Nga: Phá trại trồng cây giống để xây biệt thự
Các nhà nghiên cứu thực vật Nga đã sưu tầm trong 84 năm qua các giống cây ăn quả trên khắp thế giới và trồng tại một trạm giống ở St.Petersburg. Nơi đây đã hình thành một trong những ngân hàng gien cây ăn quả lớn nhất thế giới. Vậy mà ngày nay người ta dự kiến san bằng di sản quý báu này để lấy đất xây biệt thự.
Một kế hoạch bị cả thế giới phản đối
Các nhà nghiên cứu về cây trồng, chủ yếu ở Mỹ và châu Âu, đã gửi thư, thư điện tử yêu cầu chính quyền Kremlin hãy cứu bộ sưu tập quý giá có một không hai này. Cary Fowler, giám đốc Global Crop Diversity Trust, nói “sẽ là một thảm họa nếu xe ủi san bằng nơi này, cơ quan của ông vốn được Tổ chức Nông nghiệp Liên hiệp quốc thành lập để bảo vệ đa dạng sinh học. Mỗi cây ở đây đều có những đặc điểm di truyền riêng: Loại có sức chịu rét rất cao, loại có khả năng chống chịu sâu bệnh hại và loại cho sản phẩm có hương vị rất đặc trưng.”
Fowler và các đồng nghiệp cho rằng một bộ sưu tập gien quý giá như thế này đến một lúc nào đó có thể ngăn cản không để xảy ra một cuộc khủng hoảng với cây ăn quả. Hiện nay phần lớn các nhà trồng vườn chỉ tập trung trồng một vài loại cây ăn quả, từ đó hình thành những loại cây trồng độc canh rất mẫn cảm.
Điều gì sẽ diễn ra khi xuất hiện một loại bệnh hại mới phá hủy gần như hoàn toàn các diện tích trồng táo hiện có hay khi những cây anh đào không chịu đựng nổi sự biến đổi khí hậu? Khi đó từ những cây trồng ở trạm nghiên cứu Pavlovsk có loại gien đặc biệt nào đó thích hợp để lai tạo ra giống mới có sức đề kháng cao hơn và phù hợp tốt hơn đối với điều kiện ngoại cảnh. Pavlovsk là một thư viện của cuộc sống với những tác phẩm độc nhất vô nhị đáp ứng các nhu cầu xuất phát từ thực tế.
Với y học, bà Monika Höfer phụ trách về ngân hàng gien cây ăn quả thuộc Viện Julius-Kühn ở Dresden-Pillnitz (Đức) cho biết có thể vài ba chục năm sau chúng ta phát hiện một loại cây dâu ở trạm Pavlovsk chứa một chất gì đó có tác dụng phòng một loại bệnh nhất định. Không thể để mất cơ hội này chỉ vì mấy héc-ta đất xây dựng?
Lịch sử nhiều thế hệ
Nhà thực vật học Nga Nicolai Vavilov là người đầu tiên đề xuất ý tưởng sưu tầm và trồng một cách có hệ thống cây dại và cây trồng trên khắp thế giới. Ngày nay ông được coi là cha đẻ của các ngân hàng gien hiện đại. Ngay từ những năm 20 thế kỷ trước, khi nhà nước Liên Xô còn rất non trẻ, ông đã tổ chức các chuyến đi nghiên cứu để sưu tầm hạt và chồi cây ở khắp mọi miền đất nước và tiến hành sưu tầm cả ở nước ngoài.
Nhiều thế hệ các nhà khoa học Nga đã kế tục sự nghiệp của ông. Hiện nay Viện Nghiên cứu quốc gia về cây trồng mang tên Vavilov ở St.Petersburg có trên 300.000 loại hạt giống khác nhau trên khắp thế giới. Mỗi loại hạt được cất giữ trong túi bằng aluminium ghi đầy đủ các dữ liệu cần thiết xếp trên giá bảo quản trong kho lạnh âm 17 độ C. Đối với những loại cây không thể bảo quản ở dạng hạt, Viện có 11 trạm thí nghiệm, trạm Pavlovsk là một trong số đó. Chính ông Vavilov năm 1926 đã trồng một trong những cây đầu tiên tại trạm này.
