NSF và khoa học Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ hai (Kỳ 2: Ảnh hưởng ở tầm liên bang)

Những năm đầu hoạt động của Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (NSF) là một giai đoạn quan trọng với sự phát triển của chính sách khoa học Mỹ thời hậu chiến. Sau khi thuyết phục nhiều thành viên trong chính phủ rằng tài trợ công cần thiết cho nghiên cứu khoa học, NSF tiếp tục trở thành nơi diễn ra các cuộc tranh luận của nước Mỹ hậu chiến về chính sách khoa học, tài trợ liên bang cho các cơ sở nghiên cứu dân sự, và tài trợ liên bang cho giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).


Các thành viên hội đồng KH quốc gia Mỹ vào tháng 7/1951. Vào tháng 3 năm đó, Alan T. Waterman được bổ nhiệm làm giám đốc đầu tiên của NSF. Tháng 1 năm 1952, NSF cấp ngân sách cho 28 khoản tài trợ đầu tiên, trong đó đơn vị đầu tiên được nhận là Viện Nghiên cứu ung thư. Tổng số khoản tài trợ ngay trong năm đầu tiên là 97, trong đó có nhà y sinh học Max Delbruck người được nhận giải Nobel vào năm 1969. Ảnh: NSF.

Những trung tâm nghiên cứu mới

 

Dù ngân sách của NSF vẫn ở mức khiêm tốn trong những năm đầu, các quyết định chính sách của quỹ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thiết lập nghiên cứu cơ bản do dân sự dẫn dắt trong bối cảnh nghiên cứu và phát triển quân sự áp đảo. Chi phí tăng cao để tiến hành nghiên cứu khoa học tối tân khiến nhiều nhà khoa học không tiếp cận được trang thiết bị cần thiết. Sau Chiến tranh Thế giới II, các cơ quan quốc phòng và các công ty đầu tư mạnh vào các cơ sở nghiên cứu, nhưng ở các phòng thí nghiệm đó chủ yếu là các nhà khoa học quân đội hoặc được công nghiệp tài trợ, làm việc vì những mục tiêu được nhiệm vụ đặt ra. Khi NSF bắt đầu nhận được những đề xuất xin tài trợ xây dựng những cơ sở nghiên cứu vật lý hạt nhân, thiên văn học và điện toán, lãnh đạo quỹ nhận ra một cơ hội không chỉ để hỗ trợ những dự án nghiên cứu riêng lẻ, mà còn để khuyến khích việc xây dựng và vận hành một cách toàn bộ những cơ sở nghiên cứu khoa học cơ bản do dân sự dẫn dắt.

Mặc dù nhiệm vụ ban đầu của quỹ không đề cập cụ thể đến các cơ sở nghiên cứu, tại cuộc họp vào tháng 5 năm 1955, Ban Khoa học Quốc gia chấp thuận một chính sách chính thức về đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu. Nó chỉ đạo NSF hỗ trợ các cơ sở nghiên cứu khoa học cơ bản lớn “khi nhu cầu là rõ ràng và thuộc vào lợi ích quốc gia, khi giá trị được xác nhận bởi một hội đồng chuyên gia, và khi chưa có ngân sách từ nguồn khác1.” Chính sách về cơ sở nghiên cứu tạo ra một mục ngân sách mới, “ngân sách đặc biệt”, để đảm bảo nguồn ngân sách cho các dự án lớn được tách khỏi nguồn tài trợ cho các nhà khoa học riêng lẻ và các dự án nhỏ. Khi trình chính sách mới lên Nhà Trắng, Waterman giải thích việc mở rộng tài trợ của NSF cho các cơ sở nghiên cứu cơ bản dân sự bằng cách chỉ ra việc nhiều cơ quan quốc phòng cũng cấp ngân sách xây dựng các cơ sở phục vụ nghiên cứu theo nhiệm vụ.

