QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHCN CỦA ÚC VÀ NEW ZEALAND

Qua mô hình quản lý khoa học được coi là tiên tiến hàng đầu thế giới của NEW ZEALAND, chúng ta có thể tìm được phần nào lời giải đáp chu những vấn đề tốn rất nhiều công sức tranh cãi trong quá trình đổi mới cơ chế, chính sách họat động KH&CN ở Việt Nam.

1. Bộ chuyên ngành đóng vai trò gì?
Như nhiều nước công nghiệp phát triển, cơ quan Bộ có quy mô rất nhỏ (làm việc tại trụ sở chính của Bộ Khoa học Công nghệ New Zealand chỉ có 80 cán bộ) do công tác quản lý nhà nước chỉ tập trung vào nhiệm vụ chính là hoạch định chính sách. Nếu như ở Việt Nam, cấp Bộ đã tách ra khỏi các hoạt động về quản lý trực tiếp doanh nghiệp và đang bước vào giai đoạn tách ra khỏi các hoạt động quản lý các cơ quan hành chính sự nghiệp (viện, trường, trung tâm, trạm, trại…) thì ở các nước này, các Bộ đã bước sang giai đoạn cao hơn là tách ra khỏi hoạt động trực tiếp quản lý và cấp vốn và một phần lớn các hoạt động cung cấp dịch vụ công.
Việc cấp vốn và quản lý vốn cho khoa học công nghệ được tiến hành thông qua tổ chức là Quỹ nghiên cứu khoa học công nghệ (RDC ở Úc và FRST ở New Zealand), không trực thuộc các Bộ. Các cơ quan phục vụ công tác nghiên cứu và đào tạo (trường Đại học) và phục vụ nghiên cứu (các Viện nghiên cứu) cũng hoạt động độc lập.
Đối với nhiều dịch vụ công như khuyến nông, thú y,… các Bộ chuyển sang hỗ trợ cho các đơn vị tư nhân hoạt động cạnh tranh trên thị trường. Các cộng đồng, hiệp hội ngành hàng trực tiếp tiến hành cung cấp dịch vụ và người sử dụng trả tiền. Bộ chỉ tập trung vào các dịch vụ công đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và không đem lại lợi nhuận như nghiên cứu thông tin thị trường, kiểm dịch động, thực vật, bảo vệ chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (Ở Úc, trong số 4000 cán bộ của Bộ Nông nghiệp có khoảng 3000 cán bộ kiểm dịch trực tiếp làm việc tại các cửa khẩu, nhà ga, sân bay…).
Trong công tác quản lý nhà nước, Bộ không có trách nhiệm xây dựng kế hoạch mục tiêu cụ thể về sản xuất như xác định diện tích, sản lượng hàng năm như ở Việt Nam mà tập trung vào xây dựng chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất và kinh doanh hoạt động. Ngoài ra, Bộ còn chỉ đạo và tham gia các hoạt động hỗ trợ nông dân khi gặp thiên tai, dịch bệnh, quản lý xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đàm phán tìm thị trường xuất khẩu, thiết lập chỉ tiêu chất lượng…

