Nhiều chưa hẳn tốt

Mười năm trước chúng ta khuyến khích đưa kết quả nghiên cứu lên tạp chí quốc tế. Giờ đến lúc phải xem chất lượng và hiệu quả là mục tiêu hàng đầu.

Công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí quốc tế (CBQT) là chủ đề được xới lên trên Tia Sáng cách đây hơn mười năm. Song những lập luận và bằng chứng cổ vũ cho CBQT lúc ấy vẫn chưa đủ sức thuyết phục số đông vốn cho rằng nghiên cứu khoa học cốt tạo ra những gì thiết thực cho đất nước, đâu cần những sản phẩm hàn lâm như bài báo quốc tế. Cho nên chưa thể có bước đột phá nếu không có các tác động khác như áp lực hội nhập quốc tế lên các trường đại học sau khi Việt Nam gia nhập WTO cộng với những chấn động từ các bảng xếp hạng đại học (dựa trên chỉ số trích dẫn bài báo quốc tế) liên tục dội đến nước ta. Năm 2009, NAFOSTED ra đời xem CBQT là điều kiện tiên quyết để đề tài được tài trợ, Quy chế phong giáo sư cũng đã sửa đổi để CBQT được tính điểm cao hơn các ấn phẩm nội địa. Cuối cùng, trong Chiến lược phát triển KHCN 2011-2020, CBQT được chính thức xem như một trong năm tiêu chí cơ bản. Song những đổi mới này vẫn chưa đủ sức lay chuyển cả hệ thống bị hành chính hóa1, không có chỗ cho các cơ chế tự nhiên phát huy tác dụng.

Chúng ta du nhập KHCN từ các nước tiên tiến, nơi các cơ chế tự nhiên ấy phát sinh và tồn tại qua nhiều thế kỷ cho đến ngày nay, nhưng chúng ta chỉ bắt chước những thứ bề nổi bên ngoài, còn cốt lõi bên trong thì làm theo cách của mình, chẳng hạn như từ chối đưa kết quả nghiên cứu lên diễn đàn quốc tế để tri thức mới được đồng nghiệp đánh giá, sử dụng và phát triển.

Thông điệp từ lịch sử

Công bố những khám phá mới ra công chúng vốn là bản năng con người. Theo truyền khẩu, Archimede nhảy ngay ra khỏi bồn tắm sung sướng reo lên “eureka”, quên mặc cả áo quần, sau khi bất ngờ phát hiện ra cách tính lực đẩy lên vật chìm trong nước, sau này khoa học gọi là định luật Archimede. Galileo mời công chúng đến tháp nghiêng Pisa để tận mắt chứng kiến hai vật nặng nhẹ khác nhau rơi xuống đất cùng một lúc, bác bỏ hoàn toàn tín điều tồn tại hàng nghìn năm từ thời Aristotle.

Khi tri thức mới ngày càng phức tạp, cần phải có cách phổ biến chính quy hơn. Các trường đại học xuất hiện từ cuối thế kỷ 11 ở châu Âu (Bologna, Oxford…) khi kỹ thuật in ấn còn quá mất thời gian nên giảng đường đại học là nơi nhà nghiên cứu có thể giải thích và phổ biến ngay những tri thức mới nhất cho sinh viên. Đại học còn là nơi tri thức được nhân lên, thầy giáo đào tạo ra học trò, thế hệ sau đông hơn, mạnh hơn. Khoa học nhờ đó tự thân vận hành theo quy luật tích lũy và kế thừa, đội ngũ và khối lượng tri thức tăng lên theo cấp số nhân. Thế là ngay từ đầu, khoa học với đại học là một, nhiều phát minh khoa học vĩ đại nhất đều từ các “tháp ngà” đại học mà ra. Sau thế chiến II, tuy có nhiều viện nghiên cứu chuyên ngành của nhà nước và doanh nghiệp xuất hiện, nhưng cỗ máy chính sản sinh ra tri thức mới vẫn là các trường đại học.

