Nguy cơ suy thoái tài nguyên nước ở ĐB sông Cửu Long

Nước là một trong các yếu tố quan trọng tham gia hình thành diện mạo và sự sung túc không chỉ về nông nghiệp và thủy sản ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà còn là một nhân tố liên quan đến văn hóa và tập quán của cư dân ở đây. Tuy nhiên hiện nay, nhiều nhà khoa học đang cảnh báo nguy cơ suy thoái nguồn nước đang và tiếp tục diễn ra ở vùng châu thổ này.


Cuộc sống bên dòng nước lớn

Đồng bằng sông Cửu Long hình thành từ dòng chảy sông Mekong mang phù sa bồi lắng. Người dân Việt khi đến định cư vùng đất này đã có tập quán chọn các vị trí gần các vùng tập trung nước như hai bên bờ sông rạch, kênh mương, các vùng trũng chứa nước hoặc vùng ven biển. Nhờ nguồn nước dồi dào và trong lành, từ xưa ĐBSCL được cả nước ví như vựa lúa, giỏ cá và rổ trái cây của đất nước.

Mỗi năm sông Mekong chuyển nước qua vùng đất này một khối lượng nước khổng lồ lên đến 450 tỷ m3 nước mỗi năm gây nên hiện tượng “mùa nước nổi” rất đặc thù vào các tháng mùa mưa hằng năm. Nhờ nguồn nước sông Mekong và vị thế đồng bằng ven biển, Việt Nam đã trở thành một điểm nổi bậc trên bản đồ xuất khẩu nông sản thế giới. Lúa gạo Việt Nam không chỉ đảm bảo cho nguồn lương thực cho cư dân trong nước mà góp phần nuôi sống khoảng 40 triệu người ở các nước Châu Á và Châu Phi. Nguồn nước sông Mekong cũng đã tạo ra hệ sinh thái đất ngập nước lớn nhất Việt Nam với sự đa dạng sinh học độc đáo và phong phú.

Cuộc sống, sinh kế và văn hóa của người dân vùng Đồng bằng luôn gắn với sự thay đổi với dòng “nước lớn, nước ròng” của sông Cửu long và hình thành một nền “văn minh sông nước”. Vùng ĐBSCL ngoài sông chính là sông Cửu Long, còn vô số các rạch nhỏ, luồng lạch phức tạp với các vùng đất ngập nước thường kỳ và định kỳ khác nhau, có nhiều phương ngữ mà không một vùng đất nào khác ở miền Bắc và miền Trung phong phú hơn như xẻo, ao, đìa, hào, bàu, lung, láng, đồng, vũng, bãi, đầm, gò, gành, ngọn, doi, vịnh, cồn, cù lao, hòn, đảo,… Để gọi đặc điểm của dòng nước, người dân vùng ĐBSCL có các tên gọi: nước lớn, nước ròng, nước rong, nước cường, nước kém, nước nổi, nước lụt, nước trầm, nước bạc, nước son, nước đục, nước nhảy, nước chụp, nước đứng, nước ngược, nước xuôi, giáp nước, nhồi nước, xiết nước, rải nước,…Về nguồn cung cấp và chất lượng nước thì có những từ: nước trời, nước mưa, nước sông, nước cây, nước ngầm, nước lung, nước đìa, nước mặn, nước ngọt, nước lợ, nước phèn, nước than bùn, …

Vùng đất ở Cà Mau và Kiên Giang đã trở thành nơi dự trữ sinh quyển của thế giới, ngoài ra một vùng đất ngập nước ven biển khác ở cửa sông Hậu cũng đang có kế hoạch xem xét công nhận như một khu dự trữ sinh quyển thứ ba của ĐBSCL.