2. Quyền lực của Dân thể hiện trong quản lý nghiên cứu như thế nào?
Ở cấp Bộ có sự phân chia rành mạch giữa Bộ trưởng, là chính khách theo nhiệm kỳ của Chính phủ, và Đổng lý Văn phòng, là cán bộ quản lý chuyên nghiệp, trực tiếp điều hành và quản lý hoạt động thường ngày của Bộ.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, Đổng lý Văn phòng và các cấp phó trong Bộ thể hiện được ý đồ chiến lược của Bộ trưởng thành các kế hoạch hành động, các quyết định… để điều hành hoạt động hàng ngày của Bộ. Họ là các cán bộ được thuê theo hợp đồng, không nhất thiết có chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành mà phải có kỹ năng quản trị.
Trong Bộ, đơn vị đại diện ở cấp cao nhất là Hội đồng Quản lý Bộ gồm đại diện các bộ phận kinh tế quan trọng nhất trong ngành (đại diện của Nhà nước, đại diện của người sản xuất, người kinh doanh, người quản lý…). Người đại diện của Nhà nước do Bộ trưởng bổ nhiệm, các thành viên khác do các tổ chức của nhân dân và ngành nghề đề nghị và Bộ trưởng quyết định. Hội đồng Quản lý Bộ họp định kì hàng năm để quyết định về các định hướng quan trọng và giám sát hoạt động của Đổng lý Văn phòng.
Như vậy ở cấp cao nhất đã có sự phân vai rõ ràng giữa người chủ (Bộ trưởng đại diện cho dân và Hội đồng Quản lý Bộ là đại diện của các tác nhân chính trong ngành) và người chịu trách nhiệm điều hành Bộ (Đổng lý Văn phòng, các Phó Đổng lý Văn phòng và các Cục, Vụ trưởng).
Nhờ sự phân quyền rõ ràng như vậy nên Bộ trưởng không cần trực tiếp ngồi tại Văn phòng Bộ, không mất thời gian vào công việc sự vụ, có thể tập trung sức lực vào các hoạt động định hướng chiến lược, các quan hệ ngoại giao cấp cao và làm việc với dân. Ngược lại, các cấp quản lý chuyên môn là người trực tiếp ngồi tại cơ quan Bộ, toàn quyền và chịu trách nhiệm pháp lý về các quyết định cụ thể.
Ở cấp cơ sở, các Viện nghiên cứu của New Zealand và Úc hoạt động theo hình thức vừa là Viện nghiên cứu của Nhà nước, vừa là các doanh nghiệp phục vụ thị trường. Đứng đầu các đơn vị này cũng có sự phân quyền rõ rệt. Đại diện cho phía chủ là Hội đồng quản trị. Thành viên của Hội đồng quản trị phần lớn là đại diện của nhân dân. Bên cạnh đó là đại diện của Nhà nước do Chính phủ chỉ định (thường là đại diện của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học Công nghệ), đại diện của các đối tượng sử dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như các doanh nghiệp tư nhân, hiệp hội ngành nghề… Trong Hội đồng quản trị có một số ít thành viên là các nhà khoa học. Bên dưới Hội đồng quản trị là bộ phận quản lý điều hành Viện. Đứng đầu là Tổng giám đốc điều hành (CEO), thường là cán bộ quản lý chuyên nghiệp do Hội đồng quản trị thuê. Đa số CEO là các nhà quản trị kinh doanh hoặc quản lý kinh tế. Dưới CEO là các Giám đốc chuyên ngành quản lý các bộ phận chuyên môn như Bộ phận quản lý Khoa học (thường là người có chuyên môn khoa học), Bộ phận quản lý kinh doanh (thường là người có chuyên môn về quản trị kinh doanh), Bộ phận nhân sự (thường là người có chuyên môn quản lý), các Bộ phận hỗ trợ như Tài chính, Hành chính, Luật… Với sự tách bạch về quản lý như trên, trong các Viện cũng có sự phân biệt rõ ràng giữa chủ đầu tư và người quản lý như ở cấp Bộ.
Hội đồng quản trị họp 1 đến 2 lần một năm, xác định các định hướng, chiến lược về nghiên cứu, lựa chọn các ưu tiên nghiên cứu, đánh giá hiệu quả công tác nghiên cứu do cơ sở và người sử dụng trực tiếp phản ánh cho thành viên của Hội đồng quản trị. Căn cứ định hướng chỉ đạo đó, các cấp quản lý chuyên trách, là người làm thuê, chịu trách nhiệm về quyết định của mình trong quá trình điều hành trực tiếp các hoạt động hàng ngày của Viện. Những người này vừa được hưởng mức lương cứng, vừa được thưởng thêm lợi nhuận nếu Viện hoạt động có hiệu quả trong khi các thành viên của Hội đồng quản trị chỉ được hưởng phụ cấp cao và không được chia lợi nhuận do đây là cơ quan nhà nước.
Ở các cơ quan chịu trách nhiệm cấp vốn cho nghiên cứu như RDC ở Úc và FRST ở New Zealand, cách thức quản lý cũng phân vai rõ ràng tương tự như ở cấp Bộ.
Như vậy, cả ở cấp Bộ và cơ sở, quyền lực của Dân được thực hiện trực tiếp thông qua đại diện của mình trong Hội đồng Quản lý ở các cơ quan tương tự như nhà đầu tư quản lý công ty thông qua đại diện trong Hội đồng Quản trị vậy.