Trạm thực nghiệm Pavlovsk ở khoảng 30 dặm về phía nam St.Petersburg. Trạm này có ngân hàng gien lâu năm nhất thế giới với gần 6.000 loại cây, chủ yếu là cây ăn quả độc nhất vô nhị trên thế giới. Những loại cây hiện có ở đây không có ở các ngân hàng gien khác thậm chí một số cũng không còn xuất hiện trên địa bàn hoang dã. Trạm hiện có 986 giống dâu tây của 50 nước, một số có quả to gần bằng trái bóng bàn. |
Trong chiến tranh thế giới II khi phát xít Đức bao vây thành phố Leningrad, nay mang tên St.Petersburg, thì Vavilov và các đồng nghiệp của ông với sự trợ giúp của Hồng quân Liên xô đã kịp thời vận chuyển phần lớn bộ sưu tập sống này vào tầng hầm của Viện nghiên cứu.
Giữa mùa đông rét buốt năm 1941/42 để bảo vệ những cây khoai tây quý hiếm các nhà nghiên cứu Liên Xô đã tìm mọi cách để những cây này không bị chết cóng. Họ phải đốt tất cả những gì có thể đốt được như: hồ sơ cũ, khung ảnh, sách vở, để sưởi ấm cho cây. Để tránh không cho người bị đói ăn trộm khoai tây các nhà khoa học phân nhau canh gác 24/24, mỗi phiên gác có hai người để giám sát lẫn nhau. Theo lịch sử của Viện thì đã có cán bộ làm việc ở Viện bị chết đói nhưng giống khoai tây vẫn được bảo vệ an toàn.
Không phải chỉ nước Nga mà nhiều nước khác được hưởng lợi nhờ sự hy sinh quả cảm của các nhà khoa học Nga. Trong những năm 80 có một loại sâu hại tàn phá trên diện rộng diện tích trồng đậu tương ở Mỹ. Các nhà khoa học Mỹ ra sức tìm kiếm loại đậu tương có khả năng chống chịu loại ký sinh trùng này từ kho lưu trữ hạt giống tại Mỹ nhưng vô vọng. Hồi đó là thời kỳ chiến tranh lạnh, các nhà khoa học Nga đã tìm thấy một giống đậu tương có khả năng chống lại sâu hại trên trong kho lạnh của mình và đã hỗ trợ các đồng nghiệp Hoa kỳ.
Các nhà khoa học Nga, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, hết sức quan tâm, chăm sóc bảo vệ trạm lưu trữ các loại cây giống như các bậc cha anh họ đã từng làm.
Nghề trồng vườn và chính trị
Từ tầng tư của Viện Vavilov ở St.Petersburg nhà khoa học Sergej Alexanian phối hợp sự ủng hộ của quốc tế chống lại mưu đồ bán đứng khuôn viên trạm Pavlovsk. Alexanian rất thích hợp để đảm đương nhiệm vụ này. Từ nhiều chục năm nay ông đã đóng góp công sức để duy trì và phát triển mối quan hệ giữa Viện của mình với các nhà nghiên cứu nước ngoài. Trên bàn làm việc của ông có nhiều lá cờ nhỏ cắm trong một bình hoa, bên cạnh là bản sao luận án tiến sỹ của ông với chủ đề “mối tương quan giữa đa dạng sinh học với toàn cầu hóa”. Ông thường giới thiệu với khách về luận văn của mình: “Cái nghề trồng vườn này dính líu đến nền chính trị thế giới nhiều hơn người ta tưởng”.
Sau lễ giáng sinh năm 2009 có thông báo chính thức về việc nội trong 3 tháng Viện phải trao khu thí nghiệm 91 ha cho Quỹ nhà đất. Lúc đầu nhiều người nghĩ đây là một sự nhầm lẫn! 84 năm liên tục Viện được cấp ngân sách nhà nước để duy trì, chăm sóc bộ lưu trữ có một không hai này. Vậy tại sao bỗng nhiên chính phủ lại đang tay đập phá tất cả?
Hoàn toàn không có một sự nhầm lẫn, ngộ nhận nào cả. Các nhà lãnh đạo ở Matxcơva trên cơ sở đạo luật liên bang số 161 năm 2006 phải xem xét đất do Nhà nước quản lý có được sử dụng “hiệu quả” hay không. Trong khi các chuyên gia về cây trồng cho rằng bộ sưu tập Vavilov là vô giá thì các quan chức ở Matxcơva lại quan niệm những gì mà không tính được thành tiền thì đều vô giá trị.
