Quy trình hoạch định–thực thi–đánh giá chính sách KH&CN ở Hàn Quốc

Những nội dung được chia sẻ tại cuộc Hội thảo Kinh nghiệm của Hàn Quốc về Đánh giá và Đổi mới Công nghệ là một cơ hội để các nhà lập pháp và quản lý nghiên cứu cải thiện quy trình dự báo, hoạch định, thực hiện, và đánh giá các hoạt động KH&CN của Việt Nam. Dưới đây là bài viết của phóng viên Tia Sáng, trên cơ sở nội dung trình bày của TS. Byoungsoo Kim, Trưởng Ban chiến lược và Hợp tác Quốc tế viện KISTEP của Hàn Quốc.

Ở không ít các quốc gia trong đó Việt Nam cũng không là ngoại lệ, ba khâu hoạch định, thực thi, và đánh giá các chính sách, nhiệm vụ KH&CN chưa thực sự gắn kết với nhau. Đặc biệt hoạt động đánh giá chính sách nhiều khi còn mang tính hình thức, dẫn đến hiện tượng chính sách có lúc rập khuôn từ giai đoạn này qua giai đoạn khác, trùng lắp nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý, và có những mục tiêu còn xa rời thực tế. Trong khi đó, kinh nghiệm Hàn Quốc qua chia sẻ của TS. Byoungsoo Kim cho thấy ba khâu hoạch định, thực thi, và đánh giá chính sách, nhiệm vụ KH&CN có sự gắn kết liền mạch thành một chu kỳ khép kín.

Để làm được điều này, trước hết các nội dung hoạch định, thực thi, và đánh giá chính sách, nhiệm vụ KH&CN ở Hàn Quốc được xác định một cách rạch ròi, cụ thể. Đầu tiên, khâu hoạch định được căn cứ trên những đánh giá kết quả thực thi các mục tiêu đặt ra trước đây và những dự đoán về các thay đổi trong tương lai. Từ đó đặt ra các mục tiêu cho giai đoạn tới, và đề xuất những phương thức thực hiện có hiệu quả nhất. Khâu hoạch định có thể bao hàm từ chính sách, các chương trình, tới từng dự án cụ thể, tùy vào yêu cầu của người làm chính sách.

Tiếp theo, khâu thực thi không chỉ hiện thực hóa các mục tiêu và phương thức thực hiện mà khâu hoạch định đã đề ra, mà còn thường xuyên theo dõi những thay đổi trong môi trường KH&CN, từ đó kịp thời áp dụng những điều chỉnh phù hợp. Cuối cùng là khâu đánh giá, được thực hiện xen kẽ trong cả khâu hoạch định (là các nghiên cứu đánh giá tổng kết thực trạng và đánh giá tiền khả thi cho các mục tiêu dự định đặt ra) và thực thi, nhằm đảm bảo tính hiệu quả của chính sách và nhiệm vụ KH&CN. Điều quan trọng trong công tác đánh giá là chỉ ra giải pháp cho các vấn đề tồn tại, và được xem xét bởi tất cả các bên liên quan. Khâu đánh giá luôn được coi là quan trọng nhất trong việc đảm bảo tính hiệu quả và thích hợp của tất cả mọi hoạt động KH&CN.

Chu trình khép kín hoạch định – thực thi – đánh giá được thực hiện trên cả ba cấp độ hoạt động KH&CN, bao gồm các chính sách KH&CN, các chương trình R&D, và từng dự án cụ thể. Nó đảm bảo từng cấp vận hành hiệu quả đạt được mục tiêu tự thân và cũng như khuôn khổ cấp trên đặt ra – các dự án đáp ứng hiệu quả mục tiêu của chương trình, các chương trình đáp ứng hiệu quả mục tiêu của chính sách.

Quan điểm của KISTEP về sự cần thiết và cơ sở pháp lý cho hoạt động dự báo KH&CN
Hoạt động dự báo KH&CN ở cấp quốc gia cần được quy định trong hệ thống luật pháp, được một cơ quan chuyên trách thực hiện theo định kỳ và kết quả dự báo cũng được thẩm định theo định kỳ;
Hoạt động dự báo cần được bắt buộc với tất cả mọi hoạt động KH&CN tại các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức Nhà nước;
Các công nghệ then chốt trong tương lai phải là vấn đề chính trong hoạt động R&D;
Mỗi quốc gia cần nghiên cứu và vạch ra Bản đồ phát triển (Roadmap) Công nghệ cho mình.