Tri thức ngày càng nhiều lại cần cơ chế chọn lọc để chỉ những tri thức mới được phổ biến và trao đổi giữa các chuyên gia, đó chính là những diễn đàn như tạp chí khoa học. Tạp chí đầu tiên “The Phylosophical Transactions of the Royal Society” xuất hiện ở Anh năm 1665. Về sau, các tạp chí nổi tiếng khác lần lượt xuất hiện ở Mỹ và châu Âu. Từ đây, tri thức khoa học được quốc tế hóa, tạo nên mặt tiền tri thức của nhân loại. Có thể nói, tạp chí khoa học quốc tế là ấn tích của mặt tiền tri thức ở mọi thời đại, giống như những lớp trầm tích trong các địa tầng.

Phía trước mặt tiền là miền tối ngày càng co lại nhờ có nghiên cứu khoa học. Đã là nhà nghiên cứu, ai cũng phải có chỗ đứng trên mặt tiền này. Từ số đông ấy luôn nổi lên những người mở đường, rọi ánh sáng vào bóng tối cho nhiều người khác tiến theo. Những công trình của họ, thường không nhiều, nhưng có ảnh hưởng rất lớn, được hàng nghìn người trích dẫn sử dụng trong thời gian dài. Họ không sinh ra từ tiền và quyền mà từ môi trường tự do học thuật. Ở họ, tài năng là do niềm đam mê sáng tạo và do họ biết “đứng trên vai những người khổng lồ” 2.

Trước đây, tạp chí khoa học in trên giấy chiếm không ít chỗ trong các thư viện. Để giảm bớt khó khăn trong việc tra cứu thông tin, Viện Thông tin khoa học ISI, Mỹ, đã đưa ra khái niệm chỉ số trích dẫn (citation index) giúp nhà nghiên cứu tiếp cận với những bài báo đã công bố trước đó có liên quan đến đề tài của mình. Năm tập Science Citation Index (SCI) đầu tiên phát hành trên giấy năm 1964 bao quát 613 tạp chí khoa học tự nhiên và 1,4 triệu trích dẫn. Về sau, SCI còn phát hành trên băng từ và đĩa CD. 

Thành tích nghiên cứu khoa học lại được lượng hóa trên cùng một mặt bằng quốc tế chung, nhờ đó từng nhà khoa học, từng cơ sở nghiên cứu cho đến mọi quốc gia đều có thể tự biết mình đang ở đâu trên sân chơi chung của thế giới.

Đến cuối thế kỷ 20, internet xuất hiện cùng với những công cụ tìm kiếm và kết nối cực mạnh trên mạng toàn cầu (www) đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo các tạp chí khoa học cũng như cách phổ cập tri thức mới. Các bài báo khoa học được số hóa, có thể truy cập qua máy tính từ khắp nơi trên thế giới. Một số trang mạng cung cấp công cụ tìm kiếm và chỉ số trích dẫn như Web of Science của ISI kết nối với hơn mười nghìn tạp chí hàng đầu thế giới bao gồm cả khoa học tự nhiên, xã hội, nhân văn và nghệ thuật, SCOPUS bao quát nhiều đầu ấn phẩm hơn. Nhưng phổ cập và giản tiện nhất vẫn là Google Scholar kết nối với tất cả ấn phẩm khoa học trên mạng. Chỉ cần hai lần nhấp chuột từ Google (Google Scholar + tên tác giả) là có thể biết nhà khoa học nào đã công bố bao nhiêu công trình, nội dung tóm tắt từng công trình, và được ai trích dẫn. Vì diện bao quát rộng hơn nên chỉ số trích dẫn theo Google Scholar bao giờ cũng cao hơn hai trang trên. Với các công cụ mới này, khoa học bớt tù mù hơn, nhà nghiên cứu đích thực không thể bị nhầm lẫn với những người được thổi lên rồi dán cho cái mác khoa học.

