Nghệ thuật gây lãng phí

Đầu năm nay, trong hai bài báo của mình trên Tia Sáng, tôi đã bình luận về quyết định 171-QĐ/TTg về Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phê duyệt ngày 27/01/2016. Nội dung quyết định nêu rõ: có quá nhiều viện khoa học công nghệ (KHCN); có sự trùng lặp và chồng chéo về chức năng nhiệm vụ; một số viện hoạt động không hiệu quả; việc đánh giá và quản lý nguồn nhân lực không thỏa đáng; trình độ khoa học và công nghệ thấp so với chuẩn quốc tế và khu vực. Do đó, cần khắc phục tất cả các sai sót, tái cơ cấu và tổ chức lại lĩnh vực KHCN để nâng cao hiệu quả hoạt động. Quyết định 171 thực sự là một nhát roi làm ta thức tỉnh, kích thích sự thay đổi phong cách mà ngành KH&CN thực sự cần. Bài viết thứ ba này của tôi đề cập đến một số giải pháp để tránh lãng phí nguồn lực phân bổ cho KH&CN.


Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia Enzym và Protein. Ảnh: Thế Hải.

Trong bài báo thứ nhất, tôi đã cảnh báo rằng việc diễn giải không đúng nội dung Quyết định 171 có thể dẫn tới việc một số lãnh đạo tổ chức KHCN từ bỏ trách nhiệm của mình; đặc biệt, tôi cho rằng họ nên thực hiện nhiều cuộc điều tra, khảo sát với sự giúp đỡ của các hội đồng quốc tế. Những hội đồng này phải gồm các thành viên có uy tín lớn và tuyệt đối liêm chính, ví dụ mỗi lĩnh vực như khoa học tự nhiên, khoa học sự sống, khoa học xã hội, công nghệ và kỹ thuật nên có một hội đồng. Nếu không có những đánh giá trung lập, khách quan mang tính chuyên môn về tình hình hiện tại thì khó có cơ sở để đổi mới, cải thiện tình hình. KHCN cần một cộng đồng các nhà khoa học có trách nhiệm, quan tâm sâu sắc đến tương lai của giáo dục, đào tạo và nghiên cứu trong nước.

Trong bài báo thứ hai, tôi nhận xét rằng sẽ là điều vô cùng đáng trách nếu những người chịu trách nhiệm về giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, vì phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, mà chối bỏ trách nhiệm [thúc đẩy sự phát triển KHCN] và quyền hạn của mình cho khu vực tư nhân. Ngược lại, không còn gì quý hơn nếu họ có thể tận dụng tốt nhất mọi tiềm năng để tạo nên sự đổi mới cần thiết, một trong những tiềm năng đó là thế hệ trẻ, đối tượng mà chúng ta phải khuyến khích nói lên suy nghĩ của mình; chúng ta nên nhận thức rằng tương lai của đất nước sẽ nằm trong tay họ. Nguyên nhân của trình độ KH&CN thấp so với quốc tế và khu vực hiện nay rất sâu xa; đặc biệt, do thiếu trung thành với những nguyên tắc cơ bản của đạo đức khoa học: nghiêm cẩn về tri thức và đạo đức, minh bạch, chuyên nghiệp, cần cù, vì khoa học và cộng đồng chứ không vì cá nhân. Một lần nữa, để vượt qua những khó khăn này, tôi cho rằng chúng ta phải thay đổi phong cách.

Thay đổi phong cách tối quan trọng, tương lai của khoa học Việt Nam phụ thuộc vào điều đó, chính vì vậy mà tôi muốn viết bài báo thứ ba về chủ đề này. Chẳng mấy mà đã đã gần ba năm kể từ khi Quyết định 171 được ban hành và tôi sợ rằng chúng ta đang bỏ lỡ cơ hội sử dụng nó như một động lực để nhận ra những khó khăn, thất bại mà có hành động tích cực với quyết tâm cần thiết. Chủ đề tôi muốn bàn đến lần này liên quan đến tầm quan trọng của việc tránh lãng phí nguồn lực phân bổ cho KHCN. Nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản, chủ yếu dựa vào tiền thuế của dân. Điều này có nghĩa là các nguồn lực về tài chính và con người phải được kiểm soát một cách chặt chẽ. Có nhiều hình thức lãng phí nguồn lực cần phải tránh. Thiếu sự kiểm soát cần thiết, KHCN sẽ phải chịu những lời chỉ trích từ người nộp thuế, những người sẽ không chấp nhận tiếp tục hỗ trợ. Những bình luận này của tôi dựa trên kinh nghiệm khi tham gia những hội đồng đánh giá nghiên cứu ở một số nước phương Tây.

