Phòng bệnh ở Việt Nam: Liệu chúng ta đã làm đủ tốt?

LTS: Là một đất nước có khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều,…chúng ta luôn phải đối mặt với nguy cơ cao bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn* như sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng. Giờ đây, khi môi trường của Việt Nam bị ô nhiễm, tỉ lệ người bệnh không truyền nhiễm như ung thư, tim mạch, tiểu đường lại càng tăng cao. Làm cách nào để kiểm soát những bệnh này là câu chuyện của Y tế công cộng. Tuy nhiên, từ trước đến nay, khi nhắc đến việc chăm sóc sức khỏe người dân, chúng ta chỉ quan tâm đến Y học mà dường như bỏ qua lĩnh vực này, thực chất mới là lĩnh vực ảnh hưởng lớn nhất tới mạng sống của người dân. Series bài về Y tế công cộng này, với mong muốn “hóa giải” những hiểu nhầm trong lĩnh vực Y tế công cộng ở Việt Nam, được thực hiện dưới ý tưởng của GS. Klaus Krickeberg, một nhà toán học xác xuất thống kê nổi tiếng châu Âu và đã dành 40 năm phát triển ngành Y tế Công cộng cho Việt Nam.


Trung tâm Y tế xã huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế tẩm hóa chất màn của người dân để chống dịch sốt xuất huyết.


Tháng trước, trước việc có nhiều dịch bệnh bùng phát trên nhiều tỉnh thành ở Việt Nam như sốt xuất huyết, sởi và bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế đưa ra ba phương án giải quyết việc này như sau: (1) Giảm tình trạng quá tải ở bệnh viện để tránh lây nhiễm chéo bằng cách đưa bệnh nhân về tuyến dưới và các bệnh viện vệ tinh (2) Tuyên truyền cho bệnh nhân về cách thức giữ gìn vệ sinh, phòng chống dịch bệnh (3) Phát hiện sớm, cho bệnh nhân đúng phác đồ điều trị.
Ông có bình luận gì về ba phương án này ?


Đây không chỉ là một mà là tập hợp của rất nhiều câu hỏi với những bản chất rất khác nhau và vì vậy khó có thể đưa ra một câu trả lời ngắn gọn. Ở đây đề cập ba bệnh nhiễm khuẩn nhưng cái chúng ta gọi là “giải pháp” không thể áp dụng như nhau cho cả ba trường hợp. Mặc dù ba phương án trên được tiến hành đồng thời nhưng mỗi phương án vẫn cần phải được nghiên cứu riêng biệt. Hơn nữa, nội dung của ba phương án trên thuộc về hai lĩnh vực khác nhau của khoa học sức khỏe, là Y tế công cộng và Y học.
 

(1) Phương án điều chuyển bệnh nhân đang ở bệnh viện này sang một bệnh viện kiểu khác:
Nếu làm một cách đồng loạt thì đó là một ý tưởng rất tồi tệ. Điều này chỉ có thể áp dụng cho một trường hợp riêng lẻ khi cơ sở điều trị ở bệnh viện kia tốt hơn ở bệnh viện này (điều này thuộc về lĩnh vực Y học). Một cách chung nhất, phương án này chỉ áp dụng trong trường hợp khẩn cấp, dành cho những bác sĩ đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân có thể chuyển họ trực tiếp đến bệnh viện phù hợp nhất với anh ấy/cô ấy và nhờ vậy tránh việc điều chuyển trong khi đang điều trị. Còn việc lây nhiễm chéo như nhiều cán bộ y tế lo ngại, đều có thể xảy ra ở cả bệnh viện trung ương lẫn địa phương và đều có thể kiểm soát được (hoặc không kiểm soát được) ở mức độ giống nhau. Về dài hạn, bệnh viện của Việt Nam cần được quy hoạch tốt hơn để tránh tình trạng quá tải (điều này thuộc về lĩnh vực Y tế công cộng!). 

