Sắp có Thông tư liên tịch định giá tài sản trí tuệ

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết sắp tới, Bộ KH&CN sẽ cùng với Bộ Tài chính ban hành “Thông tư hướng dẫn định giá tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước”, sau đó sẽ tiếp tục có những văn bản khác quy định việc phân chia lợi ích sau khi tài sản trí tuệ đã được định giá, được chuyển giao hoặc góp vốn.

– Bộ trưởng có thể nêu rõ những phương pháp chính để xác định giá trị tài sản trí tuệ (TSTT) một cách hiệu quả nhất?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Về kỹ thuật xác định giá trị TSTT, chúng ta có thể đưa ra các phương pháp xác định trình tự, thủ tục, thẩm quyền, xác định giá TSTT có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước. Về phương pháp trong Dự thảo Thông tư, các cán bộ nghiên cứu cũng đưa ra 3 phương pháp theo thông lệ quốc tế. Đó là phương pháp chi phí, phương pháp thị trường và phương pháp thu nhập. Tùy thuộc vào thị trường và TSTT, có thể áp dụng một trong 3 phương pháp này.

Tuy nhiên, có những loại TSTT đã có thị phần trên thị trường, ví dụ như thương hiệu Coca-cola, Microsoft được xác định theo phương pháp thị trường, phương pháp thu nhập. Nhưng có những TSTT chưa có thị phần, chưa được người tiêu dùng biết đến thì phải cần đến phương pháp chi phí để giữ được giá trị tài sản do Nhà nước đầu tư, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho các chủ sở hữu của các TSTT đó như các Viện nghiên cứu, các trường đại học hoặc các nhà khoa học.

Như vậy việc đưa ra các phương pháp đúng, trong đó, quy định, trình tự, thẩm quyền và thủ tục đúng giúp việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu được tốt hơn.

– Theo Bộ trưởng, lý do tại sao trong thời điểm này lại có Thông tư ra đời về xác định giá trị TSTT? Thông tư  sẽ giải quyết được những  hạn chế nào trong công tác SHTT?

Lẽ ra Thông tư  phải ra đời song hành với Luật sở hữu trí tuệ SHTT năm 2005, tuy nhiên đây là một vấn đề khó nên chúng tôi cũng đã giao cho các cơ quan có chức năng giải quyết của Bộ KH&CN nghiên cứu nhưng đến nay mới hình thành được Thông tư này. Bởi nếu không có Thông tư hướng dẫn định giá TSTT sử dụng ngân sách Nhà nước thì toàn bộ kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án sử sụng ngân sách Nhà nước đã thành công không thể đi vào thị trường, và nếu đã đi vào thị trường thường đi bằng con đường không chính thức. Khi đó, cả Nhà nước lẫn nhà khoa học đều chịu thiệt thòi do không bảo đảm được quyền lợi của cả ba bên Nhà nước- Nhà khoa học – Doanh nghiệp.

Như chúng ta đã biết TSTT được hình thành từ ngân sách Nhà nước thì chủ sở hữu  là Nhà nước, nếu Nhà nước không giao quyền sở hữu cho người khác hoặc nhà khoa học hay thị trường thì không thể đem tài sản này chuyển giao cho sản xuất kinh doanh thông qua doanh nghiệp. Vì vậy chúng ta cũng không đảm bảo được quyền lợi cho các nhà khoa học khi tham gia vào quá trình chuyển giao khoa học công nghệ cho doanh nghiệp.

Trên thực tế, ở các nước phát triển, các nhà khoa học có thể sống được bằng chất xám của mình là nhờ có Nhà nước đã hỗ trợ cho họ định giá được TSTT, được giao quyền sở hữu . Nhờ vậy, họ có thể góp vốn vào doanh nghiệp và trở thành cổ đông của doanh nghiệp, hoặc có thể bán lại cổ phần cho doanh nghiệp, hoàn lại một phần cho ngân sách Nhà nước đầu tư, phần còn lại là quyền lợi của nhà khoa học được hưởng.

Như vậy Thông tư này đã giải quyết được vấn đề mang tính thị trường của KH&CN, tức là thương mại hóa kết quả nghiên cứu đảm bảo quyền lợi của những người tạo ra TSTT.

–   Vậy lộ trình trong thời gian tới sẽ được triển khai như thế nào thưa Bộ trưởng?

Chúng tôi sẽ cùng với Bộ Tài chính ban hành Thông tư  định giá TSTT, sau đó sẽ có những văn bản khác quy định việc phân chia lợi ích sau khi TSTT đã được định giá, được chuyển giao hoặc góp vốn. Ban hành những quy định cụ thể về thẩm quyền của Nhà nước đối với việc định giá, việc giao quyền sở hữu, sau đó là việc quản lý kinh phí, quản lý nguồn tiền đã thu được từ việc chuyển nhượng hoặc góp vốn từ TSTT.

Chắc chắn trong năm 2014, tất cả các công việc trên sẽ được hoàn thành vì năm 2014 Luật KH&CN đã bắt đầu có hiệu lực.

–   Bộ trưởng đã nói: “Có trường hợp TSTT của Nhà nước bỏ ra 10 tỷ nhưng khi ra đến thị trường lại chỉ bán được 1 tỷ, nhưng cũng có những đề tài như của Giáo sư Trâm nghiên cứu hết 1 tỷ nhưng ra thị trường được trả tới 10 tỷ”. Vậy vấn đề này nói lên điều gì?

Thông qua định giá này, chúng tôi thấy được hiệu quả đầu tư của ngân sách Nhà nước cho KH&CN, Nhà nước bỏ ra 1 liệu có thu được hơn 1 hay không. Còn những đề tài đã ra thị trường, Nhà nước sẽ thu được thông qua thuế, thông qua phần hoàn trả trực tiếp cho ngân sách, và việc hỗ trợ cho tổ chức công nghệ, các nhà khoa học để họ có thể tiếp tục kết quả nghiên cứu mới.

–  Liệu Bộ KH&CN có dự kiến những khó khăn khi gặp phải và sẽ có hướng giải quyết như thế nào thưa Bộ trưởng?

Khó khăn lớn nhất nằm ở các cơ quan hỗ trợ cho việc định giá bởi người có thầm quyền ở đây là các Bộ trưởng, các Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố nhưng họ không thể định giá một cách định tính được. Họ phải dựa vào cơ quan hỗ trợ là các tổ chức dịch vụ trong thị trường KHCN. Tuy nhiên hiện nay trong thị trường KHCN, nguồn cung – cầu tuy đầy đủ nhưng các định chế trung gian, các tổ chức dịch vụ trong thị trường vẫn còn thiếu khá nhiều.Vì vây, để phục vụ cho xã hội trong nền kinh tế thị trường với hàng triệu doanh nghiệp, cần phải đầu tư để hình thành một hệ thống các tổ chức dịch vụ trong thị trường, giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước, giúp cho người có thẩm quyền có thể xác định được giá trị thực, giá trị đúng của TSTT, khi đó có thể tiến hành chuyển giao, cho phép chuyển nhượng hoặc góp vốn.

–  Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)