Nông nghiệp Việt Nam: Những vấn đề tồn tại

Trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta phải thừa nhận là, nền nông nghiệp nước ta về cơ bản vẫn là nền sản xuất thô về sản phẩm, thấp về đẳng cấp, tiêu tốn nhiều nguồn lực, ứng dụng KH&CN và cơ giới hóa trong nông nghiệp còn khiêm tốn, sức cạnh tranh với khu vực và thế giới chưa cao; thậm chí, ở một số lĩnh vực còn đi sau thế giới khá xa. Các nguyên nhân của tình trạng này là do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, năng suất lao động thấp mà giá thành nông sản lại cao, thiếu tính liên kết trong nội bộ ngành nông nghiệp và giữa ngành nông nghiệp với các ngành kinh tế khác như công nghiệp và dịch vụ (như công nghiệp hỗ trợ ngành nông nghiệp chẳng hạn), tạo ra quá nhiều tầng nấc trung gian trong chuỗi giá trị; một nghiên cứu cho thấy, trong khi các quốc gia khác chỉ có chừng 2-4 tác nhân trung gian thì ở Việt Nam con số này là 5-7.

Người Việt coi trọng nghề nông, minh triết của người Việt coi nông nghiệp là gốc của mọi thứ trong xã hội, ‘canh nông vi bản’. Ngày nay nông nghiệp không chỉ giúp ổn định cuộc sống cho phần lớn dân cư nông thôn (‘yên dân’), mà còn là nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội và ổn định chính trị, tạo tiền đề để hiện thực hóa khát vọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước từ một quốc gia có nền nông nghiệp còn chưa phát triển. Trong năm 2020, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ bị đình đốn thì sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn phát triển, vẫn đảm bảo ổn định an ninh lương thực trong nước và duy trì xuất khẩu nông sản. Những kết quả này rất quan trọng, xét trong bối cảnh khu vực nông thôn chiếm tới 63% dân cư, 66% số hộ, 68% người làm việc; nông nghiệp chiếm tỷ trọng 13.96% trong GDP (Tổng cục thống kê, 2019).

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn tồn tại những thách thức và điểm yếu nghiêm trọng cần sớm khắc phục và giải quyết.

Những thách thức từ bên ngoài

Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào điều kiện khí hậu cho nên thách thức trực tiếp và lâu dài đến sản xuất nông nghiệp là tác động của biến đổi khí hậu – Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m mà Việt Nam không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, thì khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Lũ lụt sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập lụt không còn khả năng canh tác (Phạm Tất Thắng, 2017). Mặt khác, biến động thời tiết ngày càng cực đoan, bất thường, khó kiểm soát; các nhà khoa học cũng dự báo các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung sẽ bị hạn nhiều hơn; số đợt không khí lạnh, rét đậm, rét hại sẽ xuất hiện nhiều hơn ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ, bão lũ sẽ gây ảnh hưởng ngày thêm nặng nề trên qui mô cả nước.

Nền nhiệt của Việt Nam đã tăng lên đáng kể; nguồn nước chịu ảnh hưởng do thay đổi lượng mưa; mực nước biển dâng dẫn đến thu hẹp diện tích sản xuất, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2016); xói lở và xâm nhập mặn diễn ra ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng (Nhóm Ngân hàng Thế giới, 2016). Những ảnh hưởng trên khiến cho việc phát triển nông nghiệp gặp bất lợi lớn, do đó cần có các chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung từ năm 2018 và các biến động địa-chính trị khác, đã tạo ra áp lực đối với các tập đoàn đa quốc gia trong việc điều chỉnh chuỗi cung ứng. Đại dịch toàn cầu Covid-19 đã cho thấy những rủi ro của việc các nước phụ thuộc vào một nguồn cung, và các chuỗi cung ứng được tổ chức quá dàn trải, làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu dễ bị đứt gãy, tổn thương. 

Với các ngành kinh tế dựa vào tài nguyên như nông nghiệp thì ‘thượng nguồn’ của chuỗi cung ứng chính là các tài nguyên đầu vào như nước và đất đai. Biến đổi khí hậu đã tạo ra thách thức vô cùng to lớn đối với việc sử dụng tài nguyên nước và tài nguyên đất. Nhưng sự thiếu phối hợp, thiếu thiện chí giữa các quốc gia trong cùng một lưu vực cũng tạo ra những căng thẳng ngày càng tăng về tài nguyên nước. Đồng bằng sông Cửu Long là một ví dụ cho thấy tác hại nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và các thách thức chính trị quốc tế đến an ninh chuỗi cung ứng trong ngành nông nghiệp.

