Những đề xuất thẳng thắn và cởi mở của nhà khoa học trẻ tới Thủ tướng

Những kiến nghị và đề xuất mà các nhà khoa học trẻ xuất sắc nêu lên trong cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo Bộ KH&CN sáng ngày 11/9 vừa qua cùng tập trung ở hai vấn đề: cần tôn trọng, tin tưởng các nhà khoa học trẻ tuổi, và xây dựng một cơ chế minh bạch, công bằng, cởi mở hơn trong quản lý khoa học để họ có thể phát huy tối đa năng lực của mình.

Tôn trọng, đánh giá công bằng và trao quyền tham gia tiếng nói cho lớp trẻ

Trong cuộc gặp gỡ ngày 11/9, các nhà khoa học trẻ xuất sắc đã thẳng thắn nói lên nguyện vọng được Nhà nước tin tưởng, không chỉ dừng lại ở vấn đề được tin tưởng giao kinh phí, đề tài nghiên cứu, mà còn trong cả việc được tham gia tiếng nói xây dựng các chính sách KH&CN từ tầm vi mô tới vĩ mô. TS. Phạm Thị Tuyết Nhung, thành viên nhóm nghiên cứu của GS. Pierre Darriulat tại Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), cho biết chị và các thành viên trẻ của nhóm đều rất mong muốn được tham gia đóng góp công sức vào những chương trình nghiên cứu trong chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam, “không chỉ thực hiện theo những kế hoạch đã được vạch ra mà còn đóng góp ý kiến vào việc xây dựng và lên kế hoạch cho những chương trình này”. Sự tham gia đóng góp ý kiến một cách rộng rãi, công khai của các nhà khoa học trẻ nói riêng và giới khoa học nói chung sẽ góp phần nâng cao hiệu quả các chính sách KH&CN, giảm chi phí cho xã hội. TS. Phạm Thị Tuyết Nhung lấy ví dụ việc mua bán thiết bị đầu tư cho nghiên cứu cần có sự tham khảo ý kiến một cách nghiêm túc từ những người có khả năng sử dụng thiết bị, như vậy sẽ tiết kiệm được một khoản kinh phí đáng kể so với việc mua bán thiết bị nghiên cứu được thực hiện thuần túy theo ý chí của cấp trên.

Các nhà khoa học trẻ muốn được quyền đưa ra những ý kiến đóng góp và có giá trị tham khảo như các nhà khoa học lớn tuổi, được các nhà quản lý khoa học tin cậy, coi trọng và đánh giá khả năng một cách công bằng. TS. Phạm Phương Chi (Viện Nghiên cứu Văn học, Viện Hàn lâm KHXN&NV Việt Nam), một trong số hiếm hoi các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực KHXN&NV có mặt tại buổi gặp gỡ, bày tỏ mong muốn được nhìn nhận, đánh giá dựa trên “chính những công việc mà họ làm được, qua những công bố, qua tư cách của một nhà nghiên cứu, hơn là dựa trên những căn cứ về tuổi tác, giới tính, xuất thân…”, nhằm đảm bảo sự tham gia một cách công bằng của mọi cá thể trong các hoạt động KH&CN.

Mặt khác, lòng tin và sự tôn trọng dành cho nhà khoa học còn phải được thể hiện ở quyền tự do của họ trong nghiên cứu, sáng tạo. Đặc biệt, trong các ngành KHXN&NV, việc chấp nhận sự khác biệt và tôn trọng những quan điểm khoa học nghiêm túc riêng biệt sẽ giúp “đảm bảo được sự gắn kết của ngành với những vận động của quốc tế và đời sống hiện thực của dân tộc trong tương quan thế giới”, theo nhận định của TS. Phạm Phương Chi. “Mỗi cá thể người làm khoa học đều có quyền tự do lựa chọn phương pháp nghiên cứu và hướng nghiên cửu cho riêng mình mà không phải lúc nào cũng phụ thuộc vào những lối đi đã định sẵn của những người đi trước. Vì vậy những người làm công tác quản lý hay những nhà khoa học ‘tiền bối’ không nên can thiệp quá sâu vào tư duy hay quá trình nghiên cứu của những người làm khoa học, thay vào đó nên đóng vai trò khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất để cho những ý tưởng khoa học mang tính sáng tạo và bứt phá được thực hiện.”

Tuy nhiên, để duy trì niềm tin một cách bền vững và có cơ sở từ phía các nhà quản lý KH&CN dành cho các nhà khoa học, trong đó có các nhà khoa học trẻ, thì trước hết cần đảm bảo cơ chế minh bạch khi xét duyệt, nghiệm thu những đề tài, dự án nghiên cứu khoa học. Theo ThS. Lê Văn Huyên của Ban Phát triển mạng lưới thuộc Tổng công ty Viễn thông MobiFone – người có nhiều sáng kiến cải tiến, giải pháp giúp Mobifone tiết kiệm 25 tỷ đồng chi phí đầu tư cơ sở vật chất và được Thủ tướng khen tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2010 – 2015 – do thiếu đáp ứng yêu cầu minh bạch trong công tác nghiệm thu đề tài, nên lâu nay tồn tại tình trạng “con gà – quả trứng” khi nhiều hội đồng xét duyệt, nghiệm thu các kết quả nghiên cứu một cách hình thức, bởi họ không tin tưởng vào chất lượng thật sự của những ý tưởng khoa học, những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ, và ngược lại do không có lòng tin như vậy nên các khoa học trẻ không “được giao những công trình quan trọng với lượng kinh phí đủ để thực hiện ý tưởng khoa học của mình”, theo đó càng dẫn tới những công trình được thực hiện một cách hời hợt, thậm chí là kết quả của sự sao chép cẩu thả, làm cho vấn đề mất lòng tin từ hai phía thêm trầm trọng.

Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (Startup) cũng là một đề tài nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trẻ tại sự kiện lần này, đặc biệt là từ những người thuộc khối doanh nghiệp. Theo TS. Nguyễn Quốc Định (Trưởng Phòng thí nghiệm, Bộ môn Cơ sở Kỹ thuật Vô tuyến, Khoa Vô tuyến Điện tử, Học viện Kỹ thuật Quân sự), lâu nay Chính phủ đã đưa ra một số chính sách về doanh nghiệp KH&CN, nhưng cần tăng cường hiệu quả của những chính sách này để tăng thêm mối liên hệ gắn kết giữa trường/viện nghiên cứu với doanh nghiệp, đặc biệt cần có biện pháp hữu hiệu thúc đẩy sự hình thành và phát triển mạnh mẽ hơn các quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư cho startup. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Đình Nam (Giám đốc công ty VP9, người sáng lập dự án VP9 TV) đề xuất Nhà nước trực tiếp lập một quỹ đầu tư dành cho các nhà khoa học trẻ có năng lực nghiên cứu để họ có thể được vay với lãi suất thấp không cần thế chấp, để họ có điều kiện đưa các kết quả nghiên cứu của mình thành sản phẩm thông qua mô hình startup. Ông cũng đề nghị Nhà nước xây dựng một nền tảng quảng cáo miễn phí cho các sản phẩm của các startup, với những hội đồng thẩm định, đánh giá startup nào có sản phẩm tốt tiềm năng để hỗ trợ quảng bá miễn phí.

Tạo điều kiện cho nhà khoa học trẻ sáng tạo

Những nguyện vọng và đề xuất của các nhà khoa học trẻ tại cuộc gặp gỡ đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo Bộ KH&CN lắng nghe và giải đáp kịp thời.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, về việc cần tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học trẻ được phát huy được năng lực nghiên cứu, sáng tạo của mình, cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu: 1. Rà soát lại các cơ chế chính sách đã có nhằm bổ sung hoàn thiện cho phù hợp với thực tế, nhất là cơ chế chính sách về thu hút, trọng dụng nhà khoa học gắn liền với chính sách đào tạo chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành từ nhà khoa học trẻ; 2. Tạo những chính sách về đầu tư tài chính, hỗ trợ khởi nghiệp hướng vào việc khuyến khích khởi nghiệp doanh nghiệp KH&CN, phát triển doanh nghiệp có ứng dụng KH&CN; 3. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học trẻ được tiếp cận, hỗ trợ từ các quỹ về KH&CN, được tham gia thực hiện nhiệm vụ, các đề án, chương trình nghiên cứu khoa học của các bộ, ngành; 4. Khuyến khích nhà khoa học được tự do, dân chủ bày tỏ ý kiến đóng góp vào việc xây dựng cơ chế chính sách để phát triển KH&CN, đóng góp vào những công trình nghiên cứu phát triển KH&CN, trong đó có cả KHXH&NV. Chỉ có thực hiện được điều đó mới đem lại động lực cho tự do sáng tạo, tự do nghiên cứu; 5. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KH&CN, chú trọng đào tạo các nhà khoa học trẻ, thu hút và sử dụng hiệu quả đội ngũ sinh viên, nghiên cứu sinh, chuyên gia về KH&CN người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN trong nước; 6. Khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ các nhà khoa học trẻ thực hiện các hoạt động ươm tạo công nghệ, hình thành và phát triển hệ thống doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp KH&CN, tạo điều kiện thuận lợi để đưa nhanh những sản phẩm trong các lĩnh vực KHCN mà Việt Nam có tiềm năng thành sản phẩm quốc gia để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế

Cũng tại cuộc gặp gỡ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành thời gian giải đáp và gợi mở hướng giải quyết một số đề xuất cụ thể từ các nhà khoa học trẻ, như TS. Nguyễn Bá Hải (Phó Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng giáo viên và đào tạo nhân lực công nghệ cao, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM), hay ông Nguyễn Đình Nam (Giám đốc công ty VP9, đoạt giải thường Chương trình IPP tại Techfest 2015). Thủ tướng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ, và cam kết của Chính phủ sẵn sàng hỗ trợ nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng cho dự án sản xuất thiết bị hỗ trợ người mù “Mắt thần” (Haptic Eyes), sản phẩm do TS. Hải sáng chế, dự kiến sẽ được cung cấp cho hàng trăm nghìn người mù ở Việt Nam trong những năm tới.

“Trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình, Bộ KH&CN luôn nỗ lực đổi mới quản lý để tạo môi trường thuận lợi cho nghiên cứu khoa học và mở ra nhiều cơ hội cho các nhà khoa học trẻ bằng việc xây dựng nhiều cơ chế, chính sách để đổi mới quản lý, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN. Đặc biệt, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (NAFOSTED) được Bộ vận hành từ năm 2008 đã ưu tiên các nhà khoa học trẻ chủ trì nhiều nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, tham dự hội nghị khoa học quốc tế, thực tập ngắn hạn ở nước ngoài. Số nhà khoa học trẻ chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu cấp quốc gia được Quỹ tài trợ tăng nhanh từ 5% năm 2009 lên gần 70% năm 2014; số công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín tăng 30% mỗi năm, chiếm 25% tổng số các công bố quốc tế có nguồn gốc Việt Nam”. (Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân)

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)