Nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh: Phương thức tuyển chọn chưa thực sự hiệu quả

Danh mục đề tài, dự án, đề án KH&CN năm 2015 và chuẩn bị cho năm 2016 của nhiều tỉnh, thành phố đã được đăng tải trên các trang web, với cơ chế tài chính khoán gọn, định mức chi cao hơn. Nhưng với phương thức tuyển chọn hầu như chưa mấy thay đổi, chất lượng đề tài, dự án các địa phương được xét duyệt chưa thực sự được cải thiện.

Năm nay là năm thứ hai các tỉnh, thành phố thực hiện quy định mới về việc xác định nhiệm vụ KH&CN (đề tài, dự án, đề án khoa học…) theo phương thức mới. Đó là cơ chế đặt hàng nhiệm vụ KH&CN.

Trước đây, các đơn vị, cá nhân trực tiếp gửi đề xuất về Sở KH&CN tổng hợp, rồi tổ chức các hội đồng tư vấn để tuyển chọn. Còn hiện nay, các đơn vị, cá nhân gửi đề xuất về các sở, ngành, các huyện xem xét lựa chọn (có thể gọi là sơ tuyển) để đề xuất đặt hàng với tỉnh. Trên cơ sở nguồn đề xuất đặt hàng đó, UBND tỉnh trực tiếp ra quyết định hoặc ủy nhiệm cho Sở KH&CN thành lập các Hội đồng tư vấn tuyển chọn cấp tỉnh theo từng lĩnh vực. Kết quả tư vấn tuyển chọn cấp tỉnh được gửi lên UBND tỉnh để UBND tỉnh xem xét quyết định. Có nơi, UBND tỉnh chấp thuận kết quả tư vấn tuyển chọn. Có nơi UBND tỉnh điều chỉnh, thêm bớt. Cẩn trọng hơn, có nơi UBND tỉnh còn trình ra HĐND tỉnh, Ban Thường vụ tỉnh ủy cho ý kiến và HĐND tỉnh, Ban Thường vụ tỉnh ủy cũng có chỉ đạo điều chỉnh.

Tuy nhiên, cho đến nay, việc xét duyệt các nhiệm vụ KH&CN ở địa phương vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế.   

Đề tài trùng lặp và thiếu thiết thực

Việc xác định nhiệm vụ KH&CN, tựu trung là xác định tên, mục tiêu, nội dung nghiên cứu và sản phẩm dự kiến đạt được. Mấu chốt ở đây là vấn đề nghiên cứu phải mới, không trùng lặp, xét trong phạm vi cả nước, chứ không tách biệt từng địa phương. Nhưng trong thực tế, các tỉnh, thành phố chưa quan tâm nhiều đến yêu cầu này, dẫn đến tiếp tục tái diễn tình trạng trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật hằng năm có tới hơn 1.000 đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh, với kinh phí bình quân lên đến 600-800 triệu đồng/đề tài, dự án, nhưng sản phẩm được đăng ký bằng sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc giống cây trồng rất hãn hữu.

Hằng năm có tới hơn 1.000 đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh, với kinh phí bình quân lên đến 600-800 triệu đồng/đề tài, dự án, nhưng sản phẩm được đăng ký bằng sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc giống cây trồng rất hãn hữu.

Đối với, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, yêu cầu là nhiệm vụ nghiên cứu phải tạo ra được luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ cho việc hoạch định chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, nhìn chung các địa phương chưa xác định rõ phạm vi nhiệm vụ nghiên cứu KHXH&NV của mình, nên việc xác định nhiệm vụ có phần chưa chặt chẽ, thường trùng lặp với chức năng nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan, đơn vị chưa tập trung vào những nhiệm vụ có triển vọng chuyển hóa thành những chủ trương, cơ chế, chính sách mới thiết thực gắn với đặc thù của địa phương.

Nhầm lẫn trong hình thức nhiệm vụ KH&CN

Về hình thức nhiệm vụ KH&CN, ở cấp địa phương, có ba dạng phổ biến nhất là đề tài, đề án và dự án sản xuất thử nghiệm. Trước hết cần phân biệt đề tài hay đề án bởi cơ cấu, mẫu phiếu nhận xét, barem nội dung thảo luận của Hội đồng tư vấn đề tài và đề án đều khác nhau. Nhưng phần lớn các địa phương không quan tâm phân biệt, hầu hết tất cả cho vào nhóm đề tài, khiến việc tổ chức một hội đồng để xác định nhiệm vụ KH&CN không thể chuẩn xác.

Một tồn tại phổ biến khác ở các địa phương là nhầm lẫn về dự án sản xuất thử nghiệm và dự án xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN. Mục đích chủ yếu của dự án sản xuất thử nghiệm là hoàn thiện và thương mại hóa công nghệ mới. Còn dự án xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ mới là xây dựng địa bàn, cơ sở sản xuất để nhân rộng trong thực tế. Phân biệt hai dự án này là rất cần thiết, vì cơ chế đầu tư khác nhau. Nhưng nhiều địa phương lại coi các công nghệ đã được công bố, đã được thương mại hóa khi chuyển giao ứng dụng vào địa phương cũng là dự án sản xuất thử nghiệm. Đúng ra, đây là dạng nhiệm vụ KH&CN liên kết do doanh nghiệp đầu tư, Nhà nước hỗ trợ 30-50% không thu hồi, hoặc là nhiệm vụ KH&CN tương tự như nhiệm vụ xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật hay công nghệ mới thuộc Chương trình KH&CN phục vụ nông nghiệp nông thôn và miền núi.    

Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KH&CN bị quá sức

Theo quy định, Hội đồng tư vấn được thành lập theo chuyên ngành. Nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia hay cấp bộ đều được thực hiện như vậy. Nhưng trong thực tế, nhiều địa phương vẫn theo truyền thống thành lập ba hội đồng theo ba khối: Khối các ngành nông lâm nghiệp, khối các ngành công nghiệp, và khối các ngành xã hội.
Cũng theo quy định, mỗi hội đồng cấp tỉnh có chín ủy viên, trong đó Hội đồng Đề tài thì có sáu ủy viên chuyên sâu về ngành, lĩnh vực nghiên cứu, với hai ủy viên phản biện, ba ủy viên khác là các nhà quản lý và đại diện của các ngành, đơn vị, doanh nghiệp dự kiến thụ hưởng kết quả nghiên cứu. Còn Hội đồng Đề án KH&CN có sáu ủy viên là các nhà quản lý và đại diện đơn vị thụ hưởng sản phẩm nghiên cứu, ủy viên chuyên ngành chỉ có ba. Hội đồng tư vấn cấp tỉnh vốn là hội đồng mùa vụ, kiêm nhiệm. Tùy thời điểm, Sở KH&CN đàm phán được ai thì ra quyết định thành lập Hội đồng hoặc trình tỉnh quyết định thành lập Hội đồng.

Việc tổ chức hội đồng theo khối gồm nhiều ngành như trên là quá rộng, không thể bảo đảm cơ cấu theo quy định. Được thành phần này thì khuyết thành phần khác, nhất là trong trường hợp đưa nhóm đề án chung Hội đồng với nhóm đề tài. Dẫn đến các ủy viên ngành này lại “phán” cho hàng loạt ngành khác. Như vậy là vượt quá khả năng chuyên sâu của các ủy viên, nhất là ủy viên phản biện. Mặt khác, việc tra cứu cung cấp thông tin của Trung tâm Thông tin KH&CN địa phương cũng còn sơ sài. Mức độ nắm bắt quy định của Nhà nước, am hiểu vấn đề nghiên cứu và tra cứu thông tin liên quan của các ủy viên rất khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. Kết quả bỏ phiếu không tránh khỏi bị ảnh hưởng của yếu tố cảm tính.

Mặt khác, Hội đồng tư vấn tổ chức theo khối gồm nhiều ngành làm cho số lượng hồ sơ tư vấn rất lớn, có thể lên tới 15-30 hồ sơ mỗi hội đồng. Trong khi thời gian làm việc của hội đồng thường chỉ có một buổi, dẫn đến Hội đồng chỉ kịp thảo luận và bỏ phiếu lựa chọn những nhiệm vụ cần thực hiện để trình tỉnh đặt hàng, không kịp hoàn thiện tên, nội dung, sản phẩm KH&CN của từng nhiệm vụ theo quy định. Những vấn đề đó Hội đồng thường ủy nhiệm cho Sở KH&CN hoàn thiện. Rốt cuộc, Sở KH&CN lại phải cần đến sự phối hợp của bên đề xuất, đặt hàng. Mặc dù theo quy định mới, chế độ thù lao cho các ủy viên Hội đồng tư vấn đã được nâng lên đáng kể, gấp ba – bốn lần mức cũ, nhưng xem ra, với cách thức tổ chức như hiện nay thì chất lượng làm việc của Hội đồng rất khó được cải thiện.

Dồn ép về thời gian

Việc đề xuất, đặt hàng và tư vấn xác định nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp bộ được tiến hành làm nhiều đợt trong năm. Tương tự như vậy, một số tỉnh, thành phố cũng tiến hành làm nhiều đợt. Đợt trước chưa chọn đủ số đề tài dự án có chất lượng thì tiếp tục đề xuất, đặt hàng và tuyển chọn đợt sau. Như vậy, việc đề xuất, đặt hàng và tư vấn tuyển chọn tránh bị gò ép cho đủ số lượng. Khối lượng công việc của Hội đồng tư vấn cũng không bị quá tải làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả tư vấn. Các khâu công việc tiếp theo như tuyển chọn đơn vị chủ trì và cá nhân chủ nhiệm, tổ chức kiểm tra, đánh giá nghiệm thu, thanh quyết toán kinh phí về sau cũng được rải ra, tránh bị dồn dập vào cùng khung thời điểm.

Nhưng còn rất nhiều tỉnh đến nay vẫn chỉ tổ chức một đợt vào cuối năm, dẫn đến kết quả tư vấn tuyển chọn không tránh khỏi gò ép cho đủ số lượng đề tài, dự án để giải ngân hết chỉ tiêu kinh phí được giao. Các khâu công việc về sau cũng bị dồn ép về thời gian, không tránh khỏi ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu quả. 

Một số giải pháp nâng cao chất lượng đầu tư nhiệm vụ KH&CN ở địa phương:

– Thực hiện đúng quy định về tiêu chí sản phẩm của nhiệm vụ KH&CN trong từng lĩnh vực.
– Xác định rõ hình thức nhiệm vụ KH&CN như đề tài, đề án hay dự án; dự án thì dự án sản xuất thử nghiệm hay dự án xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN, dự án liên kết của doanh nghiệp.
– Thành lập hội đồng tư vấn chuyên ngành hoặc khối ngành trực tiếp có quan hệ với nhau, thành lập hội đồng tư vấn đề tài riêng, hội đồng tư vấn đề án riêng.
– Tổ chức đề xuất, đặt hàng và tư vấn xác định nhiệm vụ KH&CN làm nhiều đợt trong năm.
– Thành lập quỹ phát triển KH&CN cấp tỉnh. Chuyển từ cơ chế đầu tư hoàn toàn bao cấp sang cơ chế vừa đầu tư, vừa hỗ trợ, cho vay, bảo lãnh, góp vốn ươm tạo công nghệ, đưa công nghệ mới vào sản xuất. 


——-
Tít bài do Tia Sáng đặt.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)