Quá trình toàn cầu hóa, đa phương hóa mạnh mẽ cũng là một thách thức lớn (song cũng đồng thời là cơ hội, nếu biết cách biến ‘nguy’ thành ‘cơ’) khi gắn với chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy, với các hàng rào phi thuế quan, các biện pháp phòng vệ tinh vi, làm xu hướng tài chính quốc tế thay đổi kèm theo với các xung đột thương mại, bất ổn chính trị, cùng với dịch bệnh, khiến xu hướng thương mại nông sản quốc tế, tiêu chuẩn thị trường luôn thay đổi; đồng thời, các yêu cầu mới về môi trường và lao động luôn xuất hiện. Tất cả những điều đó tất yếu dẫn đến cạnh tranh thị trường ngày càng trở nên gay gắt hơn.

Nền nông nghiệp quảng canh rủi ro và thiếu hiệu quả 

Sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp thời gian qua có đóng góp của nhiều ‘điểm sáng’ về thâm canh, ứng dụng công nghệ cao chủ yếu mang tính quảng canh, dựa trên thâm dụng tài nguyên thiên nhiên, thâm dụng lao động, lấy sản lượng, năng suất là chính, chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng, hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa, và bảo vệ môi trường, dù thời kỳ ‘đói khát’ đã qua từ lâu. Hơn nữa, nông nghiệp lại chưa gắn với công nghiệp thành một hệ thống để bổ sung, tương trợ cùng nhau phát triển. Số lượng các doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình hội nhập cho ngành còn ít. Vì vậy, nền nông nghiệp vẫn chưa khắc phục được những yếu kém nội tại, kinh tế nông thôn đang phát triển không đồng đều, thiếu ổn định, mà thực tế ‘được mùa mất giá’, ‘giải cứu nông sản’ hết cây này sang con khác, hết năm này qua năm khác là thí dụ điển hình, là minh chứng của một nền sản xuất chưa bền vững, rủi ro cao, giá cả của đầu ra nông sản bấp bênh, sự thua thiệt thường rơi vào người sản xuất và các doanh nghiệp nhỏ.

Hầu hết các loại giống cây trồng từ lúa, hoa màu, rau quả đến các giống vật nuôi cao sản, máy móc, thiết bị, phần lớn vật tư nông nghiệp… đều là ‘hàng ngoại nhập’. Ví dụ, hơn 90% số máy kéo bốn bánh và máy công tác kèm theo, máy gặt đập liên hợp, phải nhập khẩu. Năm trong số sáu đại gia lớn nhất thế giới về giống cây trồng đã có mặt tại Việt Nam, từ Syngenta của Thụy Sĩ đến Bayer của Đức, Dupont và Monsanto của Mỹ…  trong khi sự hỗ trợ của nhà nước với các công ty nội địa còn chưa đủ mạnh nên thị trường giống cây trồng và giống vật nuôi đứng trước nguy cơ nằm dưới sự thống lĩnh và lũng đoạn của các tên tuổi nước ngoài. Giống trong nước, dù tốt nhưng thiếu trợ giá, ko có chính sách giúp nông dân mua nợ (mua trước, trả sau), chế độ thưởng cho các tư thương bán giống chưa đủ mạnh… nên dần lép vế. Dưới tác động của các hiệp định thương mại tự do (FTAs) với những cam kết mở cửa thị trường sâu rộng, hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, nếu chúng ta không kịp có các chính sách hỗ trợ để phát triển công tác giống trong nước thì sẽ buộc phải dọn đường cho nông sản, thực phẩm, giống cây giống con, v.v… từ nước ngoài tràn vào. 

Khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp kém do chủng loại sản phẩm chưa đa dạng, chất lượng thấp, kích cỡ không đồng đều, thiếu nhãn mác để nhận diện, chưa có truy xuất nguồn gốc, chưa có thương hiệu trên thị trường. Đa phần sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất khẩu ở dạng thô, chưa qua chế biến, chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu (Nhóm Ngân hàng Thế giới, 2016). Theo Tổng cục hải quan (2020), thị trường xuất khẩu lệ thuộc phần lớn vào Trung Quốc (trên 60% sản lượng rau quả, trên 60% cao su) nhưng chủ yếu qua đường tiểu ngạch nên giá trị thấp. Điểm qua các chỉ số (1) Xếp hạng toàn cầu về khối lượng, (2) Xếp hạng toàn cầu về giá trị, (3) Xếp hạng toàn cầu về giá bán (USD/tấn) của một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, ta thấy tăng trưởng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dựa trên cạnh tranh về giá (giá rẻ), phân khúc chất lượng thấp, không nhãn mác, chưa dựa vào lợi thế cạnh tranh về chất lượng.