3. Vốn đầu tư cho khoa học công nghệ lấy từ nguồn nào?
Hàng năm vốn đầu tư cho KHCN của Úc là 1,2 tỷ đô la Úc, của New Zealand là 477 triệu đô la New Zealand. Vốn đầu tư cho khoa học công nghệ được cung cấp từ cả Chính phủ và nhân dân. Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp khoa học cũng tham gia tích lũy vốn đầu tư trở lại cho khoa học công nghệ. Sau 30 năm cải cách, hiện nay nguồn vốn của nhà nước trong nhiều trường hợp đã giảm xuống dưới 50% và dự tính trong tương lai gần mức đóng góp của các nguồn khác sẽ tăng lên 75% do người sử dụng tiến bộ khoa học đóng góp ngày càng tăng và dưới hình thức một loại thuế khoa học công nghệ thu từ các cơ sở sản xuất theo từng ngành hàng.
 

Hình 1: Mô hình phân bổ đầu tư trong quá trình nghiên cứu  và ứng dụng khoa học công nghệ tại Úc và New Zealand

Vốn nghiên cứu từ cả hai nguồn nhà nước và tư nhân được giao cho các quỹ nghiên cứu khoa học công nghệ. Đây là các cơ quan hoạt động độc lập chuyên làm nhiệm vụ “đặt hàng” và “mua” kết quả nghiên cứu của các Viện, Trường. Các quỹ này đều được tổ chức dưới hình thức như một quỹ đầu tư do một Hội đồng quản lý bao gồm đại diện của Nhà nước (Bộ Tài Chính, Bộ Khoa học và Công nghệ) và đại diện của người sử dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (các công ty đóng thuế khoa học công nghệ). Dưới Ban quản lý này cũng là một Tổng giám đốc điều hành (CEO) chịu trách nhiệm quản lý, điều hành quỹ và chịu trách nhiệm trước Hội đồng. Các quỹ nghiên cứu khoa học công nghệ chịu trách nhiệm tổ chức đấu thầu, đặt hàng nghiên cứu, đề tài, dự án…
Các đơn đặt hàng không tiến hành dưới dạng các đề tài riêng biệt hàng năm như ở Việt Nam mà được xây dựng thành các chương trình dài hạn 3-5 năm, từ ý tưởng ban đầu cho đến sản phẩm cuối cùng để có thể ứng dụng đưa vào sản xuất. Mỗi một chương trình được chia thành các bước đi có sản phẩm trung gian cụ thể. Các hợp đồng được ký kết với các Viện lớn theo chương trình và có thể chia nhỏ cho các quan nghiên cứu cấp dưới hoặc cho các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành khác theo từng công đoạn.
Ngân sách nhà nước thường được đầu tư cho các bước đầu tiên khi nghiên cứu chỉ mang tính chất lý thuyết và vốn của doanh nghiệp được tập trung đầu tư vào các giai đoạn cuối gắn với ứng dụng. Ngoài ra, cách tổ chức quỹ như vậy còn khuyến khích các Viện tự bỏ vốn đầu tư vào hướng nghiên cứu có triển vọng và cho phép họ thu tiền bản quyền tác giả lâu dài. Mặt khác, nếu thấy kết quả có khả năng ứng dụng cao vào sản xuất, các công ty, doanh nghiệp tư nhân có thể hợp đồng thêm với các viện nghiên cứu ở giai đoạn cuối cùng để đa dạng hóa sản phẩm khoa học và đưa nhanh vào ứng dụng.
Cách quản lý và sử dụng nguồn vốn của Nhà nước, viện nghiên cứu và tư nhân như trên giúp tránh được hai vấn đề thường gây tranh cãi ở Việt Nam. Đó là sự phân bổ đầu tư giữa nghiên cứu cơ bản (của nhà nước) và nghiên cứu ứng dụng (đang xã hội hoá) và mối quan hệ giữa Viện lớn (các viện hàn lâm, viện mẹ) và các đơn vị trực thuộc.

