Pháp chuẩn bị xây dựng cơ sở chôn vĩnh viễn rác thải nguyên tử

Kho chứa rác thải nguyên tử đầu tiên của châu Âu đang được xây dựng gần Lothringen (Pháp). Hầu như ở Pháp không có ai lên tiếng phản đối dự án này – hoặc tiếng nói phản đối khi mới manh nha đã bị chặn lại bằng tiền.

Hầu như chẳng mấy người ở châu Âu biết đến địa danh này. Bure là một vùng đất hẻo lánh nằm giáp ranh giữa Lothringen và Champagne, với dăm ba nóc nhà và những cánh đồng trải dài dường như vô tận. Vùng này không có trường học, nhà ga và cũng không có siêu thị – nhưng một công trường lớn đang hình thành ở đây và không lâu nữa, Bure sẽ nổi tiếng chí ít cũng là ở châu Âu. Tại đây người ta đang xây dựng kho chứa rác thải hạt nhân và toàn bộ rác hạt nhân của Pháp sẽ được chôn vĩnh viễn tại nơi này.  

Một đường hầm sâu khoảng 500m xuyên qua khu vực hoàn toàn là đất sét. Một thang máy đã đi vào hoạt động và xuống tới độ sâu 500m. Những công nhân làm việc ở đây khoác áo bảo hộ có màu đèn neon, trên mũ cối có đèn chiếu sáng và ở thắt lưng đeo thiết bị để hít thở phòng khi có sự cố. Mathieu Saint-Louis, phát ngôn viên Cơ quan rác thải phóng xạ (Andra) cất tiếng, “Hân hạnh chào đón các bạn tới phòng thí nghiệm của chúng tôi”. Phòng thí nghiệm đặt ở độ sâu này nhằm thử nghiệm đất đá ở khu vực này. Năm năm nữa nơi này sẽ là công trường xây dựng kho chứa vĩnh viễn rác thải hạt nhân của toàn bộ châu Âu.

Phòng thí nghiệm trong lòng đất thực chất là một mạng lưới đường hầm dài tổng cộng 1.200m. Dọc theo tường của đường hầm có nhiều đường ống, dây cáp to buộc thành chùm, hệ thống thông gió chạy liên tục, nhiệt độ tại đây tương tự nhiệt độ ở phòng làm việc. Đây đó là những đường khoan chạy sang phía bên cạnh. Đường kính những lỗ khoan này dài bằng cả cánh tay. “Tới đây những bình chứa rác hạt nhân sẽ được tống vào những đường ống này” – Saint-Louis kể.

Chi phí cho phòng thí nghiệm này lên tới 1,5 tỷ Euro. Các nhà địa chất sẽ khảo sát, xác định tính chất loại đất sét ở vùng này.  Đất sét có đặc tính là có thể tạo hình và có độ khít cao, không bị rò rỉ.  Các nhà khoa học cho biết, ngay cả khi các thùng chứa rác hạt nhân bị hở thì phóng xạ cũng không thể thâm nhập vào nền đất hoặc nước ngầm, chí ít là cho đến khi lớp đất sét không có những kẽ nứt. “Hiện tại chúng tôi đang thử nghiệm về phản ứng của đất sét ở nhiệt độ nung chảy”, nhà khoa học Saint-Louis giải thích. Nhiệt lượng tỏa ra từ rác hạt nhân có thể diễn ra trong hàng chục năm và điều này được coi là khó khăn lớn nhất: lớp đất đá có thể bị khô kiệt, sẽ trở nên giòn và dễ nứt. Vì thế có nhiều khả năng người ta phải tạm trữ rác phóng xạ trong một thời gian lâu hơn nữa rồi mới chôn vĩnh viễn ở trong đường hầm dưới mặt đất.

Ở Pháp không có ai lên tiếng phản đối

Pháp được coi là “quốc gia nguyên tử” với 58 lò phản ứng nguyên tử chuyên sản xuất điện. Giá điện ở Pháp rẻ hơn ở Đức tới 40%. Ở Pháp hầu như không có ai lên tiếng phản đối dự án tàng trữ rác nguyên tử này. Các doanh nghiệp nguyên tử như Areva và EDF có doanh thu lên tới 8,9 hoặc 65,3 tỷ Euro được coi là những thế lực kinh tế hùng mạnh. Nước Pháp có khoảng 125.000 người làm việc trong ngành công nghiệp nguyên tử, ngành này tạo ra 410.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp.

Tại sao lại chọn Bure? Từ những năm tám mươi của thế kỷ trước, Pháp đã bắt đầu tìm địa điểm để làm nơi chứa vĩnh viễn rác thải nguyên tử. Thoạt đầu người ta chọn ra bốn vùng. Nhiều ý kiến đã phản đối chọn vùng đất ở phía Tây nam nước Pháp vì đây là khu vực trồng nho làm rượu vang và người ta lo ngại chôn rác thải nguyên tử ở vùng này sẽ làm ảnh hưởng xấu tới tên tuổi rượu vang của nước này. Thời đó một ủy ban của chính phủ đã thừa nhận: “Xét cho cùng thì sự đồng thuận của người dân địa phương có ý nghĩa quyết định, điều này còn quan trọng hơn cả đặc tính địa chất của vùng đó”. Nhưng năm 1991, nước Pháp đã thông qua luật Bataille, mang tên người vận động cho nguyên tử trên nghị trường và cũng từ đó Chính phủ Pháp thay đổi chiến lược của mình.