NSF hy vọng các cơ sở được tài trợ sẽ vừa cải thiện chất lượng nghiên cứu cơ bản trong những lĩnh vực phụ thuộc vào trang thiết bị chuyên môn đắt tiền, vừa giải quyết sự mất cân bằng địa lý trong phân phối trang thiết bị. Thời đó, các cơ sở nghiên cứu hàng đầu và trang thiết bị tốt nhất của Mỹ có xu hướng tập trung xung quanh các trường đại học hàng đầu ở bờ Đông và bờ Tây, và NSF nhận thấy các nhà khoa học ở những nơi khác trong nước Mỹ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận các trang thiết bị như kính thiên văn lớn và máy gia tốc hạt.

Đề xuất đầu tiên của NSF về cấp ngân sách xây dựng được trình Quốc hội Mỹ cho năm tài chính 1956. Trong năm đó, quỹ cấp 125.000 USD tài trợ cho các cơ sở nghiên cứu sinh học và y học, và 397.500 USD cho các cơ sở toán học, vật lý và các ngành kỹ thuật2. Tài trợ cho các cơ sở chỉ chiếm 3% tổng cam kết tài chính của quỹ cho năm tài chính 1956, nhưng chúng hỗ trợ một loạt các dự án: những giai đoạn đầu tiên trong việc xây dựng một đài thiên văn quang học quốc gia trên đỉnh núi Kitt thuộc bang Arizona và một đài thiên văn sóng vô tuyến quốc gia ở Greenbank, bang Tây Virginia; một lò phản ứng hạt nhân ở MIT; một số trạm thực địa cho nghiên cứu sinh học; và các trung tâm điện toán tại Caltech, MIT, Đại học Bang Oregon, Đại học Washington, và Đại học Wisconsin3.

Đặc biệt, đầu tư từ rất sớm của NSF vào thiên văn học cho thấy vai trò quan trọng của tài trợ của quỹ cho nghiên cứu khoa học cơ bản; nó là một đối trọng cho các nguồn tài trợ của quân đội và tư nhân. Trái với các nghiên cứu theo nhiệm vụ, ở đó việc tìm hiểu khoa học được hướng đến những mục đích cụ thể, tài trợ của NSF cho các nhà thiên văn học cơ hội sử dụng các đài thiên văn bất kể họ đến từ đơn vị nào, cũng như cơ hội theo đuổi những nghiên cứu do tính tò mò thúc đẩy. (Xem bài “The contentious role of a national observatory” của tác giả Patrick McCray đăng trên Physics Today, số tháng 10 năm 2003, trang 55.) Tài trợ từ sớm của NSF cho các cơ sở nghiên cứu thiên văn cũng minh họa cho việc những ưu tiên của quỹ được định hình bởi nhu cầu của cộng đồng khoa học, nó cũng là một thí dụ đầu tiên về kiểu chính sách khoa học “từ dưới lên” mà giám đốc đầu tiên của Quỹ, Waterman bảo vệ.

 

Ảnh hưởng chính sách liên bang về giáo dục STEM

 

Tài trợ cho giáo dục STEM ở Mỹ cũng trở thành một khu vực đầu tư tăng trưởng nhanh của NSF trong thập kỷ đầu tiên. Trước năm 1958, chính phủ liên bang hầu như để cho từng bang tự cấp ngân sách và tài trợ cho giáo dục. Chênh lệch lớn trong ngân sách cho các trường công dẫn đến chênh lệch lớn trong chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục giữa các thị trấn, giữa các thành phố, và giữa các bang.

Mặc dù Chính phủ Mỹ đã thông qua nhiều biện pháp để cấp ngân sách cho các trường nông nghiệp và trường nghề trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, đầu tư liên bang cho giáo dục vẫn là một vấn đề chính trị gây tranh cãi. Tuy nhiên, bối cảnh chính trị bắt đầu thay đổi khi những lo ngại về nhân lực làm khoa học bắt đầu bào mòn sự kháng cự lâu đời đối với ý tưởng ngân sách liên bang cho giáo dục. Sau Chiến tranh Thế giới II, các nhà khoa học bắt đầu liên hệ trực tiếp tình trạng giáo dục Mỹ với các vấn đề an ninh quốc gia. Trong Báo cáo Khoa học – Ranh giới vô biên vào tháng 7/1945, Bush cảnh báo rằng nước Mỹ sau chiến tranh có thể thiếu trầm trọng các nhà khoa học. Ông cũng bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về tình trạng giáo dục toán và khoa học ở Mỹ khi nói rằng trường học đã thất bại trong việc cung cấp đủ các nhà khoa học giỏi mà nước Mỹ cần để củng cố quốc phòng. Bóng ma ngày càng lớn của sự cạnh tranh của Liên Xô trong những năm 1950 càng làm tăng tính khẩn cấp của cảnh báo của ông.