(2)
Điều quan trọng nhất của phương án này là những thông tin về giữ gìn vệ sinh – cách thức hiệu quả nhất để phòng bệnh nhiễm khuẩn phải dễ dàng tiếp cận với tất cả mọi công dân ở tất cả mọi thời điểm. Những chiến dịch đặc biệt, truyền thông trên truyền hình, trên báo…đều không đủ bởi vì chúng chỉ tạo ra những mối quan tâm nhất thời cho cộng đồng. Việc giáo dục sức khỏe ở các Trạm Y tế xã và các bệnh viện nhỏ là rất tốt nhưng lại một lần nữa, không phải tất cả mọi người đều hưởng lợi từ nó mọi lúc. Một phương án tốt là in ra những tờ rơi nhỏ gọn với những thông tin thiết yếu và gửi định kỳ tới tất cả các hộ gia đình. Họ có thể lưu trữ và đọc bất kì lúc nào. Với những gia đình có thể truy cập Internet, Bộ Y tế cần phải cung cấp những thông tin đáng tin cậy và dễ thực hành trên một địa chỉ website. Hiện nay, những thông tin về sức khỏe trên Internet thường rất khó hiểu, không đáng tin cậy và phần lớn bị chi phối bởi nhiều công ty thương mại. Với riêng bệnh sốt xuất huyết, khác với tất cả các bệnh khác, đây là phương án đặc biệt quan trọng và sự tham gia mạnh mẽ và kịp thời của người dân hiện tại có vẻ vẫn là cách duy nhất để kiểm soát các chủng bệnh này

(3)
Đây là vấn đề thuộc về việc đào tạo bác sĩ. Giải pháp là cải thiện các môn học trong ngành Y, đặc biệt là trong 6 năm đầu (Vấn đề này thuộc lĩnh vực Y học!).

Nói về phương án hai thì rất nhiều các cán bộ y tế của Việt Nam thường đổ lỗi cho sự thiếu ý thức của người dân là nguyên nhân gây ra bùng phát các dịch bệnh. 

Thật khó mà đổ lỗi cho người dân về việc thiếu nhận thức, không chỉ đối với các bệnh nhiễm khuẩn mà cả với rất nhiều các vấn đề sức khỏe khác. Việc nâng cao nhận thức của họ thuộc về trách nhiệm của những cơ quan chuyên trách, không chỉ là những cơ sở trực thuộc Bộ Y tế ở tất cả các cấp mà còn bởi nhiều hiệp hội và các sáng kiến của người dân. Nhiều quốc gia, như Đức chẳng hạn, có một cơ quan đặc biệt được tài trợ bởi ngân sách để làm việc này.
 

Tờ rơi phòng bệnh sốt xuất huyết của tổ chức Y tế Thế giới WHO.


Ở Việt Nam hiện nay, không phải là các bệnh nhiễm khuẩn mà chính là các bệnh không nhiễm khuẩn mới ảnh hưởng chính đến sinh mạng người dân như tim, mạch, tiểu đường, ung thư… Cứ 10 người tử vong thì 7 người là do các bệnh này. Việc phòng những bệnh này ở Việt Nam, theo ông là đã đủ tốt? 

C
ó câu tục ngữ “Phòng bệnh còn hơn chữa bệnh”. Tuy nhiên, “Nhiều cán bộ y tế của Việt Nam luôn nghĩ rằng việc phòng bệnh luôn có nghĩa là phòng bệnh nhiễm khuẩn.Tôi thực sự nghĩ rằng Việt Nam làm chưa tốt việc phòng các bệnh không truyền nhiễm. Những cách phòng bệnh quan trọng nhất là bảo đảm một môi trường sống trong lành và thúc đẩy chế độ dinh dưỡng khỏe mạnh. Cũng có những cách khác hiện đang được biết đến rộng rãi như sàng lọc (phát hiện sớm bệnh) và gần đây là phương pháp đoán nhận gene (gene prediction) và tư vấn di truyền học (genetic counselling). Phòng bệnh đối với những bệnh không truyền nhiễm là vấn đề kinh điển của Y tế công cộng. Nhưng hãy để ý những gì tôi vừa nói trong những câu hỏi trước, cần nhớ rằng việc phòng bệnh nhiễm khuẩn và không truyền nhiễm là hai lĩnh vực hoạt toàn khác nhau đòi hỏi những công cụ và phương pháp khoa học khác nhau. Ngoài ra còn có những bệnh không rõ nguyên nhân. Một vài trong đó không thể phòng bệnh và một số khác thì không thể chữa trị. 