Khi đó người ta đặt vấn đề xem xét, khảo sát ba khả năng: cất giữ rác thải lộ thiên, trong lòng đất cũng như dùng phương pháp “chuyển hóa bằng hóa chất”. Người ta dự định xây dựng hai phòng thí nghiệm – ở các mỏ. Nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy. Chỉ có một khu mỏ thí nghiệm được xây dựng ở Bure. Yếu tố quyết định cho việc chọn địa điểm này là do nơi đây dân cư thưa thớt, theo ý kiến của cựu Thủ tướng Lionel Jospin. Luật Bataille đã dọn đường cho việc thực thi cái gọi là “biện pháp hỗ trợ tài chính”.


Pháp là một trong những nước ở châu Âu rất lệ thuộc vào các nhà máy điện hạt nhân, vốn đóng góp tới 75 % sản lượng  điện của nước này. Ảnh: nhà máy điện hạt nhân Cattenom

Để chặn đứng những ý kiến phản đối của người dân trong vùng ngay từ khi mới manh nha, Chính phủ Pháp không tiếc tiền của đổ vào vùng này. Nhờ sự khôn ngoan và các tấm séc hậu hĩnh, việc xây dựng kho chứa vĩnh viễn rác thải nguyên tử ở Bure không gặp một sự phản đối nào của cư dân địa phương. Thời kỳ đầu hai tỉnh Meuse và Haute-Marne mỗi tỉnh nhận được một khoản tiền là 9 triệu Euro một năm. Nay tăng lên tới 30 triệu Euro một năm. Michel Marie, một trong số ít ỏi những người lên tiếng phản đối tàng trữ rác nguyên tử tại đây cho rằng: “Chính phủ  đã vi phạm những nguyên tắc về dân chủ. Họ đã mua lương tri của người dân”. Theo ông này người dân địa phương không được quyền bày tỏ ý kiến và người ta đã dùng tiền để trám miệng dân. Nhiều dự án đáng ngờ đã được đầu tư xây dựng. Điển hình là: Bure chỉ có khoảng 80 người dân nhưng người ta đã xây dựng ở đây một phòng khánh tiết khá lớn. Tối đến hầu như rất ít người đi dạo nhưng đường làng tràn ngập ánh đèn lấp lánh không khác gì những thành phố lớn. Đường xá ở các làng lân cận được cải tạo, chỉnh trang đàng hoàng cũng nhờ dự án ở Bure.
Jean-Pierre Remmele, là chủ tịch thị trấn bé nhỏ Bonnet, ông là một trong những người khước từ những khoản tiền đổ về địa phương. Ít ra thì thời kỳ đầu là như vậy. “Chúng tôi không muốn chôn rác nguyên tử ở đây. Điều đó có nghĩa là 98% chất phóng xạ từ nguồn rác thải cực kỳ nguy hại sẽ tập trung ở đây”, vị chủ tịch giãi bày. Cuối năm 2009 khi Cơ quan rác thải nguyên tử gần trung tâm phòng thí nghiệm hiện nay được quyết định đặt tại khu vực 30 km vuông này, thị trấn duy nhất của bốn thị trấn có liên quan đồng thanh cương quyết phản đối.    

“Từ đó bọn họ xùy chó vào tôi”, ông Remmele kể. Tỉnh trưởng triệu ông lên trao đổi với lời lẽ cảnh cáo. “Một số ủy viên hội đồng thị trấn sau khi đi tham quan phòng thí nghiệm đã thay đổi ý kiến. Thế là tôi không còn chọn lựa nào khác”, ông Remmele buồn bã than phiền. Cơ quan rác thải nguyên tử lại đưa ra một đề nghị cải tạo hệ thống cấp nước ăn đã bị xuống cấp với thời gian.  Bà Anne Lauvergeon, nguyên chủ tịch tập đoàn Areva cũng có mặt tại địa phương này, sau chuyến viếng thăm bà đã cho làm lại hệ thống chiếu sáng toàn bộ khu vực nhà thờ của địa phương.

Từ “Quỹ hỗ trợ tài chính” địa phương với 200 dân, mỗi năm một người nhận được một khoản tiền 500 Euro. Ông Remmele phân bua: “Tất nhiên khoản tiền đó được rót trực tiếp vào ngân sách của địa phương. Vả lại ở đây hầu như không còn có thêm việc làm nào”. Giờ đây nhà thờ Saint-Florentin nằm đối diện với tòa thị chính, cứ tối đến lại sáng ánh đèn. 

Theo kế hoạch, đầu năm 2013, ở Pháp sẽ có cuộc thảo luận công khai về việc cất giữ vĩnh viễn rác thải nguyên tử. Một ủy ban quốc gia sẽ tổ chức cuộc thảo luận này. Thời gian cụ thể chưa được quyết, nhưng thực ra cũng chẳng còn có gì nhiều để quyết trong đợt thảo luận tầm cỡ quốc gia này. Hơn nữa, Chính phủ Pháp cũng không có nghĩa vụ phải căn cứ vào kết quả của cuộc thảo luận để quyết định vấn đề. Dự kiến đầu năm 2017, kho chứa rác nguyên tử sẽ được khởi công xây dựng và những thùng thép chứa rác nguyên tử sẽ được tập kết tại đây. Cho đến lúc đó loại rác phóng xạ này được bọc tạm thời bằng thủy tinh và tạm trữ ở cơ sở tái chế nguyên tử La Hague.

    Xuân Hoài  dịch    Theo Wiwo, 5.2012

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)