Nông sản

hàng hóa

Xếp hạng toàn cầu

về khối lượng

Xếp hạng toàn cầu

về giá trị

Xếp hạng toàn cầu

về giá bán ($/tấn)

1. Hạt điều

1

1

6

2. Sắn lát khô

2

2

6

3. Tiêu đen

1

1

8

4. Cà phê nhân

2

2

10

5. Gạo

3

4

10

6.Cao su

4

4

10

7. Chè

5

7

10

Nguồn: Khôi & Thắng, 2019

Quy mô manh mún và năng suất lao động thấp

Năng suất lao động của nông dân Việt Nam đang thuộc nhóm thấp nhất châu Á. Dù trong những năm qua, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam có tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) bình quân cao, với 5,2%/năm giai đoạn 2011-2018, cao hơn tốc độ tăng bình quân của khu vực công nghiệp và xây dựng (3%/năm) và khu vực dịch vụ (3,1%/năm), tuy nhiên khu vực này vẫn có mức NSLĐ thấp nhất trong các khu vực kinh tế, đến năm 2018 theo giá hiện hành đạt 39,8 triệu VND/lao động, chỉ bằng 38,9% NSLĐ của toàn nền kinh tế, bằng 30,4% NSLĐ của khu vực công nghiệp và xây dựng, bằng 33,7% khu vực dịch vụ. Trong các nước ASEAN, NSLĐ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của Malaysia cao gấp 11,9 lần; Indonesia cao gấp 2,4 lần; Thái Lan cao gấp 2,1 lần và Philippine cao gấp 1,8 lần mức NSLĐ của Việt Nam (Tùng Đinh, 2020).

Nguyên nhân chủ yếu khiến năng suất lao động của ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn thuộc nhóm thấp nhất châu Á là do quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp của nông dân thấp, thể trạng người nông dân còn thấp và yếu, lao động trực tiếp trên đồng ruộng chủ yếu là người có tuổi và trẻ nhỏ.  

Sản xuất qui mô nhỏ thể hiện qua diện tích canh tác bình quân dao động từ 0,2 đến 2 ha/hộ và chỉ đạt 0,34 ha/lao động. Kết quả khảo sát về qui mô sử dụng đất của nông hộ qua thời gian 10 năm, 2006-2016, cho thấy quy mô đất nhỏ, thay đổi ít, số hộ không trực tiếp sử dụng đất tăng từ 18,23% lên 21,38%, số hộ sử dụng từ 0,2 đến dưới 0,5 ha giảm từ 32,29% xuống còn 27,11%, số hộ có qui mô diện tích đất nông nghiệp dưới 0,2 ha chỉ tăng từ 21,17% lên  22,49%, số hộ có qui mô đất nông nghiệp từ 0,5 đến dưới 1 ha tăng chỉ từ 16,44% lên 16,75%; chỉ có khoảng 5% hộ nông dân có qui mô ruộng đất trên 3 ha, v.v… (Khôi & Thắng, 2019). 

Diện tích bình quân đất nông nghiệp/người của Việt Nam tiếp tục giảm và ở mức thấp của thế giới, năm 2016 vẫn còn hơn 50% hộ có diện tích nhỏ hơn 0.5ha; điều đó đã và đang tác động trực tiếp đến những hạn chế trong việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất, khai thác lợi thế theo quy mô, cũng như việc triển khai ứng dụng các mô hình nông nghiệp tiên tiến (Nhóm Ngân hàng Thế giới, 2016). Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng việc diện tích canh tác nhỏ lẻ khiến cho tăng trưởng trong khu vực nông nghiệp bị hạn chế (Ayerst et al., 2020; Le, 2020).  

