Tài chính cho NCKH: Khó khăn cần tháo gỡ

Một trong những nguyên nhân chính khiến chủ đề về chính sách tài chính cho hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) dù được bàn rất nhiều nhưng đến hôm nay vẫn chưa ngã ngũ là do chưa có được sự đối thoại thật sự và hiểu biết lẫn nhau giữa giới quản lý tài chính với giới quản lý khoa học và bản thân những người làm khoa học.

Có kinh nghiệm nào của nước ngoài không?

Vấn đề tài chính cho NCKH giải quyết không hoàn toàn giống nhau giữa các quốc gia và các tổ chức tài trợ ngước ngoài. Tôi xin kể vài kinh nghiệm của bản thân qua các dự án đã làm việc với các tổ chức tài trợ nước ngoài. Chẳng hạn:

– UNESCO tài trợ cho tôi mười mấy ngàn USD để tổ chức một hội thảo khoa học khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về “Comercialisation of R&D Outputs”, thì tôi chỉ cần ký trong một bản hợp đồng, với các khoản mục chi tiêu đã được phê duyệt, và sau đó, là biên bản kết thúc hội thảo là xong. Chứng từ và thủ tục tài chính là do tài vụ cơ quan lo theo các quy định và yêu cầu của phía Việt Nam, tôi không phải bàn giao chứng từ cho UNESCO.

– Với SAREC của Thụy Điển, thì tôi chỉ cần nộp một bản kê khai chi tiêu theo đúng các khoản mục đã được phê duyệt trong hồ sơ của Dự án, có chữ ký xác nhận của kế toán trưởng của cơ quan.

– Với các tổ chức tài trợ của Đức thì tôi phải nộp toàn bộ bản gốc các hóa đơn, chứng từ đúng với các khoản mục đã được phê duyệt trong hồ sư của Dự án và bị kiểm toán của phía bạn kiểm soát chặt chẽ

– Trong khi đó, thì theo những thông tin thu thập được qua nghiên cứu, tôi biết được các tổ chức R&D của nhiều nước được hưởng quy chế miễn trừ kiểm toán..
Với những thực tế đã trải qua đó, tôi cho rằng khó có thể lấy một kiểu mẫu nước ngoài nào để đề xuất một phương án kiểm soát tài chính cho các hoạt động R&D của nước ta.

Nguyên nhân nào dẫn đến những khó khăn về chế độ tài chính?

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến các khó khăn trong chế độ tài chính, theo tôi, có lẽ là do chưa có được sự đối thoại thật sự hiểu biết lẫn nhau giữa giới quản lý tài chính với giới quản lý khoa học và bản thân những người làm khoa học, cụ thể là giữa Bộ KH&CN với Bộ Tài chính cùng với những người trực tiếp thực hiện công việc NCKH.

Tất cả các nhà nước trong thế giới đương đại đều là những nhà tài trợ hào hiệp cho khoa học bằng cách xét cung cấp tài trợ cho các đề xuất nghiên cứu, và rất hạn chế tự mình chủ trì các chương trình đề tài “của” nhà nước và cho các nhà khoa học “đấu thầu”.

Thật ra, trong những năm gần đây, Bộ KH&CN đã có những cố gắng rất lớn trong việc mở ra các diễn đàn về tài chính để giới nghiên cứu có cơ hội trình bày những khó khăn về tài chính với giới quản lý tài chính. Kết quả thảo luận cũng đã góp được phần nào vào việc cải thiện chế độ tài chính hiện hành trong hoạt động R&D, nhưng những vướng mắc về tài chính trong hoạt động R&D vẫn còn là một trở ngại quá lớn cho hoạt động NCKH ở nước ta.

Vậy, những khó khăn về chế độ tài chính trong NCKH tồn tại là do những nguyên nhân nào?

Có lẽ nguyên nhân cơ bản là giới khoa học chưa làm cho giới quản lý tài chính hiểu được đặc điểm cơ bản của hoạt động NCKH và nhất là đặc điểm về chính sách tài chính cho loại hoạt động này. Những đặc điểm đó được nhiều đồng nghiệp thảo luận trên các diễn đàn khoa học, cũng như trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Tôi xin nhắc lại một số đặc điểm đó như sau:

Trước hết, nhà nước dành cho hoạt động KH&CN quyền tự trị, các nhà nước vốn là nhà nước XHCN trước đây, đang chuyển từ một mô hình “nhà nước làm KH&CN” sang một mô hình “nhà nước quản lý vĩ mô về KH&CN”. “Nhà nước làm khoa học” là cách gọi mà tôi sử dụng để gọi tên các nhà nước XHCN đối xử với khoa học theo mô hình của Liên Xô, trong đó nhà nước phát ra các chương trình, đề tài “của” nhà nước các cấp và mời các nhà khoa học đến đấu thầu. Sau khi kết thúc đề tài thì nhà nước “nghiệm thu”, và … chẳng để làm gì cả, mặc dầu nhà nước cũng lại đưa ra kế hoạch áp dụng các kết quả đó vào sản xuất và đời sống một cách rất hình thức chủ nghĩa.

Thứ hai, cần phải nói rằng, tất cả các nhà nước trong thế giới đương đại đều là những nhà tài trợ hào hiệp cho khoa học bằng cách xét cung cấp tài trợ cho các đề xuất nghiên cứu, và rất hạn chế tự mình chủ trì các chương trình đề tài “của” nhà nước và cho các nhà khoa học “đấu thầu”.

