Quan hệ Việt Nam – Israel: Nhiều tiềm năng đang bỏ ngỏ
Sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Israel, vẫn còn nhiều tiềm năng lợi thế của Israel – đất nước có nền công nghệ cao phát triển, đặc biệt trong nông nghiệp – mà Việt Nam chưa tận dụng khai thác đúng mức. Đó là ý kiến của bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ Israel tại Việt Nam, trả lời phỏng vấn của Tạp chí Tia Sáng.
Israel luôn mong muốn được thúc đẩy mối quan hệ với Việt Nam một cách toàn diện trên mọi lĩnh vực. Chúng ta cần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau kể cả trên những lĩnh vực như lịch sử, văn hóa, và nghệ thuật, v.v. Tuy nhiên, trong quá trình tăng cường hiểu biết lẫn nhau đó, chúng ta nhận biết các giá trị được đối tác coi trọng. Đối với Israel, chúng tôi đặc biệt coi trọng khoa học & công nghệ trong phát triển đất nước, đồng thời coi đây thế mạnh của mình trong hợp tác với các quốc gia khác. Không phải ngẫu nhiên mà khi Tổng thống Israel Shimon Peres sang thăm Việt Nam vào tháng 11 năm 2011 – chuyến thăm Việt Nam chính thức đầu tiên của một nguyên thủ Israel – ông chỉ mang theo hai bộ trưởng là Bộ trưởng KH&CN [nay là Bộ Khoa học, Công nghệ, và Vũ trụ] và Bộ trưởng NN&PTNT. Về phía Việt Nam, chúng tôi thấy rằng các bạn cũng rất coi trọng sự hợp tác về khoa học và công nghệ với Israel, thể hiện cụ thể qua việc Bộ trưởng Bộ KH&CN được Thủ tướng giao làm Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam – Israel.
Vì sao Israel coi trọng phát triển khoa học và công nghệ, và ưu tiên cho chính sách xuất khẩu các sản phẩm công nghệ?
Israel là một đất nước nhỏ không có nhiều tài nguyên nên chúng tôi buộc phải chú trọng khoa học và công nghệ để tồn tại và phát triển. Tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển so với GDP ở Israel cao nhất trên thế giới. Nhờ vậy, đất nước chúng tôi có một nền khoa học và công nghệ tương đối mạnh, với nền tảng vững vàng trên một số lĩnh vực cơ bản như vật lý, hóa học. Với thế mạnh này, trong mọi lĩnh vực sản xuất người Israel đều tìm cách ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên vì Israel là một thị trường nhỏ với dân số chỉ có 8 triệu người nên các doanh nghiệp buộc phải hướng tới xuất khẩu để phát triển, và phải hướng tới xuất khẩu đi xa do quan hệ của Israel với các nước láng giềng xung quanh vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Trong bối cảnh như vậy, Israel phải chú trọng xuất khẩu các sản phẩm công nghệ thay vì những hàng hóa thương mại thông thường.
Bà có thể cho một vài ví dụ về những thành tựu và tiềm năng trong hợp tác ứng dụng khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Israel?
Hiện nay đã có một số dự án ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, tận dụng kinh nghiệm của Israel trong ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi. Ví dụ như Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung của Công ty CP Thực phẩm TH triển khai tại Nghệ An mà ngày 5/7 vừa rồi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp đến tham quan. Công nghệ Israel chính là bí quyết giúp dự án thành công trong chăn nuôi bò sữa trong điều kiện thời tiết nóng bức như ở Việt Nam, với số bò sữa lên tới 30 nghìn con, chế biến tới 500 tấn sữa/ngày, và trong tương lai dự kiến sẽ tiếp tục được mở rộng quy mô. TP. Hồ Chí Minh cũng đang thực hiện một dự án tương tự tận dụng công nghệ và thiết bị từ Israel, triển khai dưới dạng mô hình mẫu trước khi nhân rộng ra toàn thành phố.
