng kể cả sau khi đã trừ đi chi phí sinh hoạt ở nước ngoài, họ vẫn có thể tiết kiệm được một vài nghìn USD một tháng, gấp mấy lần lương ở Việt Nam.
Không chỉ các giáo sư trình độ quốc tế, mà nhiều người khác trong giới khoa học ở Việt Nam, đặc biệt là các tiến sĩ trẻ nhiều tiềm năng, cũng đang bị lãng phí hiệu quả lao động một cách tương tự.
Điều này dẫn tới những hệ quả như, khoa học phát triển chậm, rất ít người Việt Nam làm khoa học ở nước ngoài muốn về nước làm việc tại thời điểm hiện tại, và một số người có trình độ bỏ đi nước ngoài. Đặc biệt là các nhà khoa học nước ngoài, thì hiếm ai muốn sống và làm việc ở Việt Nam (họ chỉ đến thăm quan, giảng bài mấy hôm rồi về, chứ ít ai ở lâu, trừ khi là họ nhận lương của nước ngoài nhưng làm tại Việt Nam).
Nói tóm lại, có hai vấn đề về công suất lao động:
– Năng suất lao động trung bình trong giới khoa học ở Việt Nam là vào khoảng 27 nghìn USD một năm, và với công suất lao động như vậy, họ phải được thu nhập trung bình khoảng 750 USD một tháng (thay vì chỉ 2-300 USD như hiện tại) mới xứng đáng. Các giáo sư trình độ quốc tế phải được hưởng lương trên 2-3000 USD một tháng mới xứng đáng với công suất lao động hiện tại của họ.
– Giới khoa học Việt Nam đang lãng phí rất nhiều về tiềm năng hiệu quả lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu, và cần có các biện pháp để tăng hiệu quả làm việc, giảm sự lãng phí đó.

Vấn đề học phí
Hiện tại, các trường đại học lớn ở Việt Nam chỉ khoảng 5 triệu VND một năm trên mỗi đầu sinh viên, (tiền thu học phí cộng với tiền Nhà nước rót), thấp hơn hẳn con số ước lượng về giá trị đào tạo của trường phía trên (khoảng 40-50 triệu VND một năm). Tất nhiên, với mức thu như vậy, nhà trường không có tiền để trả lương xứng đáng cho giảng viên và cho các giờ dạy, và đó là một lý do lớn vì sao thu nhập của giảng viên quá thấp (nếu không “xoay sở” thêm, nhưng nếu xoay sở thêm, thì chất lượng của công việc chính thức bị ảnh hưởng). Một giờ dạy đại học ở Việt Nam hiện nay chỉ được trả 50 nghìn VND, chưa đến 3 USD, trong khi theo ước lượng về công suất lao động, phải được trả trung bình khoảng 10 USD mới hợp lý (so với trung bình 50-100 USD ở nước ngoài). Một điều nổi cộm lên là: Chúng ta cần cải cách một cách cơ bản chính sách về học phí, cho thể hiện đúng hơn chi phí đào tạo, giá trị đào tạo của các trường, và công suất lao động của giảng viên.

Mục tiêu là các trường đại học lớn cần thu được ít ra 30 triệu VND một năm trên mỗi đầu sinh viên. Nhưng hầu hết sinh viên của Việt Nam xuất thân từ gia đình nghèo, không có khả năng trả mức học phí như vậy. Nếu Nhà nước phải gánh phần lớn số đó, thì cũng là gánh nặng không kham nổi ở thời điểm hiện tại (1 triệu sinh viên, chỉ cần thêm 1 nghìn USD học phí 1 năm, cũng đã thành 1 tỷ USD, trong khi tổng ngân sách Nhà nước chỉ vài chục tỷ USD).
Giải pháp ở đây, như Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã từng đề cập, là phải tính học phí phản ánh thực sự chi phí học tập (hay là giá trị của đào tạo, trung bình quãng 40 triệu VND một năm một sinh viên).
Trong hầu hết các trường hợp, thì không cho, nhưng mà cho vay.
Vì sao phải tính học phí phản ánh đúng giá trị của đào tạo? Vì nếu không thì là bất công cho hệ thống đại học, bất công cho các giảng viên, không được tính công suất lao động và hưởng lương đúng đắn. Và như vậy thì cũng khó thu hút người vào ngành đại học trong khi đang rất thiếu giảng viên, hệ thống đại học khó phát triển về chất để đuổi kịp thế giới nếu không được tính toán “sòng phẳng”.