4. Làm thế nào quản lý hiệu quả và tạo động lực cho cán bộ khoa học ?
Theo ý kiến của các nhà quản lý ở hai nước, cách đánh giá cán bộ tốt nhất không phải là từ dưới lên (nhân viên đánh giá lãnh đạo) như Việt Nam làm mà nên là ngược lại (lãnh đạo nhận xét nhân viên).
Đầu năm và giữa năm, lãnh đạo cấp trên có trách nhiệm giao nhiệm vụ cho người dưới quyền căn cứ theo kế hoạch hoạt động của đơn vị, chức năng và nhiệm vụ của cá nhân thành điều khoản giao việc (TOR). Sáu tháng một lần các cấp quản lý đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới và tính thành điểm rõ ràng để làm căn cứ đề bạt, sa thải, tăng lương…
Trong trường hợp cán bộ không làm tròn trách nhiệm ở mức độ nghiêm trọng, cấp quản lý trực tiếp có trách nhiệm nhắc nhở và theo dõi việc sửa chữa. Trong vòng 3 tháng nếu cán bộ đó tiếp tục sai phạm, không làm tròn nhiệm vụ thì sẽ bị hạ cấp hoặc đưa ra khỏi cơ quan. Đây là hình thức đánh giá chính trong toàn hệ thống dựa trên kết quả công việc và quy định chung.
Ngoài ra, hàng năm, các cán bộ đồng nghiệp trong viện có thể góp ý cho nhau thông qua một loại phiếu điều tra. Phiếu hỏi những người có liên quan trong đơn vị về quan hệ hợp tác giữa cán bộ và đồng nghiệp. Sau đó kết quả được gửi lại cho chính đương sự nhằm mục đích góp ý xây dựng một cách khách quan, không dùng làm căn cứ để đánh giá, đối xử với cán bộ.
Do có cơ chế thưởng phạt rõ ràng nên đội ngũ cán bộ liên tục được đổi mới. Hàng năm vẫn có cán bộ bị đưa ra khỏi cơ quan hoặc được tuyển vào.
Ở Úc, lương cho đội ngũ cán bộ then chốt được nhà nước đảm bảo. Ngoài ra, Viện dùng nguồn tài chính từ các đề tài đấu thầu cạnh tranh để chi trả cho các hoạt động nghiên cứu, vận hành bộ máy, chi phí hành chính… và phần còn lại được dùng để thưởng thêm vào lương cán bộ.
 


Đơn vị: triệu $ Úc
Biều đồ 1: Đầu tư hàng năm cho R&D giai đoạn 2005 – 2006 của Úc

Ở New Zealand, toàn bộ nguồn thu của các viện là từ đề tài và đấu thầu cạnh tranh bao gồm cả lương, hoạt động nghiên cứu, chi phí hành chính và quản lý đơn vị… So giữa hai nước, cách làm của New Zealand khuyến khích và đào thải mạnh hơn nên khả năng thu hút cán bộ từ quốc tế rất mạnh. Ví dụ, Viện Nghiên cứu cây ăn quả New Zealand hiện nay có hơn 500 cán bộ cao cấp nằm ở 10 trung tâm, trụ sở với các phân viện ở Mỹ, Úc, Tây Ban Nha…