Một vị giáo sư viện trưởng một viện lớn (hiện đương nhiệm) trong một hội thảo tại Bộ KH&CN đã có bản tham luận thú vị, kêu gọi “hãy từ bỏ quản lý khoa học” (?) Vị viện trưởng này đã hiểu khái niệm “quản lý khoa học” như nó đã và đang tồn tại ở Việt Nam theo mô hình “nhà nước làm khoa học” của Liên Xô. Đúng ra phải nói rằng, chúng ta hãy từ bỏ mô hình quản lý khoa học theo kiểu “nhà nước làm khoa học” của Liên Xô để tạo lập mô hình “nhà nước quản lý vĩ mô về khoa học”, một mô hình phổ biến của các nền khoa học lành mạnh trong thế giới đương đại.

Hoàn toàn có thể nghiên cứu một hình thức khoán gọn nào đó cho từng khoản mục trong nghiên cứu, và có những quy định phù hợp với đặc điểm về tính mới, tính rủi ro của nghiên cứu khoa học.

Với mô hình “nhà nước quản lý vĩ mô về khoa học”, hơn nữa đảm bảo cho khoa học được phát triển theo một thiết chế tự trị (autonomous institution), thì vấn đề tài chính sẽ được giải quyết.

Thứ ba, trong việc cấp phát và kiểm soát tài chính, các nhà nước đều xét đến các đặc điểm của hoạt động NCKH, trong đó chủ yếu là những đặc điểm sau:

– Tính mới, làm cho người nghiên cứu không thể lập “kế hoạch” đưa ra các sản phẩm nào đó của nghiên cứu một cách quá chặt chẽ, như kiểm toán yêu cầu “chi đúng khoản mục”, “chi đúng kế hoạch”… và “chi đúng dự toán”, bởi vì công việc nghiên cứu luôn mang tính mới.

– Tính rủi ro, cũng là một đặc điểm quan trọng của công việc nghiên cứu. Rủi ro dẫn đến những thất bại trong nghiên cứu, phải lặp lại công việc khảo sát và thực nghiệm với số lần ngoài dự kiến, và điều này dẫn đến phá sản các kế hoạch tài chính theo dự toán.

– Tính phi kinh tế thể hiện trong tất cả các giai đoạn của công việc nghiên cứu, từ nghiên cứu cơ bản (fundamental research), nghiên cứu ứng dụng (applied research) và triển khai thực nghiệm (experimental development)1. Tất cả các giai đoạn này đều không trực tiếp sinh lời. Cho nên giao chỉ tiêu quy định số % “thu hồi” là không phù hợp với đặc điểm của hoạt động nghiên cứu khoa học. Ở các cơ sở thực nghiệm nước ngoài, khoản bán sản phẩm chế thử trong giai đoạn “Triển khai” được giữ lại để tái đầu tư cho nghiên cứu.

Cuối cùng, Hoàn toàn có thể nghiên cứu một hình thức khoán gọn nào đó cho từng khoản mục trong nghiên cứu, và có những quy định phù hợp với đặc điểm về tính mới, tính rủi ro của nghiên cứu khoa học.

Mô hình quản lý vĩ mô nào về KH&CN trong nền kinh tế thị trường?

Trong lịch sử phát triển KH&CN của thế giới đã và đang tồn tại 3 triết lý tổ chức KH&CN và giáo dục (KH&GD):

Triết lý 1: KH&GD là mối quan tâm tư nhân, các nhà nước không quan tâm. Mô hình này kéo dài từ nền khoa học cổ đại cho đến hầu như suốt xã hội công nghiệp.

Triết lý 2: Các nhà nước nhận cho mình sứ mệnh lãnh đạo sự phát triển KH&GD của đất nước. Nhà nước lập ra các viện “của” nhà nước, giao cho các viện kế hoạch nghiên cứu và áp dụng kế hoạch nghiên cứu. Nhà nước biến mình thành ông chủ duy nhất làm KH&GD trong xã hội. Đó là các “nhà nước làm KH&GD” đầy quyền lực và quan liêu trong các nước XHCN. Kết quả, như lịch sử KH&GD của thế giới đã và đang chứng kiến: Hệ thống quản lý KH&GD quan liêu, hầu như chưa có ngành KH&CN mới nào được khai sinh từ các nước trong hệ thống XHCN.

Triết lý 3: Các nhà nước nhận sứ mệnh quản lý vĩ mô trong một hệ thống KH&GD và hệ thống giáo dục tự trị.

Sau khi sụp đổ hệ thống XHCN, các nước vốn là quốc gia XHCN trước đây đang chuyển sang nền kinh tế thị trường, và phù hợp với nó là một hệ thống khoa học và giáo dục tự trị. Hệ thống ấy đương nhiên sẽ làm xuất hiện thiết chế tự trị trong hệ thống tài chính.

Đó là vấn đề đặt trước các nhà nghiên cứu về các thiết chế quản lý vĩ mô, cả trong KH&GD, và cả trong hệ thống kinh tế và xã hội.



1 Xin phân biệt “Experimental Development”, nói gọn là Development trong cụm từ viết tắt R&D. Ông Tạ Quang Bửu đặt tên tiếng Việt là giai đoạn “Triển khai” của nghiên cứu, nó bao gồm “Làm prototype”, “Làm pilot” và “Làm thử série No0”, khác hoàn toàn với “Technology Development”. Chính hoạt động này mới nên dịch tiếng Việt là “Phát triển công nghệ” là hoạt động sau nghiên cứu, bao gồm “Extensive Development of Technology” (tức Diffusion of Technology) và “Intensive Development of Technology” (tức Upgrading of Technology). Luật KH&CN đã định nghĩa sai các khái niệm này.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)