Với bước đột phá internet, thành tích nghiên cứu khoa học lại được lượng hóa trên cùng một mặt bằng quốc tế chung, nhờ đó từng nhà khoa học, từng cơ sở nghiên cứu cho đến mọi quốc gia đều có thể tự biết mình đang ở đâu trên sân chơi chung của thế giới. Tận dụng tiện ích này, năm 2004 trường Đại học Giao thông Thượng Hải lần đầu tiên đã xếp hạng 500 đại học hàng đầu thế giới lấy công bố SCI làm tiêu chí chủ đạo. Từ đó, khắp nơi dấy lên cao trào xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế, xem nghiên cứu khoa học đỉnh cao là một trong những nhiệm vụ trung tâm của nhà trường hiện đại.

Hệ thống đại học Việt Nam đã nhanh chóng nhập cuộc vào cao trào này. Các thầy giáo đại học giờ đây cảm thấy bị sức ép khi sinh viên có thể biết rõ thành tích khoa học của mình chỉ cần qua vài lần nhấp chuột từ trang Google. Họ bắt buộc phải vươn lên tìm chỗ đứng trên mặt tiền khoa học thế giới để khẳng định chỗ đứng trên bục giảng của mình. Đại học nước nhà có thêm nguồn động lực mới.

Công bố quốc tế của Việt Nam

Theo thống kê của Viện Thông tin, Bộ KH&CN, năm 2004 các nhà khoa học Việt Nam công bố 8400 bài báo trên các ấn phẩm nội địa, trong khi đó, theo thống kê của Viện Thông tin khoa học ISI, Mỹ, chỉ có 507 bài xuất hiện trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục SCI. Nhưng phần lớn các CBQT có địa chỉ Việt Nam được tiến hành ở những phòng thí nghiệm tiên tiến trên thế giới, hoặc người nước ngoài làm tác giả chính. Số công trình gửi đi từ trong nước, do chính người Việt thực hiện, chỉ chiếm một phần ba, dẫn đầu là toán và vật lý lý thuyết. Rất ít công trình về thực nghiệm, kỹ thuật và công nghệ. Khoa học xã hội và nhân văn, vốn áp đảo trong các ấn phẩm nội địa (54%), hầu như vắng bóng trên diễn đàn SCI.

Nhìn sang các nước Đông Á, CBQT của Việt Nam vào loại thấp nhất (xem biểu đồ). Tính trên một triệu dân, năm 2004 Việt Nam chỉ công bố 6 bài SCI, xấp xỉ Philippines (7 bài), hơn Indonesia (3), kém Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc (40 – 60), mấy nước này còn tụt lại sau xa tốp “rồng” châu Á (580 -1500 bài). Mức chênh lệch hàng trăm lần giữa các nước Đông Á về CBQT phản ảnh mối quan hệ tương hỗ giữa nghiên cứu khoa học với phát triển kinh tế – xã hội 3. Nghiên cứu khoa học thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội thông qua giáo dục, văn hóa, đổi mới công nghệ và ra quyết định về chính sách. Ngược lại, kinh tế tăng trưởng sẽ tạo điều kiện gia tăng đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Cho nên số CBQT tính trên một triệu dân có thể xem như tiêu biểu cho trình độ phát triển của đất nước. Không vươn lên các diễn đàn khoa học quốc tế đồng nghĩa với tụt hậu, và chịu kẹt trong bẫy thu nhập trung bình thấp.

Trong mấy năm gần đây số CBQT tăng với tốc độ 17%/năm. Toán và vật lý lý thuyết không còn áp đảo nữa, nhiều ngành khác đã có mặt trên mặt tiền thế giới. Dự báo năm 2020 Việt Nam có thể công bố khoảng 7000 bài báo SCI, song chạy theo số bài báo SCI với tốc độ tăng trưởng 20% như Chiến lược đề ra sẽ mang lại lợi ích gì cho khoa học và đất nước?

