Ngày KH&CN Việt Nam: Nhà khoa học phải giữ vai trò trung tâm

Bên cạnh những thành công, có thể thấy các hoạt động trong khuôn khổ Ngày KH&CN vẫn còn một số mặt hạn chế như thiên về nghi lễ, mang nặng tính chỉ đạo hành chính giữa cấp trên với cấp dưới, và vai trò tham gia của các nhà khoa học còn mờ nhạt.

Thực tế cho thấy một số sự kiện của Ngày KH&CN Việt Nam đã được tổ chức khá thành công, như việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trang trọng bày tỏ sự tri ân đóng góp của giới khoa học trong Lễ công bố Ngày KH&CN Việt Nam; hay việc Bộ KH&CN tổ chức thành công lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu – một giải thưởng có uy tín được xét duyệt bởi một hội đồng bao gồm những nhà khoa học có tên tuổi trong nước và quốc tế – đã có ý nghĩa động viên, khích lệ đáng kể cho các nhà khoa học trong một số lĩnh vực khoa học tự nhiên cơ bản. Bên cạnh đó, việc thực hiện mục tiêu tăng cường kết nối với công chúng cũng đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, với việc một số phòng thí nghiệm và tổ chức KH&CN thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam mở cửa đón công chúng trong bốn ngày liên tiếp thu hút được một lượng người tham quan nhất định, đặc biệt Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam khai trương trong dịp này đã tiếp đón tới hàng nghìn lượt người.

Tuy nhiên, ngoài những thành công trên, có thể thấy các hoạt động trong khuôn khổ Ngày KH&CN vẫn còn một số mặt hạn chế như thiên về nghi lễ, mang nặng tính chỉ đạo hành chính giữa cấp trên với cấp dưới, và vai trò tham gia của các nhà khoa học còn mờ nhạt. Điều đó thể hiện rõ nhất qua thực tế là phần đông khách mời trong Lễ công bố Ngày KH&CN Việt Nam là các nhà lãnh đạo quản lý, thiếu vắng không ít nhà khoa học, chuyên gia – những nhân vật chính của cộng đồng KH&CN. 

Số lượng các phòng thí nghiệm mở cửa đón công chúng không nhiều, đa số các hoạt động giao lưu diễn ra khá đơn điệu, thiếu sức hấp dẫn, chỉ thu hút được những đối tượng công chúng đặc thù đã sẵn có sự quan tâm và am hiểu nhất định (ví dụ sinh viên đến tìm hiểu phòng thí nghiệm trong ngành học của mình để tìm hiểu về tổ chức hoạt động và các cơ hội việc làm). Nguyên nhân là bởi đa số các nhà khoa học và tổ chức nghiên cứu không được thông báo từ sớm về việc tổ chức các sự kiện giao lưu với công chúng nên có rất ít thời gian để chuẩn bị, hoặc có nơi đã lên ý tưởng sẵn sàng nhưng lại không được hướng dẫn đầy đủ về quy trình thực hiện, sự tương tác liên lạc giữa nhà tổ chức và các đơn vị thực hiện bị những rào cản hành chính quan liêu làm cho đứt đoạn, phân tán, v.v.

Để Ngày KH&CN Việt Nam của những năm sau có hiệu quả cao hơn, điều tiên quyết là phải thực sự đặt nhà khoa học vào vai trò trung tâm của ngày hội dành cho họ. Thay vì các cơ quan quản lý chỉ đạo các nhiệm vụ từ trên xuống thông qua những tầng nấc hành chính trung gian thông thường, phải tạo điều kiện để các cá nhân và tổ chức KH&CN được trình bày, trao đổi trực tiếp với các đơn vị phụ trách tổ chức Ngày KH&CN (thuộc Bộ KH&CN hoặc các Sở KH&CN) về những ý tưởng, kế hoạch tổ chức các hoạt động cụ thể của cá nhân, tổ chức mình trong Ngày KH&CN, để được xét duyệt dựa trên một số tiêu chí cơ bản như tính phù hợp với chủ đề của năm, hiệu quả tuyên truyền ra xã hội, hay tính an toàn của sự kiện. Các hoạt động được phê duyệt sẽ được phép sử dụng logo của Ngày KH&CN và được cấp một nguồn kinh phí giới hạn nếu cần thiết – kinh nghiệm quốc tế cho thấy ngay cả ở các nước đã phát triển, nguồn kinh phí Nhà nước dành cho các hoạt động của ngày KH&CN là rất ít, mặc dù vậy họ vẫn tổ chức được những sự kiện đủ sức lôi cuốn đối với công chúng.

Với cách làm như vậy, các nhà khoa học sẽ được phát huy tối đa sức sáng tạo trong điều kiện cho phép, qua đó tổ chức được nhiều sự kiện phong phú, đa dạng, theo cách thức mà họ thấy thích hợp nhất, hiệu quả nhất, thực hiện tốt mục tiêu chính của Ngày KH&CN Việt Nam.

       Tia Sáng

Tác giả