Kính viễn vọng vô tuyến hình cầu 300 feet tại Đài quan sát thiên văn vô tuyến quốc gia ở Green Bank, W.Va. Hoàn thành vào tháng 9 năm 1962, đây là kính viễn vọng vô tuyến di động lớn nhất thế giới vào thời điểm đó. Ảnh: NSF

Đạo luật NSF cung cấp một nền tảng và quyền hạn rộng để tài trợ giáo dục khoa học. Ngay sau khi thành lập, quỹ khởi động một chương trình tài trợ một loạt các hoạt động giáo dục khoa học, bắt đầu với Chương trình Học bổng Nghiên cứu Sau đại học (Graduate Research Fellowship Program) năm 1952. Mặc dù phần lớn các chương trình giáo dục đầu tiên của NSF tập trung vào bậc đại học, nhu cầu cải thiện lớn ở bậc trung học ngày càng trở nên rõ ràng. Lúc đầu, các quan chức NSF do dự, không muốn bước vào lĩnh vực giáo dục phổ thông, vốn dễ gây tranh cãi chính trị hơn. Nhưng họ nhận thức được nhu cầu trợ giúp các giáo viên khoa học, toán và kỹ thuật, vì những gì họ được đào tạo đã trở nên lỗi thời sau những phát triển nhanh chóng của khoa học trong chiến tranh. Một nghiên cứu được NSF tài trợ ở thời kỳ đó cho thấy trung bình, một giáo viên toán ở trường trung học công từng học toán ở đại học, nhưng không phải trong chuyên ngành toán4.

Củng cố các môn học STEM ở trung học bằng cách cải thiện đào tạo giáo viên trở thành một trọng tâm của quỹ. Năm 1954, các nhà khoa học, các nhà toán học, và các nhân viên NSF bắt đầu tổ chức những chương trình đào tạo cho giáo viên trung học và đại học, ở các trường đại học khắp nước Mỹ. Những chương trình này đặt mục tiêu cập nhật kiến thức của giáo viên về môn học với những tiến bộ khoa học mới nhất, đào tạo nâng cao giáo viên trong lĩnh vực môn học của họ, và giúp giáo viên làm quen với những chương trình học STEM mới nhất, trong đó có một số được NSF tài trợ phát triển5.

Nỗi sợ về sự cạnh tranh của Liên Xô, một nguyên nhân chính khiến các chương trình giáo dục trung học của NSF được Quốc hội Mỹ ủng hộ, vọt lên đỉnh vào ngày 4 tháng 10 năm 1957. Việc Liên Xô phóng thành công Sputnik 1, vệ tinh nhân tạo đầu tiên bay quanh Trái đất, làm chấn động toàn nước Mỹ. Đợt phóng tiếp theo, ngày 3 tháng 11, với vệ tinh Sputnik 2 mang theo chó Laika, khiến Quốc hội Mỹ ở trong tình trạng báo động và yêu cầu các nhà khoa học, trong đó có Bush, điều trần công khai vào cuối tháng đó. Các nhà lập pháp muốn biết vì sao những tiến bộ Liên Xô có vẻ làm lu mờ tiềm lực của Mỹ, và có thể làm gì để Mỹ lấy lại vị trí số một thế giới. Trả lời những câu hỏi đó, Bush nhắc lại một trong những điểm then chốt trong Khoa học – Ranh giới vô biên: năng lực cạnh tranh về khoa học và kỹ thuật của nước Mỹ phụ thuộc vào một hệ thống giáo dục và đào tạo khoa học mạnh.

