Nhu cầu về danh sách các tập san “dởm”

Sau khi danh sách các tập san “dởm” của Beall bị đóng cửa, giới học thuật vẫn đang mong chờ một danh sách công khai các nhà xuất bản có vấn đề.

Năm 2010, Jeffrey Beall, một quản trị viên thư viện tại ĐH Colorado Denver đã thống kê hàng nghìn tập san và nhà xuất bản mở mà ông cho rằng đang lừa dối các tác giả bằng cách thu phí xuất bản nhưng không đi kèm với các công việc như bình duyệt hay biên tập. Vào tháng 1/2017, Beall đã đóng cửa blog gây tranh cãi của mình do “sức ép” từ bên thuê ông – mặc dù cấp trên và lãnh đạo trường đã phủ nhận điều này và gọi đây là quyết định cá nhân của Beall.

Tuy nhiên, các bản sao lưu “dach sách đen” đó đã xuất hiện phổ biển trên mạng. Quản trị viên ẩn danh của một website đăng tải “danh sách đen” này tự nhận là một trợ lý nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên tại một viện nghiên cứu ở châu Âu, nhận định, mối quan tâm ngày càng gia tăng [của người truy cập] trên trang web đăng tải “danh sách đen” cho thấy vẫn còn một niềm “khao khát giá trị học thuật” đối với các “danh sách đen” về các tạp chí “dởm”. Nhân vật này giữ liên hệ với Nature qua e-mail và từ chối cung cấp các chi tiết có thể giúp cung cấp thêm thông tin về mình, điều đó cho thấy nỗi sợ hãi về sự phiền nhiễu có thể đến.

Trang web của họ ban đầu được sử dụng cho mục đích cá nhân nhưng sau đó bắt đầu nhận được email của các viện nghiên cứu hỏi về chất lượng của các tập san hiện nay. Thi thoảng, các nhà khoa học đánh dấu những tập san mà họ tin rằng có vấn đề hay đôi khi cáo buộc nghiên cứu hay danh tính của họ bị nhà xuất bản “dởm” ăn cắp.

Nếu tên tạp chí chưa được liệt kê, người quản trị website nói rằng họ sẽ tiến hành thực hiện những phân tích sâu về các chính sách của nhà xuất bản, kiểm tra dựa trên bộ tiêu chí do Beall lập ra, và nghiên cứu xem chúng có được lập chỉ mục trên tạp chí “danh sách trắng”, như Directory of Open Access Journals hay Journal Citation Reports hay không. Đến tháng 3/2018, website đã bổ sung thêm 85 tập san độc lập và 27 nhà xuất bản vào danh sách gốc của Beall. Một website khác có tên là Stop Predatory Journals, thành lập vào tháng 1/2017, được nhóm các học giả và chuyên gia công nghệ thông tin lập ra và điều hành với mục tiêu “xây dựng và hồi sinh” danh sách của Beall, tuy nhiên lại không cập nhật thêm một tạp chí dởm nào, đồng thời cũng không trả lời câu hỏi của Nature.

Tháng 6/2017, Cabell’s international – một công ty chuyên về các dịch vụ liên quan đến học thuật ở Beaumont, Texas, đã đưa ra một danh sách đen riêng kèm với hàng loạt tiêu chí đánh giá cụ thể. Danh sách của Cabell’s có khoảng 800 tập san, trong đó một số không phải truy cập mở. Tuy phải trả tiền để đọc danh sách này nhưng hiện đã có khoảng 200 viện nghiên cứu đăng ký theo dõi.

Rick Anderson (ĐH Utah, Salt Lake City) – người tư vấn cho Cabell’s về ý tưởng dự án, nói: mặc dù hiểu tại sao những người quản trị các danh sách “hồi sinh” lại muốn ẩn danh nhưng việc giấu tên của họ cũng đồng nghĩa với thiếu trách nhiệm giải trình. Cộng đồng khoa học vẫn đang cần một danh sách đen đủ tốt để phòng ngừa các tạp chí “dởm”, tuy nhiên nó phải bao gồm các tiêu chí và giải thích rõ ràng cũng như có hệ thống khiếu nại – “Và để làm tốt điều này thì sẽ tốn kém và khó khăn.”

Thanh Trúc lược dịch

Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-018-02921-2

Tác giả