1. Người phụ trách

Cho sự thành công của một dự án, điều kiện tiên quyết là phải có một người phụ trách. Người đó không phải là một đại diện chính quyền, một quản trị viên, hay một ủy ban nào đó; mà đó phải là một người có năng lực, quyết đoán, toàn tâm toàn ý, dành toàn bộ thời gian và công sức cho dự án; một người được đồng nghiệp coi trọng, người không sợ khó khăn cho cuộc sống của mình khi phải đấu tranh không mệt mỏi của lãnh đạo cấp cao hơn để có được sự hỗ trợ và nguồn lực cần thiết đảm bảo cho thành công của dự án hay chương trình. Thiếu người như vậy sẽ dẫn đến lãng phí; điều xảy ra sẽ là: nguồn lực, cả về tài chính và con người, phân bổ cho dự án sẽ rơi vào tay nhiều người không thực sự có trách nhiệm với dự án mà chỉ là những người lợi dụng cơ hội để thu lợi cho cá nhân. Tôi nhớ, Pháp đã rất thành công trong lĩnh vực hạt nhân dưới sự lãnh đạo của Frederic Joliot và với ngành vũ trụ dưới sự lãnh đạo của Hubertt Curien; nhiều ví dụ tương tự tồn tại ở nhiều quốc gia và cần được học hỏi.

2. Nhà khoa học đòi hỏi thiết bị, không phải thiết bị đòi hỏi nhà khoa học

Một cách rất hiệu quả khác làm lãng phí tài nguyên là ra quyết định từ trên xuống mua thiết bị đắt tiền mà không hỏi tư vấn của cấp cơ sở, không đảm bảo rằng đó là nhu cầu thực sự của cộng đồng người dùng tiềm năng. Quyết định này thường xuất phát từ một ai đó có năng lực kém. Các nhà khoa học phải đấu tranh để có được những thiết bị cần thiết cho nghiên cứu của mình. Do vậy, việc mua một thiết bị mới phải được quyết định từ dưới lên [từ cấp thấp đến cấp cao hơn]. Nếu không, thiết bị sẽ có nguy cơ ít thậm chí không được sử dụng; hoặc tệ hơn, người ta sẽ sáng tạo ra những đề tài, dự án xấu để biện minh cho lý do mua thiết bị với những cơ quan không đủ năng lực thẩm tra.

3. Làm việc cùng nhau, chia sẻ thiết bị bất cứ khi nào có thể

Như đề cập trong Quyết định 171, một căn bệnh trong nghiên cứu khoa học, là sự trùng lặp chức năng, nhiệm vụ. Điều này tinh tế hơn nhiều so với hai điểm đề cập bên trên vì ranh giới giữa cạnh tranh lành mạnh và trùng lặp lãng phí là mờ nhạt và thường khó xác định. Hơn nữa, việc này rất khó giải quyết vì những người liên quan thường không nhận ra sự không lành mạnh này và khi bị đẩy vào tình huống đó họ lập luận rằng mình đang làm đúng trong khi người khác làm sai. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi những đánh giá của cơ quan trung lập, có thẩm quyền. Khi hai viện được xác định có cùng chức năng, ít nhất, cơ sở vật chất, trang thiết của hai viện phải được chia sẻ; hai viện phải đảm bảo thu được những kỹ năng và kinh nghiệm ở những lĩnh vực khác nhau, bổ trợ lẫn nhau. Nếu không đảm bảo được việc này sẽ dẫn đến lãng phí tiền bạc, và tệ hơn, nguồn nhân lực; nó tạo ra bầu không khí không lành mạnh và thiếu động lực, đặc biệt đối với các cán bộ trẻ.


Máy móc tại PTN trọng điểm  nghiên cứu vật liệu Polyme và Compozit thuộc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu Polyme, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hiện đã xuống cấp. Ảnh: La Duy/QĐND.