Hội đồng KH&CN Quốc gia (NSTC) là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện chu trình khép kín đối với các chính sách KH&CN trong khi các Bộ, ngành, cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm với các chương trình, dự án R&D. Tuy nhiên, Viện Đánh giá Hoạch định KH&CN Hàn Quốc (KISTEP) là cơ quan đứng đằng sau NSTC đảm đương công việc hoạch định, theo dõi việc điều phối thực hiện, và tiến hành các hoạt động điều tra, đánh giá. KISTEP cũng là cơ quan dự thảo Quy hoạch Căn bản về KH&CN Quốc gia (National Science & Technology Basic Plan) 5 năm một lần để Chính phủ trình Quốc hội, và trên cơ sở đó soạn Quy hoạch Hành động Tổng thể về KH&CN trình Chính phủ, từ đó từng Bộ, ngành lập kế hoạch KH&CN cho các chương trình, dự án cụ thể.  

Cứ 5 năm một lần, KISTEP tiến hành đánh giá dự đoán những thay đổi trong môi trường KH&CN cũng như kinh tế – xã hội của Hàn Quốc và quốc tế, từ đó đưa ra những mục tiêu KH&CN cần được ưu tiên trong giai đoạn tiếp theo. Công việc này được bắt đầu triển khai từ 2 năm trước khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống Hàn Quốc để kịp trình lên khi nhiệm kỳ mới của Tổng thống bắt đầu. KISTEP cũng là cơ quan xây dựng bản đồ phát triển công nghệ quốc gia, đánh giá việc thực thi các chính sách, thường xuyên theo dõi các xu hướng phát triển KH&CN, và đánh giá năng lực các đơn vị thực hiện nhiệm vụ KH&CN tùy theo yêu cầu thực tế.

Tuy nhiên, nhiệm vụ trọng yếu nhất của KISTEP là trình NSTC dự thảo kế hoạch phân bổ ngân sách Nhà nước cho các hoạt động KH&CN của quốc gia. Các Bộ, ngành có thể tham gia ý kiến, đề xuất với NSTC về nhiệm vụ và ngân sách KH&CN cho đơn vị mình, nhưng KISTEP là cơ quan được NSTC trao đổi thường xuyên nhất để xây dựng bản dự thảo kế hoạch phân bổ ngân sách cuối cùng gửi sang Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc. Theo TS. Byoungsoo Kim, “ngoại trừ trước những sức ép đặc biệt do ngân sách Nhà nước eo hẹp, Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc thường nhất trí tới 95% nội dung bản dự thảo kế hoạch của NSTC” – đây là khác biệt rất lớn giữa Hàn Quốc và Việt Nam, nơi lâu nay một phần đáng kể nội dung kế hoạch phân bổ Ngân sách Nhà nước cho KH&CN do Bộ KH&ĐT lập không trùng với đề xuất của Bộ KH&CN.

Để đảm bảo sự phát triển KH&CN một cách hài hòa giữa các ngành công nghiệp và với những lợi ích chiến lược về kinh tế, xã hội, v.v, NSTC hết sức coi trọng tiếng nói tham vấn của KISTEP. Qua thời gian, những dự đoán 5 năm một lần của KISTEP đã được chứng minh tính xác đáng. Ví dụ như kết quả lần dự đoán 5 năm đầu tiên nhằm đưa ra tầm nhìn về phát triển KH&CN Hàn Quốc trong giai đoạn 1995 tới 2015, được cơ quan tiền thân khi đó của KISTEP là STEPI nghiên cứu khảo sát từ tháng 6 năm 1992 tới tháng 5 năm 1993 trong đó áp dụng phương pháp Delphi để tổng hợp ý kiến từ các chuyên gia, thực tế cho thấy 42,4% những dự án R&D được đề xuất đến nay đã hiện thực hóa thành công và 29,8% thành công được một phần.

“Nếu không có những dự báo này định hướng và hoàn toàn phó mặc cho sự may rủi thì xác suất thành công sẽ rất nhỏ”, TS. Byongsoo Kim nhận định. Nhờ những dự đoán được thực hiện từ 20 năm trước mà Chính phủ Hàn Quốc đã có chính sách ưu tiên hợp lý, ưu tiên đầu tư vào những sản phẩm công nghệ mũi nhọn giàu tiềm năng – căn cứ trên dự đoán và đề xuất của STEPI, mỗi năm Chính phủ Hàn Quốc đầu tư R&D cho mỗi sản phẩm công nghệ số tiền là 10 triệu USD – và kết quả là ngày nay Hàn Quốc đạt được  thành công to lớn của một số ngành công nghiệp như các ngành chế tạo màn hình điện tử (trên TV, máy tính, điện thoại thông minh, v.v), điện thoại di động, linh kiện DRAM, đóng tàu, v.v. Theo số liệu năm 2009, sản phẩm màn hình điện tử của Hàn Quốc chiếm tới 46% thị phần toàn cầu, điện thoại di động chiếm 30%, và DRAM chiếm tới 55%. “Nhiều người nói rằng thành công của đất nước chúng tôi là một phép lạ, nhưng đây thực chất là kết quả của những nỗ lực không ngừng của người Hàn Quốc, trong đó có phần đóng góp quan trọng của những người làm công tác dự đoán và hoạch định chính sách KH&CN từ 20 năm trước”, TS. Byoungsoo Kim khẳng định.  
              

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)