Chương trình Sputnik trở thành một biểu tượng mạnh về thiệt hại mà sự thiếu đầu tư vào giáo dục khoa học và nghiên cứu có thể gây ra cho an ninh quốc gia và uy tín của nước Mỹ. Quốc hội Mỹ trả lời bằng việc tăng tài trợ liên bang cho khoa học ở mọi lĩnh vực. Năm tài chính 1959, NSF nhận được ngân sách 132.940.000 đô la Mỹ, gần gấp ba lần của năm tài chính 1958. Chương trình giáo dục của NSF nhận được thêm nhiều nhất từ khoản tăng ngân sách hậu-Sputnik: 62.070.000 USD cho năm tài chính 1959, nhiều hơn 12 triệu USD so với ngân sách năm trước của cả quỹ6.

Mặc dù chương trình Sputnik thúc đẩy Quốc hội Mỹ cung cấp nguồn tài chính rất cần thiết cho các chương trình giáo dục hiện có của quỹ, nó cũng tạo thêm áp lực chính trị thúc giục chính quyền của Tổng thống Dwight Eisenhower lập ra một chính sách khoa học mạnh và dài hạn. Để soạn thảo nó, Nhà Trắng cần sự giúp đỡ của NSF, cơ quan liên bang tiên phong trong lĩnh vực và có kinh nghiệm đã được kiểm chứng trong xây dựng chương trình giáo dục khoa học. Ngày 27 tháng 1 năm 1958, Nhà Trắng công bố bản kế hoạch củng cố giáo dục Mỹ. Phát biểu kèm theo của Eisenhower giải thích rằng khi xây dựng chương trình này, chính quyền của ông đã tham khảo ban giám đốc của NSF và Phòng Giáo dục (Office of Education). Ông cũng ca ngợi những nỗ lực cải thiện giáo dục khoa học của NSF, gọi chúng là “một trong những cống hiến quan trọng nhất đang được tiến hành để cải thiện giáo dục khoa học ở Mỹ7.”

Các hoạt động giáo dục STEM của NSF được lấy làm hình mẫu cho những phần về STEM trong Đạo luật Giáo dục Quốc phòng 1958 (National Defense Education Act – NDEA) được Eisenhower ký ngày 2 tháng 9 năm 1958. Nó chuyển 1 tỷ USD cho Bộ Y tế, Giáo dục và Phúc lợi để dùng cho một chương trình cho vay theo nhu cầu và học bổng đại học, cho việc mở rộng các phòng thí nghiệm khoa học của trường học và giảng dạy ngoại ngữ, và cho việc thành lập các chương trình cải thiện giáo dục khoa học và toán của các bang. NDEA là thí dụ đầu tiên về một luật liên bang hoàn chỉnh về giáo dục, nó là nền móng cho một chiến lược liên bang với trọng tâm củng cố nguồn nhân lực khoa học và kỹ thuật của nước Mỹ, bắt đầu từ sau chiến tranh và tiếp tục đến tận ngày nay.

 

Nền tảng cho chính sách khoa học và giáo dục trong tương lai

 

Mặc dù NSF không lập tức trở thành đối trọng của nghiên cứu quân sự và nghiên cứu ứng dụng như nhiều người mong đợi, những đầu tư chiến lược trong những năm đầu của quỹ vào những lĩnh vực như giáo dục khoa học hay cơ sở hạ tầng nghiên cứu giúp cho ngân sách hạn chế của quỹ tạo được tác động vượt tầm. Những hạn chế ngân sách ban đầu cũng giúp lãnh đạo quỹ nhận thấy mối liên hệ không chắc chắn giữa nghiên cứu cơ bản và an ninh quốc gia. Vị trí của NSF trong bức tranh tài trợ liên bang liên tục cần được giải thích và tái khẳng định thông qua lăng kính của một bối cảnh địa chính trị và tài chính liên tục biến đổi.

Trong 12 năm đầu của quỹ, Waterman vạch ra một con đường phát triển vững chắc và được tính toán kỹ lưỡng. Trước những ý định bắt NSF gánh vác những trách nhiệm nặng nề, Waterman đã giữ được bản chất của quỹ với sứ mệnh cốt lõi: hỗ trợ nghiên cứu khoa học cơ bản và giáo dục. Dù thường bị các quan chức chính phủ cũng như nhiều nhà khoa học đồng nghiệp phê phán vì lối tiếp cận thận trọng, nhiều nhà quan sát đánh giá rằng NSF tồn tại được qua những năm có ngân sách eo hẹp là nhờ kế hoạch và sự thận trọng của ông. Ông đã chuẩn bị cho sự mở rộng nhanh chóng của NSF vào cuối thập kỷ.