Alexanian nhận xét “hoàn toàn không thể tin nổi. Hẳn không có ai lại có ý tưởng đóng cửa vườn bách thảo để xây dựng ở đó một nhà để xe vì như thế hiệu quả kinh tế lớn hơn. Đây chính là khoảnh đất trồng nhiều giống cây ăn quả của chúng tôi nhất. Mà người ta không thể đóng gói chúng vào thùng hay chuyển đi trồng ở nơi khác. Nếu chỉ bảo quản một nhúm hạt trong buồng lạnh cũng không giải quyết được vấn đề.”
Lý do khá đơn giản: nếu người nông dân trồng táo muốn tái sản xuất một loại táo nhất định nào đó thì không thể dùng hạt táo cùng loại vãi ra cánh đồng. Vì táo là loại cây thụ phấn chéo, có nghĩa là hoa của cây này thụ phấn hoa của cây khác từ đó tiếp nhận luôn nguồn gien lạ. Người nông dân cắt chồi của cây giống rồi ghép vào thân cây táo khác được dùng làm nền. Một cây táo giống hoàn chỉnh sẽ mọc lên từ cái chồi ghép này và giữ nguyên vẹn gien của cây mẹ.
Ở trạm Pavlovsk để bảo đảm an toàn các nhà nghiên cứu thường trồng mỗi loại ba, bốn cây phòng có cây bị chết hoặc bị hỏng còn có thể cắt chồi của cây khác để cấy ghép tạo cây mới. Về lý thuyết viện có thể chuyển những cây này trồng ở nơi khác theo cách trên, nhưng thực tế Viện phải tìm được một diện tích thích hợp hy vọng tất cả số cây này sẽ phát triển tốt đẹp ở vùng đất mới. Nhưng do tiểu khí hậu và đất đai khác nhau nên khó có thể bảo đảm toàn bộ cây cối sẽ phát triển tốt đẹp, vả lại việc này phải tiến hành từng bước, khi chuyển xong toàn bộ bộ sưu tập cũng phải mất 15 năm.
Tạm thời thoát hiểm
Viện Vavilov đã nêu các lý do trên khi khiếu kiện trước tòa án về lệnh dỡ bỏ vườn cây, nhưng không có kết quả. Cuối tháng 8-2010 tòa án Mátcơva đã có phán quyết thiên về Quỹ nhà đất, việc bán đấu giá cánh đồng của trạm Pavlovsk và biến chúng thành đất xây dựng là hoàn toàn hợp pháp. Phán quyết của tòa án Matxcơva đã bị không những các nhà khọc Nga mà cả giới khoa học quốc tế phản đối. Nhiều nhà khoa học trên thế giới đã gửi thư tới tổng thống Nga Dmitri Medvedev và thủ tướng Vladimir Putin. Hàng trăm điện phản đối đã được gửi tới điện Kremlanh. Chương trình lương thực thế giới của Liên hiệp quốc cũng gửi điện bầy tỏ sự đồng tình, ủng hộ các nhà khoa học Nga. Trên trang mạng xã hội đã hình thành một nhóm cổ động viên ủng hộ vườn táo và dâu tây của Trạm Pavlovsk.
Áp lực của dư luận đã có hiệu quả. Quỹ Nhà đất của Nga giờ đây không còn lớn tiếng đề cập đến vụ Pavlovsk. Tháng 9-2010 một phái đoàn chính thức của Matxcơva gồm đại diện của Cơ quan Kiểm toán và Nghị viện Nga khoác áo mưa, đi ủng lội bộ trong vườn cây để ngó ngàng nhưng lại không tiếp xúc trao đổi với các nhà khoa học làm việc tại đây.
Dự kiến bán đấu giá 19 ha đất đầu tiên của trạm đã bị đình chỉ vô thời hạn. Cơ quan Kiểm toán đã thành lập một ủy ban và trong tháng 10 và 11-2010, ủy ban này sẽ nghiên cứu sâu hơn về vườn cây ở trạm Pavlovsk. Các nhà nghiên cứu ở Viện Vavilov cũng như những người ủng hộ họ rất vui mừng khi được tin tổng thống Dmitri Medvedev quan tâm đến vụ này và đã ra chỉ thị “nghiên cứu kỹ vấn đề này”.
Nhà khoa học Cary Fowler cho rằng, đây là một dấu hiệu đáng mừng, tuy nhiên cần phải tiếp tục duy trì áp lực để vô hiệu hóa phán quyết của tòa án.