Những “bà đỡ” kiểu Úc

Chỉ cần các nhà khoa học có nghiên cứu tốt, sẽ có các “bà đỡ” giúp họ đưa nghiên cứu đó đi từ phòng lab vào cuộc sống. Dưới đây là một vài kiểu mẫu “bà đỡ” mà chúng tôi vừa có dịp tìm hiểu ở Nam Úc.

Đầu tư mạo hiểm

Đúng như tên gọi của mình, Trans Tasman Commercialization Fund (TTCF) là một quỹ đầu tư mồi (pre-seed and seed capital) và đầu tư mạo hiểm (venture capital) để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của năm trường đại học hàng đầu ở Đông Nam Úc và New Zealand (ĐH Flinders, Adelaide, Nam Úc, Monash, và Auckland).

“Điểm khác biệt của chúng tôi so với các quỹ đầu tư mạo hiểm khác là chúng tôi chỉ làm việc với các trường đại học; ngoài ra, chúng tôi không ngồi chờ các đề xuất gửi đến cho mình mà cứ hai tháng một lần, chúng tôi sẽ đến các trường để trao đổi về các ý tưởng mới, nghiên cứu mới,” ông John Haskey, Giám đốc đầu tư của quỹ ở TP Adelaide, nhấn mạnh.

Toàn bộ chi phí hoạt động của TTCF, bao gồm việc trả lương cho bảy nhân sự (đều là các giám đốc đầu tư và các chuyên gia về thương mại hóa) và chi phí thuê chuyên gia bên ngoài thẩm định dự án, do Chính phủ (Úc, Nam Úc, Victoria, và New Zealand) cấp, ông Haskey cho biết.


Ông Haskey: “Chúng tôi là quỹ đầu tư mạo hiểm chỉ làm việc với các trường đại học”.

Khi đã xác định được công nghệ có tiềm năng thương mại hóa, TTCF sẽ chi từ 100 đến 150 nghìn AUD để tiến hành nghiên cứu về thị trường và khả năng cạnh tranh của nó. Qua bốn năm hoạt động, quỹ đã xem xét 110 đề xuất, nhưng trong đó chỉ có 10 đề xuất được tiến hành nghiên cứu khả thi và cuối cùng chỉ còn 7 đề xuất được chọn để đầu tư thành doanh nghiệp KH&CN.

TTCF được quỹ hưu trí Superannuation cam kết cấp vốn 30 triệu AUD cho thời hạn hoạt động 10 năm và theo ông Haskey, đến nay TTCF mới sử dụng 6 triệu AUD nhưng đã nhân được tài sản lên 24 triệu AUD. Tỷ lệ thành công của TTCF khá cao: trong 7 dự án, chỉ có một dự án về công nghệ viễn thông thất bại. Ngoài ra, có một dự án thành công rực rỡ, “đủ bù đắp chi phí cho tất cả các dự án còn lại” – đó là dự án đầu tư cho công ty spin-off IPT của ĐH Auckland (New Zealand), nơi nghiên cứu công nghệ sạc không dây cho các loại xe chạy bằng điện. Tháng 11 năm ngoái, công ty IPT đã được Qualcomn, tập đoàn viễn thông lớn của Mỹ, mua lại.

Thành công trong đầu tư của TTCF có thể được lý giải bởi các tiêu chí lựa chọn công nghệ của nó rất khắt khe: đó phải là những công nghệ mới và có đẳng cấp thế giới; có thế mạnh cạnh tranh đáng kể; khó sao chép; và có giá trị nền tảng kỹ thuật gia tăng rõ ràng.

Ươm tạo công nghệ

Theo lời ông Dennis Mutton, Chủ tịch Bio Innovation SA (BioSA), cách đây 12 năm, khi nhận ra những giá trị to lớn mà công nghệ sinh học có thể đóng góp cho nền kinh tế của bang, Chính phủ Nam Úc đã quyết định thành lập một ban điều phối nhằm thúc đẩy việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực này, đứng đầu là Phó thủ hiến, còn các thành viên khác đều là bộ trưởng các bộ liên quan. Sau một thời gian, các bộ trưởng rút dần khỏi ban điều phối, nhường chỗ cho các chuyên gia kinh tế, tài chính, pháp luật, công nghệ…; và BioSA ngày nay vận hành như một doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích nhưng cũng có trách nhiệm tạo ra lợi nhuận.

TS Jurgen Michaelis, Giám đốc điều hành BioSA, cho biết, hơn 10 năm qua, BioSA đã góp phần hình thành 75 công ty công nghệ sinh học từ những ý tưởng về sản phẩm mới, mà thông thường phải sàng lọc 10 ý tưởng mới chọn được một ý tưởng. Được biết, khoảng một nửa số ý tưởng gửi đến BioSA là từ các trường đại học.