4. Lập kế hoạch dự án một cách thực tế, dự trù kinh phí cho việc vận hành và bảo trì; một khi dự án được phê duyệt phải bám vào nó

Cách thứ tư, thật không may là khá phổ biến, rất hiệu quả để lãng phí tiền bạc là khi lập dự án, người đề xuất chủ ý giảm thiểu chi phí với hy vọng tăng cơ hội được phê duyệt. Thực tế điều này thường xảy ra. Người ta có xu hướng bỏ qua tính toán chi phí vận hành và bảo trì, vốn rất quan trọng đối với một thiết bị. Kết quả là, khi dự án được phê duyệt, nó đã được quản lý không đúng cách ngay từ đầu [không dự trù việc bảo trì, bảo dưỡng], đồng nghĩa với việc lãng phí lớn về nguồn lực. Dự án sẽ bị chậm trễ do thiếu kinh phí hoạt động. Ngoài những mất mát trực tiếp, nó còn làm giảm động lực của đội ngũ nhân viên, tạo nên một bầu không khí ngờ vực đối với cái tâm của nhà quản lý trong việc lập kế hoạch. Ngược lại, các cơ quan chức năng phải có nghĩa vụ tuân thủ kế hoạch đề ra khi dự án đã được phê duyệt. Không làm như vậy là vô trách nhiệm và tai hại. Đôi khi ta vẫn nghe được trường hợp dự án đã được phê duyệt đang hoạt động tốt bỗng nhiên bị gián đoạn vì nguồn lực cam kết không được tiếp tục phân bổ; đây là sự quản lý chưa tốt từ phía chính phủ, gây tổn hại vượt ra ngoài những tổn hại trực tiếp về tài chính vì sự chậm trễ kèm theo của dự án.

5. Theo dõi các nhà khoa học trẻ đang được đào tạo ở nước ngoài

Một điểm yếu phổ biến của các nước đang phát triển là đánh giá thấp trách nhiệm với sinh viên gửi đi đào tạo ở nước ngoài. Việc này làm gia tăng nạn chảy máu chất xám, giảm động lực thế hệ trẻ, một sự lãng phí lớn không chỉ về tài chính mà tệ hơn là lãng phí đầu tư vào trí tuệ của thế hệ trẻ. Việc gửi một sinh viên đi đào tạo ở nước ngoài phải đi kèm với trách nhiệm và cam kết: phải đảm bảo những gì sinh viên đó học sẽ hữu ích cho đất nước; đảm bảo cung cấp đầy đủ cơ hội việc làm cho sinh viên khi họ trở về; đảm bảo việc sử dụng hiệu quả những kỹ năng mà họ học được ở nước ngoài; thường xuyên liên lạc theo sát sự tiến bộ của sinh viên trong thời gian học tập ở nước ngoài. Không làm như vậy là cố ý lãng phí tài nguyên tri thức của đất nước và đáng lên án.

6. Đánh giá sử dụng tài chính và nhân lực một cách minh bạch và chặt chẽ

Một điểm quan trọng trong quản lý khoa học là sự minh bạch. Các nhà khoa học phải hiểu và được thuyết phục đầy đủ về tính hợp lý của những quyết định các cấp quản lý đã đề ra, để thực hiện chúng, và phải được tạo cơ hội để có thể nói lên tiếng nói của mình. Đây là vấn đề đạo đức vô cùng quan trọng đối với sự lành mạnh và thành công của cộng đồng khoa học. Khoa học cần các nhà khoa học quan tâm đến sự tôn trọng các giá trị vốn có của nó: nghiêm cẩn về tri thức và đạo đức, minh bạch trong các quyết định, tránh xa tham nhũng, chủ nghĩa thân quen, đạo văn và gian lận. Không tuân thủ các quy tắc đạo đức này rất tai hại; nó làm xói mòn lòng tin của các nhà khoa học vào quản lý, làm mất động lực và khiến họ không còn quan tâm đến việc cải thiện tình hình hiện tại. Sự lãng phí các nguồn lực mà nó gây ra, mặc dù là gián tiếp, khó định lượng chính xác nhưng là khổng lồ: nó cản trở sự phát triển và ngăn cản đất nước đi lên thoát khỏi tình trạng kém phát triển.
***
Tôi liệt kê trên đây sáu cách tránh lãng phí tài nguyên phổ biến. Người đọc có thể đánh giá mức độ có thể áp dụng của chúng thế nào ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi được áp dụng, nó phải được thực hiện với quyết tâm cao nhất. □

Phạm Ngọc Điệp dịch

Tác giả

(Visited 33 times, 1 visits today)