5. Đổi mới quản lý KHCN ở Úc và New Zealand diễn ra như thế nào?
Cũng như Việt Nam, Úc và New Zealand phải trải qua một quá trình dài vất vả đổi mới cơ chế quản lý và tổ chức các cơ quan nghiên cứu. Trước năm 1992, ngành nông nghiệp New Zealand có trên 60 Viện và Trung tâm nghiên cứu (không kể các trường Đại học). Công tác quản lý khoa học chồng chéo giữa Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Nông nghiệp. Hiện nay, cải cách hoàn tất, số lượng các viện nghiên cứu giảm xuống còn 4 (Viện chăn nuôi gia súc và gia cầm, Viện Nghiên cứu cây ăn quả, Viện Giống cây trồng và chế biến thực phẩm, Viện sử dụng đất nước bền vững).
Một trong những thay đổi lớn là chuyển từ cấp vốn theo kiểu phân bổ đề tài hàng năm trước đây sang đầu tư cho các chương trình nghiên cứu dài hạn cho các sản phẩm khoa học cụ thể. Các cơ quan chịu trách nhiệm đặt hàng nghiên cứu (RDC ở Úc và FRST ở New Zealand) bàn bạc với các viện để xây dựng các chương trình đầu tư dài hạn. Trên cơ sở đó, hai bên ký hợp đồng cho toàn bộ chương trình để cấp vốn cụ thể và đánh giá hàng năm.
Một sự đổi mới khác là chính phủ thu thuế khoa học công nghệ từ các cơ sở sản xuất để đầu tư lại cho cơ quan nghiên cứu. Và do phải sống bằng nguồn thu từ thuế trực tiếp của người sử dụng công nghệ nên các viện nghiên cứu phải rất chú ý đến yêu cầu của thực tiễn sản xuất. Nhờ đó mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và nghiên cứu được hình thành một cách tự nhiên.
Trong quá trình đổi mới, Úc và New Zealand cũng phải từng bước điều chỉnh để các viện nghiên cứu không quá sa đà vào cung cấp dịch vụ kỹ thuật và tư vấn để tăng thêm thu nhập mà lãng quên công tác nghiên cứu. Để thực hiện điều này, cả hai nước áp dụng chính sách để các viện nghiên cứu chỉ thông qua các hoạt động nghiên cứu là đủ khả năng thu hồi mọi chi phí hoạt động và có tái sản xuất mở rộng (gồm chi phí tiền lương, quản lý bộ máy, mua sắm tài sản và các chi phí khác…) Mặt khác, các viện được hưởng lợi ngày càng nhiều từ tiền sáng chế và bản quyền. Chính sách này khuyến khích viện vào hoạt động nghiên cứu hơn là làm dịch vụ kỹ thuật thuần tuý.
6. Các đề tài nghiên cứu được xác định và lựa chọn như thế nào?

 
Những cậu bé thổ dân New Zealand làm quen với laptop

Chính phủ định kỳ thông báo các định hướng nghiên cứu muốn tiến hành. Căn cứ vào đó, các Bộ đề ra các mục tiêu chiến lược cho ngành (Ví dụ Bộ Nông nghiệp hướng vào nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường…).
Các cơ quan cấp vốn (RDC của Úc và FRST của New Zealand) có trách nhiệm đề ra các chương trình sản phẩm cụ thể mà nhà nước muốn có và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên cho cả nước, từng địa phương, và từng lĩnh vực. Các cơ quan này có thể xác định tên đề tài và sản phẩm cụ thể hoặc có thể chỉ nêu định hướng để các Viện đề xuất nghiên cứu.
Các viện, trường dựa trên định hướng của Bộ/ngành, yêu cầu của các thành phần kinh tế trong ngành và lợi thế so sánh của đơn vị mình, chủ động đề xuất, xây dựng kế hoạch nghiên cứu của mình và tham gia đấu thầu cạnh tranh.
Ở cả ba cấp, kế hoạch được xây dựng trong 3 năm hoặc 5 năm với các sản phẩm và mục đích rõ ràng kèm theo giải pháp thực hiện cụ thể (cán bộ, tài chính, chính sách, cách thức quản lý…). Kế hoạch này đều phải thông qua Hội đồng Quản lý các cấp trong kế hoạch hàng năm và báo cáo tiến độ kết quả thực hiện vào cuối năm.
Cách xác định và lựa chọn đề tài nghiên cứu như trên giúp tránh được sự chồng chéo giữa các cơ quan cấp vốn, đảm bảo sự chủ động và thích ứng của các viện nghiên cứu, định hướng được các hoạt động nghiên cứu theo chương trình lớn từ trên xuống dưới và thể hiện thành các sản phẩm cụ thể ngay từ đầu để phối hợp đầu tư.
      * * *
Phương thức tổ chức phối hợp hài hòa giữa các đại diện của người dân làm chủ trong các hội đồng quản lý, và đội ngũ cán bộ quản trị làm thuê, đội ngũ cán bộ khoa học nhiệt tình và hăng say nghiên cứu là những yếu tố quyết định thành công trong hoạt động KH&CN của Úc và New Zealand.

Ảnh trên cùng: Điêu khắc “Fractal” tại Quảng trường Liên bang (Úc)

Đặng Kim Sơn

Tác giả