Nguy cơ suy thoái nguồn nước cận kề

Tuy nhiên, tài nguyên nước ở ĐBSCL đang bị đe dọa suy thoái cả về số lượng và chất lượng cũng như sự thay đổi động thái của dòng chảy theo mùa. Sự suy thoái này có thể do các yếu tố tự nhiên hoặc các yếu tố con người hoặc cả hai yếu tố này cùng tác động. Các số liệu quan trắc thủy văn cho thấy từ trận lũ lịch sử năm 2000 đến nay, dòng chảy mùa lũ từ thượng nguồn xuống vùng đồng bằng ngày càng giảm sút rõ rệt, năm 2010 được xem là năm mà có dòng chảy thấp nhất hàng thập kỷ nay. Lũ thấp kết hợp với tình trạng không khí khô nóng làm nguồn nước hiếm hoi ở vùng đồng bằng bốc thoát hơi mãnh liệt làm nhiều vùng ven biển bị khô hạn nghiêm trọng, nước mặn từ Biển Đông xâm nhập sâu vào đất liền khiến nhiều nơi gặp khó khăn hơn trong việc cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất. Thành phố Cần Thơ từ nhiều năm trước luôn được xem là vùng nước ngọt thì vài năm nay người dân Cần Thơ đã bắt đầu cảm nhận vị mặn từ nguồn nước sông.


Lũ thấp khiến ngư dân ở ĐBSCL giảm thu nhập (Ảnh: Lê Anh Tuấn, 2010)

Lũ thấp khiến nguồn cá tự nhiên giảm sút nghiêm trọng làm nguồn cung cấp đạm cho người dân ít đi. Lượng phù sa cũng ít đi khiến nông dân phải sử dụng phân bón hóa học nhiều hơn. Lũ ít cũng khiến việc vệ sinh đồng ruộng không được đầy đủ khiến các mầm bệnh, sâu bệnh, chuột bọ, các độc chất trong đất không bị rửa trôi khiến việc canh tác nông nghiệp và thủy sản khó khăn hơn.

Hiện tượng sụt giảm tầng nước ngầm cũng rất đáng lưu ý, nhiều nơi nước ngầm sụt giảm 3-5 mét hoặc hơn nữa so với nhiều năm trước. Sự khai thác ồ ạt qua các giếng khoan tư nhân, sự thiếu kiểm soát và chưa có biện pháp quản lý tài nguyên nước dưới đất hữu hiệu hiện nay làm nguồn nước ngầm đang có dấu hiệu xấu đi. Một số nước giếng có sự hiện diện của thạch tín (asenic), nhất là các giếng nước khoan ở các tỉnh như An Giang và Đồng Tháp. Các giếng nước ở vùng ven biển, nhất là các giếng nông, ngoài có sự hiện diện khá cao của ion sắt còn có dấu hiệu nhiễm mặn từ nước biển. Sự sụt giảm nguồn nước mặt còn là nguyên nhân chính khiến phèn tiềm tàng trong đất trở thành phèn hoạt động khiến chất lượng nước và chất lượng đất nhiều nơi trở nên xấu đi.

Sự phát triển kinh tế quá nhanh chóng nhưng thiếu kiểm soát cộng thêm yếu tố gia tăng dân số khiến chất lượng nguồn nước ở ĐBSCL đang trở nên xấu hơn. Việc gia tăng các hình thức thâm canh, tăng vụ trong sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc khiến nguồn nước bị nhiễm dư lượng các loại nông dược, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc kháng sinh, thuốc tăng trọng, các chất hữu cơ chưa phân hủy … Tập quán cất nhà, họp chợ ngay bên sông rạch khiến nguồn nước phải tiếp nhận nhiều chất thải trong sinh hoạt như rác thải, nước thải, chất thải người và gia súc. Hầu hết các tỉnh thành đều có hình thành các khu công nghiệp, khu chế biến và các nhà máy dọc theo ven sông lớn khiến nước thải công nghiệp chưa được xử lý có cơ hội làm chất lượng nước suy thoái tới mức báo động.

Nhiều khảo sát ở các trạm quan trắc môi trường cho thấy chất lượng nước trong các kênh rạch nhỏ ô nhiễm nghiêm trọng vượt qua nhiều lần mức cho phép của tiêu chuẩn nguồn nước khiến khả năng tự làm sạch nguồn nước tự nhiên bị hạn chế. Sự xáo trộn chất lượng nước liên quan đến ô nhiễm hữu cơ, xâm nhập mặn khiến môi trường sống nhiều loài thủy sinh đị đe dọa, hàng trăm vụ tôm, cá, các loài nhuyễn thể đột ngột chết hàng loạt do nguyên nhân nguồn nước bị ô nhiễm đã minh chứng cho thực tại rất đáng lo ngại này.

