Nuôi khát vọng trong khó khăn
Ebook ngày nay đã trở nên phổ biến, đi đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh một ai đó, ở bất kỳ lứa tuổi nào, đang chăm chú đọc sách qua những chiếc máy tính bảng hay smart phone. Nhưng một công ty công nghệ thông tin còn khá non trẻ ở Hà Nội đang có tham vọng phát triển chuyên sâu hơn nữa sản phẩm này, biến nó thành một công cụ giáo dục hữu hiệu.
Những trang sách điện tử được tạo ra từ Alezaa cho phép hiển thị văn bản kèm hình ảnh hoặc đoạn video, trong đó các thông tin có thể được trình bày theo dòng thời gian. Tại mọi mốc thời gian cụ thể, người làm sách có thể chủ động chèn vào những Magic Card giúp hiển thị những biểu đồ, hình ảnh, video, đoạn chú thích, v.v. Người đọc những trang sách điện tử này cũng có thể dễ dàng tiến hành các thao tác tra cứu, ghi chú, và chia sẻ các thông tin cùng ghi chú này với bạn bè qua Email.
Với các ấn phẩm giáo dục, Alezaa càng chứng tỏ khả năng ứng dụng hiệu quả. Người sử dụng có thể thao tác nhanh chóng để tạo ra một bài giảng như một bài trình bày power point thông thường, nhưng đồng thời bài giảng này hoàn toàn có thể được chia sẻ với mọi người dùng máy tính bảng hoặc điện thoại di động, theo cách miễn phí hoặc thương mại hóa, cho phép “bất kỳ ai vào bất kỳ lúc nào đều có thể tiếp thu bài giảng từ những người thầy giỏi nhất trên thế giới”.
Người đưa ra thông điệp đó là Trần Trọng Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Vinapo, đơn vị đã nghiên cứu phát triển Alezaa và công cụ Alezaa.Build. Tia Sáng có một cuộc trao đổi nhanh với anh:
PV: Những khác biệt của Alezaa so với các công ty ebook khác ở Việt Nam và trên thế giới?
Trần Trọng Thành: Nếu như so sánh về sự hiển thị cuốn sách với người đọc trên các thiết bị cầm thay thì hầu hết trình đọc sách đều giống nhau, chúng tôi cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, chúng tôi có cải tiến tốt hơn với sự hiển thị của truyện tranh.
Nét khác biệt rõ nhất là công cụ biên tập sách Alezaa.Build, với ưu điểm vượt trội là sự thuận tiện và đơn giản. Những cuốn sách điện tử được tạo ra từ Alezaa.Build rất dễ sử dụng với người đọc, đặc biệt là những cuốn có nhiều hình ảnh, khi xoay ngang, xoay dọc màn hình thiết bị đọc, ở mọi góc độ trang hiển thị sách điện tử tạo ra từ Alezaa đều tự điều chỉnh để cho bố cục dàn trang hợp lý, trong khi truyện tranh điện tử của Amazon Kindle chưa chú ý nhiều đến tính năng này.
Chúng tôi chú ý nhiều đến việc tạo ra những văn bản điện tử đòi hỏi tính tương tác đa chiều với người đọc, từ mắt thấy tới tai nghe, hoặc đòi hỏi truyền đạt một chuỗi thông tin theo các bước tuần tự qua thời gian.
Các thao tác tạo sách điện tử từ Alezaa.Build dễ dàng hơn so với các sản phẩm tương tự của nước ngoài, “chỉ cần những người có trình độ nghiệp vụ văn phòng bình thường” là có thể học cách sử dụng trong vòng ít giờ đồng hồ.
Vì vậy, Alezaa rất phù hợp để sử dụng làm các loại cẩm nang điện tử như sách học ngoại ngữ, chỉ dẫn du lịch, hướng dẫn nấu ăn, và các loại cẩm nang hướng dẫn kỹ thuật. Đặc biệt là việc xây các bài giảng trực tuyến được dễ dàng hơn. Vinapo đang làm việc với một số trường đại học có tiếng ở Việt Nam như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc Dân … về vấn đề này. Đây là cách giúp bất kỳ ai vào bất kỳ lúc nào đều có thể tiếp thu bài giảng từ những người thầy giỏi nhất.