Thực ra tôi thấy khi nhắc đến Y tế công cộng, người ta chỉ nghĩ đến hoạt động “phòng bệnh”. Ở Việt Nam rất rất ít khi dùng khái niệm Y tế công cộng mà thường chỉ dùng khái niệm Y tế dự phòng, thậm chí có cả chức danh Bác sĩ Y học dự phòng. Có những hoạt động nào của Y tế công cộng mà chúng ta đang bỏ quên hay không? 

Y tế công cộng bao gồm rất nhiều nội dung. Tôi đã đề cập đến một vài trong số đó. Hai câu hỏi đầu tiên chính là về phần “Giáo dục sức khỏe” và trong câu hỏi thứ ba tôi có nhắc đến “Sức khỏe môi trường” và “Sức khỏe dinh dưỡng”. Trong giải pháp thứ nhất của câu hỏi đầu tiên có xuất hiện khái niệm “Kế hoạch sức khỏe” và “Quản lý sức khỏe”. Còn có rất nhiều nội dung khác trong Y tế công cộng như “Y tế sức khỏe” bao gồm Bảo hiểm y tế, “Những điều kiện kinh tế – xã hội của sức khỏe”, “Nhân học Y tế”, “Dịch tễ học lâm sàng”. Phòng bệnh, cũng là một phần của Y tế công cộng nhưng nó liên quan và sử dụng công cụ của nhiều nội dung khác trong Y tế công cộng.
 

Tôi thực sự nghĩ rằng có nhiều nội dung trong lĩnh vực Y tế Công cộng mà tôi vừa chỉ ra đang bị bỏ qua trong giai đoạn hiện tại. Điều này đặc biệt đúng với “Dịch tễ học lâm sàng”. Nói đến khái niệm này, ý tôi muốn nói về việc đánh giá hiệu quả của những phương pháp điều trị (clinical treatment) của các bác sĩ trên diện rộng. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu của một hệ thống y tế nhưng Việt Nam không hề quan tâm. Vì những lí do này, tôi gợi ý là chức danh “Bác sĩ Y học dự phòng” nên được gỡ bỏ và thay bằng “Bác sĩ Y tế công cộng”. Cách gọi mới này đưa ra một góc nhìn khái quát hơn và có ích hơn trong thực tiễn ứng dụng.
 

Có lẽ tôi nên nói thêm về khái niệm “Dịch tễ học” mà tôi vừa mới đề cập. Ngay cả rất nhiều người đang làm trong lĩnh vực Y tế công cộng cũng lờ đi ý nghĩa của nó. Đó không phải là một môn khoa học về dịch bệnh như người ta tưởng. Từ đầu thế kỉ 20, nó đã có ý nghĩa là nghiên cứu về tác động của những “yếu tố” lên sức khỏe người dân. Trong ngành Dịch tễ học lâm sàng, chúng ta có thể nghiên cứu về tác động của một cách điều trị của các bác sĩ, cũng chính là một “yếu tố” tác động lên cộng đồng người bệnh (chúng ta hi vọng nó có thể cải thiện sức khỏe của bệnh nhân nhưng thường là không!). Cách điều trị lượng đồng căn là một ví dụ đáng quan tâm. Không có một nghiên cứu nào trong rất nhiều nghiên cứu đưa ra hiệu quả gì, dù là nhỏ nhất của nó, liệu pháp này hoàn toàn vô dụng. Dịch tễ học là nền tảng của tất cả mọi vấn đề trong Y tế công cộng nhưng thật kì lạ, nội dung này được đẩy xuống cuối cùng trong giáo trình về Y tế công cộng ở tất cả các trường đại học Việt Nam, thay vì phải đưa lên đầu tiên.
   

Xin cảm ơn ông!


Hảo Linh
thực hiện

———-

*GS. Klaus Krickeberg đề xuất dịch khái niệm “infectious disease” thành “bệnh nhiễm khuẩn” thay vì “bệnh truyền nhiễm” như cách các báo đài và nhiều cán bộ y tế vẫn nhầm lẫn. Bệnh truyền nhiễm (contagious, transmittable diseases) chỉ là những bệnh lan truyền trực tiếp từ người – người. Trong khi “bệnh nhiễm khuẩn” là những bệnh gây ra bởi những vi khuẩn, vi rút nhưng quá trình truyền bệnh không nhất thiết phải trực tiếp mà có thể qua vật trung gian (như nước, chuột, rận, muỗi anopheles).  

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)