“Sếp” của nhà khoa học: Họ là ai?

Một nhà khoa học đầu tàu được quốc tế công nhận về lĩnh vực phù hợp với viện nghiên cứu, có sức thu hút nhân tài, có tài điều hành tổ chức nhân sự và nhất là có tư duy độc lập.

Trước hết họ phải là người am hiểu những yếu tố cần thiết cho một môi trường nghiên cứu khoa học: tự do ngôn luận là căn bản nhất, trong đó bao gồm tự do chọn lựa đề tài, tôn trọng nhân tài, tuyệt đối trung thực trong việc chọn lựa nhân sự, phân bổ nhân sự và nguồn tài chính, có lòng tin vào các nhà khoa học chân chính…

Dĩ nhiên được như vậy người lãnh đạo phải có trình độ khoa học tối thiếu nhất là phải có xung quanh mình những nhà khoa học chân chính giữ vai trò cố vấn.

Trẻ chưa nên “leo cao”?

Có ý kiến cho rằng, nhà khoa học chỉ nên tập trung vào chuyên môn mà không nên “mơ” làm quản lý? Thực ra, không nhất thiết phải như vậy. Vấn đề tùy ở giai đoạn đời và kinh nghiệm bản thân của nhà khoa học. Ta thường thấy tại Việt Nam, nhà khoa học trẻ mới có bằng tiến sĩ về nước mà “nhảy” lên làm quản lý là không hợp lý.

Nhà khoa học trẻ nên tập trung làm chuyên môn vì khoa học cần sức trẻ, cần thời điểm sung mãn của trí tuệ. Qua thời gian nhà khoa học dần dần có tuổi, năng lực sáng tạo giảm đi, kinh nghiệm giao tế dồi dào, uy tín xã hội được xác định, thì việc chuyển qua làm quản lý là hợp lý hơn. Cái sai lầm rõ nét của Việt nam là hoặc cơ cấu nhà quản lý không có trình độ hoặc nếu có chút trình độ lại chưa có kinh nghiệm trong chức vụ…

Và chính sách cơ cấu nhân sự phản ảnh trạng thái thiếu lòng tin ở trí thức, một tầm nhìn cục bộ, một phong cách lạc hậu, một hướng đi hoàn toàn ngược lại với cách xử lý của các nước văn minh…

Nhà khoa học làm quản lý: Cái mất rất lớn

Người làm khoa học có khó khăn trong quản lý, nhưng việc này là thứ yếu vì họ sẽ cải tiến trong thời gian ngắn sau khi quen việc. Nhưng cái ngược lại mới là trầm trọng. Người làm quản lý sẽ không có thời gian làm khoa học.

Trong 40 năm giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Bỉ, tôi may mắn gần gủi được hai người thầy là hai nhà khoa học nỗi tiếng thế giới. Một người chuyên về cấu trúc hàng không không gian, một người khác chuyên về cấu trúc xây dựng.

Hai thầy tôi trong 40 năm đã liên tục từ chối lên làm trưởng khoa (Dean), vì họ cho rằng làm quản lý sẽ mất thì giờ và sự nghiệp nghiên cứu khoa học của họ sẽ bị ảnh hưởng không tốt. Ông Ch. Massonnet chuyên về cấu trúc xây dựng cuối cùng năm năm trước ngày hưu trí đã phải chấp nhận vai trò ấy. Ông thường than vãn với tôi: từ ngày làm quản lý, ông phải bớt đi suy tư nghiên cứu khoa học. Số công trình nghiên cứu công bố quốc tế giảm sút nhanh chóng, ê kíp nghiên cứu của ông mất ngay vị trí hàng đầu trước đây.

Người thế nào mới xứng đáng quản lý các nhà khoa học?

Một nhà khoa học đầu tàu được quốc tế công nhận về lĩnh vực phù hợp với viện nghiên cứu, có sức thu hút nhân tài, có tài điều hành tổ chức nhân sự và nhất là có tư duy độc lập. Đó và những viện đã có sẵn, thông thường là đa lĩnh vực rất chung chung. Ngày nay, Việt Nam ta nên thành lập nhiều cơ sở nghiên cứu mũi nhọn có điều kiện đi tắt đón đầu.

Ở đây vấn đề nhân sự ban đầu là thiết yếu. Phải có một nhà khoa học có tầm cỡ quốc tế, đã thành công trong nghiên cứu khoa học mũi nhọn mà giao công việc với sự ủng hộ đầy đủ, niềm tôn trọng chân thành. Ở đây tôi nghĩ đến các nhà khoa học người Việt đang thành công ở nước ngoài. Vấn đề là phải có chế độ hợp lý nhất là tạo dựng được môi trường thân thiện nuôi dưỡng được lòng tin của các nhà khoa học. Hiện nay tại Việt Nam trong những năm gần đây, lòng tin ở một môi trường Việt Nam thỏa đáng và thân thiện thay vì được cải tiến đã bị giảm sút…

Tại Hoa Kỳ có một luật bất thành văn là không bổ nhiệm những giáo sư được đào tạo tại trường mà phải kéo về những nhà khoa học đến từ xa, Châu Âu, Châu Á hay ít ra cũng phải tư một trường đại học khác với sở tại. Đây chính là tính khách quan vô tư trong việc bổ nhiệm. Tại Châu Âu, luôn có một cơ quan thẩm định quốc tế tham gia trực tiếp góp cho ý kiến trong việc chọn lựa giáo sư hay lãnh đạo cơ sở nghiên cứu!

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)