“Hỗ trợ của Chính phủ đóng vai trò quyết định ở giai đoạn đầu thành lập công ty bởi không quỹ đầu tư nào muốn mạo hiểm ở giai đoạn này,” ông Michaelis nhấn mạnh. Với  BioSA, các công ty non trẻ dường như được đáp ứng đầy đủ mọi điều kiện để chuẩn bị cho các bước trưởng thành tiếp theo: được hỗ trợ từ 50 nghìn đến 250 nghìn AUD, cá biệt có trường hợp lên đến 400 nghìn AUD (tuy nhiên, với các khoản hỗ trợ trên 50 nghìn AUD thì công ty phải góp vốn đối ứng tương đương ½ khoản hỗ trợ); và được cung cấp miễn phí các dịch vụ tư vấn về kỹ năng quản lý cũng như sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, các công ty còn được bố trí phòng thí nghiệm ở vườn ươm rộng 4,8 ha của BioSA để tiếp tục hoàn thiện công nghệ của mình mà những gì phải trả chỉ bao gồm phí internet, điện nước và vệ sinh. Họ cũng được sử dụng miễn phí một số phòng thí nghiệm có sẵn của vườn ươm.


Ông Jugen Michaelis: “Giai đoạn khó khăn nhất là phát triển công ty từ
quy mô năm lao động lên 20 lao động. Khi phát triển lên quy mô 40 lao động thì coi như họ đã thành công và từ đó công ty sẽ phát triển nhanh.”
Ảnh: Adelaidenow.com.au”

Khi chúng tôi đến thăm vườn ươm của BioSA hồi cuối tháng 2 vừa qua thì ở đây đang có 7 công ty được ươm tạo. Các công ty này có thể ở lại vườn ươm lâu nhất là 4 năm, cho đến khi trở nên thật sự độc lập. Khi chuyển ra ngoài, họ cũng không phải đi đâu xa vì ngay cạnh vườn ươm là khu đất rộng 7ha, trước đây vốn là khu công nghiệp, nay được chính quyền TP Adelaide quy hoạch thành khu công nghệ sinh học.

Ông Michaelis chia sẻ, tất cả những việc BioSA làm chỉ cốt để từ chỗ phải dựa vào hỗ trợ của Chính phủ, các công ty sẽ trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư khác. “Không chính phủ nào đủ tiền để đầu tư cho các công ty từ đầu đến cuối. Đầu tư của Chính phủ sẽ phải giảm dần rồi cắt hẳn, trong khi các nguồn đầu tư bên ngoài ngày càng phải tăng lên – nhiệm vụ của chúng tôi là làm cho bước chuyển này diễn ra êm thấm và tốt đẹp.”

Ông Michaelis nhận định: “Giai đoạn khó khăn nhất là phát triển công ty từ quy mô năm lao động lên 20 lao động. Khi phát triển lên quy mô 40 lao động thì coi như họ đã thành công và từ đó công ty sẽ phát triển nhanh.”

Bản thân Michaelis là người sáng lập và điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm Terra Rossa Capital (TRC) trị giá 35 triệu AUD. TRC sẽ chọn những công ty có tiềm năng nhất đã được BioSA ươm tạo để đầu tư, trung bình khoảng 1,5 triệu AUD cho mỗi công ty. Cộng thêm các nguồn đầu tư khác, trung bình mỗi công ty tiềm năng sẽ nhận được khoảng 10 triệu AUD đầu tư cho năm năm đầu tiên.

BioSA đã hai lần được các cơ quan độc lập đánh giá hiệu quả với những kết luận hết sức khả quan: 2/3 số công ty do BioSA xây dựng đã tồn tại được trên 5 năm và tạo ra khoảng 800 việc làm có thu nhập tốt. Qua BioSA, mỗi đồng Chính phủ bỏ ra đã đem lại khoảng 4 đồng doanh thu (BCR~4).

Được biết, ngoài hạ tầng cơ sở trị giá 12 triệu AUD, mỗi năm Chính phủ Nam Úc cấp cho BioSA 6 triệu AUD, trong đó một nửa được dùng để trả cho các chi phí hoạt động, bao gồm lương của 15 nhân sự; nửa còn lại được dùng để hỗ trợ các công ty đang trong giai đoạn ươm tạo như đã nói ở trên. 

Đào tạo kỹ năng khởi nghiệp

“Chúng ta có nhiều nhà khoa học muốn tìm cách thương mại hóa kết quả nghiên cứu của mình nhưng do không có kinh nghiệm về thương trường nên họ dễ thất bại khi khởi nghiệp – đó là sự lãng phí lớn cho xã hội. Nhiệm vụ của Innovate SA là thiết kế các khóa đào tạo dành cho các doanh nghiệp đang ở giai đoạn đầu thành lập và cả những doanh nghiệp muốn chuyển đổi kinh doanh trong bối cảnh toàn cầu hóa,” bà Susan Andrew, chuyên gia tư vấn về kinh doanh của Innovate SA, cho biết.


Ông Mike Richards, Giám đốc, và bà Susan Andrews, chuyên gia tư vấn về kinh doanh, trong buổi thuyết trình về Innovate SA.

Innovate SA được thành lập từ năm 2009, thay thế cho một số cơ quan và chương trình về đổi mới công nghệ và phát triển doanh nghiệp của Chính phủ Nam Úc.

