Những chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc

Hàn Quốc có được những thành tựu đáng nể về phát triển kinh tế và khoa học công nghệ một phần là nhờ những định hướng đúng đắn từ rất sớm của Chính phủ Hàn Quốc trong thúc đẩy đầu tư cho nghiên cứu và phát triển – research and development (R&D). Sau đây là một số chính sách và giải pháp cụ thể rất đáng tham khảo.

Hệ thống ghi nhận công nghệ mới

Hệ thống ghi nhận công nghệ mới, gọi là hệ thống chuẩn KT, được xác lập bởi Bộ Khoa học và Công nghệ, và thuộc trách nhiệm quản lý của Tổ chức Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc. Hệ thống này hỗ trợ những sản phẩm công nghệ mới đang trong giai đoạn tiếp cận thị trường. Bất kỳ công nghệ mới nào đạt chuẩn KT thì công ty phát kiến sẽ được hỗ trợ dưới dạng quyền ưu tiên bán cho các cơ quan Nhà nước; quyền ưu tiên đăng ký kinh phí từ quỹ hỗ trợ phát triển của Chính phủ và các quỹ phát triển công nghệ của các ngân hàng thương mại; quyền ưu tiên quảng bá tại những chiến dịch truyền thông hội chợ triển lãm công nghệ.  

Khuyến khích thành lập các tổ chức nghiên cứu liên kết với doanh nghiệp

Để được nhận những khoản hỗ trợ hào phóng của Chính phủ Hàn Quốc, các doanh nghiệp nước ngoài thường lập ra các tổ chức nghiên cứu liên kết với doanh nghiệp. Hiện nay, 134 viện nghiên cứu của Hàn Quốc được xếp vào loại hình liên kết với doanh nghiệp…

Để đăng ký thành lập một tổ chức nghiên cứu liên kết với doanh nghiệp, các tập đoàn lớn cần tuyển ít nhất là 10 nhân viên có bằng đại học chuyên ngành khoa học. Các tổ chức nghiên cứu liên kết với doanh nghiệp của các công ty nhỏ và vừa cần tuyển ít nhất 2 nhân viên có bằng cao đẳng kỹ thuật. Điều kiện cần thiết là những người này phải báo cáo để Tổ chức Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc thẩm định.

Sau khi đăng ký thành lập với Chính phủ Hàn Quốc, các tổ chức nghiên cứu liên kết với doanh nghiệp được nhận nhiều khoản hỗ trợ đa dạng. Các chuyên viên nghiên cứu làm việc 4 năm trong một tổ chức nghiên cứu được Chính phủ công nhận thì được miễn trừ nghĩa vụ quân sự. Ngoài ra, Chính phủ cung cấp các hình thức hỗ trợ về tài chính, giảm thuế thu nhập và thuế nhập khẩu trang thiết bị phục vụ nghiên cứu.

Lưu ý rằng những chính sách hỗ trợ về thuế này đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ đã được Hàn Quốc thực thi phổ biến từ thập kỷ 1970, tức là sớm hơn cả thập kỷ trước khi các tổ chức nghiên cứu liên kết với doanh nghiệp ra đời.

Tổng số tổ chức nghiên cứu liên kết với doanh nghiệp ở Hàn Quốc, tính tới tháng 12 năm 2005, là 11.810. Trong đó, 6.628 (52,7%) chuyên nghiên cứu trong ngành công nghiệp điện, điện dân dụng, truyền thông, tin học. 2.189 (17,4%) chuyen nghiên cứu về lĩnh vực máy móc thiết bị, và 1965 (15,6%) chuyên nghiên cứu về hóa chất. Mạng lưới các tổ chức nghiên cứu liên kết với doanh nghiệp độc đáo của Hàn Quốc chính là động lực cơ bản thúc đẩy hoạt động R&D của quốc gia này

Các chương trình hỗ trợ nghiên cứu tại các vùng miền

Thành lập các Trung tâm Nghiên cứu Vùng miền

Các Trung tâm Nghiên cứu Vùng miền – Regional Research Center (RRC) được thành lập vào năm 1995 để nghiên cứu đặc thù riêng của vùng miền, củng cố năng lực nghiên cứu của các trường đại học, cao đẳng tại các tỉnh, và khai thác, liên kết với các ngành công nghiệp chủ đạo của từng địa phương.

Các RRC thẩm định các kế hoạch R&D cải tiến công nghệ ở từng địa phương, lựa chọn những kế hoạch phù hợp, và ký thỏa thuận cung cấp kinh phí từng năm một. Sau 3 năm sẽ thẩm định đánh giá lại một lần nữa, và có thể gia hạn nguồn kinh phí tới 9 năm tiếp theo.