Còn ở Cần Thơ, GS. Eilon M. Adar từ Đại học Ben-gurion đang giúp Việt Nam phát triển công nghệ nuôi trồng tôm đực. Đây là lĩnh vực có nhiều triển vọng vì Việt Nam rất quan tâm tới ngành nuôi tôm, cá lồng, và phía Israel đã tổ chức những cuộc seminar để các chuyên gia Việt Nam có thể tham khảo, học tập kinh nghiệm. Ngoài ra còn nhiều lĩnh vực tiềm năng khác trong ứng dụng công nghệ nông nghiệp của Israel, ví dụ như công nghệ tưới tiêu rất phù hợp và cần thiết với điều kiện đất chật, người đông ở Việt Nam, hay công nghệ sau thu hoạch – giúp xuất khẩu các nông sản khó bảo quản của Việt Nam như vải thiều, sang các thị trường xa như Châu Âu, thay vì chỉ xuất sang Trung Quốc và các nước láng giềng. Bên cạnh đó, công nghệ sinh học cũng là một thế mạnh của Israel mà Việt Nam nên tận dụng khai thác.
Việt Nam và Israel cần làm gì để có nhiều hơn nữa những dự án hợp tác khoa học và công nghệ được triển khai thành công trong thực tế?
Đây là một quá trình tự nhiên, đầu tiên là các bên gặp gỡ, tìm hiểu năng lực và các mối quan tâm của nhau, từ đó dẫn tới những kế hoạch và triển khai trong thực tế. Những ký kết hợp tác ở tầm Chính phủ và các Bộ, ngành là rất quan trọng, giúp mở đường cho những bước phát triển hợp tác tiếp theo, nhưng chúng sẽ không đạt được kết quả đáng kể nếu thiếu sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân và giới khoa học.
Đâu là rào cản mà chúng ta cần vượt qua?
Vẫn đang tồn tại tình trạng quan liêu ở phía Israel cũng như Việt Nam. Chúng tôi đã và đang cố gắng khắc phục những tồn tại ở phía mình. Đồng thời, Israel cũng đang đề nghị Việt Nam cùng tham gia một thỏa thuận tự do thương mại. Thỏa thuận này sẽ giúp giảm thiểu các rào cản thương mại, kéo theo đó là giảm thiểu cả những thủ tục hành chính quan liêu. Hiện nay, chúng tôi đang chờ được Bộ Công thương Việt Nam phản hồi về đề xuất này.
Các nhà đầu tư Israel nhìn nhận gì về cơ hội đầu tư ở Việt Nam?
Có nhiều yếu tố cần cân nhắc dưới góc nhìn của nhà đầu tư như chính sách thuế, mức độ quan liêu của bộ máy hành chính, chi phí, giá thành, trình độ nhân lực, v.v. Đã có những nhà đầu tư Israel đến rồi đi. Tuy nhiên, triển vọng đầu tư và kinh doanh giữa Israel với Việt Nam đang ngày càng sáng lên. Năm 2012, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, tổng kim ngạch thương mại giữa Israel và Việt Nam theo tính toán của chúng tôi đạt 1,1 tỷ USD, tăng cao gấp đôi năm trước. Bên cạnh đó, số lượng lĩnh vực đầu tư và số lượng nhà đầu tư cũng tăng mạnh. Có thể thấy rằng khu vực tư nhân cũng như Chính phủ Israel đều rất coi trọng cơ hội hợp tác với Việt Nam và coi Việt Nam là đối tác quan trọng nhất trong nhóm các nước ASEAN.
Mục tiêu gì là cấp bách nhất mà bà mong muốn đạt được nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác Israel – Việt Nam trong giai đoạn sắp tới?