Cách thức hoạt động của Innovate SA như sau: Đầu tiên sẽ tổ chức những cuộc gặp mở rộng cho những người có nhu cầu khởi nghiệp hoặc chuyển đổi kinh doanh. Sau khi đã tìm ra các ứng viên tiềm năng (phải là người tự xây dựng được sản phẩm mới), Innovate SA sẽ tổ chức cho họ những khóa học kéo dài từ 2 tháng đến 5 tháng, tùy theo nội dung: thu hút vốn đầu tư, tiếp cận thị trường, phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa… – mỗi khóa học không quá 12 người. Ngoài ra, Innovate SA còn tổ chức các buổi tư vấn cho từng nhóm hoặc từng cá nhân.

Một nhiệm vụ quan trọng khác của Innovate SA là kết nối doanh nghiệp với nhà tài trợ, nhà đầu tư cũng như hỗ trợ tìm kiếm khách hàng tiềm năng cho các sản phẩm mới ở bên ngoài nước Úc, chủ yếu là ở Mỹ và châu Á. “Chẳng hạn, họ nghiên cứu ra một thiết bị giúp ô tô hạn chế va chạm khi tham gia giao thông, nhưng vì Úc không có ngành công nghiệp ô tô nên chúng tôi phải giúp họ tìm kiếm khách hàng ở Mỹ hoặc Đức,” bà Susan kể.

Hầu hết các khóa đào tạo của Innovate SA là miễn phí. “Không thể tính phí với họ bởi vì họ đang trong giai đoạn khởi nghiệp, thậm chí còn chưa có tiền trả lương cho bản thân. Chi phí lớn nhất mà họ phải trả cho chúng tôi là thời gian đến lớp và làm bài tập về nhà.”

Đến nay đã có hàng trăm giám đốc của khoảng 180 doanh nghiệp vừa và nhỏ được tham gia các khóa đào tạo của Innovate SA, trong đó có những tên tuổi nổi tiếng như Rising Sun Pictures, từng cung cấp phần mềm kỹ xảo điện ảnh cho các phim Harry Potter, Charlotte’s Web, Blood Diamond, Australia , X-Men, Batman…

Một khảo sát với 136 CEO mới đây cho thấy khoảng ½ các doanh nghiệp được Innovate SA hỗ trợ có doanh thu tăng 10%, ngay cả trong giai đoạn doanh thu trung bình của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Adelaide giảm 5% do khủng hoảng kinh tế. 86% các CEO nói, hỗ trợ của Innovate SA có tác dụng tích cực với chiến lược tăng trưởng của họ.

Nhưng trái ngược với những đánh giá tích cực về hoạt động của Innovate SA, trong buổi làm việc với tổ chức này, chúng tôi được biết, cách đây hai tuần, Chính phủ Nam Úc vừa thông báo sẽ chấm dứt cấp ngân sách (3 triệu AUD/năm) cho nó kể từ tháng Bảy tới do có những thay đổi về chính sách đối với công nghiệp sản xuất.

Trước đó một thời gian, Innovate SA đã biết ngân sách dành cho họ đang thuộc diện bị rà soát cắt giảm nhưng vẫn nuôi hy vọng tiếp tục được tồn tại nếu họ cân đối lại ngân sách do Chính phủ cấp với các khoản phí có thể thu được từ khách hàng, bởi vậy 23 nhân viên của tổ chức này vô cùng thất vọng trước quyết định cuối cùng của Chính phủ.

Ngay khi hay tin, nhiều khách hàng của Innovate SA đã bày tỏ sự bất bình trên báo chí vì họ cho rằng Innovate SA bị đóng cửa đúng vào lúc họ đang cần đến sự hỗ trợ của nó nhất để vượt qua giai đoạn kinh tế đầy khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

***

TTCF, BioSA và Innovate SA vận hành theo những cách khác nhau nhưng đều gặp nhau ở điểm cuối là tạo ra doanh nghiệp KH&CN mới. Qua làm việc với những tổ chức này, có thể nhận thấy, trong quá trình xây dựng doanh nghiệp KH&CN, số lượng không bao giờ là đích đến (quy mô như BioSA mà cũng chỉ kỳ vọng mỗi năm xây dựng thành công 5 doanh nghiệp KH&CN có từ 20 đến 50 lao động). Bên cạnh đó, vai trò của Chính phủ và các thành phần đầu tư khác được phân định hết sức rõ ràng. Nhà nước có thể có những hỗ trợ mạnh mẽ, thậm chí chấp nhận trả lương cho nhà đầu tư mạo hiểm để họ tìm ra những địa chỉ đầu tư xứng đáng, như trong trường hợp của TTCF, nhưng mọi hỗ trợ chỉ giới hạn ở giai đoạn đầu.

Chúng tôi tình cờ đọc được trên báo phát biểu của một khách hàng của Innovate SA, đại ý, những khóa học của Innovate SA đã giúp họ “vén sương mù” để nhìn ra con đường phát triển. Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng chương trình phát triển lực lượng doanh nghiệp KH&CN, hẳn những mô hình như TTCF, BioSA hay Innovate SA ít nhiều đều có giá trị tham khảo khi chúng ta phải tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi còn gây bối rối như thực sự chúng ta sẽ có được bao nhiêu và bằng cách nào.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)