Mức tính 40 triệu VND một năm có hợp lý không? Mức này chỉ bằng 1/10 so với thế giới. Khi mà những người tốt nghiệp đại học ở Việt Nam có thu nhập bằng 1/10 so với ở thế giới, và có thể coi là hiệu quả đào tạo ở Việt Nam bằng 1/10 ở thế giới, thì mức tính như vậy hoàn toàn hợp lý.
Ai trả 40 triệu VND/ năm đó? Nhà nước chỉ có thể trả một phần, chủ yếu là sinh viên sẽ phải trả phần lớn, trừ những ai có học bổng. Các doanh nghiệp có thể tài trợ học phí trực tiếp cho những sinh viên mà họ muốn tuyển việc. Đồng thời, Nhà nước cũng có thể đánh thuế các doanh nghiệp (là những nơi sẽ tuyển các sinh viên này vào làm việc) để lấy tiền trả một phần học phí này.
Sinh viên lấy đâu ra tiền mà trả? Không bắt họ trả ngay, nhưng Nhà nước làm hợp đồng cho họ vay, đến khi ra trường đi làm trả dần, theo mô hình của một số nước khác. Thế đối với những người không tốt nghiệp hoặc sau khi tốt nghiệp không có việc làm, không trả được, thì sao? Các khoản nợ đi kèm bảo hiểm, để trong những tình huống xấu có thể xóa nợ. Tất nhiên, cũng chỉ nên cho những sinh viên có học lực ở mức nào đó vay, để giảm rủi ro. Những ai học quá kém, mà vẫn đòi đi học, thì có thể bỏ tiền túi ra mà đi học.
Theo tôi, đây là một giải pháp tốt, giúp cho các đại học phát triển, và khiến cho sinh viên có ý thức hơn về chi phí của việc học tập.
Ở Pháp, hầu hết các sinh viên đi học không phải đóng học phí. Tất nhiên, vì nước Pháp khá giàu, Chính phủ có ngân sách lớn (và thu thuế của dân cũng rất cao) nên mới làm được như vậy. Ở Việt Nam Chính phủ hiện không có tiền để làm vậy. Mà tiền của Chính phủ thì cuối cùng cũng là tiền của dân. Hệ thống bao cấp giáo dục đại học ở Pháp có những điểm hay, nhưng cũng có những điểm dở (như quan liêu, khó cải tiến, dễ bị lạm dụng), và không thích hợp với Việt Nam trong điều kiện hiện tại.
Chính phủ nên bao cấp học phí cho giáo dục phổ thông càng nhiều càng tốt, để đảm bảo trẻ em nào cũng được đến trường. Bởi vì học phổ thông là học để trở thành công dân, đi học phổ thông không những là quyền lợi, mà còn là nghĩa vụ. Ở Nhật ngày xưa, người ta thậm chí còn cho trẻ em uống sữa miễn phí ở trường, để đảm bảo sức khỏe của các công dân Nhật sau này.  Đại học hoàn toàn khác. Học đại học không phải là nghĩa vụ, chỉ là quyền lợi, một hình thức đầu tư để đạt trình độ và thu nhập cao hơn về sau. Những ai muốn hưởng quyền lợi đó, thì phải trả chi phí cho nó, là công bằng. Tất nhiên, đối với các sinh viên giỏi, lực lượng trí tuệ ưu tú của đất nước, thì cấp học bổng cho họ, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho họ cũng là hợp lý, vì về sau họ sẽ đóng góp được cho đất nước lớn hơn nhiều lần số học bổng đó.

Nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu
Các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu là các sản phẩm trí tuệ. Đối với các sản phẩm trí tuệ, thì giá trị có thể thay đổi rất lớn, tùy theo chất lượng. Cùng là kỹ sư ra trường, nhưng kỹ sư này có thể có công suất lao động gấp 10 lần kỹ sư khác nếu được đào tạo tốt hơn. Cùng là công trình khoa học, công trình này có thể có giá trị gấp hàng trăm lần hay thậm chí hàng nghìn lần công trình khác. Trong nhiều lĩnh vực khác cũng vậy. Ví dụ như, cùng là tranh nghệ thuật, nhưng có những bức được mua với giá hàng chục triệu USD, còn những bức khác có khi 1 nghìn USD cũng không ai mua.
