Năm 2020 đào tạo 40 chuyên gia xuất sắc về R&D (Kỳ 1)

Việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ chương trình điện hạt nhân của Việt Nam đòi hỏi đáp ứng đủ yêu cầu cả về chất lượng và số lượng. Tuy nhiên, khó khăn đang đặt ra là những chính sách, chế độ đãi ngộ hiện hành không đủ để giữ chân các cán bộ trẻ theo nghề, theo nhận định của TS. Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Hiện nay có nhiều ý kiến lo ngại về sự thiếu hụt nhân lực phục vụ chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

Như chúng ta đã biết, chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam đã được Quốc hội thông qua và Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ, Ngành liên quan tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Để triển khai thành công Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, chúng ta phải có được một đội ngũ cán bộ đủ năng lực trên nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, đảm trách thực hiện việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, hỗ trợ kỹ thuật và nghiên cứu triển khai nhằm đảm bảo đáp ứng việc triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, an toàn, an ninh. Trong thời gian qua, một trong các nguyên nhân khiến Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận bị chậm tiến độ là do công tác phát triển nguồn nhân lực của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ triển khai Dự án.

Hiện việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ chương trình điện hạt nhân đang tập trung cho ba đơn vị chính là Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Tổng công ty Điện lực Việt Nam và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đào tạo cán bộ quản lý những vấn đề quan trọng như an toàn hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ và an ninh hạt nhân; Tổng công ty Điện lực Việt Nam đảm trách việc đào tạo lực lượng vận hành nhà máy điện hạt nhân; Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam sẽ tập trung vào đào tạo đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật và R&D.

Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành về điện hạt nhân. Nguồn: Viện NCHN Đà Lạt

Có tới ba đơn vị được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chương trình điện hạt nhân với những phân định rõ ràng về tiêu chí đào tạo, vậy nguyên nhân nào khiến công tác phát triển nguồn nhân lực của chúng ta lại chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ triển khai dự án?

Trước hết phải khẳng định rằng, điện hạt nhân gắn liền với văn hóa an toàn nên việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chương trình điện hạt nhân của Việt Nam phải gắn liền với những tiêu chí rất cao về chất lượng và hiệu quả đào tạo. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân mới được thành lập. Các cán bộ của Cục phần lớn là các cán bộ trẻ. Để đào tạo họ có đủ năng lực như yêu cầu của một cơ quan pháp quy hạt nhân quản lý chương trình điện hạt nhân cũng cần phải có thêm thời gian.    

TS. Nguyễn Hào Quang cho biết mục tiêu mà Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, đơn vị được Bộ KH&CN trao trọng trách phát triển đội ngũ chuyên gia về R&D và hỗ trợ kỹ thuật, là đến năm 2020 có được 40 chuyên gia xuất sắc.

Do chương trình phát triển điện hạt nhân là một chương trình tổng thể liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau nên đòi hỏi sự tham gia của nhiều bộ ngành có liên quan chứ không chỉ gói gọn trong pham vi quản lý của Bộ KH&CN, ví dụ như vấn đề quản lý của điện hạt nhân còn mở rộng đến các Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Công thương với các vấn đề về an toàn xây dựng, đánh giá tác động môi trường, an toàn công nghiệp… Tuy nhiên trên thực tế, việc phân công trách nhiệm tham gia của các bộ ngành vẫn chỉ nằm trên văn bản giấy tờ chứ chưa thực sự bắt tay vào công việc. Các cán bộ được giao nhiệm vụ phụ trách các mảng công việc liên quan đến chương trình điện hạt nhân cũng mới chỉ thực hiện trên hình thức kiêm nhiệm mà chưa chuyên trách nên chưa nắm rõ một cách thấu đáo về các vấn đề này. Do đó việc đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý cũng gặp nhiều khó khăn.

Với đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật và  R&D do Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phụ trách, việc đào tạo mới chỉ đạt được yêu cầu nhận biết rõ những lĩnh vực ưu tiên cần đào tạo và qua đó, lên được lộ trình thực hiện quá trình đào tạo này. Khó khăn mà chúng tôi gặp phải là phần lớn đội ngũ cán bộ mà chúng tôi đang tiếp nhận đều hổng về kiến thức cơ bản, chất lượng đào tạo kém do hai nguyên nhân chính: 1. Nhiều trường có khoa công nghệ hạt nhân đều có xu hướng cải biến chương trình học để đáp ứng nhu cầu thị trường như mở rộng Khoa Kỹ thuật hạt nhân thành Khoa kỹ thuật hạt nhân và Vật lý môi trường; 2. Chất lượng đầu vào của các khoa đào tạo hạt nhân ở các trường đều ở mức thấp. Để khắc phục khó khăn này, khi đón nhận cán bộ mới, chúng tôi đã phải đào tạo lại bằng một khóa bổ túc kiến thức trong vòng một năm. (Còn tiếp)

  Hảo Linh  thực hiện

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)