Khi xây dựng Alezaa, Vinapo hướng tới thị trường nào? Lợi thế của Vinapo trên thị trường đó?
Alezaa là công cụ đầu tiên bằng tiếng Việt và chắc chắn đây là một lợi thế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, đích ngắm thực sự của Vinapo là thị trường quốc tế. Trong khi thị trường trong nước còn tương đối hạn hẹp, thì thị trường sách điện tử trên thế giới đã rộng và đầy tiềm năng, với mức tăng trưởng 30 – 40% mỗi năm, dự kiến năm 2014 sẽ vượt mức 10 tỷ USD.
Lợi thế cạnh tranh của Vinapo và các công ty Việt Nam là sự tập trung của đội ngũ kỹ sư thông minh, sáng tạo làm việc ngày đêm để cải tiến sản phẩm. Có thể nói nguồn lực công nghệ thông tin của Việt Nam là một mỏ vàng chưa được khai thác đúng mức.
Sự tự tin chinh phục biển lớn của Alezaa khiến tôi nghĩ các anh găp thuận lợi nhiều hơn khó khăn? Anh có thể nói qua một chút về đội ngũ nhân sự trong công ty, cũng như các hướng nghiên cứu hiện tại và trong tương lai?
Xin trích câu nói của Steve Job: “Những con người có đủ điên khùng để nghĩ rằng họ có thể thay đổi thế giới là những người dám làm đến cùng”.
Điểm khác biệt giữa công ty công nghệ và các công ty khác là ở chỗ là chúng tôi phải tuyệt đối sống bằng niềm tin (cười), dù nguồn thu ngày hôm nay vẫn là nước lã và khí trời. Bởi không ai có thể khẳng định chắc chắn khi nào sản phẩm của mình sẽ nổi tiếng và có chỗ đứng trên thị trường, vì vậy đội ngũ hạt nhân của công ty phải rất kiên trì, bền bỉ. Nhóm sáng lập công ty đã chung tay góp sức suốt 5 năm qua và chúng tôi vẫn phải tiếp tục đầu tư thêm.
Đội ngũ cán bộ của Vinapo hiện tại chưa tới 20 người, các lập trình viên vẫn làm việc ngày đêm, trong suốt 5 năm qua chúng tôi không có ngày nghỉ, việc ngủ lại ở văn phòng công ty là việc bình thường.
Tuy nhiên, nguồn lực luôn có hạn nên hiện nay công ty tập trung đi sâu vào một số ít sản phẩm mũi nhọn và bỏ dở những ý tưởng đầy tiềm năng khác. Những ý tưởng tham vọng như vậy sẽ đòi hỏi sự kết hợp nguồn lực của các nhóm công nghệ khác nhau, nhưng sẽ vẫn không tránh khỏi các rủi ro cố hữu. Thị trường công nghệ là nơi chứng kiến không ít những bài học thất bại vì những lý do khách quan hay chủ quan. Ví dụ như sản phẩm Web Showcase, một công cụ tạo trang web khá tiện dụng, là sản phẩm có tính thương mại chính thức đầu tiên của Vinapo sau 3 năm nghiên cứu phát triển, khi ra đời đã không gặp thời vì rơi đúng thời kỳ kinh tế trong nước và thế giới suy thoái, khiến lượng khách hàng quan tâm không nhiều như kỳ vọng.
Theo anh tình hình các công ty công nghệ ở Việt Nam thế nào? Chúng ta đang đứng ở đâu trên bản đồ thế giới?
Khá nhiều tổ chức, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế lâu nay đã quan tâm đầu tư vào các công ty công nghệ thông tin, và từ đó đã hình thành nên một vài doanh nghiệp ít nhiều được biết đến, nhưng nhìn chung công ty công nghệ thông tin thành công và hoạt động bền vững không nhiều.
Có nhiều lý do ở đây, trong đó yếu tố con người đóng một vai trò quan trọng. (Số lượng nhân lực và bằng cấp không phải khi nào cũng phản ánh đúng khả năng của những nhóm làm công nghệ thông tin thực thụ).
