Phương pháp luận cho các chỉ tiêu của chiến lược KH&CN

Việc đặt ra những mục tiêu định lượng trong Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 (Chiến lược) đã cung cấp một trong những cơ sở quan trọng để theo dõi, giám sát, đánh giá tiến trình thực hiện Chiến lược. Tuy nhiên, một số mục tiêu đó còn chưa gắn với thực tiễn, thậm chí còn thiếu cả tính thực tiễn lẫn lý luận, hoặc chưa có những tiêu chí cụ thể làm cơ sở đánh giá, đo lường, điển hình như:

Đối với việc phát triển, nâng cấp các tổ chức nghiên cứu KH&CN, chúng ta đặt mục tiêu “đến năm 2015, hình thành 30 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới, đủ năng lực giải quyết những vấn đề trọng yếu quốc gia đặt ra đối với khoa học và công nghệ” (đến năm 2020 mục tiêu đặt ra là hình thành 60 tổ chức như vậy). Được biết việc thực hiện mục tiêu này bao gồm hai bước, một là xây dựng các tiêu chí (các tổ chức nghiên cứu cơ bản hay ứng dụng sẽ được đánh giá theo những hệ tiêu chí khác nhau) làm cơ sở xem xét liệu một tổ chức nghiên cứu có đạt trình độ khu vực và thế giới hay không, hai là trên cơ sở đó xác định những tổ chức đã đạt trình độ khu vực và thế giới, hoặc chọn ra những tổ chức gần đạt tiêu chuẩn này để Nhà nước đưa ra chính sách hỗ trợ, tạo một cú hích cần thiết nhằm thúc đẩy phát triển lên tầm khu vực. Tuy nhiên, đến nay khi năm 2015 đã cận kề, chúng ta vẫn chưa có được các tiêu chí cần thiết để đánh giá một tổ chức nghiên cứu như thế nào thì đạt trình độ khu vực và thế giới, khiến việc hình thành 30 tổ chức như mục tiêu đặt ra là điều hầu như không thể làm được.

Đối với hoạt động KH&CN ứng dụng trong thực tiễn phát triển kinh tế, một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra là “đến năm 2020, khoa học và công nghệ góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% GDP.” Việc tính toán ước lượng tổng giá trị của phẩm công nghệ cao không phải là vấn đề khó khăn. Nhưng với khái niệm sản phẩm ứng dụng công nghệ cao thì cần phân biệt công nghệ cao đó là của nước ngoài hay của Việt Nam (do phía Việt Nam tự sáng tạo hoặc tiếp thu và làm chủ từ công nghệ nước ngoài), và phải làm rõ hàm lượng công nghệ cao trong sản xuất ra sản phẩm – có những sản phẩm có tổng giá trị kinh tế rất lớn, ví dụ như các loại sản phẩm khai khoáng có tổng giá trị cao nếu khối lượng khai thác rất lớn, trong khi hàm lượng công nghệ cao bên trong thì rất nhỏ. Việc làm rõ những thông số này là việc không dễ dàng, thậm chí không thể làm được bởi chưa có phương pháp luận. Mà như vậy thì kết quả đo lường thu được sẽ không có ý nghĩa đáng kể trong việc phản ánh nội lực của Việt Nam về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh tế.

Có thể thấy, cùng với việc đặt ra các mục tiêu định lượng cho Chiến lược là điều hết sức cần thiết phục vụ cho công tác đánh giá tiến trình thực hiện,  việc xây dựng phương pháp luận tính toán các chỉ tiêu của Chiến lược phải được hoàn thiện ngay từ khi các chỉ tiêu được công bố. Thậm chí, chúng ta phải áp dụng và tính toán thử để biết rõ hiện trạng, từ đó mới đặt ra mục tiêu phấn đấu được thể hiện trong Chiến lược.
                                                                                                                                          TIA SÁNG             

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)