Những đóng góp về triết lý quản lý của Viện Quản lý Khoa học (1978-1996)
Viện Nghiên cứu Quản lý KH&CN (gọi theo tên giao dịch là Viện Quản lý Khoa học hoặc Viện) tồn tại được 18 năm trước khi được nhập với Viện Dự báo và Chiến lược KH&CN để trở thành Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN ngày nay. Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Viện, tôi có viết bài “Những mốc son trong 20 năm tồn tại của Viện Quản lý Khoa học”. Lần này tôi muốn nhắc lại những mốc son đó, nhưng không phải như những sự kiện rời rạc về cải cách trong chính sách KH&CN, mà mong muốn được ghi nhận những sự kiện đó trên tầm triết lý mà Viện Quản lý Khoa học đã đóng góp vào dòng lịch sử nghiên cứu quản lý KH&CN ở nước ta.
Bối cảnh kinh tế – xã hội
Trước hết chúng ta cần ôn lại bối cảnh kinh tế – xã hội kéo dài suốt 18 năm tồn tại của Viện Quản lý Khoa học. Đó là một giai đoạn lịch sử đầy biến động của hệ thống kinh tế – xã hội Việt Nam, với những đổi thay đầy kịch tính, từ một nền kinh tế do Nhà nước chỉ huy tập trung (trong một số văn kiện thường gọi là nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp), chuyển qua nền kinh tế thị trường, với nhiều thành phần kinh tế và mở cửa với hệ thống kinh tế thế giới.
Một số nhà nghiên cứu nước ngoài thường lấy mốc đánh dấu cải cách kinh tế Việt
Những cuộc cải cách đó trong nông nghiệp và trong công nghiệp đã làm cho nền kinh tế Việt Nam hồi sinh với một nền kinh tế năng động trở lại, với một thị trường trao đổi nông phẩm và hàng hóa công nghiệp thỏa mãn nhu cầu ngày càng phong phú và đa dạng của dân chúng. Công cuộc cải cách kinh tế tuy có những bước đi thăng trầm khác nhau qua mỗi giai đoạn, nhưng nó đã đi theo hướng không thể đảo ngược và ngày càng gần với kinh tế thị trường. Cũng từ đó đã dẫn đến những biến động lớn trong cơ cấu xã hội Việt Nam: Như một đứa con song sinh với kinh tế thị trường, một khu vực Phi-Nhà nước xuất hiện, mà hình hài của nó chính là sự manh nha khu vực xã hội dân sự (civil society), ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội nước ta.
Đó là tóm tắt bối cảnh kinh tế – xã hội của những cải cách cho sự hình thành những triết lý cải cách chính sách KH&CN của Viện Quản lý Khoa học. Những triết lý ấy đã phát triển liên tục, không đảo ngược, trong suốt 18 năm tồn tại của Viện Quản lý Khoa học.
Những đóng góp về triết lý cải cách quản lý KH&CN
Những mốc triết lý đã hình thành, đóng vai trò nền tảng cho các biện pháp chính sách được đề xuất và được hiện thực hóa trong lịch sử tồn tại của Viện Quản lý Khoa học, có thể tổng kết tóm tắt như sau:
Triết lý 1: Phi tập trung hóa quản lý KH&CN.
Triết lý này được thể hiện trong Quyết định 175/CP của Chính phủ năm 1981. Trước đó, các tổ chức nghiên cứu và triển khai và các trường đại học chỉ thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) theo kế hoạch “Nhà nước giao”. Mọi quan hệ trực tiếp với nhau và với sản xuất thông qua hợp đồng đều bị cấm đoán (Theo Quyết định 64/CP về chế độ hợp đồng), với quan niệm các viện là loại cơ quan hành chính sự nghiệp. Với sự cởi mở trong sản xuất – kinh doanh, đánh dấu bởi Nghị quyết Hội nghị TW 6 (Khóa IV), sự cấm đoán này bị phá vỡ, nhưng các viện vẫn phải làm “chui”. Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp có sáng kiến ban hành một thông tư liên bộ số 24/TC-ĐH, cho phép hợp thức hóa sử dụng các nguồn thu do nghiên cứu khoa học và lao động sản xuất, nhưng việc ký hợp đồng để có các nguồn thu đó vẫn chưa được xem là hợp pháp.
Chính Viện Quản lý Khoa học đã đề xuất sáng kiến ban hành một văn bản cấp Chính phủ để giải tỏa sự cấm đoán này. Khi đó gọi là “Cho phép” các viện và các trường đại học được ký các hợp đồng NCKH và áp dụng kết quả R&D vào sản xuất.