Do sinh kế truyền thống của nông dân dựa vào sản xuất nông nghiệp, nghĩa là dựa vào đất, nên nhiều nông dân có tâm lý giữ đất phòng thân, khiến quá trình tích tụ và tập trung đất nông nghiệp khó khăn và chậm chạp. Giao dịch đất đai thấp (<5% số hộ), thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp chưa phát triển, thủ tục chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp còn nhiêu khê. Do đó, thu hồi đất vẫn là hình thức diễn ra khá phổ biến khi Nhà nước cần tích tụ hay tập trung đất đai. Trong khi đó, diện tích đất nông nghiệp thu hồi để phát triển các khu công nghiệp có tỷ lệ được lấp đầy không cao, như với Hà Nội con số này chỉ là 44,7%, Đà Nẵng 49,6%, TP. HCM 56,4%; trong khi con số này của các thanh phố khác trên thế giới như Manila, Thượng Hải, Bắc Kinh, Los Angeles lần lượt là 90,2, 89,8, 99,0 và 97,6%.


Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng rất lớn tới ngành nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Người dân cắt lúa non về cho bò ăn. Trong đợt hạn mặn khốc liệt năm 2020, 5 tỉnh ĐBSCL đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp về hạn hán và xâm mặn. Nguồn ảnh: Vietnamnet. 

Mô hình sản xuất nông hộ chậm đổi mới

Hình thức tổ chức sản xuất chính trong nông nghiệp ở Việt Nam là nông hộ, chiếm 90% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp (Nhóm Ngân hàng Thế giới, 2016). Trong những năm qua, kinh tế hộ gia đình đã phát huy hiệu quả, nhưng cũng đã tới ngưỡng kịch trần của xu hướng phát triển theo chiều rộng. Các nông hộ chưa chú trọng đầu tư nâng cao giá trị, tìm kiếm thị trường, chỉ sản xuất cái gì mình có mà không theo tín hiệu của thị trường. Rõ ràng là, kinh tế hộ vẫn và sẽ mãi là hạt nhân của kinh tế nông thôn, nhưng rất cần nâng lên một tầm cao mới, một vị thế mới. Tiếc là, kinh tế hộ gia đình hiện nay, về cơ bản, vẫn là những gì hộ nông dân đã có từ thời sau đổi mới, sau Khoán 10; chưa có một nghiên cứu nào định hình được chân dung kinh tế hộ gia đình trong thời đại công nghiệp 4.0.

Liên kết ngang trong sản xuất kinh doanh giữa nông dân với nông dân (dưới dạng tổ nhóm sản xuất, hợp tác xã) để nâng cao lợi thế chưa được phát huy do chưa thể hiện được tính thiết thực với nông dân, đặc biệt là hợp tác xã, dù mô hình này đã rất thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là ở các quốc gia được coi là ‘cường quốc’ về nông nghiệp. Các hợp tác xã, đa phần là hợp tác xã kiểu cũ, được khoác cái áo ‘kiểu mới’, được đánh giá là kém hiệu quả trong việc cung cấp đầu vào và lo đầu ra nên trên thực tế không mấy hấp dẫn các hộ nông dân và đóng góp vào phát triển kinh tế nông thôn còn rất hạn chế (Cox&Le, 2014). Các mô hình kinh tế hợp tác còn thiếu đồng bộ trong triển khai luật, chính sách, thiếu vốn và trang thiết bị. Các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân gặp khó khăn trong đàm phán và ký kết hợp đồng với nhiều hộ, rủi ro đòi lại đất trước hạn, ‘bẻ kèo’ hợp đồng, chi phí đầu tư lớn (Thúy An, 2017). Vì vậy, một trong những vấn đề cấp bách là sửa chữa, bổ sung Luật Hợp tác xã 2012, sao cho nông dân thấy hợp tác xã thực sự là của họ, chứ không phải là một tổ chức của nhà nước, ‘của cán bộ’ nhằm quản lý họ, qua đó thổi một luồng sinh khí mới vào sản xuất nông nghiệp.

 

