Quỹ NAFOSTED: Những điểm sáng trong đợt phê duyệt tài trợ thứ hai năm 2019

Đợt tài trợ thứ hai năm 2019 cho các đề tài nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật của Quỹ NAFOSTED cho thấy có nhiều điểm sáng trong những đề tài được tài trợ.


TS Raja Das, trưởng nhóm nghiên cứu Vật liệu nano cho ứng dụng điện tử và năng lượng tái tạo (ĐH Phenikaa) là một trong ba nhà khoa học nước ngoài có đề tài do NAFOSTED tài trợ. Nguồn: ĐH Phenikaa

Theo thông báo của Quỹ NAFOSTED vào đầu tháng 1/2020, có 192 đề tài thuộc 8 lĩnh vực nghiên cứu (bao gồm Toán học 22, KH Thông tin & Máy tính 12, Vật lý 55, Hóa học 30, Khoa học Trái đất và Môi trường 19, Khoa học sự sống – Sinh học Nông nghiệp 22, Cơ học 23, Khoa học sự sống – Y sinh Dược học 9) được Quỹ tài trợ. Đánh giá về chất lượng của đợt xét duyệt lần này, TS. Đỗ Tiến Dũng, giám đốc Quỹ NAFOSTED, cho biết, số lượng các hồ sơ được bình duyệt nhiều hơn tới gần 20% so với những đợt trước (trung bình mỗi năm Quỹ tài trợ cho 350 đề xuất, mỗi kỳ phê duyệt khoảng 170 đề tài) và theo đánh giá của các hội đồng chuyên ngành thì còn nhỉnh hơn về chất lượng, tính khả thi. Mặt khác, nhiều nhà khoa học từng đạt được kết tốt từ việc thực hiện những đề tài do Quỹ tài trợ trong những năm trước đã thuyết phục được các thành viên hội đồng. Đây là một trong những kết quả mà cộng đồng khoa học Việt Nam đạt được sau gần 10 năm tham gia những hoạt động tài trợ và hỗ trợ của Quỹ.

Ở góc độ một nhà khoa học đã có nhiều tham gia vào hoạt động của Quỹ, GS. TS Phan Văn Tân (chủ tịch Hội đồng khoa học ngành Khoa học Trái đất và Môi trường nhiệm kỳ 2017-2019) cho biết, ông và các thành viên hội đồng ngạc nhiên vể số lượng đề xuất lên tới 38 hồ sơ, “một con số bất ngờ với ngành này và chất lượng các đề xuất cũng đồng đều”. Dù sau khi cân nhắc nhiều điều kiện, cuối cùng hội đồng chỉ chọn 19 hồ sơ nhưng “số lượng hồ sơ bị loại chủ yếu là do cách trình bày chưa rõ ràng chứ không hoàn toàn bởi ý tưởng không hay, đây sẽ là yếu tố quan trọng để họ rút kinh nghiệm trong những lần gửi đề xuất tới”. Trong số các chủ trì đề tài lần này, bên cạnh những khuôn mặt đã từng hoàn thành tốt các đề tài trước cũng có những khuôn mặt mới lần đầu tiên tham gia – một thông tin đáng mừng với ngành khoa học trái đất, vốn có nhiều điểm khác biệt về quá trình nghiên cứu so với những ngành khoa học khác.

Bên cạnh đó, một điểm sáng quan trọng trong đợt phê duyệt đề tài lần này của Quỹ NAFOSTED là sự xuất hiện của ba chủ trì đề tài là nhà khoa học nước ngoài làm việc tại Việt Nam: TS Kazuhito Mizuyama (Trường Đại học Duy Tân) với “Nghiên cứu và phân tích ma trận S cho tán xạ nucleon-hạt nhân trong vùng khối lượng trung bình sử dụng hàm Jost mở rộng”, TS Raja Das (Trường Đại học Phenikaa) với “Phát triển một thế hệ hạt nanocomposite tiên tiến dựa trên các hạt nano từ tính định hướng ứng dụng trong điều khiển phân phối thuốc vào cơ thể bằng từ trường và điều trị ung thư” – vật lý và TS Bijeesh Kozhikkodan Veettil (Trường Đại học Duy Tân) với “Nghiên cứu sự thay đổi của hệ sinh thái ven biển (rừng ngập mặn, cỏ biển và rạn san hô) ở Việt Nam trong những thập niên gần đây bằng cách sử dụng kỹ thuật viễn thám và học máy”- khoa học trái đất. Tuy không phải là lần đầu tiên Quỹ NAFOSTED tài trợ cho nhà khoa học nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng việc tới ba nhà nghiên cứu ở hai trường đại học tư nhân cho thấy bắt đầu có tín hiệu về một môi trường nghiên cứu cởi mở và không phân biệt đối tượng tài trợ, bất kể là nhà nghiên cứu làm việc tại cơ sở tư nhân hay người nước ngoài. “Việc có nhà khoa học nước ngoài được tài trợ là điều bình thường ở các quỹ trên thế giới. Bản thân nhiều nhà khoa học Việt Nam dù hoạt động trong nước hay nước ngoài vẫn có điều kiện nhận được tài trợ từ các quỹ quốc tế. Với NAFOSTED, các hội đồng đều thực hiện đánh giá trên cơ sở khoa học và chất lượng đề xuất”, TS. Đỗ Tiến Dũng lý giải nguyên nhân vì sao các hồ sơ đề xuất này được phê duyệt, đồng thời cho biết thêm, trước đây, tuy chưa là chủ trì đề tài thì nhiều nhà khoa học nước ngoài đã tham gia vào các nghiên cứu do Quỹ tài trợ.    

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)