Chất lượng trong nghiên cứu khoa học của Việt Nam còn thấp, và đó chính là lý do vì sao hiệu quả lao động trong nghiên cứu thấp. Muốn nâng chất lượng nghiên cứu, thì trước hết phải thực sự coi trọng chất lượng, có những biện pháp để đánh giá phân biệt chất lượng, và những chính sách đãi ngộ tương xứng với chất lượng.

Những chính sách bình quân chủ nghĩa, coi hay dở cái nào cũng như nhau, làm tốt làm tồi ai cũng được hưởng như nhau, là chính sách không công bằng, và rất tai hại, vì nó khiến cho người ta không muốn làm tốt lên (mất công mà không được hưởng gì hơn kẻ làm tồi), và kết quả là kéo nhau xuống thành ai cũng làm tồi. Bởi vậy chúng ta cần tránh và loại bỏ những chính sách kiểu như vậy.
Một ví dụ về bình quân chủ nghĩa là việc tính điểm công trình khoa học khi xét phong học vị giáo sư.  Chỉ “đếm bài ăn tiền” mà không tính đến chất lượng. Theo cách tính như hiện tại, người nào mà “chỉ có” 3 bài bào đăng ở “Annals of Mathematics” thì không đủ tiêu chuẩn thành giáo sư Việt Nam, trong khi thừa sức trở thành giáo sư ở nước ngoài, và ngược lại nếu viết một đống thứ “vớ vẩn” đăng “báo vườn” không ai đọc thì thừa tiêu chuẩn giáo sư ở Việt Nam, trong khi ở nước ngoài mà làm vậy thì không nơi nào muốn tuyển việc. Đợt cải cách về qui định phong học vị giáo sư gần đây nhất đã có chuyển biến theo hướng tích cực về chất lượng (tăng điểm lên cho các công trình công bố quốc tế), nhưng vẫn còn mang nặng tính hình thức và bình quân chủ nghĩa.
Cùng mang danh giáo sư, nhưng cũng có nhiều loại giáo sư. Có người có trình độ quốc tế, nhiều công bố quốc tế chất lượng cao, hiệu quả lao động không kém gì giáo sư nước ngoài. Những người như vậy phải được hưởng lương rất cao. Trong khi có những giáo sư chỉ “tầm cỡ Việt Nam” thôi, không có những công trình tầm cỡ quốc tế, thì cũng chỉ cần trả lương vừa phải thôi. Ở Trung Quốc người ta cũng làm như vậy.
Làm sao để tạo chế độ đãi ngộ “đặc biệt” cho những người có chất lượng cao và hiệu quả làm việc cao? Trên thế giới người ta đã áp dụng nhiều phương pháp khác nhau, mà Việt Nam có thể học tập. Đơn cử một số ví dụ:
– Tuy cùng là đại học công, nhưng các trường đại học khác nhau có thể trả lương khác nhau. Muốn thế, tất nhiên, các trường cần có tự chủ về tài chính. Trường nào có uy tín hơn, giá trị đào tạo và nghiên cứu cao hơn, thì cũng có thể trả lương cao hơn cho giáo sư của mình.
– Lập ra những đại học mới, chất lượng cao ngay từ đầu, với tổ chức quản lý hiện đại ngay từ đầu, chỉ tuyển người có trình độ quốc tế, và trả lương cũng tương xứng tầm quốc tế. Trường “Hanoi University of Science and Technology” mới được quyết định thành lập, hy vọng sẽ đi theo hướng đó.
– Lập ra các “ghế” đặc biệt ở các đại học, với các mức lương đặc biệt, tuyển những người xuất sắc vào các ghế đó. Ở nhiều nước có các “ghế” như vậy. Ở Pháp hiện nay người ta cũng đang muốn lập ra các ghế như vậy trong các đại học.
– Trả “tiền thưởng” trực tiếp và xứng đáng cho các kết quả nghiên cứu khoa học. Theo tôi hiểu, hiện nay ở Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có thưởng tiền cho các công trình công bố quốc tế, nhưng ở mức tượng trưng (1-200 USD một công trình), hoàn toàn không phản ảnh giá trị của công trình và công lao của người làm ra nó (nếu là công trình chất lượng tốt, thì giá trị ít ra hàng chục nghìn USD). Để cho việc thưởng này thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nâng cao chất lượng, cần thưởng ở mức cao hơn nhiều, và phân biệt hơn nhiều giữa các mức công trình. Chẳng hạn trong toán, nếu ai đó đăng được một bài ở tạp chí “Journal of AMS” (một trong 5 tạp chí hàng đầu thế giới), thì thưởng 10 nghìn USD cho bài báo đó cũng không có gì là quá đáng. Cần phải có quĩ thưởng lớn.