Những năm gần đây CBQT đã được nhìn nhận tích cực hơn ở nước ta nên tăng trưởng rất nhanh. Từ 2006, số bài báo tính trên một triệu dân đã vượt Philippines, đang đuổi theo tốp Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc, tuy vẫn còn hàng trăm lần cách xa các nước “rồng” có nền công nghiệp tiên tiến. Trong mấy năm gần đây số CBQT tăng với tốc độ 17%/năm. Toán và vật lý lý thuyết không còn áp đảo nữa, nhiều ngành khác đã có mặt trên mặt tiền thế giới. Dự báo năm 2020 Việt Nam có thể công bố khoảng 7000 bài báo SCI.

Những con số khá ấn tượng, song chạy theo số bài báo SCI với tốc độ tăng trưởng 20% như Chiến lược đề ra sẽ mang lại lợi ích gì cho khoa học và đất nước? Câu trả lời là nhiều chưa hẳn tốt, như sẽ phân tích ở phần sau.

Sân chơi nội địa

Cho đến nay phần lớn kết quả nghiên cứu ở nước ta đều đăng trên các tạp chí nội địa. Nhưng chưa có tạp chí nào lọt vào danh mục SCI, kể cả một số tạp chí bằng tiếng Anh. Chuẩn mực trên sân chơi của chúng ta còn cách xa thế giới. Công bằng mà nói, một số bài báo nội địa có tiềm năng đăng được trên tạp chí quốc tế nếu tác giả có động lực để vượt qua khoảng cách giữa công trình nghiên cứu được nghiệm thu trong nước theo chuẩn mực hành chính với bài báo SCI với chuẩn mực cao hơn nhiều.

Thiếu động lực vì thang giá trị học thuật bị lệch lạc bởi cơ chế hành chính. Trên thực tế, không dễ gì xác lập được chỗ đứng trên mặt tiền khoa học thế giới, song thành tích này lại không mấy ảnh hưởng đến chỗ đứng của nhà khoa học trong hệ thống Việt Nam, nơi mà nhà nghiên cứu chuyên nghiệp chưa bằng vai phải lứa với một quan chức hành chính cấp phòng ban. Chẳng ai săm soi xem anh có bao nhiêu CBQT để được tuyển dụng và đề bạt, như thông lệ ở các nước tiên tiến. Bởi ngay đến chức danh giáo sư, tiến sỹ, những tướng lĩnh cầm quân trên trận địa khoa học và đại học, cũng chỉ cần đóng dấu chất lượng qua những ấn phẩm nội địa. Bài báo quốc tế tuy được khuyến khích, có điểm số cao hơn bài báo nội địa, song không phải là yêu cầu bắt buộc như một loại điểm sàn để được phong giáo sư, như ở các nước. Thật trớ trêu khi các vận động viên trẻ tuổi của ta hăng hái bước lên vũ đài quốc tế để so tài, thì các học giả lại hài lòng với cuộc chơi trên sân nhà.

Ngân sách nhà nước dành cho khoa học tăng theo GDP, nhưng kinh phí đề tài lại “lạm phát” nhanh hơn nhiều, đề tài tiền tỷ hiện rất phổ biến.

Chúng ta có 14 chương trình trọng điểm cấp nhà nước, hàng nghìn đề tài cấp Bộ và cấp cơ sở, hàng loạt nghị định thư với nước ngoài, và vô số dự án, nhiệm vụ quản lý hành chính “ăn theo” khoa học. Không thấy đâu ghi rõ Nhà nước phải rót bao nhiêu tiền vào từng đề tài, dự án. Song dung lượng chiếc hộp đen này không thể quá bé so với 2% ngân sách Nhà nước dành cho khoa học công nghệ, nay đã vượt con số 800 triệu USD.