Đầu tư vào nông nghiệp hạn chế

Mức đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế và dàn trải, chưa tương xứng với tiềm năng và đóng góp của ngành đối với nền kinh tế quốc dân, nên cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông thôn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Ví dụ như hệ thống thủy lợi của Việt Nam bị đánh giá là kém hiệu quả, không có hệ thống đo lường chất lượng nước, không có hệ thống điều khiển dòng chảy. Từ đó, năng suất nước thấp (Nhóm Ngân hàng Thế giới, 2016). Các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp cũng chưa phát triển, đặc biệt là khâu bảo quản sau thu hoạch và logistics. Các ngành công nghiệp chế biến và chế biến sâu nông sản chưa phát triển, đa phần là quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu (Quyền Đình Hà, 2017). Điều đó dẫn tới chất lượng nông sản khi xuất khẩu thấp, giá trị gia tăng nhỏ. Việc hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất – phân phối các sản phẩm nông nghiệp chủ lực vẫn còn gặp nhiều khó khăn (Nhóm Ngân hàng Thế giới, 2016). Hệ thống kinh doanh nông sản chỉ tập trung vào một số ngành truyền thống hoặc có lợi nhuận cao như lúa gạo, cao su, cà phê, hồ tiêu, điều. Dù đã thành lập các “sàn giao dịch nông sản” nhưng hoạt động của các sàn này còn rất hạn chế, chưa thực chất (Nguyễn Thị Minh Hiền, 2016). 
Có quá nhiều chính sách để thu hút nguồn lực vào nông nghiệp nhưng lại không phát huy được hiệu quả. Tác động tích cực của nhiều chính sách “cởi trói” trong nông nghiệp và nông thôn dường như đã tới hạn, thậm chí, một số chính sách lại cản trở sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn. Tín dụng cho phát triển nông nghiệp chưa thực sự đổi mới và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã và hộ nông dân tiếp cận vốn; tình trạng tín dụng đen vẫn tồn tại, làm suy kiệt sức sản xuất và bần cùng hóa không ít hộ nông dân. 

Do cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp chưa hiệu quả cùng với tình trạng đất đai manh mún nên vẫn chưa nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hiện chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, trong đó số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp cho sản xuất nông lâm, thủy sản mới chiếm khoảng 1%. Trong đó, có không ít là các doanh nghiệp nhà nước do được ưu tiên tiếp cận vốn, số doanh nghiệp tư nhân chưa nhiều, chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng lợi nhuận cao, dễ sinh lời từ đất đai, từ địa tô và các ‘lợi lộc’ khác. 

Đời sống kinh tế người nông dân bấp bênh

Các số liệu điều tra gần đây cho thấy, dù bộ mặt nông thôn đã thay đổi nhiều, thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân dù đã cải thiện nhưng vẫn còn thấp, tăng thu nhập giai đoạn 2002-2016 của hộ nông dân đạt 5.75%/năm, nghĩa là thu nhập của nông thôn tăng theo thời gian nhưng với tốc độ chậm, trong khi chi tiêu cũng tăng, nên khả năng tích lũy thực tế của hộ nông thôn rất thấp, năm cao nhất chỉ đạt trên 22 triệu đồng, chưa bằng 50% hộ thành thị. Tỷ lệ đói nghèo ở nông thôn cao gấp 3,7 lần thanh thị, 40% hộ nông thôn không có tích lũy, 84% lao động nông nghiệp không có tiền để dành (Khôi & Thắng, 2019); trong đó, hộ thuần nông cho thu nhập thấp nhất, những hộ thuần làm nông lâm thủy sản có thu nhập/tháng/người bằng 29% thu nhập/tháng/người nông thôn, chỉ nhỉnh hơn nhóm người không làm việc gì! Tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm nhanh, nhưng thiếu bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao. Tiềm lực tài chính như vậy, nên người nông dân rất khó tự đầu tư mở rộng sản xuất, tự nâng cao trình độ, hay tự ứng phó với những cú sốc về giá hay tai biến về thời tiết, dịch bệnh. 

Chuyển dịch cơ cấu lao động vẫn chậm, không hoàn thành mục tiêu của Đại hội Đảng XI là giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp xuống 40-41% vào năm 2015. Tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn thấp, chỉ ở mức 2-3% nhưng thời gian lao động thực tế không cao, tình trạng này gần giống như lãn công trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, dù về bản chất thì hoàn toàn không phải như vậy. Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng, nhưng thời kỳ này đang qua đi nhanh, chúng ta hầu như chưa chuẩn bị gì để sẵn sàng đón nhận thời kỳ ‘vàng’ quý giá này cho nông nghiệp, nên lao động nông nghiệp Việt Nam đa số vẫn còn ở trình độ thấp, thể hiện qua con số: có khoảng 70% số lao động chưa qua bất kỳ một khóa đào tạo chuyên môn nào; mới có 4% lao động qua đã qua đào tạo (Tổng cục thống kê, 2019), lao động có trình độ đại học chỉ chiếm khoảng 9%.