Quyết định 175/CP năm 1981 đã thực hiện một triết lý mang tính khai phá, đó là “Phi tập trung hóa” sự chỉ đạo hoạt động KH&CN của Nhà nước. Từ đây, các quan hệ ngang thông qua hợp đồng giữa các tổ chức R&D với nhau và với sản xuất được khai thông.
Đây chính là một dạng “Khoán 10” trong khoa học. Nó đã giải phóng các viện và các trường đại học khỏi những ràng buộc, cấm đoán họ liên hệ trực tiếp với nhau và với sản xuất, hoàn toàn giống như những biện pháp khoán (Chỉ thị 100 của BBT và Nghị quyết 10 của BCT, nhưng dân chúng quen gọi chung là “Khoán 10”) đã mở cửa hợp tác xã để cho nông dân đi thẳng tới thị trường nông phẩm hàng hóa.
Lịch sử khoa học Việt
Triết lý 2: Phi hành chính hóa hoạt động KH&CN.
Triết lý “Khoán 10” trong khoa học không thể chỉ thực hiện bằng Quyết định 175/CP, mà cần một số văn bản khác với những triết lý bổ sung, trong đó có triết lý “Phi hành chính hóa hoạt động KH&CN”
Triết lý này được thể hiện một phần trong Quyết định 51/HĐBT năm 1983 và thể hiện tập trung nhất trong Quyết định 134/HĐBT năm 1987 của Hội đồng bộ trưởng:
– Nghị quyết 51/HĐBT năm 1983 do Viện Quản lý Khoa học cùng nhiều cơ quan trong Ủy ban KH&KT Nhà nước phối hợp soạn thảo dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó chủ tịch HĐBT phụ trách khoa học và giáo dục Võ Nguyên Giáp, trong đó có những điều khoản rất quan trọng về việc cho phép các viện và trường đại học được lập xí nghiệp sản xuất những sản phẩm do kết quả nghiên cứu tạo ra nhưng chưa có điều kiện bàn giao hoặc “không bõ” bàn giao vào sản xuất trên quy mô công nghiệp. Đây là mốc đánh dấu rất quan trọng nhằm khắc phục căn bệnh xếp cơ quan khoa học cùng một phạm trù với các cơ quan hành chính. Chính điều khoản này đã tạo điều kiện để các viện và các trường tiến hành các hoạt động sản xuất – kinh doanh, hơn nữa, dẫn đến manh nha hình thành những doanh nghiệp spin-off trong các viện và các trường đại học.
– Quyết định 134/HĐBT năm 1987 do Viện Quản lý Khoa học đề xuất và soạn thảo có điều khoản quy định rằng, không chỉ các cơ quan khoa học (giai đoạn này mới chỉ có các cơ quan khoa học của Nhà nước) mới được tham gia ký hợp đồng, mà các “tập thể tự nguyện giữa các nhà nghiên cứu” (Điều 1, Khoản 2) cũng được phép ký hợp đồng, nghĩa là các nhà nghiên cứu không còn bị ràng buộc bởi “biên giới hành chính” của cơ quan có thể liên kết với nhau không bị ràng buộc hành chính nào.
Triết lý 3: Thương mại hóa kết quả R&D.
Quyết định 134/HĐBT có một điều khoản quan trọng, là cho phép các bên hợp đồng có quyền thỏa thuận giá (Điều 6). Đây là lần đầu tiên có một điều khoản như thế trong hoạt động KH&CN. Trước đó, các bên hợp đồng cũng từng dùng phương thức thỏa thuận giá, nhưng là thỏa thuận ngầm với nhau, còn trên văn bản chính thức vẫn phải là thanh toán hợp đồng theo nguyên tắc rất khô cứng “thực thanh, thực chi”
Xét về mặt triết lý, có thể nói đây là sự tuyên bố công khai của Nhà nước cho phép thuận mua vừa bán khi các bên ký hợp đồng chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho nhau, chính thức xem kết quả R&D như một thứ hàng hóa trao đổi trên thị trường.
Chúng ta hoàn toàn có thể gọi tên triết lý chính sách này chính là chính sách “Thương mại hóa kết quả R&D”. Nói chính xác hơn, là thương mại hóa những kết quả R&D được áp dụng vào sản xuất, đưa lại hiệu quả kinh tế.
Có người nêu câu hỏi, như thế có khác nào nói thừa nhận khái niệm “Thị trường khoa học” ? Hoàn toàn không phải. Trên thế giới đã có rất nhiều cuộc thảo luận về “Thương mại hóa kết quả R&D”. Hồi đầu thập niên 1990, Viện Quản lý Khoa học đã phối hợp với Mạng lưới Chính sách KH&CN Châu Á – Thái Bình Dương (STEPAN) tổ chức một hội thảo tại Hà Nội bàn về “Commercialisation of R&D Outputs”, nhưng chưa bao giờ Viện Quản lý Khoa học, và ngày nay là Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN thừa nhận khái niệm “Thị trường khoa học”. Bởi vì ngoài một số kết quả R&D có thể có giá trị thương mại, thì khoa học nói chung không thể mang ra chợ bán.