Sân chơi này vận hành theo cơ chế hành chính, do các quan chức hành chính cầm cân nảy mực. Đề tài các cấp được xét duyệt và nghiệm thu theo kiểu hợp đồng kinh tế (như ra đầu bài, đấu thầu, tuyển chọn, kiểm tra tiến độ v.v…,), hình hài sản phẩm phải được hứa hẹn khi xét duyệt và mục sở thị khi nghiệm thu (quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn nhà nước, phần mềm, số cơ sở sử dụng các kết quả v.v…). Nghiệm thu xong, công trình nghiên cứu xem như chấm dứt, tủ hồ sơ của Bộ KH&CN có thêm quyển mới, còn tác giả lại lao tiếp vào đề tài khác để tồn tại. Kết quả nghiên cứu không đến được đồng nghiệp quốc tế. Tác giả và thủ trưởng đơn vị đều không có trách nhiệm phải quan tâm đến số phận các kết quả nghiên cứu ấy trong tương lai.

Nhưng bài báo quốc tế lại không đòi hỏi vì chuẩn mực của nó cao hơn nhiều. Nó phải có phát hiện mới, tính độc đáo, góp phần đẩy hướng nghiên cứu lên phía trước, và phương pháp luận hiện đại. Không cần hội đồng đông người, chỉ một vài phản biện quốc tế lắc đầu vì không hội đủ những tiêu chí trên, bài báo sẽ bị từ chối ngay.

Vì thiếu cơ chế chọn lọc tự nhiên và kế thừa nên tri thức, đội ngũ, và nhân tài khoa học không thể phát triển. Trong khi đó, kinh phí đề tài lại có thể du di với biên độ rất lớn để cơ chế xin cho, ban phát, phát huy hết cỡ. Nhiều đề tài tiền tỷ mới nghe tên đã choáng, song lại được xét duyệt và nghiệm thu dễ dàng. Dễ hiểu tại sao nạn gian dối – điều tối kỵ trong nghiên cứu khoa học – lại lên ngôi trong những năm gần đây. Khi khai gian, khai khống các chứng từ được mặc nhiên chấp nhận (việc này báo chí đã lên tiếng quá nhiều), thì bịa số liệu, đạo văn…, còn gì phải ngần ngại. Chung sống với gian dối, khoa học sẽ tự hủy diệt, biết vậy mà không ai trong giới quyền lực tìm cách ngăn chặn.

Vì ngăn chặn phải ngay từ gốc. Phải trả những cơ chế tự nhiên lại cho hoạt động tư duy sáng tạo, đừng để cơ chế hành chính đẩy nền khoa học đi quá xa. Có thể một số người “trong cuộc” không đồng tình với kết luận này, nên cách tốt nhất là cùng nhau đi tìm bằng chứng. Không khó, chỉ cần lục lại đống hồ sơ các đề tài tiền tỷ đã được nghiệm thu hơn 5 năm về trước và đang nằm trong tủ của Bộ KH&CN để thấy những “hiệu quả thiết thực” được hứa hẹn trước đây hiện đang ở đâu? Bao nhiêu phần trăm những kết quả nghiên cứu đang được sử dụng? Câu trả lời sẽ cho ta cơ sở để đổi mới tư duy và cách quản lý khoa học. Để làm được việc này lại cần phải bạch hóa các đề tài tiền tỷ đã được nghiệm thu. Đây là những việc rất đáng làm, nhất là đúng dịp kế hoạch năm năm và nhiệm kỳ Bộ trưởng sắp kết thúc.

NAFOSTED

Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia – NAFOSTED ra đời năm 2009 như bước đột phá đầu tiên đưa cơ chế chọn lọc tự nhiên vào hoạt động nghiên cứu khoa học và tạo ra một sân chơi tương đối minh bạch. Quỹ lấy bài báo đăng trên tạp chí có uy tín thuộc danh mục SCI làm “mức sào” tối thiểu. Ai vượt qua mức sào SCI sẽ được Quỹ cấp kinh phí, tạm đủ sống bằng lao động của mình. Tính đến tháng 11/2013 đã có 700 bài báo xuất hiện trên tạp chí thuộc danh mục SCI, và trong tài khóa 2013-2014 có hơn 300 đề tài nữa đã được NAFOSTED duyệt cấp kinh phí.

