Tái cơ cấu tài trợ và nâng cao hợp tác trong khoa học

Tài trợ khoa học là một trong những nhân tố quan trọng cho phát triển nghiên cứu khoa học nhưng cho đến nay các nhà khoa học Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các quỹ tài trợ, vốn hầu hết được tổ chức nặng về hành chính và sự minh bạch còn khá hạn chế. Vì vậy, sự thành lập và ra mắt Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia trong thời gian gần đây với vốn đầu tư ban đầu 1.000 tỉ đồng là một quyết sách đúng đắn của Chính phủ trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu và đổi mới việc tài trợ khoa học.1 Từ sự thành lập này cùng với thành công bước đầu của NAFOSTED trong hơn sáu năm qua trong việc tài trợ cho nghiên cứu cơ bản, Bộ KH&CN có thể mạnh dạn phát triển mô hình tài trợ nghiên cứu với nhiều quỹ khoa học tương tự phù hợp với các hướng nghiên cứu mũi nhọn đã được Chính phủ phê duyệt.

Trước đòi hỏi cấp bách của việc đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, có nhiều ý kiến cho rằng cần tập trung thành lập song song các quỹ độc lập, dành riêng cho nhiều chương trình nghiên cứu. Ví dụ như quỹ nghiên cứu khoa học cơ bản, quỹ nghiên cứu chiến lược dành cho các nghiên cứu có định hướng theo chương trình nghiên cứu mũi nhọn của chính phủ (bao gồm các hướng ưu tiên: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo máy– tự động hóa, và công nghệ môi trường)2 nhằm phân luồng các nguồn kinh phí cho nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc phân luồng này cho phép giảm sự cạnh tranh không cùng cơ sở và văn hóa khoa học của các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau (ví dụ như việc so sánh hai ứng viên đến từ hai lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội là điều không mấy dễ dàng và công bằng vì cách thức và nền tảng tiếp cận khác nhau của hai ngành). Nó cũng cho phép các nhà nghiên cứu có thể tập trung và đào sâu nhiều ý tưởng nghiên cứu mới theo từng quỹ nghiên cứu để bổ sung thêm tài trợ cho nhóm nghiên cứu của mình. Ví dụ như một nhà nghiên cứu đề xuất nghiên cứu vật liệu mới, có thể nộp hồ sơ xin tài trợ ở quỹ khoa học cơ bản nếu như cách thức tiếp cận và đầu ra của đối tượng mang nặng tính chất cơ bản, tìm tòi tính chất vật lý mới. Nhưng khi nghiên cứu được phát triển ở mức cao hơn, anh ta có thể xin tài trợ ở quỹ đổi mới sáng tạo khi nghiên cứu đó đã tới bước có tiềm năng thương mại hóa, ứng dụng. Cách thức tổ chức các quỹ này có thể học tập kinh nghiệm từ nhiều quốc gia như Vương quốc Anh với nhiều quỹ nghiên cứu (research council) như EPSRC (Engineering and Physical Sciences Research Council) tài trợ cho các nghiên cứu vật lý, kỹ thuật; BBSRC (Biotechnology and Biological Sciences Research Council) tài trợ cho các nghiên cứu y – sinh học và khoa học sự sống; AHRC (Arts and Humanities Research Council) tài trợ cho các nghiên cứu nghệ thuật và xã hội nhân văn,..3; hoặc Đan Mạch với quỹ DFF (The Danish Council for Independent Research) bao gồm nhiều quỹ nhỏ tài trợ cho các nghiên cứu độc lập từ cấp độ postdoc tới các nhà nghiên cứu đầu đàn; Quỹ Nghiên cứu Trọng điểm (Danish Council for Strategic Research) tài trợ cho các nghiên cứu thuộc các hướng công nghệ ưu tiên quốc gia,..4

Với tỷ lệ đầu tư cho KH&CN tính theo GDP còn khá khiêm tốn (khoảng 0,5%), nhưng đó vẫn là một con số không hề nhỏ. Nếu quản lý và sử dụng hợp lý nguồn tài chính, đồng thời giảm bớt tiêu tốn cho bộ máy hành chính thì có thể thành lập ba – bốn quỹ nghiên cứu tương tự như NAFOSTED với đầu tư ban đầu cho mỗi quỹ khoảng gần 100 triệu USD,5 với các lĩnh vực: nghiên cứu khoa học cơ bản; nghiên cứu khoa học xã hội, kinh tế; nghiên cứu chiến lược trọng điểm và nghiên cứu đổi mới sáng tạo. Một mục tiêu xa và lớn hơn nữa là hợp tác với các quốc gia ASEAN trong việc cùng góp vốn đầu tư phát triển khoa học ASEAN, một khi cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập trong năm 2015, tương tự như các quỹ nghiên cứu của cộng đồng châu Âu (European Research Council, Framework 7,…) với nhiều nguồn kinh phí từ các quốc gia thành viên, nhiều cơ hội hơn cho các nhà nghiên cứu ở đẳng cấp khu vực. Tất nhiên đây có thể là một ý tưởng còn mới mẻ và nên được xem xét kỹ càng trong các điều kiện thực tiễn ở ASEAN.

