Quỹ NAFOSTED: 20 năm tìm một lối đi
Trong suốt hai thập kỷ tồn tại, Quỹ NAFOSTED chưa bao giờ hết chật vật để tìm ra một phương thức hoạt động dung hòa được sự khắt khe của các chuẩn mực quốc tế, tinh thần tự do của khoa học và việc buộc phải đáp ứng yêu cầu chặt chẽ của các khung tài chính quốc gia.
Ở thời điểm này, khi thời gian đã để lại những dấu ấn đáng nhớ lên chặng đường 20 năm, trong đó có 15 năm hoạt động tài trợ/hỗ trợ, không ai còn có thể hoài nghi những đóng góp của NAFOSTED vào sự phát triển của khoa học Việt Nam. Mô hình quản lý khoa học mới ấy đã tạo ra một môi trường làm việc tương đối minh bạch, nghiêm cẩn, “khoa học vị khoa học” thông qua việc trao các khoản tài trợ cho các ý tưởng nghiên cứu được hội đồng khoa học đánh giá chứ không phải vì uy thế “cây đa cây đề”. Chính hội đồng khoa học ấy sẽ thay mặt các cơ quan quản lý đánh giá kết quả đầu ra của nhà nghiên cứu thụ hưởng tài trợ và xác quyết việc đạt hay không đạt về mặt khoa học.
Nhưng sự tồn tại của một mô hình quản lý khoa học tiên tiến trong một môi trường khoa học đang biến đổi từng ngày và trong những khuôn mẫu tài chính ngày một chặt chẽ có bao giờ dễ dàng.
Mô hình “hai trong một”
Sự tồn tại của một mô hình khác biệt với các tổ chức quản lý khoa học khác ở Việt Nam, vốn được vận hành theo nếp truyền thống và tuân theo chuẩn mực quản lý tài chính truyền thống, luôn luôn gặp nhiều trắc trở. Ở một góc độ nào đó thì những gì NAFOSTED nếm trải trong vòng hai thập niên qua là như vậy. Nguyên Bộ trưởng Hoàng Văn Phong, trong lễ kỷ niệm 20 năm NAFOSTED vào tháng 12/2023, đã phân tích cái mới của NAFOSTED từ thuở còn ở trên ý tưởng của các nhà quản lý khoa học. “Mọi người ai cũng nói, hoạt động của NAFOSTED cũng giống hoạt động của các tổ chức quốc tế nhưng thật ra mà nói, trong bối cảnh Việt Nam, Quỹ vừa hoạt động như tổ chức tài chính nhà nước, vừa là đơn vị sự nghiệp”, ông nói.
Cơ chế để mô hình NAFOSTED tồn tại theo lối “hai trong một” như vậy không thể là cơ chế truyền thống. “Đây là một đơn vị khoác hai cái áo, yếu tố làm nên sự linh hoạt trong vận hành. Là đơn vị tài chính của ngành khoa học, NAFOSTED được giao quản lý và điều hành sử dụng một khoản tiền vốn điều lệ và khoản tiền này được mặc nhiên định vào trong kế hoạch nên Quỹ không phải là đơn vị dự toán để xây dựng kế hoạch mà là kế hoạch được triển khai thực hiện kinh phí đã được bố trí”, nguyên Bộ trưởng Hoàng Văn Phong nói. Nằm dưới sự quản lý của Bộ KH&CN và không tham gia vào các hoạt động tài trợ để đem lại lợi nhuận như các quỹ thông thường, NAFOSTED đương nhiên là một đơn vị sự nghiệp – lợi nhuận của NAFOSTED, nếu coi là như vậy, đều là những “khoản lãi” sẽ đến trong tương lai thông qua sự đóng góp vào sự phát triển đất nước của nguồn nhân lực.
Vào thời điểm Quỹ ra đời, nguồn ngân sách dành cho KH&CN vẫn thật khiêm tốn. “Nếu vào năm 2002-2003, toàn bộ kinh phí cho hoạt động KH&CN của chúng ta vào khoảng 2.500 tỉ đồng – hiện nay lớn hơn chừng mươi, mười lăm lần”, nguyên Bộ trưởng Hoàng Văn Phong phân tích và giải thích, toàn bộ con số 2.500 tỷ đồng này không do Bộ KH&CN chi tiêu hết mà còn được phân bổ về 63 địa phương và 41 đầu mối ở trung ương, bao gồm các bộ, ngành, các tổ chức… Do đó, vốn hoạt động của NAFOSTED vào khoảng 200 tỷ, xấp xỉ 10% kinh phí dành cho các hoạt động KH&CN trên quy mô toàn quốc, đã là một cố gắng rất lớn, đặc biệt đặt vào bối cảnh riêng “khi tôi mới về Bộ KH&CN, kinh phí dành cho nghiên cứu cơ bản vào khoảng 20 tỉ đồng/năm, sau được nâng lên khoảng 30 tỉ đồng”, ông kể.
