Mỹ bảo lãnh vốn cho các startup về LPƯ hạt nhân
Bộ Năng lượng Mỹ sẽ giúp các công ty khởi nghiệp định hướng quá trình thử nghiệm và xin cấp phép [cho các dự án nhà máy điện hạt nhân], nhưng một số doanh nhân ngành hạt nhân nghi ngờ rằng điều đó vẫn chưa đủ.
Third Way – một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington DC chuyên về lĩnh vực năng lượng, biến đổi khí hậu, và an ninh quốc gia – cho biết: hiện có gần 50 công ty ở Bắc Mỹ đang nghiên cứu và phát triển các công nghệ điện hạt nhân tiên tiến dựa vào hơn 1,3 tỷ đô la vốn tư nhân.
Nhưng tất cả các công ty khởi nghiệp đều gặp phải những rào cản không thể vượt qua, đó là thiếu sự hỗ trợ từ Bộ Năng lượng và quá trình cấp giấy phép do Ủy ban Pháp quy hạt nhân Mỹ (Nuclear Regulatory Commission, NRC) tiến hành vừa tốn tiền vừa mất thời gian.
Chương trình Gateway mới công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh về năng lượng hạt nhân được tổ chức tại Nhà Trắng, là tín hiệu rõ ràng nhất cho đến nay về sự hỗ trợ của chính quyền Obama đối với công nghệ hạt nhân mới. Bộ Năng lượng Mỹ cũng tuyên bố sẽ mở rộng chương trình bảo lãnh vay vốn trị giá 12,5 tỷ USD của mình cho các công nghệ hạt nhân tiên tiến đổi mới. Những sáng kiến này sẽ tạo điều kiện cho các công ty hạt nhân tiên tiến được tiếp cận với các phòng thí nghiệm quốc gia, điểm liên lạc duy nhất cho sự hợp tác với các chuyên gia Bộ Năng lượng, và hữu ích cho “sự tìm hiểu và điều hướng các quá trình quản lý cấp giấy phép công nghệ lò phản ứng mới.”
“Bộ Năng lượng biết rằng có tồn tại một khu vực rộng lớn và ngày càng phát triển của các công ty thiết kế lò phản ứng tiên tiến”, Leslie Dewan, đồng sáng lập công ty Transatomic Power, nơi đang phát triển khái niệm lò phản ứng nhiên liệu lỏng kiểu mới, nói, “và các công ty đó đã cùng nhau đưa ra những giải pháp cụ thể và vô cùng hữu ích để làm việc với chúng tôi, nhằm thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực này ở Mỹ”.
TS David LeBlanc của công ty Terrestrial Energy trình bày về tiềm năng của lò phản ứng muối nấu chảy Thorium
Trở thành một phần của chương trình, giờ đây các công ty có thể sử dụng bảo lãnh vốn vay từ Bộ Năng lượng để giúp trang trải chi phí xin cấp giấy phép từ Ủy ban Pháp quy hạt nhân, bao gồm chứng nhận thiết kế, giấy phép xây dựng và các giấy phép cần thiết, – tổng số các chi phí này có thể tới hàng triệu USD.
Bộ Năng lượng Mỹ cũng đang ban hành một hệ thống chứng từ doanh nghiệp nhỏ (small-business voucher system) để tạo điều kiện cho các công ty khởi nghiệp được sử dụng các phương tiện của phòng thí nghiệm quốc gia. Chú ý là chương trình chứng từ sẽ phân chia tổng cộng hai triệu đô la cho tất cả các ứng viên thành công. Một số người trong cộng đồng hạt nhân tiên tiến không vui mừng với kế hoạch này.
“Sẽ tốt hơn nhiều so với trước đây,” John Kutsch, Giám đốc phát triển kinh doanh công ty khởi nghiệp hạt nhân Terrestrial Energy nói, “nhưng nó vẫn chỉ là một mức độ nhỏ của cam kết, khi so sánh với lượng dịch vụ và tiền bạc đầu tư cho năng lượng tái tạo, hoặc với số tiền mà Trung Quốc đã cam kết chi vào lĩnh vực hạt nhân tiên tiến”.
Nguyên Hải Hoành lược dịch
Nguồn:
http://www.technologyreview.com/news/543276/white-house-strikes-a-blow-for-advanced-nuclear-reactors/
Đọc thêm:
Mỹ: Quy trình cấp phép ghìm chân các công nghệ hạt nhân tiên tiến?
Những điều thú vị quanh LPU muối nấu chảy mới
Lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới sẽ phục hồi ngành điện hạt nhân?