– Cần triệt để ngăn chặn khoa học rởm, hàng rởm trong khoa học, vì nếu không thì sẽ gánh chịu hậu quả của việc “hàng rởm bóp chết hàng thật”. Một ví dụ về hàng rởm nổi tiếng thế giới là nhân vật Elena Ceausescu của Rumani. Bà này không học hết lớp 4, nhưng đi lên theo con đường chính trị, rồi nhờ thế lực mà kiếm bằng tiến sĩ về hóa, rồi thành viện sĩ, Chủ tịch Ủy ban khoa học của Rumani, rồi được gắn cho hơn 100 danh hiệu tiến sĩ hay giáo sư hay viện sĩ danh dự của khắp các nơi trên thế giới. Các “công trình khoa học vĩ đại” của bà ta tất nhiên đều do người khác viết.  Những nhà khoa học chân chính của Rumani lên tiếng về bà ta có thể bị bỏ tù. Đỉnh cao của bà ta là làm chức Phó Thủ tưởng thứ nhất của Rumani, nhưng kết cục là bà ta bị xử tử hình vào cuối năm 1989.

Tự chủ tài chính, không có nghĩa là tư nhân hóa
Như một ý tôi viết phía trên, các trường đại học cần có quyền tự chủ cao, đặc biệt là về tài chính. Có như vậy họ mới đánh giá được đúng mức giá trị đào tạo và nghiên cứu của họ, trả thù lao  đúng mức cho nhân viên của họ, hướng tới chất lượng cao hơn. Có tự chủ, mới có cạnh tranh mạnh giữa các trường, và việc cạnh tranh này khiến ai cũng phải làm tốt lên, và như vậy thì có lợi cho xã hội.
Thế nhưng, tự chủ tài chính không có nghĩa là tư nhân hóa, theo ý tưởng một số người đưa ra. Hiện nay, Việt Nam đã có rất nhiều đại học tư, tỷ lệ có khi cao hơn nhiều so với nước ngoài. Phần lớn đại học tư ở Việt Nam là doanh nghiệp cổ phần vì lợi nhuận. Các đại học tư vì lợi nhuận đóng một vai trò nhất định trong nền kinh tế. Nhưng không phải vô cớ mà các trường đại học uy tín nhất trên thế giới, dù là công hay tư, đều là các trường phi lợi nhuận. Những trường đại học tư lớn nhất ở Mỹ, là do các triệu phú hảo tâm lập ra, bỏ tiền túi của mình xây dựng, để đem lại đóng góp và gây ảnh hưởng đến xã hội, chứ không phải là nhằm kiếm tiền từ đó. Các trường đó chỉ “tư” theo nghĩa tự chủ tài chính và có tính độc lập rất cao, chứ mục đích hoạt động của chúng cũng gần như các đại học công. Và bên cạnh các trường đại học tư lớn, nước Mỹ cũng có hệ thống đại học công rất lớn, với nhiều đại học công đứng hàng đầu thế giới, ví dụ như Đại học California Berkeley.
Nếu đem các đại học công lớn của Việt Nam ra tư hữu hóa, thì sẽ là một sai lầm lớn không sửa lại được, vì khi đó, thay vì múc đích là đem lại lợi ích cho xã hội, nó sẽ chuyển thành chủ yếu đem lại lợi ích cho một số tư nhân. Các đại học công Việt Nam, dù có rất nhiều vấn đề vướng mắc, vẫn là những tài sản công rất lớn của đất nước. Nếu tư hữu hóa, sẽ có nguy cơ tài sản công chuyển vào túi của tư nhân, tức là làm cho một số tư nhân giàu lên bằng cách chiếm đoạt hợp pháp tài sản công.