Vẫn còn rất nhiều tiềm năng hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Israel chưa được tận dụng khai thác, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Chúng ta đã có nhiều mối quan hệ hợp tác trong phạm vi giữa hai Nhà nước và giữa các đối tác trong khu vực tư nhân với nhau. Tuy nhiên, còn chưa có nhiều những hoạt động hợp tác giữa các trường, viện nghiên cứu. Điều tôi mong muốn và nỗ lực thực hiện là kết nối quan hệ hợp tác giữa các trường, viện nghiên cứu của hai nước, tạo ra thật nhiều cơ hội gặp gỡ, trao đổi giữa các chuyên gia. Chính họ sẽ tạo ra những cầu nối, đưa công nghệ hiện đại của Israel đến với nhiều hơn những địa chỉ ứng dụng trên các lĩnh vực hợp tác sẵn có và cả những lĩnh vực mới – chẳng hạn như y tế – đáp ứng các nhu cầu thiết thực trong quá trình phát triển của Việt Nam.
Xin cảm ơn bà!
Một số thành tựu trong công nghệ về năng lượng, nước, và nông nghiệp của Israel: Năng lượng Năng lượng mặt trời: Israel có tổ hợp nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới, được xây dựng tại sa mạc Mojave, với tổng năng suất 354 MW/năm. Do không có dự trữ dầu và có mối quan hệ căng thẳng với các nước láng giềng xuất khẩu dầu nên Israel luôn chú trọng phát triển năng lượng mặt trời, trở thành quốc gia sử dụng năng lượng mặt trời trên đầu người cao nhất thế giới. Công nghệ sản xuất hệ thống quang điện của Israel là rất cao, điển hình như công nghệ của công ty SolarEdge cho sản phẩm đạt hiệu quả cao hơn 25% so với bất kỳ hệ thống quang điện nào khác trên thế giới. Năng lượng từ chất thải: Quy trình của công ty ArrowBio giúp loại bỏ việc cần phải tách chất thải rắn đô thị, đạt tỷ lệ tái chế 90%. Còn ưu điểm của công nghệ tế bào nhiên liệu vi khuẩn của Công ty Emefcy là sản xuất điện và hydro với chi phí thấp trong quy trình hóa-điện-sinh học từ xử lý nước thải sử dụng. Công nghệ tái chế nước cống của Israel có thể sản xuất ra vật liệu recyllose, có thể được sử dụng để sản xuất 454 – 511 lít ethanol/tấn recyllose. Quản lý nước Khử mặn: Israel khởi đầu công nghệ khử mặn bằng phương pháp thẩm thấu ngược nước biển (SWRO) và là nơi có nhà máy SWRO lớn nhất thế giới, hàng năm sản xuất 130 triệu m3, vận hành với chi phí hiệu quả nhất thế giới với công nghệ này. Quản lý nước bằng công nghệ thông tin của TaKaDu: TaKaDu dùng những số liệu ngẫu nhiên về thời tiết, âm thanh, vị trí địa lý từ các cảm biến để tạo ra một mạng nước thông minh, cho phép nâng cao khả năng cung cấp nước, dự đoán trước và tiết kiệm nguồn lực trong sản xuất. Tưới nhỏ giọt: Giúp đạt 70-80% hiệu quả sử dụng nước trong nông nghiệp, mức hiệu quả cao nhất hiện có trên thế giới (các hệ thống tưới tiêu thông thường chỉ đạt hiệu suất 40%). Tưới nước lợ: Nước lợ được tái chế từ các ao cá để tưới cho cây trồng trong các điều kiện khác nhau, từ cà chua trong nhà kính tới nho trồng trong sa mạc. Chăn nuôi – trồng trọt Chăn nuôi bò sữa: Bò sữa của Israel có sản lượng sữa cao nhất thế giới, trung bình mỗi năm đạt 11.461 kg/con (số liệu năm 2008) Hạt giống: 40% nhà kính trồng cà chua ở Châu Âu sử dụng những hạt giống lai kéo dài vòng đời do Israel sản xuất, trong đó có giống cà chua để được lâu nhất trên thế giới do các nhà nghiên cứu Haim Rabinowitch và Nachum Kedar của ĐH. Hebrew phát triển. Quản lý Dịch hại Tổng hợp (IPM): Công nghệ này cho phép giảm thuốc trừ sâu xuống còn 30 – 40%. Nuôi trồng thủy sản: Hệ thống chu kỳ khép kín ở Israel cho sản lượng tăng gấp 40 lần so với nuôi trong ao ngoài trời. |