Các Dự án Tập trung Cải tiến Công nghệ Địa phương (TIC/TBI/TP)

Các Trung tâm Cải tiến Công nghệ – Technology Innovation Center (TIC) là những dự án với mục tiêu hình thành môi trường cải tiến công nghệ cho các ngành công nghiệp ở địa phương, hỗ trợ những dự án công nghệ mạo hiểm. Cách làm là kết nối các ngành công nghiệp trọng điểm của địa phương với các trường đại học và viện nghiên cứu thông qua việc điều phối quỹ kinh phí khoa học của Chính phủ, chính quyền địa phương, và các trường đại học cùng viện nghiên cứu. Mỗi trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước đều có một TIC. Những TIC này kết nối với nhau để hợp tác nghiên cứu, chia sẻ nguồn lực, và hợp tác đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, tập đoàn địa phương. Trung bình hằng năm Chính phủ hỗ trợ cho các TIC 1 tỷ won để mua trang thiết bị phục vụ nghiên cứu (mỗi TIC được hỗ trợ như vậy trong 5 năm), trong khi các trường đại học và chính quyền địa phương có nghĩa vụ cung cấp đất, cơ sở nghiên cứu, chi phí vận hành, và chi phí nghiên cứu. 

Các Lò ấp Doanh nghiệp Công nghệ – Technology Business Incubator (TBI) là những dự án phát triển công nghệ và cung cấp kinh phí cho việc tiếp cận thị trường, hướng dẫn quản lý, cung cấp thông tin đầu tư, và kết nối các địa chỉ tài chính cho các doanh nghiệp tiềm năng hoặc doanh nghiệp mới ra đời trong vòng 1 năm. Các TBI phối hợp chặt chẽ và khai thác năng lực nghiên cứu của các trường đại học và các viện nghiên cứu của từng địa phương.

Các Công viên Công nghệ – Techno Park (TP) được xây dựng để kích thích sự hợp tác phát triển của công nghệ và kinh doanh bằng cách tập trung hóa hoạt động cải tiến công nghệ từng vùng miền tại các doanh nghiệp, trường đại học, và các viện nghiên cứu vào cùng một chỗ, tạo thành các cụm cải tiến công nghệ. Kể từ năm 1997 tới nay, Hàn Quốc đã đưa vào hoạt động bảy Công viên Công nghệ ở Ansan, Songdo, Chungnam, Gwangju, Jeonnam, Daegu và Gyeongbuk. Hằng năm, mỗi TP được hỗ trợ 5 tỷ won để xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị.

Cấp bảo lãnh cho các khoản vay phục vụ R&D

Việc vay vốn từ các tổ chức tài chính, đặc biệt là các ngân hàng thương mại, là không dễ dàng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các khoản vay này luôn bị các ngân hàng coi là có tính rủi ro cao, do các doanh nghiệp nhỏ gặp nhiều bất trắc và dễ tổn thương trước các biến động từ thị trường và nền kinh tế. Và một nguyên nhân quan trọng khác là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có nguồn bảo lãnh hoặc thế chấp cho các khoản vay.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ vay vốn đầu tư cải tiến công nghệ, KOTEC (quỹ bảo lãnh tín dụng công nghệ Hàn Quốc) cung cấp dịch vụ bảo lãnh tín dụng công nghệ. Khoản bảo lãnh này có nhiều hình thức, nhưng mục tiêu chung là đảm bảo các tổ chức cho vay thu hồi khoản nợ trong trường hợp người đi vay mất khả năng thanh toán. Nhờ vậy khuyến khích các tổ chức tài chính cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có dự án triển vọng tốt nhưng không có đủ tài sản thế chấp, hoặc không có hồ sơ tín dụng đầy đặn phù hợp để chứng minh uy tín trả nợ.  

Một số ví dụ về chính sách hỗ trợ tài chính của Nhà nước cho đầu tư R&D:

Hỗ trợ trả lương

Nhà nước hỗ trợ 80% tiền lương hằng năm cho mỗi chuyên gia, tối đa là 30 triệu KRW (30 nghìn USD) trong 2 năm đầu tiên.

Hoàn thuế

– Hoàn 15% chi phí đầu tư cho R&D và đào tạo nhân lực trong mỗi năm đóng thuế

– HOẶC hoàn 40% chi phí trung bình hằng năm của 4 năm gần nhất đầu tư cho R&D và đào tạo nhân lực (đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì mức hoàn là 50%).
Giảm thuế nhập khẩu

Giảm 80% thuế nhập khẩu thiết bị phục vụ nghiên cứu (danh sách chi tiết được ban hành quy định cụ thể), hóa chất, hàng hóa sơ chế đầu vào, nguyên vật liệu, và vật mẫu.

Miễn thuế của địa phương 

Miễn thuế VAT, thuế trước bạ đối với nhà cửa và đất đai phục vụ các mục tiêu R&D; miễn thuế bất động sản,  thuế đất tổng thể trong năm đối với sở hữu nhà cửa và đất đai nơi đặt trang thiết bị phục vụ R&D đang hoạt động.

Miễn thuế thu nhập cá nhân cho kỹ sư nước ngoài

Miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm cho chuyên gia phục vụ R&D trong lĩnh vực công nghiệp cần sử dụng nhiều công nghệ trong danh sách được Nhà nước quy định; và có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm, hoặc có tối thiểu là bằng đại học và 3 năm kinh nghiệm.