Dẫu hoạt động tài trợ cho khoa học cơ bản đã tồn tại ở Việt Nam hàng thập niên nhưng tất cả phương thức tài trợ, đánh giá kết quả hình thành từ đề tài được tài trợ… đều theo lối làm cũ. Do đó, thật không thể kể hết những công việc “bếp núc” ban đầu để tìm ra được một phương thức vận hành trơn tru, thông đồng bén giọt cho NAFOSTED. Mặc dù được học hỏi từ Quỹ Khoa học Thụy Sĩ nhưng thật không dễ đem đặt vào Việt Nam một khung quản lý và một khung phân bổ các khoản tài trợ chưa từng có. Nó đòi hỏi một tư duy mở để chấp nhận. Tại sao không đặt hết các phương thức vận hành đã được kiểm chứng ở quốc tế vào Việt Nam? TS. Đỗ Tiến Dũng, giám đốc Quỹ “đời thứ ba” nhớ lại, ban soạn thảo quy chế hoạt động của Quỹ đã cố gắng tìm nét phù hợp nhất của quốc tế đặt vào Việt Nam. “Tất nhiên ở mỗi quốc gia khác nhau thì cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính khác nhau nên không thể đặt nguyên quy định của họ vào Việt Nam, dẫu ở đây thì từ luật, nghị định đến các quy định tài trợ của từng chương trình đều mang dáng dấp quốc tế rồi”, anh nói.
Góp phần tạo dựng nền tảng và đem lại sức sống cho mô hình mới mẻ ấy là công sức của cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam. Chính các nhà khoa học tâm huyết, chứ không phải ai khác, là những người hiểu rất rõ hoạt động của các quỹ khoa học quốc tế và hiểu điều gì khả thi ở Việt Nam mà vẫn đảm bảo sự minh bạch, công khai của khoa học. “Các vấn đề chi tiết được NAFOSTED bàn kỹ hơn với các nhà khoa học như tiêu chí đánh giá nghiên cứu do quỹ tài trợ, tiêu chí lựa chọn chủ nhiệm đề tài, tiêu chí lựa chọn nhà khoa học trẻ… đều là kết quả của những buổi trao đổi và xin ý kiến các nhà khoa học, sau đó Ban quản lý Quỹ mới ban hành.
Đây cũng là lý do mà trong buổi lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Quỹ, nguyên Bộ trưởng Hoàng Văn Phong đã ghi nhận “Tôi nghĩ trong thành tựu của quỹ, ngoài sự tận tâm của đội ngũ cán bộ ở Quỹ, còn có sự đồng hành rất hiệu quả của các nhà khoa học. Nếu không có sự sáng tạo, tâm huyết của các nhà khoa học thì không có các kết quả nghiên cứu và chính các kết quả đó là kết quả hoạt động rất cơ bản ở NAFOSTED của chúng ta”.
Tuy nhiên, theo dòng thời gian, khi mọi hoạt động tưởng chừng đã đi vào nếp thì những thay đổi lại tiếp tục. Việc phải quản lý dòng tiền từ ngân sách nhà nước theo Luật Ngân sách mới đã đưa NAFOSTED quay trở lại với cơ chế tài chính hạch toán truyền thống, đi kèm với việc tuân thủ các khung tài chính ngày một chặt chẽ hơn. Làm thế nào để những quy định đó không ảnh hưởng đến hoạt động tài trợ, hỗ trợ khoa học, với NAFOSTED, là một thách thức không dễ hóa giải.
Thách thức không chỉ có một
Cũng giống như VKIST, một mô hình quản lý khoa học mới từ Hàn Quốc nhằm thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu ở tầm quốc gia và quốc tế cho doanh nghiệp, NAFOSTED tồn tại một cách đơn độc trong lòng khoa học Việt Nam trong suốt gần hai thập niên. Chỉ vào một năm trở lại đây, Quỹ mới có bạn đồng hành là một số quỹ tài trợ cho khoa học của khối tư nhân. Tuy nhiên, sự cạnh tranh của các địa chỉ tài trợ cho khoa học của tư nhân, trong đó có cả khoa học cơ bản, đã đặt NAFOSTED vào thế phải chấp nhận sự cạnh tranh – một sự cạnh tranh không cân bằng, không chỉ ở chất lượng tài trợ ở mỗi đề tài và hạng mục tài trợ mà còn ở sự gọn nhẹ về thủ tục tài chính.