Triết lý 4: Trả quyền hoạt động KH&CN cho xã hội dân sự.
Đó là chính sách được thể hiện trong Nghị định 35/HĐBT, ban hành ngày 28 tháng 1 năm 1992. Điều 1 của văn bản đã long trọng tuyên bố: “…mọi công dân đều được quyền tổ chức các hoạt động KH&CN…”
Đây là lần đầu tiên, một văn bản chính sách của Nhà nước không nói “cho phép”, mà tuyên bố “được quyền”. Để thực hiện được quyền đó, Nghị định còn đưa ra những quy định rất cởi mở: Khi muốn thành lập một tổ chức KH&CN thì các đương sự không phải xin phép cơ quan nào cả, chỉ phải xin phép cấp trên của mình và chỉ cần đăng ký trước một cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Điều 15).
Đây thực sự là một tuyên ngôn dân chủ trong khoa học. Nó tuyên bố xóa bỏ độc quyền Nhà nước về hoạt động KH&CN, thừa nhận hoạt động KH&CN trong khu vực xã hội dân sự.
Trong ý tưởng trả quyền hoạt động KH&CN cho xã hội dân sự, phải kể đến Pháp lệnh chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam công bố năm 1988, trong đó đã mạnh dạn dưa một điều khoản các thành phần kinh tế tư nhân cũng có quyền tham gia các hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Có thể nói đây là một bước tiến rất dài trong quá trình dân chủ hóa khoa học ở Việt
Phấn đấu ghi nhận được 4 triết lý chính sách trong 18 năm tồn tại là một nỗ lực vượt bậc của Viện Quản lý Khoa học. Nó đã phải vượt qua biết bao trở ngại về quan điểm giữa một bên là những tư tưởng cởi mở trong quản lý, còn một bên kia là tư tưởng bảo thủ muốn kéo trì xã hội trên những đường mòn của một nếp tư duy khô cứng.
Ngoài những triết lý đã được hiện thực hóa bằng các văn bản chính sách của Nhà nước, năm 1979, Viện đã trình với Lãnh đạo Ủy ban KH&KT Nhà nước bản Dự thảo đầu tiên của Luật Tổ chức và Hoạt động Khoa học và Kỹ thuật (Vũ Cao Đàm và Nghiêm Công khởi thảo), và 20 năm sau, qua rất nhiều “kíp” chuyên gia soạn thảo, mới được Quốc hội thông qua dưới dạng Luật KH&CN.
Viện Quản lý Khoa học cũng đã chính thức đề nghị với các cơ quan hữu quan mở ngành đào tạo sau đại học về Chính sách KH&CN, tiếp đó phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội mở tiếp mã ngành Quản lý KH&CN, chính thức được công nhận là những mã ngành đào tạo trong hệ thống đào tạo sau đại học ở Việt Nam, phù hợp với xu thế chung về sự phát triển ngành đào tạo này trên thế giới.
Với những thành tựu đã đạt được của Viện Quản lý Khoa học, chúng tôi muốn ghi nhận ở đây công lao của các vị lãnh đạo Ủy ban KH&KT Nhà nước thời đó, trong đó không thể không kể đến anh Trần Đại Nghĩa, anh Hoàng Đình Phu, và đặc biệt là anh Đoàn Phương, người có công lao quyết định trong việc thành lập, khích lệ mọi ý tưởng và hoạt động nghiên cứu, đồng thời duy trì sự tồn tại và phát triển của đơn vị nghiên cứu này.
Sẽ là thiếu sót, nếu chúng tôi không nhắc tới các Viện nghiên cứu đã chia bùi sẻ ngọt với chúng tôi thời đó, tự nguyện làm “con chuột bạch” thí nghiệm những ý tưởng về triết lý chính sách của Viện Quản lý Khoa học, như Viện Hóa công nghiệp (viện trưởng Lê Văn Nguyện), Viện KH&KT Xây dựng (viện trưởng Nguyễn Mạnh Kiểm, sau đó là Nguyễn Bá Kế), Viện Mỏ – Luyện kim (viện trưởng Nguyễn Anh), Viện Máy Nâng Hạ (viện trưởng Lê Bá Tôn) và một số viện khác thuộc Bộ Cơ khí – Luyện kim (nay là Bộ Công nghiệp)