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng

Các nghiên cứu khoa học có thể phân thành lý thuyết và ứng dụng. Các kế quả lý thuyết thường thuộc phạm vi “công”, tức là sau khi công bố, ai cũng có quyền dùng mà không phải thuê hoặc mua bản quyền. Vì nó là của công, nên người trả tiền cho nó cũng phải là các tổ chức vì lợi ích công, ví dụ như các Nhà nước hay các tổ chức phi lợi nhuận, v.v. Cũng vì nó là của công, nên người trả tiền cho nó thường chỉ phải trả giá thành (chi phí làm ra) chứ không phải trả theo giá trị (có thể lớn hơn nhiều lần giá thành). Các nghiên cứu ứng dụng hoạt động theo mô hình kinh tế khác: nó được thực hiện theo đơn đặt hàng, xuất phát từ những vẫn đề cụ thể, hoặc là khi kết quả làm ra thì có bản quyền, ai muốn dùng phải trả tiền. Tất nhiên, có thể có sự pha trộn cả lý thuyết lẫn ứng dụng trong cùng một nghiên cứu.


Cơ-Điện tử, một ngành sẽ phát triển trong tương lai.

Các kết quả nghiên cứu ứng dụng lớn có thể có giá trị rất lớn, và hơn nữa giá trị này dễ xác định hơn là các kết quả lý thuyết, vì nó có thể được mua bán trên thị trường. Ví dụ, một nhóm nghiên cứu y dược thí nghiệm thành công một loại thuốc chữa ung thư mới, được một hãng dược phẩm mua lại với giá 500 triệu USD, và lập tức tất cả các nhà khoa học trong nhóm trở thành triệu phú. Những ví dụ kiểu như vậy xả ra thường xuyên trên thế giới.
Ở Việt Nam, nếu muốn khoa học phát triển tốt hơn, đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế, và làm giàu cho bản thân các nhà khoa học, thì cần chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng. Cần hướng tới những đề tài có giá trị cao, có ảnh hưởng lớn, và tất nhiên phải trả tiền xứng đáng cho các đề tài đó. Có vô vàn vấn đề quan trọng ở Việt Nam cần đến khoa học ứng dụng, không đủ nhà khoa học để mà làm, và nếu làm được thì hiệu quả kinh tế sẽ rất cao (giá trị của mỗi vấn đề là hàng triệu USD, các nhà khoa học đủ trình độ khi hướng vào làm nó sẽ có công suất nghiên cứu hàng chục nghìn hay hàng trăm nghìn USD một năm trở lên).
Một ví dụ là những vấn đề nghiên cứu y dược ở Việt Nam để chữa bệnh cho 85 triệu dân (và tiến xa hơn nữa là xuất khẩu thuốc ra thế giới, như Trung Quốc đã làm được). Chỉ riêng dịch cúm H1N1, thế giới đã bỏ ra nhiều tỷ USD để mua vaccine, và tất nhiên các hãng dược thu lời hàng tỷ USD từ vụ này. Giá trị của các công thức vaccine (được các Bộ y tế thông qua) cũng phải được tính ở mức nhiều triệu USD. Viện Pasteur ở Việt Nam có thể làm được những thứ như vậy, và các công trình về vaccine cũng có thể trị giá hàng triệu USD. Một ví dụ khác là vấn đề khai thác bauxite (quặng nhôm) ở Việt Nam. Về triển vọng, quặng nhôm của Việt Nam có thể có giá trị kinh tế hàng chục tỷ USD. Thế nhưng, việc khai thác nó đòi hỏi những nghiên cứu khoa học tổng hợp về địa chất, công nghệ khai thác, kinh tế, môi trường, v.v., rất kỹ lưỡng, trước khi quyết định nên khai thác hay không, như thế nào, và vào thời điểm nào. Nếu làm vội vàng, thiếu nghiên cứu khoa học khách quan, thì có thể vừa thiệt thòi về kinh tế, vừa hủy hoại môi trường không sửa lại được.