Trong những năm gần đây, Việt Nam phát triển quá nhanh, đặc biệt là trong thị trường chứng khoán, bất động sản, thực sự rất ít chuyên gia công nghệ có thể tập trung để nghiên cứu được khi bạn bè của mình rất thành công về tài chính ở các lĩnh vực khác.
Ngoài ra có những giai đoạn (1999-2007), một số công ty đã hành xử thiếu đạo đức kinh doanh, chỉ tìm cách giải ngân của đối tác đầu tư thay vì làm việc nghiêm túc. Hiện tượng này đã gây mất lòng tin của không ít nhà đầu tư, tạo thêm khó khăn cho ngành công nghiệp còn non trẻ này.
Còn việc chúng ta đang đứng ở vị trí nào thì thật khó trả lời, chỉ có một điều rõ ràng là ở các hội chợ công nghệ, hầu như không thấy sự có mặt của các công ty từ Việt Nam. Duy nhất gần đây tôi thực sự ấn tượng với sự xuất hiện của Tosy với “người máy đánh bóng bàn” và các sản phẩm đồ chơi khác.
Từ kinh nghiệm của Vinapo và những gì đã được thấy từ các công ty công nghệ thông tin khởi nghiệp, anh có kiến nghị gì về chính sách ưu đãi của Nhà nước?
Điểm yếu chung là các công ty này chỉ chuyên tâm nghiên cứu công nghệ. Nhược điểm này khiến họ cần liên kết với những đối tác khác, có năng lực tốt hơn trong thu xếp vốn, kế toán, marketing, nghiên cứu thị trường… v.v. Vì vậy, một cách hữu hiệu để Nhà nước có thể hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ là tạo ra một khu trung tập trung các công ty công nghệ, nơi các nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng có thể dễ dàng đến tiếp xúc với các nhà công nghệ. Việc bố trí các doanh nghiệp gần nhau như vậy sẽ thuận tiện cho các nhà đầu tư tiếp xúc, nghe trình bày, và lựa chọn đối tác đầu tư phù hợp.
Nhà nước nên tạo ra những hội đồng chuyên môn khách quan giúp xét duyệt việc cho phép các doanh nghiệp công nghệ tham gia vào một trung tâm như vậy. Sau một thời hạn nhất định, những doanh nghiệp này sẽ phải trình bày về sản phẩm công nghệ của mình trước một hội đồng khoa học, trong đó có những thành viên là các chuyên gia có uy tín của nước ngoài, và các chuyên gia người Việt đang công tác tại nước ngoài. “Sau vài năm nếu không làm được, họ sẽ phải ra đi”. Tiêu chí đánh giá một công ty là công ty công nghệ cũng cần cải thiện, hiện tại chúng ta dựa quá nhiều vào số bằng cấp của nhân sự trong công ty, điều đó khá bất hợp lý, vì sự sáng tạo không liên quan nhiều đến bằng cấp hay các thành tích trong thi cử.
Chính sách ưu đãi về thuế của Nhà nước cho các công ty công nghệ cũng cần phải thay đổi. Trong gian đoạn đầu công ty công nghệ phải đầu tư nhiều, chưa có doanh thu nên việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là hoàn toàn không có tác dụng, thay bằng việc đó Nhà nước nên áp dụng chính sách miễn giảm thuế thu nhập cá nhân cho nhân viên của các công ty này.
Ngoài ra, Việt Nam rất nên tham khảo học tập một mô hình tổ chức của một số quốc gia khác, trong đó có nhà trọ cho các sinh viên, đồng thời có cả những văn phòng nhỏ để các công ty khởi nghiệp vào thuê. Phụ trợ cho các công ty khởi nghiệp này là những công ty chuyên làm kế toán, marketing, và xúc tiến các loại thủ tục giới thiệu đầu tư và kinh doanh. Trong tổ hợp còn có các phòng họp lớn, là nơi các nhóm công nghệ và các công ty có thể thuê để trình bày về các ý tưởng của mình.
Xin cảm ơn anh!