Tác động kép

Biến đổi khí hậu là yếu tố tạo tác động lên tài nguyên nước ở ĐBSCL. Theo nhiều kết quả mô phỏng toán học theo các kịch bản phát thải khí nhà kính đều cho thấy trong tương lai, nhiệt độ khu vực có xu thế gia tăng dần khiến khô hạn nghiêm trọng hơn, lượng mưa đang thay đổi thất thường, sự phân bố lượng mưa theo tháng đang có dấu hiệu biến động khác với những quy luật nhiều năm trước, bão tố dường như đang có hướng dịch chuyển xuống các tỉnh phía Nam vào cuối năm và khó dự báo hơn.

Hiện tượng nước biển dâng đang diễn ra làm đe dọa tài nguyên nước không chỉ riêng cho các tỉnh vùng ven biển mà cón liên quan đến các vùng nước trong nội địa vùng ĐBSCL. Nước biển dâng cao làm mất đất thu hẹp sản xuất và ảnh hưởng đến năng suất cũng như sản lượng lương thực. Cuộc sống cư dân ngày càng khó khăn hơn do thiếu nguồn nước sinh hoạt và sản xuất. Nhiều dấu hiệu cho thấy ngày càng nhiều người dân nông thôn bỏ lên thành thị để tìm sinh kế mới có ít nhiều liên quan đến sự suy thoái tài nguyên nước cũng như các nguồn tài nguyên liên quan như đất, rừng, sinh vật, …

Tài nguyên nước vùng ĐBSCL còn bị đe dọa do các ảnh hưởng nguy cơ chưa lường hết được từ các công trình khai thác nguồn nước ở các quốc gia thượng nguồn sông Mekong. Hàng loạt đập nước – nhà máy thủy điện đang và sẽ hình thành trên các sông nhánh và cả dòng sông chính ở Trung Quốc, Lào và Campuchia khiến chế độ dòng chảy sẽ thay đổi theo nhu cầu phát điện – bán điện. Trung Quốc và Thái Lan có triển khai các công trình chuyển nước từ sông Mekong sang lưu vực khác trong nội địa của họ khiến nguồn nước thiếu hụt đi, đặc biệt là mùa khô. Campuchia đang có kế hoạch mở rộng các hệ thống thủy nông để gia tăng diện tích canh tác lúa.

Nếu các kế hoạch này này trở nên hiện thực, nguồn nước cho canh tác mùa Đông Xuân ở ĐBSCL trở nên hiếm hoi và nguy cơ xâm nhập mặn sẽ lớn hơn. Ngoài ra, việc phát triển các khu kỹ nghệ ven sông ở các nước thượng nguồn cũng sẽ làm chất lượng nước ở hạ lưu bị đe dọa hơn. Thực tế, vùng ĐBSCL đang bị các tác động “kép” do cả yếu tố biến đổi khí hậu và yếu tố đập nước trên sông ở thượng nguồn đống  ảnh hưởng lên tài nguyên nước khu vực.

Thay lời kết

Việc tìm kiếm giải pháp hiện nay và tương lai cho vấn đề bảo tồn, bảo vệ tài nguyên nước ở ĐBSCL ngày trở nên phức tạp và khó khăn hơn. Điều quan trọng là cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các nhà khoa học và nhà quản lý liên quan đến tìm một chiến lược trước mắt và lâu dài cho vùng đồng bằng. Công tác dự báo và quy hoạch tài nguyên nước cần xem xét đến các kịch bản khai thác và sử dụng nước khác nhau. Việc tổ hợp các nguy cơ suy thoái nguồn nước và như cầu nước ở thời điểm cao nhất cần phải xem xét cẩn thận. Ngoài ra, việc khôn khéo trong thương lượng và thuyết phục với các quốc gia thượng nguồn trong vệc chia xẻ nguồn nước trên sông là rất cần thiết. Bản thân người dân trong vùng ĐBSCL cần phải có ý thức cao hơn trong việc bảo vệ tài nguyên nước, nghiên cứu việc chọn lựa các biện pháp tiết kiệm nước trong sản xuất và sinh hoạt có ý nghĩa lớn. Bên cạnh đó, phía nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện và mạnh mẽ hơn các cơ chế pháp lý và chế tài trong việc bảo vệ chất lượng nước.

Chúng ta nên xem nguồn nước trong lành không chỉ là của cải quý giá cho cuộc sống hiện tại mà là nguồn vật chất và tinh thần bền vững để lại cho thế hệ về sau. 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)