Dẫu vậy, sự tồn tại của các nguồn tài trợ khác nhau, từ nhà nước đến tư nhân, cho thấy NAFOSTED cần phải đổi mới rất nhiều, từ các hạng mục tài trợ, số lượng tài trợ, lượng kinh phí tài trợ cũng như cách thức tiến hành đánh giá đề xuất và kết quả thực hiện, một nhà khoa học ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết. Đó cũng là cách để NAFOSTED tăng cường vị thế của một tổ chức tài trợ cho khoa học cấp quốc gia, ông nói thêm.
Với những quỹ cấp quốc gia của các nền khoa học tiên tiến, những nguồn ngân sách hào phóng ngày một được rót về hằng năm để tạo nhiều cơ hội làm việc hơn nữa cho các nhà khoa học của mình. Khi đó, tỉ lệ % dựa trên GDP của họ lớn nên khi cắt một phần để chia cho các quỹ quốc gia thì con số KH&CN được thụ hưởng cũng rất lớn. Còn Việt Nam, cái bánh GDP lại nhỏ nên tỉ lệ đầu tư cho KH&CN của mình nhỏ hơn, một nhà quản lý khoa học lý giải.
Đó là lý do mà NAFOSTED dù mong muốn mở rộng hạng mục tài trợ, đa dạng các hoạt động tài trợ hay đơn giản là muốn “xuống tay” hào phóng hơn cho các nhà nghiên cứu trẻ qua các tài trợ postdoc nhưng cũng không thể. Hệ quả là các khoản tài trợ hằng năm cũng chỉ tương đối đủ cho các lĩnh vực với những nội dung cơ bản nhất, phải tạm đủ rồi mới tính đến cái khác, không được phép ‘vung tay quá trán’. “Mình không có quá nhiều kinh phí nên tập trung vào tài trợ một số nội dung chính vì [kinh phí hằng năm của] mình chỉ bằng phần nghìn của họ thôi. Bằng mọi cách thì Quỹ cũng phải chắc chắn những nội dung tài trợ quan trọng nhất trước đã”, TS. Đỗ Tiến Dũng lý giải tại sao NAFOSTED không thể triển khai được những điều mà mình luôn ao ước.
Ở tuổi 20, NAFOSTED vẫn đang phải chật vật mỗi ngày để tồn tại, không chỉ vì sức hút tài chính của mình ngày một giảm sút mà còn vì sự đột sinh của những vấn đề đầy phức tạp ở một nền khoa học đang phát triển. Dẫu không thực sự lý tưởng nhưng câu chuyện tài trợ cho các ý tưởng khoa học, các đề xuất khoa học ở một quốc gia có nền văn hóa học thuật đã định hình từ truyền thống sâu xa khác biệt với những gì diễn ra ở một nền khoa học đang phát triển. Sau nhiều năm lựa chọn xuất bản quốc tế làm tiêu chí đánh giá đầu vào và đầu ra của các khoản tài trợ nghiên cứu, khoa học Việt Nam đã thu về nhiều công bố quốc tế, góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ nghiên cứu, các nhóm nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực. Tuy vậy, tâm lý ‘quá tả quá hữu’ khi quá coi trọng số lượng thay vì chất lượng và coi đó là tiêu chí cứng để đánh giá khoa học đã tạo cơ hội cho nhiều người lách luật bằng nhiều cách, ví dụ như xuất bản trên các tạp chí ‘ăn thịt’, tạp chí rởm, nhà xuất bản tai tiếng hay những cách mà trước đây hiếm khi xảy ra ở Việt Nam – đạo văn, ‘mua, bán bài’, ‘gửi gắm, trao đổi trích dẫn’… Môi trường khoa học Việt Nam đang hứa hẹn chuyển đổi từng bước từ số lượng sang chất lượng đã bị nghẽn lại ở giữa bởi những hành vi phi liêm chính, cả vô tình và cố ý.
Đó là những vấn đề mà NAFOSTED đang trực diện và không thể nhắm mắt làm ngơ. Thật không thể chờ đợi một sự thay đổi, một giải pháp trọn vẹn sau một đêm nung nấu nhưng rõ ràng, ở thời điểm này, NAFOSTED cần giải quyết lần lượt từng vấn đề và trông đợi một lần nữa, cộng đồng khoa học với những người tâm huyết góp sức tạo dựng một môi trường minh bạch và nghiêm cẩn như hai thập niên trước đã chung vai.
Theo Khoa học và Phát triển