Sự lãnh đạo của Waterman cũng được Eisenhower kính nể. Trong một bức thư gửi Waterman vào ngày 6 tháng 1 năm 1961, chỉ hai tuần trước khi rời Phòng Bầu dục, Eisenhower ca ngợi công trình của quỹ trong nhiệm kỳ của mình. Eisenhower thổ lộ mong muốn “tri ân” Waterman và các nhân viên NSF vì công việc thúc đẩy tiến bộ khoa học, và tự hào về việc ngân sách cho NSF đã tăng mạnh trong nhiệm kỳ của mình, từ 4,7 triệu USD năm 1953 lên 154,7 triệu USD năm 1960. Ông nhận xét rằng NSF đóng vai trò một “thước đo xuất sắc” cho phản ứng của nước Mỹ trước nhu cầu cấp bách “tăng cường nỗ lực khoa học8.”

Sáu mươi năm sau khi Eisenhower mãn nhiệm, NSF còn đóng vai trò thước đo cho thái độ của nước Mỹ đối với khoa học và những lo lắng về tài trợ của chính phủ cho khoa học cơ bản. Nhiều cuộc tranh luận có từ thời thành lập quỹ – như phạm vi tài trợ cho nghiên cứu ứng dụng, mức độ tài trợ thích hợp cho khoa học xã hội, phân phối địa lý của tài trợ nghiên cứu, v.v. – tiếp tục góp phần định hình chính sách của quỹ trong suốt 70 năm tồn tại. Những thay đổi về chính trị, kinh tế, xã hội đưa đến những lo ngại mới. Những năm gần đây, sự quan tâm đến cơ hội tiếp cận và bình đẳng đã thúc đẩy nhiều sáng kiến khác nhau của quỹ tập trung khuyến khích sự tham gia của phụ nữ và các nhóm thiểu số vào nghiên cứu và làm việc trong STEM. Những căng thẳng địa chính trị mới khiến cho những thách thức về sự cân bằng giữa an ninh quốc gia và sự hợp tác, cởi mở trong khoa học lại trở nên cấp thiết. Cũng như khoa học, các chương trình và tham vọng của NSF luôn tiến hóa và thay đổi để đáp ứng những tranh luận chính sách, dư luận, và nhu cầu của các nhà khoa học dân sự của nước Mỹ.□

 

Nguyễn Hoàng Thạch dịch

Nguồn: https://physicstoday.scitation.org/doi/pdf/10.1063/PT.3.4473

————–
Tác giả: Emily Gibson là nhà nghiên cứu lịch sử khoa học công nghệ và nhà phân tích chính sách khoa học, làm việc tại NSF ở Alexandria, bang Virginia. Bà đang viết một cuốn sách về lịch sử của Quỹ.

1 Ref. 6, England, p. 282.

2. NSF, National Science Foundation 6th Annual Report, 1956 (1956), p. 185.

3. Ref. 11, p. 56.

4. NSF, Inquiry into Satellite and Missile Programs, comments submitted to the US Senate Committee on Armed Services, Preparedness Investigating Subcommittee, 85th Congress, 21 February 1958, part 2, p. 2199.

5. H. Krieghbaum, H. Rawson, An Investment in Knowledge: The First Dozen Years of the National Science Foundation’s Summer Institutes Programs to Improve Secondary School Science and Mathematics Teaching, 1954–1965, New York U. Press (1969), p. 8.

6. Ref. 9, p. 1344.

7. Public Papers of the Presidents of the United States: Dwight D. Eisenhower, 1958, Office of the Federal Register, National Archives and Records Administration (1960), p. 128.

8. D. Eisenhower to A. Waterman (6 January 1961), “Correspondence” folder, box 19, Alan Tower Waterman Papers, Manuscript Division, Library of Congress.

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)