Như một luồng gió mới, NAFOSTED đã cải thiện đáng kể không khí học thuật ở các viện và trường đại học. Tuy trong Chiến lược phát triển KHCN, trường đại học chưa được xem là cỗ máy chính như hai Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (mà điều này cần được xem xét lại!), song một số tín hiệu đáng khích lệ đã xuất hiện.Trường đại học chiếm quá một nửa số đề tài NAFOSTED, trong đó có sự góp mặt của rất nhiều trường đại học dân lập địa phương. Khoa học xã hội và nhân văn cũng đã góp mặt. Những đốm sáng xuất hiện đó đây bên ngoài Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Có điều, chúng thiếu chất kết dính hữu cơ để có thể chờ đợi một sức mạnh tổng hợp. Điều này dễ hiểu với cách làm “từ dưới lên” và “đánh trống ghi tên” như hiện nay.

Bước đột phá thứ hai được ghi nhận khi CBQT trở thành một trong năm mục tiêu cơ bản của Chiến lược phát triển KHCN, theo đó đến trước 2020 sẽ phấn đấu “tăng số CBQT từ những đề tài sử dụng kinh phí nhà nước trung bình 15-20%/năm”. Trên thực tế, chỉ tiêu này đã về đích trước thời hạn, số CBQT của Việt Nam đang gia tăng hằng năm 17%/năm (xem biểu đồ). Trong số này có đóng góp từ NAFOSTED.


Chú thích: Năng lực nghiên cứu khoa học của 11 nước Đông Á tính theo số bài báo SCI trên một triệu dân. Số liệu truy cập trên ISI Web of Knowledge, bản quyền Cục Thông tin khoa học, Bộ KH&CN. Lưu ý số lượng bài báo nhiều hơn so với lần truy cập trước đây năm 20103 do nhiều tạp chí được đưa thêm vào danh mục SCI. 

Không chạy theo số lượng

Mười năm trước chúng ta khuyến khích đưa kết quả nghiên cứu lên tạp chí quốc tế. Giờ đến lúc phải xem chất lượng và hiệu quả là mục tiêu hàng đầu. Đầu tư cho khoa học sẽ không hiệu quả nếu sản sinh ra quá nhiều bài báo SCI nhưng lại ít được ai sử dụng. Dữ liệu trên ISI truy cập trước 2010 cho thấy hơn 10% những bài báo có địa chỉ Việt Nam sau 5-6 năm vẫn không được ai trích dẫn. Giảm bớt những bài báo không được ai trích dẫn cũng sẽ làm tăng chất lượng và hiệu quả các CBQT.

Cũng vậy, CBQT sẽ không mang lại lợi ích cho đất nước nếu kinh phí khoa học ngày càng tăng mà đội ngũ chuyên nghiệp cứ teo dần, một tình trạng khá phổ biến hiện nay ở nhiều nơi. Cho nên bên cạnh chỉ số trích dẫn, số người được đào tạo và trưởng thành phải là tiêu chí quan trọng khi đánh giá hiệu quả đầu tư cho nghiên cứu khoa học.

Những bài báo NAFOSTED đầu tiên đang đủ độ trễ thời gian để được đồng nghiệp trích dẫn và sử dụng. Cập nhật những thông tin trích dẫn cho từng ngành, từng cơ sở nghiên cứu rồi so sánh với các nước là việc rất cần làm để thấy được chúng ta đang ở đâu và tăng nhanh số lượng CBQT phải chăng là mục tiêu cần phấn đấu trong thời gian trước mắt.
——————–
1 Khoa học Việt Nam kẹt trong phi chuẩn mực, hành chính hóa và tư duy ăn xổi. (Dân Trí, 07/01/2013). 
2“Stand on the shoulders of giants”, câu châm ngôn trên trang chủ Google Scholar. 
3So sánh năng lực nghiên cứu khoa học của 11 nước Đông Á (Higher Education 60, 615-625, 2010; Tia Sáng số 13 – 5.7.2010).

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)