Do ít được đào tạo, nên lao động nông nghiệp thiếu kiến thức khoa học, thiếu kiến thức quản trị đồng ruộng, quản trị trang trại; lại thêm hệ thống thông tin thị trường chưa phát triển nên chưa giúp doanh nghiệp và nông dân có quyết định đúng để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và nâng cao thu nhập cho người nông dân, nên phần lớn nông dân nước ta sản xuất ra sản phẩm hôm nay không biết ngày mai bán cho ai, ở đâu, giá cả thế nào, bao gói ra sao, thấy hàng xóm trồng thì trồng, thấy hàng xóm nuôi thì nuôi, ‘muôn sự tại trời’. Ngoài ra, lao động nông nghiệp vẫn còn dư thừa tương đối ở các vùng sâu vùng xa. Trong khi đó, ở các vùng ven đô, xu hướng đô thị hóa khiến một bộ phận nông dân mất cơ hội sản xuất nông nghiệp trong khi chưa chuẩn bị đầy đủ cho việc chuyển đổi ngành nghề, tạo sinh kế mới phi nông nghiệp.  

Điều đáng lưu ý là, xu hướng di cư ra khỏi khu vực nông thôn đang diễn ra mạnh nhưng số lượng tuyệt đối các hộ sống ở nông thôn vẫn tiếp tục tăng. Nông dân chuyển đổi sinh kế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, nhưng tỷ lệ lao động làm việc phi chính thức rất cao, khoảng 55% vào năm 2016. Tỷ lệ người già phụ thuộc (từ 65 tuổi trở lên) chiếm hơn 10% tổng dân số nông thôn và sẽ tiếp tục tăng cùng với việc hàng triệu lao động từ các khu công nghiệp sẽ quay về nông thôn do tác động của cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư, nhiều khả năng cũng là một gánh nặng không nhỏ cho phát triển nông thôn. □

(Còn tiếp)

Nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ mũi nhọn phục vụ nông nghiệp như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến và chế biến sâu, và các lĩnh vực khoa học của kỷ nguyên số như IoT, Bigdata, AI, Blockchain, Robotics và gần đây là Tính toán lượng tử… ứng dụng vào nông nghiệp còn thiếu nhân lực trình độ cao nên chậm được triển khai; điều kiện vật chất kỹ thuật của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo còn bị tụt hậu, không đồng bộ so với nhu cầu, nhiệm vụ và so với mặt bằng chung của các cơ sở nghiên cứu và đào tạo về nông nghiệp của các nước có nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới mà chúng ta đang hướng tới, dẫn đến tình trạng đào tạo nhân lực cho khoa học và công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông thôn chưa gắn lý thuyết với thực hành, thiếu các nghiên cứu chuyên sâu nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm.
———————–
Dù phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ thì cũng phải tính đến hiệu quả, tính bền vững và sự phù hợp; tuyệt đối không nên phát triển các phương thức sản xuất nông nghiệp mới nào theo phong trào, ồ ạt, lấy thành tích và để khoe khoang là chính.


Tài liệu tham khảo 
Bộ Tài nguyên và Môi trường (2016). Kịch bản biến đổi khí hâu và nước biển dâng tại Việt Nam.
Đặng Kim Khôi & Trần Công Thắng (2019). Bức tranh sinh kế người nông dân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập (1990-2018). NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
Nguyễn Thị Minh Hiền. (2016). Báo cáo tóm tắt đề tài cấp Bộ: Nghiên cứu giải pháp phát triển sở giao dịch hàng hóa nông sản ở Việt Nam. Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo. 
Perkin, D. H., Radelet, S., Lindauer, D. L.,  Block, S. A. (2013). Economic of Development (7th edition). W. W. Norton &Company, New York.
Quyền Đình Hà (2017). Báo cáo tóm tắt đề tài cấp Bộ: Nghiên cứu đề xuất chính sách và giải pháp khuyến khích chế biến sâu một số nông sản chủ lực của Việt Nam (lúa gạo, cao su, cá tra). Đề tài Nghiên cứu Khoa học công nghệ cấp Bộ, Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Tổng cục thống kê (2019). Niên giám thống kê 2019. Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.
Tổng cục thống kê (2020). Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2020. 
Tùng Đinh (2020). Ngành nông nghiệp chắc chắn xuất khẩu đạt trên 40 tỷ USD Báo Nông nghiệp Việt Nam (Báo Nông nghiệp Việt Nam, ngày 06/10/2020).
World Bank (2010). Vietnam – Economics of adaptation to climate change. Washington, DC: World Bank. Retieved September 23, 2020 from http://documents.worldbank.org/curated/en/2010/01/16441103/vietnam-economics-adaptation-climatechange

 

Tác giả

(Visited 53 times, 1 visits today)