Quy trình cấp bảo lãnh tín dụng công nghệ như sau. Một người đi vay nếu không đáp ứng các tiêu chí cho vay có thể được ngân hàng giới thiệu sang KOTEC. Các chi nhánh của KOTEC sẽ độc lập nghiên cứu hồ sơ để thẩm định uy tín tín dụng của người đi vay, khả năng trả nợ, mục đích khoản vay, và quan trọng nhất là tính chất cải tiến công nghệ mà việc sử dụng vốn vay mang lại. Trong đa số các trường hợp, ngân hàng sẽ tin vào kết luận thẩm định của KOTEC trước khi đưa ra quyết định cho vay. Nếu được KOTEC chấp thuận, người đi vay sẽ quay lại ngân hàng cùng với thư bảo lãnh được KOTEC phát hành. Việc cấp bảo lãnh này cũng đòi hỏi người đi vay phải trả phí bảo lãnh, tỉ lệ tương ứng theo quy mô khoản vay. 


1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa đăng ký vay ngân hàng

2. Xin hướng dẫn và đăng ký bảo lãnh tín dụng CN

3. KOTEC điều tra và thẩm định

4. Chấp thuận cấp bảo lãnh tín dụng công nghệ

5. Phát hành thư bảo lãnh

6. Ngân hàng làm thủ tục cho vay

    
Đồng thời, để quá trình thẩm định và cấp bảo lãnh được bảo đảm tính công bằng và minh bạch, KOTEC thành lập ra Văn phòng Chi nhánh Từ xa (Cyber Branch Office) cung cấp dịch vụ tự thẩm định tài chính, trong đó một doanh nghiệp có thể tự đánh giá uy tín tài chính của mình qua một phần mềm mô hình mô phỏng thẩm định tín dụng mà doanh nghiệp tự điền thông tin tài chính đầu vào. Kết quả đánh giá sau đó sẽ được hiển thị công khai qua internet.

Ngày 23/06 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc khẳng định sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng các ngành công nghiệp các vùng đô thị địa phương, bằng cách bơm 285 tỷ won (tương đương 265 triệu USD) ngay trong năm nay.

Chương trình này nằm trong một chuỗi các dự án được Bộ Kinh tế Tri thức (MKE) đề xuất và thúc đẩy kể từ 2009 nhằm phát triển tạo thành các vùng công nghệ của các địa phương.

Theo kết hoạch mới, Bộ sẽ cấp kinh phí gần 20 tỷ won trong năm nay cho mỗi dự án của tỉnh Jeolla có mục đích phát triển chế tạo các bộ phận xe hơi hybrid (xe hơi chạy cả xăng lẫn điện), hoặc công nghệ ánh sáng LBT.

MKE cũng sẽ phân phối hơn 18 tỷ won cho tỉnh Chungcheong, cụ thể là cho dự án chip xanh (green chip technology) và các bộ phận điện thoại di động phù hợp cho thế hệ mạng mới.

Vào tháng Tư, MKE hình thành một nhóm các chuyên gia từ các ngành công nghiệp, công nghệ, và chuyên gia nghiên cứu các địa phương, để đánh giá 20 dự án trên khắp đất nước, trong đó chọn ra 4 dự án cao điểm nhất.

“Đa số cac tỉnh đều đạt những kết quả tích cực và đạt được bước tiến dài trong năm ngoái. Họ vượt qua mục tiêu đặt ra ban đầu về doanh thu và công ăn việc làm”, các nhà chức trách của MKE cho biết. Theo MKE, chương trình đã tạo ra tổng cộng 5682 việc làm trong năm ngoái. Tỉnh Jeolla đóng góp nhiều nhất, với số công ăn việc làm tạo mới là 1837, tiếp theo là các tỉnh Chungcheong với con số là 1205, và tỉnh Gyeongsang với con số là 1110.

Trong năm nay MKE cho biết theo kế hoạch thì sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực tiếp cận thị trường, làm nghiên cứu, và phát triển doanh nghiệp, qua đó sẽ làm tăng đầu tư của các doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm trong thời gian ngắn.
(Shin Hyon-hee, The Korea Herald, online ngày 23/06/2011)

Hệ thống bảo lãnh tín dụng được pháp lý hóa ở Hàn Quốc lần đầu từ 1961, vì mục tiêu giảm nhẹ khó khăn tài chính của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tới tập kỷ 1980, dư luận Hàn Quốc nhìn chung nhất trí với một môi trường tài chính thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tiến hành cải tiến công nghệ.

Tới năm 1989, KOTEC được Chính phủ Hàn Quốc thành lập để triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ Tài chính cho Doanh nghiệp Công nghệ mới (Financial Assistance to New Technology Businesses Act). Luật này được hoàn chỉnh lần cuối vào năm 2002, với tên gọi mới là Luật Hợp tác Tài chính Công nghệ Hàn Quốc (Korea Technology Finance Coperation Act).

Nhiệm vụ của KOTEC là cấp bảo lãnh để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đầu tư các lĩnh vực mới.


Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)