Ngay ngành toán, được nhiều người coi là ngành xa với ứng dụng nhất, thực ra cũng có rất nhiều nghiên cứu ứng dụng trực tiếp với giá trị kinh tế lớn. Một ví dụ nhỏ, là mạng Antenna cho điện thoại di động ở Đức, được các nhà toán học làm tối ưu hóa, tăng chất lượng thu phát sóng và tiết kiệm hàng trăm triệu USD. Tất nhiên nghiên cứu lý thuyết rất quan trọng và cần phát triển, vì nếu không có lý thuyết thì lấy đâu ra ứng dụng.  Nhưng nếu chỉ toàn lý thuyết mà ít ứng dụng, thì các kết quả lý thuyết cũng bị lãng phí vì không được phát huy. Trong ngành toán cũng vậy, trên thế giới số nhà làm toán lý thuyết đông gấp khoảng 10 lần số nhà làm toán ứng dụng. Ngay ở Việt Nam, có rất nhiều vấn đề cần đến nghiên cứu ứng dụng của toán học, từ an ninh (mật mã), cho đến tài chính (các sản phẩm phái sinh, quản lý rủi ro và quản lý đầu tư dùng nhiều đến toán học, đã phổ biến trên thế giới nhưng còn mới lạ ở Việt Nam), mạng giao thông, v.v. Toán học là một trong những ngành khoa học phát triển mạnh nhất Việt Nam hiện tại, với hàng chục nhà toán học đạt trình độ quốc tế (trong khi có những ngành khác hiếm hoi hơn nhiều), thế nhưng chủ yếu tập trung ở toán lý thuyết, các mảng ứng dụng của toán chưa phát triển tương xứng.

Làm khoa học có cần tiền?!
Không hiểu sao, có một vài nhà khoa học Việt Nam có nói những câu kiểu như “làm khoa học không cần tiền”, hay “đừng cho các nhà toán học nhiều tiền, vì có nhiều tiền không làm được toán”. Những câu nói như vậy, vừa không phản ánh đúng sự thật, vừa có hại cho khoa học, vì nếu các nhà chính trị và kinh tế mà cũng nghĩ như vậy, không chịu đầu tư tiền thích đáng cho khoa học, thì khoa học sẽ không thể phát triển được.
Có thể một vài nhà khoa học mà tôi vừa kể trên có cuộc sống vật chất no đủ so với người khác, nhà cửa đàng hoàng, chưa bao giờ phải thực sự lo chuyện tiền nong, nên nghĩ như vậy. Nếu họ từng phải vật lộn với cuộc sống như người khác, vay nợ đầm đìa đến mức không còn tâm trí cho khoa học, ắt hẳn sẽ không nghĩ như vậy nữa.
Tôi chưa thấy ai không làm được khoa học vì thừa tiền. Nhưng những vì dụ về từ bỏ khoa học, hoặc không từ bỏ nhưng không tập trung làm được, vì thiếu tiền, thì tôi gặp rất nhiều. Bản thân tôi có hàng năm trời không nghiên cứu được vì thiếu tiền. Nếu như đầu óc tôi cũng được thảnh thơi không phải lo nghĩ chuyện tiền nong, thì cũng có thể đã đạt được những kết quả khoa học tốt hơn.
Các nhà khoa học có thể không cần rất nhiều tiền (vì tham vọng chính của họ có thể không phải là tiền, mà là đạt được những đỉnh cao về trí tuệ), nhưng cần đủ tiền để đảm bảo cuộc sống, ít phải lo nghĩ về chuyện tiền nong, yên tâm nghiên cứu những vấn đề quan trọng, cảm thấy mình được xã hội tôn trọng đúng mức. Ở Liên Xô ngày xưa, các nhà khoa học được nuôi theo chế độ cộng sản, tất nhiên không giàu quá, nhưng được chăm lo khá đầy đủ về nhiều mặt, có thể tập trung nghiên cứu, và hiệu quả làm việc của họ rất cao. Ở Mỹ, các nhà khoa học được nuôi theo chế độ khác, nhưng cũng không phải lo nghĩ về tiền nong vì lương rất cao, nên hiệu quả làm việc cũng rất cao.
Những nhà khoa học lớn của các thế kỷ trước hầu hết là những người giàu có về kinh tế. Và thời đó cũng phải giàu có mới có điều kiện để đi theo sự nghiệp khoa học. Nhà toán học Euler, được Nữ hoàng Nga trả lương, không phải để nuôi một mình ông ta, mà là nuôi cả một đoàn tùy tùng hơn 10 người phục vụ ông ta và gia đình. Có phải vì giàu có, có nhiều gia nhân như vậy nên Euler không làm được toán không, hay là chính vị được phục vụ tốt nên ông ta trở thành “người thầy của mọi người thầy” trong toán học?
Để kết thúc bài này, tôi xin nhấn mạnh lại: khoa học làm ra tiền, và để làm khoa học cũng rất cần tiền. Tạo các điều kiện tài chính thích đáng là điều cần thiết để khoa học phát triển, và khoa học phát triển sẽ đem lại lợi nhuận lớn về kinh tế.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)