Phương tây đang tụt hậu trong đầu tư cho nghiên cứu

Châu Á đã vượt Bắc Mỹ và châu Âu về đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Điều đáng mừng là chi phí cho nghiên cứu trên thế giới nhìn chung tăng.

Sự giầu có của các quốc gia phương tây ngày nay dựa phần lớn vào sự đầu tư mạnh mẽ cho các khâu nghiên cứu và phát triển trong quá khứ. Silicon Valley là một thí dụ tốt nhất về việc người ta đã biến những ý tưởng thành sản phẩm cụ thể như thế nào – và từ đó tạo cơ sở cho sự hình thành các doanh nghiệp làm ăn phát đạt.

Điều này cũng diễn ra với Hewlett-Packard, Intel, Apple hay Sun Microsystems, Netscape, Google – những doanh nghiệp tạo nên những lĩnh vực mới hoặc cải tạo, thay đổi những cái cũ kỹ lạc hậu.

Nhưng thế giới phương tây lại đang bị tụt hậu. Theo một nghiên cứu của Battelle Memorial Institute, một tổ chức công ích của Mỹ về nghiên cứu theo hợp đồng, thì châu Á đã vượt Bắc Mỹ và châu Âu về đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Năm 2013, nhà nước và các doanh nghiệp Bắc Mỹ đầu tư 479 tỷ đôla. Ở Châu Á, khoản đầu tư này là 555 tỷ đôla. Châu Âu lẹt đẹt theo sau với 364 tỷ đôla, trong đó nước Đức đóng góp phần lớn nhất, 92 tỷ đôla, xếp hàng thứ tư trên thế giới.

Nạn lạm phát ngoạm một phần khoản đầu tư thực tế của Mỹ và châu Âu vào nghiên cứu. Ngược lại, Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ trong cuộc cạnh tranh quốc tế về đổi mới và sáng tạo. Điều đáng mừng là chi phí cho nghiên cứu trên thế giới nhìn chung tăng. Nhưng trong khi đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ở châu Á tăng mạnh mẽ thì ở Bắc Mỹ chỉ tăng một cách khiêm tốn còn châu Âu thậm chí trì trệ, dậm chân tại chỗ – tổng ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển của Châu Âu năm 2011 tăng 5,4%, trong khi mức tăng của cả thế giới là 9,6%.

Trung Quốc không chỉ áp dụng chiến lược tư bản nhà nước mà còn được hưởng lợi từ chi phí nghiên cứu của phương Tây. Thí dụ, với những công nghệ hàng đầu (được trợ cấp ngân sách để nghiên cứu), nhưng nhà tài trợ phương tây không đủ tiền hay thiếu sự kiên quyết, dũng cảm để hoàn tất, các tập đoàn của Trung Quốc sẽ bỏ tiền ra mua lại. Chẳng hạn, tập đoàn năng lượng của Trung Quốc Hanergy Holding đã mua với giá rẻ doanh nghiêp đi tiên phong về quang điện Miasolé ở California. Hãng cung cấp phụ tùng ô tô Wanxiang không những mua được Know-how rất có giá trị của hãng sản xuất ắc-quy Mỹ A123 Systems trong tình trạng bị phá sản mà còn mua luôn cả bạn hàng cũ của công ty này là nhà sản xuất ô tô chạy điện Fisker.

Những việc làm của các doanh nghiệp Trung Quốc đều chính đáng và các doanh nghiệp phương tây lý ra cũng có thể hành xử như vậy. Nhưng những nhà quản lý của các doanh nghiệp này lại thường có xu hướng muốn thu lợi tức thì trong khi các chủ sở hữu Trung Quốc lại có xu hướng nhìn xa và chấp nhận khoản lợi nhuận eo hẹp ban đầu. Nhờ vậy mà tập đoàn Lenovo (từng tiếp nhận mảng kinh doanh PC của IBM và gần đây nhất là tiếp nhận Motorola-Handy của Google) đã trở thành nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới. Chuyên gia phân tích kỹ thuật có uy tín người Mỹ Mark Anderson tin rằng rồi đây cả mảng Smartphone và Tablet sẽ rơi vào tay người Trung Quốc vì cả Apple và Samsung về lâu dài sẽ không thể trụ vững trước đối thủ cạnh tranh Trung Hoa.

Còn nếu họ (người Trung Quốc) không mua được Know-how, Anderson nói tỉnh queo, thì họ sẽ bắt chước. Từ đó lại dư tiền để phục vụ đầu tư nghiên cứu ở các lĩnh vực khác. Vì thế các nhà điều hành ở Silicon Valley không khỏi lo lắng khi thấy Trung Quốc có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ đổi mới sáng tạo. Thí dụ trong lĩnh vực Internet: Nhiều công ty của Trung Quốc sao chép mô hình kinh doanh online từ Silicon Valley. Song ngược lại, các tập đoàn nước ngoài có mặt ở Trung Quốc quá lắm chỉ có thể hoạt động dưới dạng đối tác cấp thấp (Junior partner) .

Giờ đây ngành Internet khu vực hoàn toàn nằm trong tay người khổng lồ bản xứ, gã khổng lồ đó nhờ có sức mạnh tài chính thả sức thu gom các thị trường mới trên thế giới, thí dụ như ở Silicon Valley và ở châu Âu.

Cái vòng kim cô đã khép lại như vậy – và sự phồn vinh thì dịch chuyển.

Xuân Hoài dịch

Tác giả