Bên cạnh các quỹ nghiên cứu được thành lập trên cơ sở phân chia theo lĩnh vực, theo các hướng nghiên cứu, Bộ KH&CN nên mạnh dạn thành lập các quỹ (chương trình) nghiên cứu hỗ trợ các nhà khoa học trẻ, những người bắt đầu sự nghiệp như một nhà nghiên cứu độc lập. Chương trình này sẽ hỗ trợ các nhà nghiên cứu trẻ phát triển các hướng nghiên cứu riêng của mình sau khi tốt nghiệp tiến sĩ và đã dành một thời gian đáng kể tích lũy kinh nghiệm qua thời gian làm nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ (postdoc research). Chương trình này sẽ là chìa khóa thu hút các nhà nghiên cứu trẻ được đào tạo và tích lũy kinh nghiệm làm việc từ nước ngoài, đồng thời chấm dứt được tình trạng các nhà nghiên cứu được đào tạo từ nước ngoài phải bỏ hướng nghiên cứu của riêng mình để “nắn bóp” cho phù hợp với điều kiện tại cơ sở nghiên cứu mà mình xin việc. Chương trình như thế này đã được phát triển ở nhiều quốc gia, thậm chí nhiều trường đại học lớn trên thế giới đã có những chương trình tương tự của riêng mình, nhưng chưa hề được xem xét tại Việt Nam.

Cùng với việc tái cơ cấu các quỹ tài trợ, việc hình thành các tổ chức nghiên cứu cũng cần được đổi mới theo các xu hướng trên thế giới. Chẳng hạn như một xu thế gần đây là tổ chức các đề tài nghiên cứu thành các “tập đoàn nghiên cứu” (research consortium) – nhiều nhóm nghiên cứu (từ nhiều đơn vị, nhiều lĩnh vực) kết hợp thành một consortium lớn. Mô hình này cho phép tập trung kinh phí nghiên cứu, tăng cường sự hợp tác giữa các nhóm nghiên cứu nhằm phát huy hết sức mạnh chuyên môn của nhân sự các nhóm, cũng như tận dụng các nguồn lực về cơ sở vật chất. Các nhóm hợp tác trong các “consortium” có thể dễ dàng trao đổi nhân sự, trao đổi thiết bị nghiên cứu với nhau nhằm cùng hoàn thành mục tiêu chung của đề tài lớn. Một consortium có thể cấu thành bởi nhiều đề tài từ các nhóm nghiên cứu khác nhau nhờ có cùng đối tượng nhưng có nhiệm vụ hoặc cách tiếp cận khác nhau. Nó được thành lập với một nhóm điều hành từ các lãnh đạo của các nhóm nghiên cứu cấu thành, và nhiệm vụ của từng nhóm được phân công dựa trên các đề xuất ban đầu. Mô hình này rất phổ biến ở các nước châu Âu, Mỹ mà chính bản thân người viết từng là một phần trong tổ hợp nghiên cứu như vậy gần 10 năm về trước khi làm nghiên cứu sinh tại Vương quốc Anh (2006 – 2010) 6 và hiện nay cũng đang là một thành viên của một tổ hợp nghiên cứu như vậy tại Đan Mạch. Ở Việt Nam, nơi còn thiếu sự hợp tác giữa các nhà khoa học và các nhóm nghiên cứu thì việc tổ chức các đề tài nghiên cứu lớn theo mô hình consortium sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao tính hợp tác trong văn hóa khoa học nước nhà.

Hi vọng một số ý kiến trên có thể được các nhà quản lý xem xét trong quá trình tái cơ cấu nền KH&CN Việt Nam.

—————————————————-

Chú thích:

1. http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/1-000-ty-dong-doi-moi-khoa-hoc-cong-nghe-3131387.html

2. Theo phê duyệt của Chính phủ (Quyết định 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012), năm hướng nghiên cứu ưu tiên cho chiến lược phát triển khoa học công nghệ quốc gia giai đoạn 2011-2020 bao gồm công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo máy – tự động hóa, và công nghệ môi trường

3. Chi tiết trên website của UK Research Councils: http://www.rcuk.ac.uk/

4.http://ufm.dk/en/research-and-innovation/councils-and-commissions/the-danish-council-for-strategic-research

5. Số tiền ngân sách dành cho khoa học và công nghệ năm 2014 là 25.000 tỉ đồng (1,2 tỉ USD), theo lời Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân (http://www.ngaynay.vn/Huong-di-nao-cho-khoa-hoc—cong-nghe-o-Viet-Nam-p269245.html) nhưng có một thực tế là kinh phí này chỉ còn 10% chi cho đầu tư nghiên cứu, còn 90% chi cho bộ máy quản lý.

6. Tác giả bài viết làm nghiên cứu sinh tại Đại học Glasgow, Vương quốc Anh (2006-2010) dưới sự tài trợ của quỹ EPSRC thông qua đề tài được tổ chức thành research consortium mang tên “Room temperature spintronics (Spin@RT)” bao gồm các nhóm nghiên cứu đến từ các trường hàng đầu ở Anh về từ học và spintronics: Cambridge, London, Glasgow, Leeds, Durham, và Rutherford Appleton Laboratory (RAL).

 

Tác giả